« 24 giờ cho Chúa » : « Chúng ta hãy dành cho Thiên Chúa vị trí ưu tiên trong xưng tội »

Tweet của Đức Giáo Hoàng và chân dụng của Hội Thánh

MARS 17, 2023 18:35 MARINA DROUJININAEVANGELISATION DES PEUPLES

Năm Thánh Lòng Thương Xót, Xưng tội trên Quảng Trường Thánh Phêrô, 23/4/2016

ĐGH Phanxicô chủ sự « 24 giờ cho Chúa » hôm thứ sáu 17/3/2023, lúc 16giờ30, trong giáo xứ Santa Maria Delle Grazie (Quảng trường Santa Maria Delle Grazie, 5), tại Rôma. Đây là phiên bản thứ 10 của sáng kiến cầu nguyện và hòa giải được cử hành trong các giáo phận trên toàn thế giới từ ngày thứ sáu 17 đến ngày thứ bẩy 18 tháng 3, trước chúa nhật thứ tư Mùa Chay.

Trong một thông điệp được công bố ngày hôm nay trên trang tweeter của ngài, Pontifex_fr, Đức Giáo Hoàng đã yêu cầu : « Chúng ta hãy dâng lên Thiên Chúa vị trí ưu tiên trong xưng tội. Nếu Người là Đấng Chủ Chốt, tất cả trở thành tốt đẹp và xưng tội trở nên một bí tích của vui mừng ; không phải là sợ hãi và phán xét, mà là vui mừng. #24heurespourleSeigneur »

Đức Giáo Hoàng chủ sự lễ cử hành tại nhà thờ Santa Maria delle Grazie, nằm ở giữa  thành phố Rôma, giữa các khu phố Prati và Trionfale, Vatican news giải thích bằng tiếng Ý. Đây là một kiến trúc tôn giáo hiện đại, bằng bê-tông và gạch, được xây dựng trong những năm 1930 và đã được khánh thành năm 1941. Dự án được thực hiện bởi kiến trúc sư Tullio Rossi, rất tích cực tại Rôma, đặc biệt trong việc thiết kế những công trình thánh thiêng có dấu ấn cổ điển, và bởi kỹ sư Franco Formart.

Tính hiện đại của công trình thánh này bắt nguồn từ một sự tích rất lâu đời hơn nữa, bởi vì nó thừa hưởng danh xưng của nhà thờ Santa Maria delle Grazie (Thánh Maria đầy Ơn Phúc) bên ngoài Porta Angelica, bị phá hủy vào năm 1930. Dưới chân của đền thờ, được xây cất trên nền cũ của giáo đường Grazie đã bị phá hủy, gìữa đường Angelica và Borgo Angelico, có khắc một dòng chữ : « Anh em hãy chào kính trong hình ảnh này Đức Maria Đầy Ơn Phúc được đưa về từ Giêrusalem về Rôma năm 1587 bởi thầy ẩn tu thầy Albenzio De Rossi ».

Đó là ảnh tượng Đức Trinh Nữ đang cho Chúa Giêsu Hài Đồng bú sữa, được đem về từ Đất Thánh bởi thầy đáng kính Albenzio de Rossi, một khuôn mặt biểu tượng của thời đại thầy. Những nguồn gốc truyện các thánh phục hồi một nhân cách sống động và chân thực của vị ẩn tu này, sinh ra tại Cetrato, trong tỉnh Cosenza, năm 1542.

Bức họa Đức Trin Nữ, được thực hiện trên một miếng Đồng, đến từ vùng Byzantine và có niên đại từ thế kỷ thứ XII đến thế kỷ thứ XIII. Tấm ảnh trình bầy Đức Trinh Nữ bồng Chúa Giêsu Hài Đồng đang bú sữa. Chúa Hài Đồng cầm trên tay một cuộn Thánh Thư có ghi bằng tiếng Hy Lạp câu đầu tiên của Sách Isaia ! « Thần Khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi ».

Trước lúc qua đời, Thầy Albenzio đã hiến tặng ảnh tượng Đức Trinh Nữ quý giá này cho thánh Đường Thăng Thiên, đã được đổi tên thành Đức Trinh Nữ Đầy Ơn Phúc và thu hút ngày càng nhiều các tín hữu. Năm 1806, thánh đường chuyển tay sang Dòng Đền Tội và sau khi bị phá hủy, giữa năm 1936 và năm 1939, ảnh tượng thánh, vốn đã được gìn giữ tại Vatican, cuối cùng đã trở về với sự sùng kính của dân Chúa tại vị trí mới, tại giáo xứ hiện tại là thánh đường Santa Maria delle Grazie (Thánh Maria đầy Ơn Phúc)

Trong sáng kiến « 24 giờ cho Chúa », các thánh đường trên thế giới sẽ mở cửa cả ngày, để cống hiến cho các tín hữu và khách hành hương khả năng dừng chân lại thờ lậy mọi lúc và có thể xưng tội. ĐGH Phanxicô chọn lựa thánh đường Santa Maria delle Grazie để cử hành là có chủ ý : một trong những đặc điểm của nhà thờ là ánh sáng vàng từ trong nhà thờ tỏa chiếu ra ngoài bằng ba cửa ra vào có thể nhìn thấy từ xa và sẽ mở rộng trong 24 giờ.

Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.

« 24 heures pour le Seigneur » : « Donnons à Dieu la première place dans la confession » – ZENIT – Francais

Posted in Chưa được phân loại | Chức năng bình luận bị tắt ở « 24 giờ cho Chúa » : « Chúng ta hãy dành cho Thiên Chúa vị trí ưu tiên trong xưng tội »

ĐGH Phanxicô gặp gỡ Phái Đoàn Hội Phật Giáo Nhân Văn Thống Nhất (Đài Loan)

Sảnh Đường Clemntine ngày thứ năm 16 tháng 3 năm 2023

Bài diễn văn của ĐGH Phanxicô.

Kính thưa Hòa Thượng, quý anh chị em thân mến !

Tôi rất hân hạnh đón tiếp quý vị, quý vị đại diện cho Phật Giáo nhân văn tại Đài Loan, và vị đại diện cho Giáo Hội công giáo. Sự hiện diện của quý vị chứng minh tinh thần bằng hữu và hợp tác mà quý vị nuôi dưỡng với tư cách là những người có niềm tin, bám rễ chặt chẽ trong những hành trình tôn giáo của quý vị. Cuộc gặp gỡ của chúng ta diễn ra ít ngày sau sự viên tịch của Đại Lão Hòa Thượng Tinh Vân, Tổ sư khai lập Phật Quang Sơn. Ngài được toàn thế giới biết đến vì sự đóng góp của ngài cho Phật Giáo nhân văn ; ngài cũng là một đại sư của sự hiếu khách liên tôn.

Cuộc viếng thăm của quy vị, mà quý vị đã mệnh danh là chuyến hành hương giáo dục, tượng trưng cho một cơ hội để làm thăng tiến nền văn hóa gặp gỡ, trong đó chúng ta mạo hiểm mở lòng ra cho những người khác, tin tưởng rằng chúng ta sẽ khám phá nơi họ những người bằng hữu, những người anh em và chị em, và như thế chúng ta học được và khám phá nhiều hơn về chính chúng ta. Thực chất, bằng cách trải nghiệm về những người khác trong sự đa dạng của họ, chúng ta được khuyến khích hãy bước ra khỏi chính chúng ta và chấp nhận và ôm lấy những khác biệt của chúng ta.

Một cuộc hành hương giáo dục liên tôn có thể là một nguồn phong phú lớn, cống hiến nhiều cơ hội gặp gỡ, học hỏi lẫn nhau và đánh giá những kinh nghiệm khác nhau của chúng ta. Nền văn hóa gặp gỡ xây những nhịp cầu và mở ra những cánh cửa trên các giá trị và những nguyên tắc thánh thiêng gây cảm hứng cho những người khác. Nó giật sập những bức tường ngăn chia con người là giam hãm con người trong những định kiến, những thành kiến hay sự vô cảm.

