Và không có “tả hay hữu” gì hết (toàn văn)
4 JUIN 2017 – RÉDACTION – PAPE FRANÇOIS
Thánh Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống 04 tháng 6 năm 2017
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã kêu gọi hãy là các Kitô hữu của “Chúa Giêsu” chứ đừng là những “cổ động viên”… các Kitô hữu “hữu phái hay tả phái” : cũng đừng là “những người canh giữ cứng nhắc của quá khứ” hay là “những nhà tiên phong của tương lai”, ngài đã cầu chúc trong khi cử hành Thánh Lễ mừng Chúa Thánh Thần hiện xuống trên quảng trường Thánh Phêrô, ngày 04/6/2017. Trong bài giảng lễ của ngài, ngài đã nhấn mạnh rằng Chúa Thánh Thần “tạo dựng sự đa dạng; ở mỗi thời đại, quả vậy, Người đã làm triển nở các ân sủng mới mẻ và đa dạng”.
“Cũng Chúa Thánh Thần đó đã tạo dựng tính đa dạng và sự hiệp nhất”, Đức Giáo Hoàng đã khẳng định và cảnh giác chống hai cám giỗ “tái diễn” : “đi tìm sự đa dạng mà không có hiệp nhất” hay “đi tìm sự hiệp nhất mà không có đa dạng”.
Người Kitô hữu không được khép mình “trong những chủ thuyết đặc thù riêng biệt”, cũng không được “tất cả cùng làm mọi chuyện giống nhau”, ngài nói tiếp, nhưng phải có “một cái nhìn ôm ấp và yêu thương, xa hơn những sở thích cá nhân… chấm dứt những vụ ngồi lê đôi mách chỉ gieo rắc chia rẽ và ganh ghét độc hại, vì là những con người nam, nữ của Giáo Hội có nghĩa phải là những con người nam nữ của hiệp thông”.
Để đạt được sự thống nhất trong đa dạng, Đức Giáo Hoàng đã chỉ ra con đường tha thứ vì “Chúa Thánh Thần là quà tặng đầu tiên của Đấng Phục Sinh và Người được ban trước hết là để tha thứ tội lỗi. Đó là sự khởi thủy của Giáo Hội, đó là chất keo giữ chặt chúng ta với nhau, chất xi măng gắn liền những hòn gạch của ngôi nhà : sự tha thứ”.
Sự tha thứ, ngài tuyên bố, là “tình yêu cao cả nhất, tình yêu duy trì hiệp nhất bất chấp tất cả, ngăn chặn không cho sụp đổ, tăng cường và củng cố”. “Không có tha thứ, Giáo Hội không xây dựng lên được”, ngài quả quyết và khuyến khích hãy “từ chối những con đường khác : những con đường vội vã của những kẻ xét đoán, những con đường không lối thoát của kẻ đóng hết mọi cửa, những con đường một chiều của kẻ chỉ biết phê bình người khác. Trái lại, Chúa Thánh Thần kêu gọi chúng ta hãy đi trên con đường hai chiều của sự tha thứ nhận được và cho đi”.
AK
Bài giảng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Ngày hôm nay chấm dứt Mùa Phục Sinh, năm mươi ngày kéo dài thư khi Chúa Giêsu Phục Sinh đến lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, mùa này được đánh dấu cách đặc biệt bởi sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Chính Người quả là Quà Tặng phục sinh tiêu biểu nhất. Đó là Chúa Thánh Thần, Đấng tạo dựng, Đấng luôn thực hiện những điều mới lạ. Hai điều mới lạ đã tỏ ra cho chúng ta trong các Bài Đọc ngày hôm nay : trong bài đầu, Chúa Thánh Thần làm cho các môn đệ thành một dân tộc mới; trong bài Tin Mừng, Người tạo dựng trong các môn đệ một tâm hồn mới. Một dân tộc mới. Ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần từ trời ngự xuống, dưới hình “những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một […] Ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác” (Cv 2, 3-4). Lời của Thiên Chúa mô tả như thế, tác động của Chúa Thánh Thần, trước hết Người đậu trên từng người một và rồi đặt tất cả mọi người vào công tác truyền thông. Người ban cho mỗi người một ơn đặc sủng và tụ họp tất cả họ trong sự hiệp nhất. Nói cách khác, cũng một Thánh Thần đó đã tạo dựng lên sự đa dạng và sự hiệp nhất và, như vậy, tạo thành một dân tộc mới, đa dạng và hiệp nhất : Giáo Hội hoàn vũ. Đầu tiên, với óc tưởng tượng và với phương cách không tiên đoán nổi, Người dựng lên sự đa dạng; ở mỗi thời đại, ngài đã làm triển nở các ơn đặc sủng mới mẻ và đa dạng. Rồi sau đó, cũng chính Chúa Thánh Thần đó đã thực hiện sự hiệp nhất : Người nối liền, tập họp, tái tạo lại tính hài hòa : “Bằng sự hiện diện và tác động của Người, Người tập họp trong hiệp nhất các tâm thần riêng biệt với nhau” (Cyrille d’Alexandre, Bình giảng Phúc Âm thánh Gioan XI, ). Để cho có được sự hiệp nhất thực chất, sự hiệp nhất theo ý Thiên Chúa, vốn không phải là đồng nhất, nhưng hiệp nhất trong sự khác biệt.
