Loạt Bài giáo lý mới về bí tích Thánh Tẩy (toàn văn)
11 avril 2018 – Anita Bourdin – Audience générale, Pape François
Triều kiến chung ngày 11 tháng 4 năm 2018
« Anh chị em đừng quên rửa tội cho con cái ! », Đức Giáo Hoàng khuyên nhủ và phiền hà về một sự thìếu « lòng tin tưởng vào Chúa Thánh Thần »
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khởi sự một chuỗi Bài giáo lý mới về đề tài bí tích Thánh Tẩy, bằng một Bài giáo lý về phép Rửa như là « nền tảng của đời sống Kitô hữu », hôm thứ tư 11/4/2018, trên Quảng Trường Thánh Phêrô, trước sự hiện diện của khoảng 25 000 người đến từ nước Ý và trên toàn thế giới.
« Khi chúng ta rửa tội một đứa trẻ, Chúa Thánh Linh ngự vào đứa trẻ đó và Người làm lớn lên trong đứa trẻ, với tư chất là đứa trẻ, những nhân đức Kitô giáo sẽ đơm hoa kết trái sau đó. Phải luôn cung cấp cơ hội đó cho hết thẩy mọi người, cho tất cả các trẻ em, để các em có trong mình Thần Khí, đấng sẽ hướng dẫn họ trong cuộc đời họ ».
« Bí tích Thánh Tẩy là nền tảng của toàn bộ sự sống Kitô giáo », Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc nhở, khi ngài viện dẫn Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo. « Bí Tích Thánh Tẩy làm cho Chúa Kitô sống ở trong chúng ta và làm cho chúng ta sống hiệp nhất với Người để hợp tác với Hội Thánh, mỗi người tùy theo điều kiện của mình, để thay đổi thế gian. »
Sau đây là bản dịch Bài giáo lý được Đức Giáo Hoàng Phanxicôban ra bằng tiếng Ý.
HG
Bài giáo lýcủa Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Thân chào Quý Anh Chị Em !
Năm mươi ngày của mùa Phục Sinh rất thuận lợi để suy nghĩ về sự sống Kitô giáo, vốn bởi bản chất, là sự sống đến từ chính Chúa Kitô; Chúng ta quả là những Kitô hữu bao lâu chúng ta còn để Chúa Giêsu Kitô sống trong chúng ta. Vậy thì phải xuất phát từ đâu để làm sống lại cái ý thức, nếu không phải là của nguyên tắc, của Bí Tích đã thắp sáng lên trong chúng ta sự sống Kitô giáo ? Và đó là bí tích Thánh Tẩy. Lễ Vượt Qua của Chúa Kitô, với sức nặng của sự mới mẻ của Người, đến với chúng ta qua phép Rửa để biến đổi chúng ta giống với hình ảnh của Người : những người chịu phép Rửa đều thuộc về Chúa Giêsu Kitô, chính Người là Chúa cuộc đời họ. Phép Rửa là « nền tảng của toàn cuộc sống Kitô giáo » (Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo, 1213). Đó là bí tích đầu tiên trong các bí tích, bao lâu bí tích này còn là cửa ngõ để Chúa Kitô làm cho chúng ta trở thành nơi Người ngự đến trong con người chúng ta và để chúng ta đắm chìm vào trong mầu nhiệm của Người.
Động từ tiếng Hy Lạp « rửa tội » có nghĩa là « dìm uống nước » (x. SGLGHCH, 1214). Sự tắm mình trong nước là một nghi thức chung của nhiều tín ngưỡng khác nhau để biểu lộ sự vượt qua từ một tình trạng này sang tình trạng khác, dấu chỉ của thanh tẩy cho một sự bắt đầu mới. Nhưng đối với chúng ta, các Kitô hữu, chúng ta không thể quên rằng, nếu thân xác được dìm vào trong nước, thì chính là linh hồn đã được dìm sâu trong Chúa Kitô để nhận lãnh sự tha thứ tội lỗi và rực sáng lên ánh sáng thiêng liêng (x. Tertullien, Về sự sống lại từ kẻ chết, VIII, CCL 2, 931 ; PL 2, 806). Nhờ vào Chúa Thánh Thần, bí tích Thánh Tẩy dìm chúng ta vào cái chết và sự phục sinh của Chúa, dìm vào trong giếng rửa tội con người cũ, bị thống trị bởi tội lỗi chia cắt với Thiên Chúa, làm sinh ra con người mới, được tái tạo trong Chúa Giêsu. Nơi Người, tất cả con cháu Ađam đều được kêu gọi sống một cuộc đời mới. Quả thật, bí tích Rửa Tội là một sự tái sinh. Tôi xác tín, hoàn toàn xác tín rằng chúng ta đều nhớ rõ ngày sinh của chúng ta : chắc chắn. Nhưng tôi tự hỏi, với đôi chút nghi hoặc, và tôi xin hỏi Quý Anh Chị Em : mỗi người trong anh chị em có nhớ được ngày Rửa Tội của anh chị em không ? Có người nói có – rất tốt. Nhưng câu trả lời có quá yếu ớt, bởi vì nhiều người có lẽ không nhớ. Nhưng nếu chúng ta mừng ngày sinh nhật của chúng ta, thì sao lại không mừng – ít là trong ký ức – cái ngày chúng ta được tái sinh ? Tôi sẽ cho anh chị em một bài tập để làm ở nhà, một bài tập để ngay ngày hôm nay, anh chị em làm ở nhà. Những ai trong anh chị em không nhớ ngày mình chịu phép Rửa, thì hãy hỏi má, hỏi chú bác, ông bà, hỏi rằng : « có biết ngày con Rửa Tội không ? » và đừng bao giờ quên nữa. Và cái ngày đó, cảm tạ Chúa, bởi vì nó chính là ngày Chúa Giêsu ngự vào trong tôi, Chúa Thánh Linh ngự vào trong tôi. Anh chị em có hiểu bài tập này làm ở nhà không ? Chúng ta phải biết ngày Rửa Tội của chúng ta. Đó là một ngày kỷ niệm khác : kỷ niệm ngày tái sinh. Xin anh chị em đừng quên làm chuyện này, làm ơn.