Một cuộc hành hương đến những nơi thánh địa của một tôn giáo – như cuộc hành hương mà quý vị đang thực hiện – cũng có thể làm phong phú sự nhận xét của chúng ta về tính độc đáo của sự tiếp cận thần thánh của tôn giáo đó. Các tác phẩm nghệ thuật tôn giáo chung quanh chúng ta tại Vatican và trong tất cả thành phố Rôma phản ánh sự xác tín rằng, nơi Chúa Giêsu Kitô, đích thân Thiên Chúa đã trở thành « khách hành hương » trên thế giới này vì tình thương yêu đối với gia đình nhân loại của chúng ta. Đối với những người Kitô hữu, Thiên Chúa, đấng đã hạ mình làm một người của chúng ta trong nhân tính của Chúa Giêsu, tiếp tục dẫn dắt chúng ta trong một cuộc hành hương nên thánh, nhờ đó chúng ta tìm lại được nhau và như thế, chúng ta lớn lên giống như Người, như lời thánh Phêrô đã nói, « được thông phần bản tính Thiên Chúa » (2Pr 1,2).

Suốt trên chiều dài lịch sử, các tín đồ đã tạo ra những thời gian và không gian linh thiêng như những ốc đảo của sự gặp gỡ, nơi mà con người nam và nữ có thể đong múc cảm hứng cần thiết để sống khôn ngoan và tốt đẹp. Bằng cách đó, họ đóng góp vào một nền giáo dục toàn diện của con người, bao gồm « khối óc, đôi tay, trái tim và linh hồn » và như thế dẫn đưa con người đến sự trải nghiệm « sự hài hòa và toàn vẹn của con người, nghĩa là tất cả vẻ đẹp của sự hài hòa đó » (Cuộc họp về Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu “Tôn giáo và Giáo dục”, ngày 5 tháng 10 năm 2021).

Những ốc đảo gặp gỡ như thế càng cần thiết hơn trong thời đại của chúng ta, « trong đó sự tăng tốc liên tục của những thay đổi trong nhân loại và trên hành tinh ngày nay đang kết hợp với sự gia tăng nhịp sống và việc làm » (Sứ điệp Laudato si’, 18). Thực tế này cũng có những hệ lụy trên đời sống tôn giáo và nền văn hóa và đòi hỏi một sự đào tạo và một nền giáo dục thích nghi của những người trẻ về những chân lý phi vật chất và về những phương pháp đã được thử nghiệm về cầu nguyện và về củng cố hòa bình. Ở đây, quan trọng là phải ghi nhận thêm một lần nữa là « tôn giáo luôn có một mối quan hệ chặt chẽ với giáo dục, các hoạt động tôn giáo đi kèm với các hoạt động giáo dục, học đường và kinh viện. Như trong quá khứ, và cả ngày hôm nay, với sự khôn ngoan và tính nhân vản của các tôn giáo, chúng ta muốn là một kích thích tố cho một hành động giáo dục được canh tân vốn có thể làm lớn lên tình huynh đệ phổ quát trên thế giới » (Cuộc họp “Tôn giáo và Giáo dục”, ngày 5 tháng 10 năm 2021).  

Thưa các bạn thân mên, tôi cầu chúc rằng chuyến hành hương giáo dục này dẫn đưa quý vị, được hướng dẫn bởi trí tuệ của Đức Phật là bậc Thầy linh thiêng của quý vị, đến một sự gặp gỡ sâu đậm hơn với bản thân quý vị và với những người khác, với truyền thống Kitô giáo và với vẻ đẹp của trái đất, vốn là ngôi nhà chung của chúng ta. Mong rằng chuyến viếng thăm Rôma của quý vị được phong phú bởi những thời khắc gặp gỡ đích thực, có thể trở nên những cơ hội quý giá để phát triển sự nhận thức, sự khôn ngoan, sự đối thoại và sự thông hiểu.

Tôi cảm ơn quý vị vì chuyến viếng thăm này và tôi cầu nguyện sự chúc lành từ trời xuống trên quý vị. Cảm ơn.

Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của vatican.va

À une délégation de l’Association unie du bouddhisme humaniste (Taïwan) (16 mars 2023) | François (vatican.va)

Posted in Chưa được phân loại | Chức năng bình luận bị tắt ở ĐGH Phanxicô gặp gỡ Phái Đoàn Hội Phật Giáo Nhân Văn Thống Nhất (Đài Loan)

Bài giáo lý bằng tiếng Pháp : « là tông đồ trong một Giáo Hội tông truyền »

Chúng ta hãy kiểm chứng « các thái độ, các lựa chọn và các quyết định của chúng ta »

MARS 15, 2023 18:22 MARINA DROUJININAAUDIENCE GÉNÉRALEPAPE FRANÇOIS

ĐGH Phanxicô giải thích « Làm ‘‘Tông Đồ’’ ngày hôm nay có nghĩa là gì » trong bài giáo lý

Tiếp tục chuỗi bài giáo lý « về niềm đam mê rao giảng Tin Mừng », ĐGH Phanxicô giải thích « làm ‘‘tông đồ’’ ngày hôm nay có nghĩa là gì ». Làm tông đồ « có nghĩa là được sai đi để làm sứ vụ và điều này cần phải có một ơn gọi » của Thiên Chúa, ngài nói với những người nói tiếng Pháp trong buổi triều kiến chung ngày hôm thứ tư 15/3/2023, trên Quảng Trường Thánh Phêrô. « Kinh nghiệm của nhóm Mười Hai » tông đồ và « sự làm chứng » của thánh Phaolô « ngày hôm nay vẫn còn chất vấn chúng ta để kiểm chứng những thái độ, những lựa chọn và những quyết định của chúng ta, bởi vì mọi sự tùy thuộc vào một ơn gọi nhưng không của Thiên Chúa và xứng đáng có một sự đáp trả nhưng không », Đức Giáo Hoàng khẳng định.

Ngài nhắc rằng, theo những giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II, « có một ơn gọi chung liên quan đến cả những người nhận được bí tích truyền chức thánh, những người tận hiến, lẫn những người tín hữu giáo dân ». « Ơn gọi này cho phép họ hoàn thành nhiệm vụ tông đồ của họ trong một Giáo Hội ».

Vào cuối buổi triều kiến, ĐGH Phanxicô đã chào mừng « thân mật những người nói tiếng Pháp, đặc biệt là những bạn trẻ đến từ trường trung học cấp ba và các trường trung học của Pháp, cũng như các khách hành hương của Trung Tâm Madeleine Daniélou ».

Đức Giáo Hoàng đã mời gọi – « trong Mùa Chay này » – hãy cầu nguyện « cho tất cả các Kitô hữu để, trong một tinh thần hợp tác được đặt nền tảng đối thoại và sự tôn trọng phẩm giá của mỗi người, họ có thể mang niềm hy vọng tới cho thế gian ngày hôm nay ».

« Cầu xin Thiên Chúa ban phép lành cho quý anh chị em ! », Đức Giáo Hoàng kết luận.

Bài Giáo Lý bằng tiếng Pháp

Quý anh chị em thân mến,

Chúng ta tiếp tục bài giáo lý về niềm đam mê rao giảng Tin Mừng và, theo trường học của Công Đồng Vaticanô II, chúng ta tìm hiểu thêm về sự kiện làm « tông đồ » ngày hôm nay có nghĩa là gì. Chúng ta được kêu gọi làm tông đồ trong một Giáo Hội tông truyền. Làm tông đồ có nghĩa là được sai đi làm một sứ vụ và điều này cần có một ơn gọi. Ngay từ đầu, Chúa Giêsu đã gọi đến với Người những ai mà Người muốn sai đi làm sứ vụ. Cũng như thế, thánh Phaolô tự nhận mình như đã được ơn gọi để làm tông đồ. Kinh nghiệm của nhóm Mười Hai và sự làm chứng của thánh Phaolô ngày hôm nay vẫn còn chất vấn chúng ta là hãy kiểm chứng thái độ, sự lựa chọn và những quyết định của chúng ta, bởi vì tất cả tùy thuộc vào một ơn gọi nhưng không của Thiên Chúa và xứng đáng có được một sự đáp trả nhưng không. Theo Công Đồng, có một ơn gọi chung vừa liên quan đến những người đã nhận được bí tích truyền chức thánh, những người tận hiến, và mọi tín hữu giáo dân. Ơn gọi này cho phép hoàn thành nhiệm vụ tông đồ của họ trong lòng một Giáo Hội nơi có sự đa dạng các thừa tác vụ nhưng cũng có sự thống nhất về sứ vụ. Liên quan đến sự thống nhất của sứ vụ, sự đa dạng của các đặc sủng và những thừa tác vụ không được dẫn đến những thứ hạng đặc quyền, cũng không là lý do gây ra những bất bình đẳng trong Giáo Hội. tất cả mọi người đều bình đẳng về những gì liên quan đến phẩm giá và hành động chung để xây dựng Thân Thể của Chúa Kitô. Như thế, chúng ta được mời gọi hãy nghĩ lại những quan hệ của chúng ta để kiểm chứng phong cách mà chúng ta sống ơn gọi Rửa Tội của chúng ta, phong cách làm tông đồ của chúng ta trong một Giáo Hội tông truyền.

Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.

Catéchèse en français : « être apôtres dans une Église apostolique » – ZENIT – Francais

Posted in Chưa được phân loại | Chức năng bình luận bị tắt ở Bài giáo lý bằng tiếng Pháp : « là tông đồ trong một Giáo Hội tông truyền »

Làm « tông đồ », chính là « lắng nghe, khiêm hạ, phục vụ người khác »

Bài giáo lý bằng tiếng Ý (Bản dịch tòan văn)

15 mars 2023 18:20 Hélène GinabatAudience Générale

Đức Giáo Hoàng gặp đám đông trên Quảng Trường Thánh Phêrô trong triều kiến chung

« Lắng nghe, khiêm hạ, phục vụ người khác : đó là phục vụ, đó là Kitô hữu, đó là tông đồ » : chính với công thức sắt đá này mà ĐGH Phanxicô đã định nghĩa « Tông đồ » là gì trong bài giáo ly của ngài về chủ đề « Niềm đam mê rao giảng Tin Mừng : lòng hăng hái tông đồ của người tín hữu »

Trong buổi triều kiến chung, hôm thứ tư 15/3/2023, trên Quảng Trường Thánh Phêrô, ĐGH Phanxicô đã tiếp tục sự giảng dạy của ngài về rao giảng Tin Mừng và lòng hăng hái tông đồ. Ngài đã dành bài giáo lý thứ 7 này về chủ đề ý nghĩa của từ ngữ « tông đồ » từ Công Đồng Vatican II. Hội Thánh « là tông truyền », độc lập với « những việc đột xuất không quan trọng của thời điểm », ngài tuyên bố.

Là tông đồ, chính là « được sai đi làm sứ vụ », Đức Giáo Hoàng khẳng định, giống như mười hai tông đồ được sai đi trên thế gian bởi Đức Kitô phục sinh. Cũng chính là một « ơn gọi », một « ơn gọi nhưng không của Thiên Chúa » gửi đến « tất cả mọi người », linh mục, người tận hiến và tín hữu giáo dân : « kho báu mà bạn đã nhận được với ơn gọi Kitô giáo, bạn hãy cho đi : đó là động lực của ơn gọi, đó là động lực của sự sống », ngài nhấn mạnh.   

Đối với Công Đồng, « sự hợp tác của các giáo dân với giáo quyền » không phải đơn giản là « một sự thích ứng mang tính sách lược với những tình thế mới ». Đức Giáo Hoàng cảnh báo chống rủi ro thiết lập trong Hội Thánh « những thứ hạng đặc quyền » tính theo các đặc sủng và các thừa tác vụ. Ngài mời gọi hãy « suy nghĩ lại về nhiều khía cạnh trong các mối quan hệ của chúng ta », « mang tính quyết định để rao giảng Tin Mừng ». Và ngài nhấn mạnh : ơn gọi chung cho tất cả mọi người, đó là « phục vụ người khác, trong sự khiêm nhượng ».

Bài giáo lý của ĐGH Phanxicô bằng tiếng Ý (Bản dịch toàn văn)

Thân chào quý anh chị em !

Chúng ta tiếp tục các bài giáo lý về niềm đam mê rao giảng Tin Mừng : không chỉ về ‘‘rao giảng Tin Mừng’’, nhưng niềm đam mê rao giảng Tin Mừng và, ở trường học của Công Đồng Vaticanô II, chúng ta tìm cách hiểu rõ hơn ý nghĩa làm ‘‘tông đồ’’ ngày hôm nay. Từ ngữ ‘‘tông đồ’’ gợi nhớ đến nhóm Mười Hai môn đệ được Chúa Giêsu chọn. Đôi khi người ta gọi là ‘‘tông đồ’’ một số các thánh, hay nói chung là các giám mục : họ là các tông đồ, bởi vì họ đi nhân danh Chúa Giêsu. Nhưng chúng ta có ý thức được rằng chức năng tông đồ liên quan đến cả mỗi người Kitô hữu không ? Chúng ta có ý thức được rằng điều đó có liên quan đến mỗi người trong chúng ta không ? Quả vậy, chúng ta được kêu gọi để trở thành tông đồ – nghĩa là những người được sai đitrong lòng một Giáo Hội mà chúng ta tuyên xưng là tông truyền trong Kinh Tin Kính.

Như vậy, là tông đồ có nghĩa là gì ? Đó là được sai đi cho một sứ vụ. Biến cố điển hình và mang tính nền tảng là biến cố Chúa Kitô phục sinh sai các tông đồ của Người đi khắp thế gian, bằng cách truyền lại cho các ông quyền phép mà Người đã chính mình nhận được từ Chúa Cha và Người đã ban cho các ông Thánh Thần của Người. Chúng ta đọc trong Tin Mừng theo thánh Gioan : « Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em », nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : « Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần » (Ga 20, 21-22).

Một khía cạnh căn bản nữa của căn tính người tông đồ là ơn gọi, nghĩa là lời kêu gọi. Đã như thế từ lúc ban đầu, khi Chúa Giêsu « gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người » (Mc 3,13). Người lập các ông thành nhóm và ban cho các ông danh nghĩa ‘‘tông đồ’’, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng (x. Mc 3,14 ; Mt 10, 1-42). Thánh Phaolô tự giới thiệu mình như thế trong các thư của ngài : « Tôi là Phaolô, … được gọi làm tông đồ » (1Cr 1,1), nghĩa là được sai đi, và còn nữa : « Tôi là Phaolô, tôi tớ của Đức Kitô Giêsu ; tôi được gọi làm Tông Đồ, và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa » (Rm 1,1). Và ngài nhấn mạnh trên sự kiện là « Tông Đồ không phải do loài người, cũng không phải nhờ một người nào đó, nhưng bởi Đức Giêsu Kitô và Thiên Chúa là Cha, Đấng đã cho Người từ cõi chết trỗi dậy » (Gl 1,1) ; Thiên Chúa đã gọi ngài từ trong lòng mẹ ngài để rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc (x. Gl 1, 15-16).

Kinh nghiệm của Mười Hai tông đồ và sự làm chứng của thánh Phaolô, ngày hôm nay vẫn còn chất vấn chúng ta. Các ngài mời gọi chúng ta hãy kiểm chứng thái độ, sự lựa chọn và những quyết định của chúng ta, từ những dấu mốc này : tất cả tùy thuộc vào một ơn gọi nhưng không của Thiên Chúa ; Thiên Chúa cũng chọn chúng ta cho những sự phục vụ vốn đôi khi có vẻ như vượt quá khả năng của chúng ta hay không phù hợp với những chờ đợi của chúng ta ; với ơn gọi nhưng không, phải đáp trả một cách nhưng không.

Công Đồng dạy rằng : « Ơn gọi làm Kitô hữu tự bản chất cũng là ơn gọi làm tông đồ » (Sắc lệnh Apostolicam actuositatem [AA], 2). Đây là một ơn gọi chung, « cùng chung một phẩm giá giữa các chi thể do được tái sinh trong Đức Kitô, cùng chung một ân sủng là con cái Thiên Chúa và cùng chung một ơn gọi hướng tới sự toàn thiện ; chỉ có một ơn cứu độ, một niềm hy vọng và một đức ái không phân chia » (Hiến Chế Lumen gentium [LG], 32).  