Để thực hiện điều này, tốt hơn hết là giúp cho chúng ta tránh hai cơn cám dỗ tái diễn. Cám dỗ thứ nhất là đi tìm sự đa dạng mà không có hiệp nhất. Đìều này xẩy ra khi người ta muốn nổi trội hơn người khác, khi người ta tạo ra những liên minh và đảng phái, khi người ta cứng rắn trên những lập trường thải loại người khác, khi người ta đóng khung trong những chủ nghĩa đặc thù riêng biệt, có lẽ nghĩ rằng mình là số một hay mình luôn có lý. Đó là những người mệnh danh là “những người canh giữ chân lý”. Như thế, người ta chọn lấy một phần, chứ không chọn tất cả, chọn sự thống thuộc về cái này hay cái kia trước khi thống thuộc Giáo Hội; người ta trở thành những “cổ động viên” hơn là trở thành những người anh chị em trong cùng một Chúa Thánh Thần; những người Kitô hữu của “hữu phái hay tả phái” trước khi là của Chúa Giêsu; những người canh giữ cứng rắn của quá khứ hay những người tiên phong của tương lai thay vì là những con cái khiêm nhường và biết ơn của Giáo Hội. Như thế, có sự đa dạng mà không có hiệp nhất. Cám dỗ đối nghịch, trái lại, là đi tìm sự hiệp nhất mà không chấp nhận đa dạng.
Tuy nhiên, như thế, hiệp nhất trở thành đồng nhất, thành sự bắt buộc phải cùng nhau làm và tất cả giống nhau, tất cả mọi người phải luôn suy nghĩ cùng một kiểu cách. Điệu này, sự hợp nhất trở thành sự chính thức công nhận và không còn tự do nữa. Nhưng thánh Phaolô đã nói : “Ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do” (2Cr 3, 17).
Kinh cầu Chúa Thánh Thần của chúng ta, chính là cầu xin ơn tiếp nhận sự hiệp nhất của Người, ơn có một cái nhìn ôm ấp và yêu thương, vượt xa những sở thích riêng tư, Giáo Hội của Người, Giáo Hội của chúng ta; ơn được gánh vác sự hiệp nhất của tất cả mọi người, ơn chấm dứt những vụ ngồi lê đôi mách chỉ gieo rắc chia rẽ và những ganh ghét độc hại, vì là những con người nam, nữ của Giáo Hội có nghĩa là những con người nam, nữ của hiệp thông; chính là cũng cầu xin một tâm hồn có mùi Giáo Hội là mẹ chúng ta và nhà chúng ta : ngôi nhà mở rộng cửa, đón nhận, nơi chúng ta chia sẻ niềm vui thiên hình vạn trạng của Chúa Thánh Thần.
Và chúng ta đến với sự mới mẻ thứ nhì : một tâm hồn mới mẻ. Chúa Giêsu Phục Sinh, khi hiện ra lần đầu tiên với những môn đệ của Người, đã phán : “Anh em hãy nhận lất Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha” (Ga 20, 22-23). Chúa Giêsu không kết án những môn đệ của Người, đã bỏ rơi Người và đã chối bỏ Người trong cuộc khổ nạn, nhưng Người đã ban cho họ Thánh Thần của sự tha thứ. Chúa Thánh Thần là quà tặng đầu tiên của Đấng Phục Sinh và Người được ban cho, trước hết, là để tha thứ tội lỗi. Đó là sự khởi thủy của Giáo Hội, đó là chất keo giữ chặt chúng ta với nhau, chất xi măng gắn liền những hòn gạch của ngôi nhà : sự tha thứ. Bởi vì, sự tha thứ là tặng phẩm cho quyền lực, đó là tình yêu cao cả nhất, tình yêu gìn giữ hiệp nhất bất chấp tất cả, ngăn cản không cho sụp đổ, nó tăng cường và củng cố. Sự tha thứ giải thoát tâm hồn và cho phép bắt đầu trở lại : sự tha thứ ban cho hy vọng; không có tha thứ, Giáo Hội không được xây dựng lên.
Thánh Thần của sự tha thứ, Đấng giải quyết tất cả trong sự hòa hợp, thúc đẩy chúng ta từ chối những con đường khác : con đường vội vã của những kẻ phán xét, những con đường không lối thoát của kẻ đóng hết mọi cửa, những con đường một chiều của kẻ chỉ biết phê bình người khác. Trái lại, Chúa Thánh Thần kêu gọi chúng ta hãy đi trên con đường hai chiều của sự tha thứ nhận được và cho đi, con đường của lòng thương xót Chúa trở thành tình yêu tha nhân, của đức ái như là “chuẩn mực duy nhất, theo đó tất cả đều phải được làm hay không được làm, thay đổi hay không thay đổi” (Isaac de l’Etoile, Diễn văn 31). Chúng ta hãy cầu xin ơn được luôn làm đẹp hơn cho khuôn mặt của Mẹ Giáo Hội bằng cách canh tân chúng ta bởi sự tha thứ và bằng cách sửa chữa chính mình chúng ta : chỉ lúc đó, chúng ta mới có thể sửa chữa người khác trong đức bác ái.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần, ngọn lửa tình yêu đang cháy sáng trong Giáo Hội và trong chúng ta, kể cả thường khi chúng ta hay phủ lên một lớp tro tội lỗi của chúng ta : “Lậy Thần Khí của Thiên Chúa, Lậy Chúa đang ngự trong tâm hồn của con và trong trái tim Giáo Hội, lậy Chúa là Đấng dẫn dắt Giáo Hội, xin Chúa nhào nặn Giáo Hội trong sự đa dạng, xin Chúa hãy đến ! Để được sống, chúng con cần đến Chúa như cần nước : xin Chúa ngự xuống lần nữa trên chúng con và dạy bảo cho chúng con sự hiệp nhất, xin Chúa hãy canh tân tâm hồn chúng con và dạy cho chúng con biết yêu mến như Chúa đã yêu mến chúng con và tha thứ như Chúa đã tha thứ cho chúng con ! Amen”.
Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp Của Zenit
https://fr.zenit.org/articles/pentecote-le-pape-exhorte-a-etre-des-chretiens-de-jesus/