Chúng ta hãy nhớ những lời sau cùng của Đấng Phục Sinh phán với các tông đồ ; đó là một mệnh lệnh chính xác : « Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ : làm phép Rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần » (Mt 28,19). Qua sự tắm gội trong giếng Rửa Tội, ai tin vào Đức Kitô thì được dìm mình trong sự sống của Chúa Ba Ngôi.
Nước rửa tội, quả không phải là bất cứ thứ nước nào, nhưng nước mà trên đó đã được kêu xin Chúa Thánh Thần là Đấng « ban sự sống » (Tôi tin vào Thiên Chúa). Chúng ta hãy nghĩ về những đìều Chúa Giêsu phán cùng ông Nicôđêmô để giải thích cho ông ta sự sinh ra trong đời sống linh thiêng : « Không ai có thể vào nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt, cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí » (Ga 3, 5-6). Bởi vậy phép Rửa được gọi là « tái sinh » : chúng ta tin rằng Thiên Chúa đã cứu độ chúng ta « vì lòng nhân hậu của Người. Bằng sự tắm gội của phép Rửa, Người đã làm chúng ta tái sinh và đã canh tân chúng ta trong Chúa Thánh Thần » (Tt 3,5).
Vì thế, phép Rửa là dấu chỉ hữu hiệu của sự tái sinh, để chúng ta sống một cuộc đời mới. Thánh Phaolô nhắc nhở điều đó với các tín hữu Rôma : « Anh em không biết rằng : khi chúng ta bị dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao ? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta cũng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới » (Rm 6, 3-4).
Trong khi dìm mình trong Đức Kitô, phép Rửa cũng khiến cho chúng ta trở thành các chi thể của Thân Mình Người là Hội Thánh, và làm cho chúng ta thành các tham dự viên vào sứ vụ của Người trên thế gian này (x. Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo, 1213). Chúng ta là những người đã chịu phép Rửa, chúng ta không phải là những con người lẻ loi : chúng ta là thành phần của Nhiệm Thể Chúa Kitô. Sức sống tuôn ra từ nguồn mạch thanh tẩy được minh họa bởi những lời này của Chúa Giêsu : « Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái » (Ga 15, 5). Cùng một sự sống ấy, sự sống của Chúa Thánh Thần, tuôn chẩy từ Đức Kitô cho những người đã chịu phép Rửa, hợp nhất họ thành một Thân Thể (x. 1 Cr 12, 13), đã được xức dầu và nuôi dưỡng trên bàn tiệc Thánh Thể.
Phép Rửa để Đức Kitô sống trong chúng ta và chúng ta sống hợp nhất với Người, để cộng tác trong Hội Thánh, mỗi người theo điều kiện của mình, nhằm thay đổi thế giới. Nhận được chỉ có một lần, sự tắm gội rửa tội soi sáng toàn diện cuộc đời chúng ta, dẫn đưa bước chân chúng ta đến thành Giêrusalem trên Trời. Đã có một lúc trước và một lúc sau phép Rửa. Bí tích đòi hỏi một con đường đức tin, mà chúng ta gọi là thời gian dự tòng, nó là đương nhiên khi một người trưởng thành muốn được chịu phép Rửa. Nhưng từ thời cổ đại, cả trẻ em cũng thế, chúng được rửa tội trong đức tin của cha mẹ chúng (x. Nghi thức rửa tội trẻ em, Nhập đề, 2) Và về điều này, tôi muốn nói đôi lời. Có người nghĩ rằng : « tại sao phải rửa tội một đứa trẻ, trong khi nó chả hiểu gì cả ? Chúng ta hy vọng nó sẽ lớn lên, sẽ hiểu biết và sẽ tự mình xin chịu phép Rửa ». Nhưng như thế chứng tỏ chúng ta không tin tưởng Chúa Thánh Thần, bởi vì khi chúng ta rửa tội một em bé, Chúa Thánh Thần ngự vào em đó và Người làm lớn lên trong em, những nhân đức Kitô giáo làm chúng sinh hoa kết trái sau đó. Phải luôn cống hiến cơ hội này cho hết thảy mọi người, cho tất cả các em bé, có được trong lòng mình Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ dẫn dắt chúng đi trong cuộc đời của chúng. Anh chị em đừng quên rửa tội cho các em bé ! Không ai xứng đáng chịu Phép Rửa, vốn là một ơn nhưng không cho tất cả mọi người, trưởng thành và sơ sinh.
Nhưng vì sự kiện này xẩy ra cho một hạt giống của sự sống, ơn này bám rễ và mang hoa trái trong một địa thế được đức tin nuôi dưỡng. Những lời tuyên hứa trong phép Rửa mà chúng ta lập lại trong đêm vọng Phục Sinh phải được làm sống lại hàng ngày để cho phép Rửa « Kitô hóa » : chúng ta đừng sợ từ ngữ này : phép Rửa « Kitô hóa » chúng ta, ai chịu phép Rửa và được « Kitô hóa » sẽ trở nên giống Đức Kitô, được biến đổi trong Đức Kitô và Người làm cho người đó trở thành một Đức Kitô khác nữa.
© Traduction de Zenit, Hélène Ginabat
Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit
https://fr.zenit.org/articles/noubliez-pas-de-faire-baptiser-les-enfants-traduction-complete/