Đây là một ơn gọi liên quan đồng thời với những người đã lãnh nhận bí tích truyền chức thánh, những ngượi tận hiến, cũng như mỗi tín hữu giáo dân, nam hay nữ, đây là một ơn gọi cho tất cả mọi người. Bạn, kho báu mà bạn đã nhận được với ơn gọi Kitô giáo, bạn phải cho nó đi : đây là động lực của ơn gọi, đó là động lực của sự sống. Đây là một ơn gọi cho phép hoàn thành nhiệm vụ tông đồ của riêng mình, một cách tích cực và sáng tạo, giữa lòng một Giáo Hội trong đó « có nhiều thừa tác vụ khác nhau, nhưng đều trực thuộc một sứ mệnh duy nhất. Đức Kitô đã trao phó cho các tông đồ và những đấng kế vị các ngài nhiệm vụ giảng dạy, thánh hóa và cai quản nhân danh Người và trong quyền năng của Người. – Nhưng cũng cho các giáo dân : tất cả quý anh chị em, đa số quý anh chị em là giáo dân – Phần các giáo dân, vì được tham dự thực sự vào chức năng tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô, nên cũng góp phần thực hiện sứ mệnh của toàn thể dân Chúa trong Giáo Hội và trên trần gian » (AA, 2)

Trong khuôn khổ đó, Công Đồng hiểu như thế nào về sự hợp tác của các giáo dân với giáo quyền. Công đồng dự kiến ra sao ? Có phải đơn giản chỉ là một sự thích nghi mang tính sách lược với những tình thế mới mẻ sẽ xẩy ra không ? Hoàn toàn không, không hề có chuyện đó : nó còn hơn thế đó, là cái gì vượt khỏi những ngẫu nhiên của thời diểm và giữ nguyên giá trị của nó cho chúng ta. Giáo hội là như thế đo, Giáo Hội là tông truyền.

Trong khuôn khổ sự thống nhất của sứ vụ truyền giáo, sự đa dạng của các đặc sủng và các thừa tác vụ không được làm nẩy sinh, trong thân thể giáo hội, những đẳng cấp đặc quyền : Đây không phải là một sự thăng chức, và khi bạn quan niệm đời sống Kitô hữu như một sự thăng chức, rằng người ở trên đỉnh chỉ huy những người khác bởi vì người đó đã thành công leo lên cao hơn, thì đó không phải là Kitô giáo. Đó là thuần túy tà giáo. Ơn gọi Kitô giáo không phải là một sự thăng chức để vươn mình lên cao hơn, không phải thế ! Nó là chuyện khác. Và đó là một chuyện quan trọng, « mặc dù theo ý Đức Kitô, một số người được đặt làm thầy dạy, làm người phân phát các mầu nhiệm và làm chủ chăn vì những người khác, nhưng tất cả mọi người đều thực sự bình đẳng về phẩm giá và về hoạt động chung của toàn thể các tín hữu trong việc xây dựng thân mình Đức Kitô » (LG,32). Ai là người có phẩm giá cao nhất trong Giáo Hội : giám mục, linh mục phải không ? Không… chúng ta tất cả đều là các Kitô hữu để phục vụ người khác. Ai là người quan trọng nhất trong Giáo Hội : vị nữ tu hay người giáo dân bình thường, em nhỏ hay đức giám mục ? Tất cả mọi người đều bình đẳng, chúng ta bình đẳng, và khi một trong những bên cho rằng mình quan trọng hơn những người khác và vênh mặt lên, thì đó là sai lầm. Đó không phải là ơn gọi của Chúa Giêsu. Ơn gọi mà Chúa Giêsu ban cho tất cả mọi người – nhưng nhất là những người dường như đang ở những địa vị cao hơn – là sự phục vụ, phục vụ người khác, trong sự khiêm nhượng. Nếu bạn thấy một người trong Giáo Hội có một ơn gọi cao hơn và bạn thấy người đó kiêu căng hợm hĩnh, bạn sẽ nói ‘‘tội nghiệp cho người đó’’ bạn hãy cầu nguyện cho người đó vì người đó đã không hiểu ơn gọi của Thiên Chúa là gì. Ơn gọi của Thiên Chúa là sự thờ phượng Chúa Cha, là tình yêu đối với cộng đoàn và sự phục vụ. Đó mới là tông đồ, đó mới là sự làm chứng của các tông đồ.

Vấn đề bình đẳng về phẩm giá mời gọi chúng ta hãy suy nghĩ lại nhiều khía cạnh trong những mối quan hệ của chúng ta, vốn mang tính quyết định cho việc rao giảng Tin Mừng. Thí dụ, chúng ta có ý thức được rằng bằng lời nói của chúng ta, chúng ta có thể xúc phạm đến phẩm giá của người khác, do đó phá hoại những quan hệ trong Giáo Hội không ? Trong lúc mà chúng ta cố gắng đối thoại với thế giới, chúng ta cũng có biết rằng phải đối thoại với chính chúng ta là các tín hữu không ? Hay là trong giáo xứ, người này chống người kia, người này nói xấu người kia để vươn lên cao hơn không ? Chúng ta có biết lắng nghe để hiểu biết những lý luận của người khác, hay là chúng ta áp đặt ý kiến của chúng ta, có khi dùng cả những lời ngon ngọt không ? Lắng nghe, khiêm hạ, phục vụ người khác : cái đó là phục vụ, cái đó là người Kitô hữu, cái đó là tông đồ.

Quý anh chị em thân mến, Chúng ta đừng sợ tự đặt cho mình những câu hỏi này. Chúng ta hãy bỏ trốn sự phù phiếm, sự kiêu căng hợm hĩnh của những địa vị. Những lời nói đó có thể giúp chúng ta xét lại cách chúng ta sống ơn gọi Rửa Tội của chúng ta như thế nào,  cách chúng ta sống tư cách là tông đồ như thế nào trong một Giáo Hội tông truyền, vốn là để phục vụ người khác.

Copyright © Libreria Editrice Vaticana

Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.

https://fr.zenit.org/2023/03/15/etre-apotre-cest-ecouter-shumilier-etre-au-service-des-autres/?utm_source=mailpoet&utm_medium=email&utm_campaign=etre-apotres-dans-une-eglise-apostolique-9-titres-mercredi-15-mars-2023_355

Posted in Chưa được phân loại | Chức năng bình luận bị tắt ở Làm « tông đồ », chính là « lắng nghe, khiêm hạ, phục vụ người khác »

Mông Cổ : cuộc viếng thăm có thể của ĐGH Phanxicô vào tháng chín 2023

Một cộng đoàn nhỏ với 1400 tín hữu

MARS 13, 2023 18:39 MARINA DROUJININAPAPE FRANÇOISVOYAGES

Ông Nambaryn Enkhbayar, cựu Tổng Tống Mông Cổ trong cuộc tiếp kiến của ĐGH Phanxicô

Có thể ĐGH Phanxicô sẽ thực hiện một chuyến tông du tới Mông Cổ vào tháng 9 năm 2023 này, một cơ quan báo chí chính thức của Viện Giáo Hoàng về các việc truyền giáo nước ngoài của Giáo Hội công giáo, là asianews cho biết. Điều này đã được tiết lộ bởi chính Đức Giáo Hoàng khi trả lời những câu hỏi của các nhà báo về những chuyến tông du sắp tới trên chuyến bay trở về từ Nam Suđan, hôm 05/02/ vừa qua. « Tôi đi Marseille ngày 23 tháng 9, ngài nói, và có thể từ Marseille, tôi sẽ bay sang Mông Cổ, nhưng chưa chắc chắn, có lẽ thôi ».

« Nếu dự án này được thực hiện, đây có lẽ sẽ là một sự kiện vô cùng có ý nghĩa đối với Châu Á », asianews nhấn mạnh. Mông Cổ đã mất hết những dấu tích của cuộc rao giảng Tin Mừng đầu tiên, được mang đến đây vào thiên kỷ thứ nhất. Sau sự hồi sinh của Giáo Hội trên đất nước này – cách đây 30 năm – hiện nay có chừng 1400 tín hữu. Vào tháng 8 năm 2022, ĐGH Phanxicô đã bầy tỏ sự quan tâm của ngài đối với cộng đoàn Kitô giáo Mông Cổ bằng cách phong chức Hồng Y cho vị giám quản tông tòa của Oulan-Bator và là một vị thừa sai người Ý thuộc dòng Consolata tại Mông Cổ từ khoảng hai chục năm nay, Đức Cha Giorgio Marengo.

Hiện diện tại Nour-Soultan, ở Kazakhstan, nhân chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng (tháng 9 năm 2022), vị thành viên trẻ nhất của Hồng Y Đoàn, 48 tuổi, đã nhấn mạnh rằng ĐGH Phanxicô « rất được ngưỡng mộ » tại Mông Cổ, chính xác là vì sự dấn thân của ngài cho sự đối thoại và cho việc cổ vũ một nền văn hóa hòa bình và huynh đệ.

Vào tháng 8 năm rồi tại Vatican, ĐGH Phanxicô đã tiếp kiến một phái đoàn của chính phủ Mông Cổ được dẫn đầu bởi nguyên tổng thống Nambaryn Enkhbayar. Ông này đã đệ lên Đức Giáo Hoàng lời mời chính thức đến thăm Mông Cổ, và Đức Giáo Hoàng đã trả lời rằng ngài đã dự trù thực hiện chuyến đi này.

Nếu quả là ĐGH Phanxicô sẽ đáp máy bay đi Mông Cổ ngày 23 tháng 9 tới đây từ Marseille, « chuyến viếng thăm này cũng sẽ mang một tính cách rất đặc biệt vì lý do là thởi điểm chuyến đi này được thực hiện », cũng nguồn tin này cho biết. ĐGH Phanxicô sẽ đi thăm một trong những Giáo Hội nhỏ bé nhất thế giới, chỉ mấy ngày trước Công Nghị của Thượng Hội Đồng các Giám Mục sẽ khai mạc tại Rôma ngày 04/10/2023 tới đây. « Như thế, chuyến đi này cũng có thể mang một tính cách biểu tượng trong bối cảnh hành trình hiệp hành mà Đức Giáo Hoàng đã muốn với chủ ý lắng nghe tiếng nói của tất cả mọi cộng đồng ».

Măi Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.

Mongolie : possible visite du pape François en septembre – ZENIT – Francais

Posted in Chưa được phân loại | Chức năng bình luận bị tắt ở Mông Cổ : cuộc viếng thăm có thể của ĐGH Phanxicô vào tháng chín 2023

« Ơn hòa bình » : « Niềm tin cậy của chúng ta không thất bại, hy vọng không yếu đi »

Lời Đức Giáo Hoàng sau Kinh Truyền Tin

MARS 13, 2023 18:19 MARINA DROUJININAANGÉLUSPAPE FRANÇOIS

Đám đông tụ tập trên Quảng Trường Thánh Phêrô giờ Kinh Truyền Tin ngày 12/3/2023

Chúng ta hãy hợp nhất trong đức tin và đoàn kết với anh em chúng ta đang chịu đau khổ vì lý do chiến tranh ; nhất là chúng ta đừng quên người dân Ukraina đang chịu tử đạo ! » : đó là một lời kêu gọi của ĐGH Phanxicô được đưa ra sau Kinh Truyền Tin ngày 12/3/2023, chúa nhật thứ ba Mùa Chay, trên Quảng Trường Thánh Phêrô.

Đức Giáo Hoàng đã gợi nhớ « Kinh trọng thể Hiến Dâng lên Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ Maria » và một lời khẩn cầu xin « ơn bình an » cách đây một năm, hôm 25/3/2022. « Niềm tin không thất bại, hy vọng không suy giảm », ngài đã ghi nhận về chủ đề này : « Chúa luôn đoái nghe những lời cầu khẩn mà dân của Người dâng lên qua lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria », Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh.  

Ngài cũng đã loan báo sáng kiến « 24 giờ cho Chúa », « một thời gian dành cho cầu nguyện tôn thờ và cho bí tích Hòa giải », vào ngày thứ sáu 17/3 và ngày thứ bẩy 18/3. « Chiều thứ sáu, tôi sẽ đến một giáo xứ của Rôma để cử hành sám hối », ngài nói thêm.

Chúng ta nên nhớ rằng ngày 25/3/2022, nhân buổi Cử Hành Sám Hối trong Đền Thánh Phêrô, ĐGH Phanxicô đã hiến dâng Nước Nga và nước Ukraina cho Trái Tim Vô Nhiễm của Đức Mẹ Maria. Lời yêu cầu đã được dâng lên Đức Giáo Hoàng trong giờ Kinh Truyền Tin hôm chúa nhật 13/3/2022, bằng những biểu ngữ tiếng Ý, trên quảng trường Thánh Phêrô.

« Lạy Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng con, chúng con phó thác và long trọng dâng lên Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ, bản thân chúng con, Hội Thánh và toàn thể nhân loại, đặc biệt là nước Nga và nước Ukraina » : đó là điều Đức Giáo Hoàng đã cầu xin.

Kinh này cũng đã đồng thời được đọc tại Fatima, Bồ Đào Nha, bởi Đức Hồng Y người Balan Konrad Krajewski, đặc phái viên của Đức Giáo Hoàng.

Ngày 13 tháng 10 năm 2013, ĐGH Phanxicô đã lập lại sự Dâng Tiến được thực hiện bởi thánh Gioan Phaolô II năm 1984.

Chúng ta cũng nên nhớ rằng ĐGH Piô XII đã hai lần thực hiện sự hiến dâng này và ĐGH Gioan Phaolô II đã lập lại bằng cách hiến dâng toàn thể nhân loại lên Trái Tim Vô Nhiễm của Đức Mẹ Maria, trên Quảng Trường Thánh Phêrô, hôm 25/3/1984, trong khuôn khổ của Năm Đại Thánh Cứu Chuộc và Ngày các Gia Đình. ĐGH Gioan Phaolô II đã giải thích rằng sự hiến dâng này nằm trong sự hiến dâng của chính Chúa Kitô để cứu độ thế gian và sự hiến dâng của chính Đức Mẹ Maria lên Chúa Kitô và Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.

« Le don de la paix » : « Notre confiance n’échoue pas, l’espoir ne faiblit pas » – ZENIT – Francais

Posted in Chưa được phân loại | Chức năng bình luận bị tắt ở « Ơn hòa bình » : « Niềm tin cậy của chúng ta không thất bại, hy vọng không yếu đi »

« Chúng ta có thể hiểu được cơn khát của người khác không ? »

Lời ĐGH Phanxicô trước Kinh Truyền Tin

MARS 13, 2023 18:10 HÉLÈNE GINABATANGÉLUSPAPE FRANÇOIS

ĐGH Phanxicô trong giờ Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật 12 tháng 3 năm 2023

« Chúng ta có thể hiểu được cơn khát của những người khác », « cơn khát thiêng liêng của họ, cơn khát vật chất của họ » không ? Đó là câu hỏi ĐGH Phanxicô đã đặt ra khi kết thúc bài suy ngẫm của ngài về đoạn Phúc Âm ngày Chúa Nhật 12/3/2023, khi dẫn nhập Kinh Truyền Tin ngài đọc trên cửa sổ Dinh Tông Tòa trông xuống Quảng Trường Thánh Phêrô.

ĐGH Phanxicô đã nói trước một đám đông khoảng 20 000 du khách và khách hành hương tập trung trên Quảng Trường Thánh Phêrô, cho buổi đọc kinh truyền thống kính Đức Mẹ, ngày chúa nhật 12/3/2023, vào lúc trưa. Bình giảng bài Phúc Âm, trong đó thánh Gioan kể lại cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với người phụ nữ Samari gần bên giếng Giacóp, Đức Giáo Hoàng đã dừng lại ở lời của Chúa Giêsu : « Cho tôi xin chút nước uống ! »

Những lời của Chúa Giêsu nói với người phụ nữ Samari, « Cho tôi xin chút nước uống ! », cũng là một « lời kêu gọi – đôi khi thầm lặng – được gửi đến chúng ta mỗi ngày và yêu cầu chúng ta săn sóc đến cơn khát của tha nhân », Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh. Đó là lời của « những người đang khát sự gần gũi », hay là « khát Lời của Thiên Chúa và đang cần tìm thấy trong Hội Thánh một vùng nước mát » nói với chúng ta. Đó là lời kêu gọi, ĐGH Phanxicô nói tiếp, của xã hội chúng ta đang bị « sự khô hạn và một sự trống rỗng nội tâm », hay là của những người đang « thiếu nước để sinh sống ».

Chúa Giêsu đã « hạ mình » xuống đến độ cũng bị « khát như chúng ta ». Nhưng nhất là, Đức Giáo Hoàng nhắc nhở, Người « khao khát tình yêu của chúng ta ». Và Đấng « xin nước uống lại chính là Đấng ban nước uống », Đấng « làm dịu cơn khát của chúng ta bằng tình yêu của Người ». Người là Đấng « hàng ngày đến gặp chúng ta », Người « hứa ban cho chúng ta nước hằng sống sẽ làm tuôn ra trong chúng ta sự sống đời đời ». Như thế, ĐGH Phanxicô kết luận, « như người phụ nữ Samari » chạy đi tìm mọi người trong làng cô ta, « chúng ta cũng vậy, chúng ta có thể làm dịu cơn khát của những người khác ».

Lời ĐGH Phanxicô trước Kinh Truyền Tin

Thân chào và chúc ngày chúa nhật tốt đẹp quý anh chị em !

Chúa nhật này, Phúc Âm trình bầy với chúng ta một trong những cuộc gặp gỡ đẹp đẽ nhất và hấp dẫn nhất của Chúa Giêsu, cuộc gặp gỡ với người phụ nữ Samari (x. Ga 4, 5-42). Chúa Giêsu và các môn đệ đã nghỉ chân gần một cái giếng tại Samari. Một người phụ nữ Samari đến và Chúa Giêsu nói với cô ta : « Chị cho tôi xin chút nước uống » (c.7). Tôi muốn dừng ngay tại câu nói này : cho tôi xin chút nước uống.

Cảnh tượng cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đang bị khát và mệt, Người để cho người phụ nữ Samari tìm thấy Người ở bên giếng nước, vào lúc nóng nhất trong ngày, vào giữa trưa, và như một người hành khất, Người xin nước uống cho đỡ khát. Đây là một hình ảnh của sự hạ mình của Thiên Chúa : Thiên Chúa hạ mình trong Chúa Giêsu Kitô để cứu chuộc chúng ta, Người đến với chúng ta. Nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã làm một người như chúng ta, Người đã hạ mình ; Người đã khát như chúng ta, Người cũng chịu một cơn khát cháy họng giống chúng ta. Khi quan sát cảnh này, mỗi người chúng ta có thể nói : Chúa, Thầy « xin tôi nước uống ; như thế, Người cũng khát như tôi. Người chia sẽ cơn khát của tôi. Lạy Chúa, Chúa thật sự gần gũi với con ! Chúa gắn liền với sự khó nghèo của con – con khó có thể tin được ! – Chúa đã ôm con từ dưới thấp, thấp hơn bản thân con, nơi mà chẳng ai đến với con » (P. Mazzolari, La Samaritana, Bologne 2022, 55-56). Và Chúa đã đến với con ở dưới đó, và Chúa đã đưa con ra khỏi chỗ đó bởi vì Chúa đã và cũng đang khát khao con. Quả vậy, cái khát của Chúa Giêsu không chỉ là thể chất, nó biểu lộ những khao khát sâu đậm nhất của cuộc đời chúng ta : trước hết đó là một sự khao khát tình yêu của chúng ta. Người còn hơn cả một người hành khất, Người khát khao tình yêu của chúng ta. Và điều này sẽ nổi bật vào lúc tột đỉnh cuộc khổ nạn của Người, trên thập giá : chính trên đó mà trước khi chết, Chúa Giêsu phán : « Tôi khát » (Ga 19,28). Cơn khát tình yêu này đã thúc đẩy Người giáng thế, hạ thấp mình, trở thành một người trong chúng ta.

Nhưng Chúa, Đấng xin nước uống, là Đấng ban cho nước uống : khi gặp người phụ nữ Samari, Người nói với cô về nước hằng sống của Chúa Thánh Thần, và trên cây thập giá, Người chảy nước và máu từ nương long của Người ra (x. Ga 19,34). Khao khát tình yêu, Chúa Giêsu làm dịu cơn khát cho chúng ta bằng tình yêu của Người. Và Người làm với chúng ta cũng như Người đã làm với người phụ nữ Samari : Người đến gặp chúng ta trong thường nhật và chia sẻ cơn khát của chúng ta, Người hứa với chúng ta nước hằng sống vốn phun lên trong chúng ta, đem lại sự sống đời đời (x. Ga 4,14).

Xin cho tôi chút nước uống. Có một khía cạnh thứ hai. Những lời này không phải chỉ là yêu cầu của Chúa Giêsu đối với người phụ nữ Samari, nhưng là một lời kêu gọi – đôi khi thầm lặng – được gửi đến chúng ta mỗi ngày và yêu cầu chúng ta săn sóc cơn khát của tha nhân. Xin cho tôi miếng nước, họ nói với chúng ta – trong gia đình chúng ta, ở sở làm của chúng ta, trong những nơi khác mà chúng ta lui tới – những người đang khát khao sự gần gũi, khát khao sự quan tâm, khát khao sự được lắng nghe ; họ cũng nói điều đó với chúng ta, những người đang khao khát Lời của Thiên Chúa và đang cần tìm được trong Hội Thánh một vùng nước mát để uống. Xin cho tôi miếng nước là một lời kêu gọi của xã hội chúng ta nơi mà sự vội vã, sự chạy đua tiêu thụ và nhất là sự vô cảm, cái văn hóa vô cảm này sinh ra một sự khô hạn và một sự trống rỗng nội tâm. Và – chúng ta đừng quên – cho tôi xin ngụm nước là tiếng kêu của tất cả những anh chị em chúng ta đang thiếu nước để sinh sống, trong lúc mà người ta tiếp thục gây ô nhiễm và làm xuống cấp ngôi nhà chung của chúng ta ; và ngôi nhà này cũng đang kiệt quệ và khô cạn, « nó đang khát »

Trước những thách thức này, bài Phúc Âm ngày hôm nay cống hiến cho chúng ta nước hằng sống vốn có thể khiến cho chúng ta trở thành một nguồn nước để cho những người khác giải khát. Như thế, cũng như người phụ nữ Samari, cô ta để vò nước lại và đi gọi những người trong làng của cô (x. c. 28), chúng ta cũng vậy, thay vì chỉ nghĩ đến việc giải khát cho mình, cơn khát vật chất, tri thức hay văn hóa, thì trong niềm vui đã gặp được Chúa, chúng ta sẽ có thể giải khát cho những người khác : trao tặng một ý nghĩa cho cuộc sống của người khác, không phải với tư cách là những người chủ, mà như là những người tôi tớ của Lời Thiên Chúa vốn đã giải khát cho chúng ta, đã liên tục cho chúng ta được uống ; chúng ta sẽ hiểu được cơn khát của họ và chia sẻ tình yêu thương mà Người đã ban cho chúng ta. Tôi muốn đặt một câu hỏi, cho chính tôi và cho quý anh chị em : Chúng ta có thể hiểu được cơn khát của những người khác không ? Cơn khát của những người khác, cơn khát của biết bao con người trong gia đình của tôi, trong khu phố của tôi ? Ngày hôm nay, chúng ta có thể tư hỏi : tôi có khát khao Thiên Chúa không ? Tôi có ý thức được rằng tôi cần đến tình thương yêu của Người để sống, như nước hằng sống không ? Và rồi, tôi đang khát, tôi có bận tâm đến cơn khát của những người khác, khát thiêng liêng, khát thể chất không ?

Cầu xin Đức Trinh Nữ Maria cầu bầu cho chúng ta mà nâng đỡ chúng ta trên đường đi.

© Traduction de Zenit

Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.

« Sommes-nous capables de comprendre la soif des autres ? » – ZENIT – Francais

Posted in Chưa được phân loại | Chức năng bình luận bị tắt ở « Chúng ta có thể hiểu được cơn khát của người khác không ? »

Thánh Têrêxa thành Lisieux : một Năm Thánh

150 năm ngày sinh và 100 năm phong thánh

MARS 10, 2023 19:00 MARINA DROUJININACAUSES DES SAINTSROME

Bích chương mời dự 150 năm ngày sinh Thánh Têrêxa thành Lisieux

Năm 2023 đánh dấu 150 năm ngày sinh của thánh nữ Têrêxa thành Lisieux (1873-1897) và 100 năm lễ phong thánh của bà (29/4/1923). Năm Thánh đã được khai mạc hôm 08/01/2023, với việc Mở Cửa Thánh của các Vương Cung Thánh Đường của thành phố Alençon (nơi sinh của thánh Têrêxa) và của thành phố Lisieux (nơi bà mất). Theo đề nghị của nước Pháp, được chính thức ủng hộ bởi nước Ý và nước Bỉ, lễ kỷ niệm sinh nhật của thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã được ghi trên lịch 2022-2023 của UNESCO : nhiều biến cố văn hóa sẽ được trình bầy trong dịp này, tờ nhật báo của Ý, Avvenire cho biết.

Trong khuôn khổ của Tuần Lễ thiêng liêng, một cuộc triển lãm vinh danh bà thánh sẽ được khai mạc tại phân khoa thần học của Đại Học Cát Minh Teresianum, ở Rôma, hôm chúa nhật 12/3/2023. Cùng ngày hôm đó, một thánh lễ kỷ niệm 150 ngày sinh của thánh Têrêxa được cử hành bởi ĐHY Marcello Semeraro, bộ trưởng Bộ Phong Thánh.

Ba biến cố khác sẽ diễn ra trong tháng 3, với sự bảo trợ của giáo phận Crêmône (Italia), UNESCO và Viện Teresianum.

Ngày 20/3 vào lúc 17 giờ, tại gian giếng rửa tội của vương cung thánh đường của Cremone, sẽ diễn ra lễ khánh thành cuộc triển lãm về thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, trước sự có mặt của Đức Giám Mục và ông Thị Trưởng của Cremone và các quan chức dân sự và tôn giáo khác.

Ngày 23/3, vào lúc 17 giờ, tại Viện Đại Học công giáo của Cremone, sẽ có cuộc hội thảo về « Thánh Têrêxa và đức khôn ngoan của tình yêu » được thuyết trình bởi Mẹ Cristiana  Dobner, OCD, Bề Trên tu viện Maria del Monte Marmelo tại Concenedo di Barzio, và Tiến Sĩ Arnoldo Mosca Mondadori, chủ tịch Quỹ « Ngôi nhà của Tinh Thần và Nghệ Thuật ».

Sau cùng, ngày 30/3, vào lúc 21 giờ, tại vương cung thánh đường Cremone, sẽ diễn ra một buổi hòa nhạc được trình bầy bởi các nhạc sĩ của Nhạc Viện Monteverdi của Cremone với những cây vĩ cầm từ biển cả được chế tạo bằng gỗ những tầu thuyền của những người di dân. Giàn hợp xướng của trường trung học Antonio Stradivari sẽ trình bầy các bài ca và những bài đọc sẽ được ông chủ tịch hội xã hội và văn hóa của Cremone La Compagnia dei Piccoli trách nhiệm.

Chính là ngày 11 tháng 11 năm 2021 là ngày mà Hội Nghị khoáng đại các quốc gia thành viên của UNESCO đã ghi danh thánh Têrêxa thành Lisieux trong danh sách 67 nhân vật mà sinh nhật phải được tôn vinh và mừng lễ cho thời gian hai năm 2022-2023.

Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.

Sainte Thérèse de Lisieux : une année jubilaire – ZENIT – Francais

Posted in Chưa được phân loại | Chức năng bình luận bị tắt ở Thánh Têrêxa thành Lisieux : một Năm Thánh

« Đây là điều Chúa muốn để làm cho chúng ta hiểu »

Phỏng vấn đặc biệt nhân kỷ niệm 10 năm triều đại Giáo Hoàng

MARS 10, 2023 18:55 HÉLÈNE GINABATPAPE FRANÇOIS

© Www.Cath.Ch

« Hôm đó trời mưa và không một bóng người. Tôi cảm thấy Chúa đang ở đó. Đó là điều mà Chúa đã muốn làm cho chúng ta hiểu thế nào là thảm kịch, là cô đơn, là bóng tối và là dịch bệnh » : đó là những gì ĐGH Phanxicô đã gợi nhớ cho một hãng truyền thông Thụy Sĩ về thời gian cấm túc vốn đã ghi đậm dấu ân cho triều đại Giáo Hoàng của ngài, và kinh nguyện nổi tiếng « thời đại dịch » hôm 27 tháng 3 năm 2020, trên Quảng Trường Thánh Phêrô, mà hình ảnh đã làm thế giới xúc động.

ĐGH Phanxicô đã chấp nhận một cuộc phỏng vấn độc quyền, nhân ngày kỷ niệm 10 năm của triều đại Giáo Hoàng của ngài, dành cho nhà báo Paolo Rodari, của đài truyền thanh-truyền hình Thụy Sĩ nói tiếng Ý (RSI). Toàn cuộc tiếp xúc, mà một phần đã được đăng tải rồi trên trang nhà của kênh này, sẽ được phát đi vào lúc 20 giờ 40 ngày chúa nhật 12/3/2023, hôm trước ngày kỷ niệm ngài được trúng cử.

Từ những câu hỏi cá nhân…

Câu hỏi không thể thiếu : cái gì có thể thúc đẩy Đức Giáo Hoàng từ nhiệm ? « Một sự mệt mỏi không cho anh nhìn rõ ràng mọi chuyện. Sự thiếu đi sáng suốt, để biết đánh giá các tình huống. Và còn nữa, có thể là vấn đề thể lực », Đức Giáo Hoàng trả lời. Trên điểm cuối này, ngài nói rằng ngài theo những khuyến nghị mà ngài luôn hỏi những người biết ngài, « nhất là một số các Đức Hồng Y thông minh », ngài nói một cách khôi hài. « Và các ngài nói sự thật với tôi : Đức Thánh Cha tiếp tục đi, không sao đâu. Nhưng xin ngài vui lòng, ngài hãy kêu lên khi còn có thể kêu được ! ».

Tuy nhiên Đức Giáo Hoàng, người Argentina đã mừng sinh nhật của ngài hồi tháng chạp năm ngoái, đã thú nhận rằng « sức đề kháng thể chất bị giảm sút ». Vấn đề đầu gối của ngài tuy bây giờ đã đỡ, nhưng đó là một sự « sỉ nhục thể chất » : « tôi hơi xấu hổ » phải ngồi xe lăn, ngài thú nhận.

Trong những vấn đề riêng tư, vị cựu tổng giám mục của Buenos Aires, người quen sử dụng các phương tiện chuyên chở công cộng của thủ đô Argentina, thừa nhận rằng điều ngài thiếu thốn trong ngày hôm nay, đó là « đi bộ, đi bộ ngoài đường phố ». Hồi trước tôi đi bộ nhiều ? Tôi đi mêtrô, đi xe buýt, luôn luôn cùng với những người khác ».

Về chuyện ngài chọn cư ngụ trong Nhà Thánh Martha, ĐGH Phanxicô vẫn nhắc lại điều ngài đã luôn khẳng định, nhu cầu của ngài là được gặp những người khác : « Hai ngày sau khi được bầu, tôi đã đi tiếp nhận Dinh Tông Tòa. Không có vẻ lộng lẫy mấy. Được xây cất tiện lợi, nhưng nó quá lớn. Lúc đó tôi đã có cảm tưởng nó như thể là một cái phễu (quặng) úp ngược xuống. Về tâm lý mà nói thì tôi không chịu được chuyện này. Tôi vô tình đi qua căn phòng mà tôi ở. Và tôi đã nói : ‘‘Tôi ở lại đây’’. Đó như là một khách sạn, có 40 người làm việc tại Giáo Triều cư ngụ trong nhà này. Ở đây người ta đến từ tứ phương ».

Một vấn đề khác đã tốn nhiều giấy mực trong thời gian gần đây, đó là quan hệ với Đức Cựu Giáo Hoàng Biển Đức XVI, ngài cư ngụ cho đến lúc mất tại nhà dòng Mater Ecclesiae, trong Thượng Uyển của Vatican : « Ngài là một người của Thiên Chúa, tôi rất mến ngài », ĐGH Phanxicô tuyên bố, ngài nhắc lại cuộc gặp gỡ chót của hai người vào dịp lễ Giáng Sinh : « Ngài gần như không còn nói ra tiếng. Ngài nói rất, rất, rất là nhỏ. Phải có người dịch lại lời nói của ngài. Nhưng ngài rất sáng suốt. Ngài thường đặt những câu hỏi : người đó thế nào ? Vấn đề đó ra sao ? Ngài biết hết mọi chuyện. Thật là một niềm vui được nói chuyện với ngài. Tôi đã hỏi ý kiến ngài. Ngài đã đưa ra ý kiến của ngài, luôn là quân bình, tích cực, một nhà hiền triết. Nhưng lần chót, thì thấy rằng sắp hết »

… đến những câu hỏi về Hội Thánh, xã hội và chính trị

Giải thích về sự giản dị của tang lễ của người tiền nhiệm, ĐGH Phanxicô kể rằng « những người trách nhiệm lễ nghi đã ‘‘nhức đầu’’ để tổ chức tang lễ cho một vị Giáo Hoàng không tại chức. Thật là khó để phân biệt ». Từ đó, ngài đã yêu cầu nghiên cứu các lễ nghi « cho tất cả các vị Giáo Hoàng trong tương lai, tất cả mọi Đức Giáo Hoàng » : « người ta đang nghiên cứu để đơn giản hóa đôi chút, để loại bỏ những gì không phải là phụng cụ », ngài xác định.

ĐGH Phanxicô được gọi là « Đức Giáo Hoàng của những người bé mọn nhất » có nghĩa là gì ? Ngài trả lời « Đúng là tôi thích những người bị loại bỏ, nhưng điều này không có nghĩa là tôi ruồng bỏ những người khác. Những người nghèo được Chúa Giêsu thương yêu. Nhưng Chúa Giêsu không xua đuổi những người giầu ». « Không ai bị loại bỏ », Đức Giáo Hoàng nói tiếp, ngài nhắc lại rằng Chúa Kitô mời gọi « mọi người, người bệnh tật, người tốt và kẻ xấu, người bé mọn và kẻ quyền thế, người giầu có và kẻ nghèo hèn, tất cả mọi người ». Và ngài nhấn mạnh : « Hội Thánh không phải là một căn nhà cho một số người, Hội Thánh không tuyển lựa. Đó là dân thánh trung thành của Thiên Chúa : tất cả mọi người ».

ĐGH Phanxicô cảnh báo chống lại « tội lỗi », « những người nam của Hội Thánh », « những người nữ của Hội Thánh tạo xa cách » : « đây có chút gì là kiêu căng của thế gian, cảm thấy mình công chính hơn người khác, nhưng cái đó không đúng. Chúng ta tất cả đều là những kẻ có tội ». « Vào thời khắc của thực tế, ngài khuyến nghị, anh hãy đặt sự thật của mình lên bàn và anh sẽ thấy rằng anh là kẻ tội lỗi ».

Được hỏi về điều gì mà một vị Giáo Hoàng đến từ tận cùng thế giới có thể mang đến cho Châu Âu, Đức Giáo Hoàng người Argentina viện dẫn một người đồng hương của ngài, nữ triết gia Amelia Podetti, đối với bà thì « sự thật được thấy rõ từ các thái cực hơn là từ trung tâm ». « Với khoảng cách, người ta hiểu được tính phổ quát. Đó là một nguyên tắc xã hội, triết lý và chính trị ».

Đức Giáo Hoàng cũng tâm sự về « thế chiến thứ ba » hiện nay : « nó đã bắt đầu từ những mảnh vụn và bây giờ không ai là có thể nói nó không phải là một cuộc chiến tranh thế giới. Tất cả các cường quốc lớn đều bị lôi cuốn vào. Chiến trường hiện nay là Ukraina. Chính là ở đó mà thế giới đánh nhau ». Và đã phải một lần nữa ân hận về công nghệ sản xuất vũ khí : « đây là một thị trường. Người ta gây ra chiến tranh, người ta bán ra vũ khí cũ và thử nghiệm vũ khí mơi ».  

Riêng đối với ông Putin mà ngài đã gặp nhiều lần trước cuộc chiến tranh tại Ukraina, ĐGH Phanxicô lập lại rằng ngài sẵn lòng đi tới Moscow : « Ông Putin biết rằng tôi sẵn sàng » giúp cho thương thuyết. « Tôi sẽ nói với ông ta như tôi nói nơi công cộng », ngài xác định trước khi tố cáo : « Ở đó có những lợi nhuận đế quốc, không chỉ là đế quốc Nga, mà còn những đế quốc ở những nơi khác nữa. Bản chất của đế quốc chính là đặt các quốc gia ở hàng thứ yếu ».

Nhiều cuộc tranh chấp khác cũng đặc biệt làm ĐGH Phanxicô bận tâm : « Nước Yêmen, nước Syria, những người Rohingya đáng thương ở Miến Điện. Lý do của những đau khổ đó là gì ? Các cuộc chiến tranh gây tai hại. Không có Thần Khí của Thiên Chúa. Tôi không tin vào các cuộc thánh chiến ».

Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.

« C’est quelque chose que le Seigneur a voulu pour nous faire comprendre… » – ZENIT – Francais

Posted in Chưa được phân loại | Chức năng bình luận bị tắt ở « Đây là điều Chúa muốn để làm cho chúng ta hiểu »

Lịch phụng vụ : Tuần Thánh và Lễ Phục Sinh 2023

Các lễ nghi do ĐGH Phanxicô chủ sự

MARS 09, 2023 18:18 MARINA DROUJININALITURGIEPAPE FRANÇOIS

Chặng Đường Thánh Giá ngày 02/4/2021

Lịch phụng vụ của ĐGH Phanxicô cho Mùa Phục Sinh đã được Tòa Thánh công bố hôm 09/3/2023

Sau đây là lịch này :

Ngày 02 tháng 4, Chúa Nhật Lễ Lá : Cuộc Khổ Nạn của Chúa

Lúc 10 giờ, trên Quảng Trường Thánh Phêrô.

Ngày 06 tháng 4, Thứ Năm Tuần Thánh

Lúc 09giờ30, Thánh Lễ Truyền Dầu tại Đền Thánh Phêrô

Ngày 07 tháng 4, Thứ Sáu Tuần Thánh

Lúc 17giờ00, Cuộc Thương Khó của Chúa tại Đền Thánh Phêrô

Lúc 21giờ15, Chặng Đường Thánh Giá tại Đấu Trường Côlisêô

Ngày 08 tháng 4, Thứ Bẩy Tuần Thánh

Lúc 19giờ30, Đêm Vọng Phục Sinh tại Đền Thánh Phêrô

Ngày 09 tháng 4, Chúa Nhật Phục Sinh, Chúa Sống Lại

Lúc 10giờ00, Thánh Lễ Phục Sinh trên Quảng Trường Thánh Phêrô

Lúc 12giờ00, Phép Lành Urbi et Orbi (« cho Thành Phố và Thế Giới »), từ trên bao lơn của Đền Thánh Phêrô

Ngày 28-30 tháng 4

Tông du tới Hungari.

Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.

Calendrier liturgique : la Semaine Sainte et Pâques 2023 – ZENIT – Francais

Posted in Chưa được phân loại | Chức năng bình luận bị tắt ở Lịch phụng vụ : Tuần Thánh và Lễ Phục Sinh 2023