Bài giáo lý – Bí tích Thánh Tẩy bao hàm một sự đáp trả cá nhân chứ không phải là một chuyện « cắt-dán »

Phải dạy trẻ em làm dấu thánh giá đúng cách (toàn văn)

avril 18, 2018 17:01 – Hélène GinabatAudience générale, Pape François

Triều kiến chung ngày 18 tháng 4 năm 2018

 « Thiên Chúa gọi mỗi người chúng ta bằng tên của mình, trong lúc Người thương yêu chúng ta cách riêng, trong sự cụ thể của lịch sử chúng ta », Đức Giáo Hoàng khẳng định và giải thích lý do « trong nghi thức đón tiếp » của phép Rửa, « chủ sự hỏi tên ứng viên ». Phép Rửa, ngài nói tiếp, « là ơn gọi cá nhân để sống như những người Kitô hữu, vốn sẽ phát triển trong suốt cuộc đời. Và phép Rửa bao hàm một sự đáp trả cá nhân chứ không là vay mượn, với một chuyện « cắt – dán ». Đời sống Kitô hữu, quả thật, được đan kết bởi một chuỗi những kêu gọi và đáp trả ».

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục các Bài giáo lý của ngài về bí tích Thánh Tẩy khi dừng lại trên việc cử hành bí tích, và đúng hơn là nghi tức bắt đầu, hôm thứ tư 18 tháng 4 nm 2018, trên Quảng Trường Thánh Phêrô.

Đức Giáo Hoàng cũng đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của dấu thánh giá : « Thánh giá là dấu chỉ đặc trưng cho biết chúng ta là ai : những gì chúng ta nói, những gì chúng ta suy nghĩ, nhìn ngắm, hành động đều nằm dưới dấu thánh giá, nên biết đó là dấu chỉ của tình yêu đến cùng của Chúa Giêsu ». Và Đức Giáo Hoàng đã trở lại một điểm mà ngài ưa thích : « Con cháu chúng ta có biết làm dấu thánh giá đúng cách không ? Rất nhiều khi, tôi thấy các em nhỏ không biết làm dấu thánh giá (…). Hãy dậy cho các trẻ em biết làm dấu thánh giá ».

Sau đây là bản dịch Bài giáo lý nguyên thủy bằng tiếng Ý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

HG

Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô (toàn văn)

Thân chào Quý Anh Chị Em !

Chúng ta tiếp tục, trong mùa Phục Sinh này, các bài giáo lý về bí tích Thánh Tẩy. Ý nghĩa của Phép Rửa nổi bật rõ ràng từ vìệc cử hành bí tích, vì thế, chúng ta cần chú ý đến việc cử hành. Khi xét tới những cử chỉ và lời lẽ trong phụng vụ, chúng ta có thể nắm bắt được ơn phúc và sự cam kết của bí tích này, vốn luôn phải tìm hiểu thêm. Chúng ta nhớ tới lễ nghi rẩy nước thánh vào lúc đầu Thánh Lễ, cũng như khi chúng ta nhắc lại những lời hứa lúc rửa tội trong Đêm Vọng Phục Sinh. Quả thế, những gì xẩy ra trong khi cử hành bí tích Thánh Tẩy dấy lên một động lực thiêng liêng xuyên suốt toàn bộ cuộc đời của người chịu Phép Rửa ; đây là sự khởi đầu của một quy trình cho phép sống hợp nhất với Chúa Kitô trong Hội Thánh. Bởi vậy, quay trở lại nguồn gốc của đời sống Kitô giáo làm cho chúng ta hiểu rõ hơn ơn phúc nhận được trong ngày chúng ta chịu Phép Rửa và nhắc lại lời cam kết của chúng ta là sống phù hợp với những lời hứa đó trong điều kiện, mà ngày nay chúng ta đang sống. Lập lại lời cam kết của chúng ta, hiểu rõ hơn ơn phúc đó là phép Rửa và hãy nhớ ngày chúng ta rửa tội. Thứ tư tuần trước, tôi đã yêu cầu mỗi người chúng ta làm một bài tập tại gia, là nhớ lại ngày mình rửa tội, tôi rửa tội ngày nào. Tôi biết rằng nhiều người trong anh chị em biết rõ ngày đó, nhiều người khác thì không ; những ai không biết ngày nào, thì hãy hỏi cha mẹ, cha mẹ đỡ đầu của mình… nhớ hỏi họ : « Ngày con rửa tội là ngày nào ? ». Bởi vì ngày rửa tội, chính là ngày tái sinh, cũng giống như ngày sinh nhật thứ hai. Anh chị em hiểu không ? Làm bài tập đó ở nhà, đi hỏi : “Ngày rửa tội của con là ngày nào ?”.

Trước hết, trong nghi thức đón tiếp, chủ lễ hỏi tên ứng viên, bởi vì danh tánh cho biết căn tính của một con người. Khi chúng ta tự giới thiệu, chúng ta cũng nói ngay danh tánh của mình : « Tôi tên là như thế, như thế…. », để ra khỏi tính vô danh, người vô danh là người không có tên. Không có tên, người ta là người xa lạ, không quyền lợi, không bổn phận. Thiên Chúa gọi mỗi người chúng ta bằng tên của mình, trong khi Người thương yêu cá nhân từng người, trong sự cụ thể của lịch sử đời mình. Bí tích Thánh Tẩy là ơn gọi cá nhân chứ không phải vay mượn, với một sự « cắt-dán ». Đời sống Kitô giáo, quả là được đan kết bởi một chuỗi những ơn gọi và những đáp trả : Thiên Chúa tiếp tục gọi tên chúng ta theo năm tháng, và làm vang vọng bằng nhiều cách ơn gọi của Người hãy trở nên phù hợp với Con của Người là Chúa Giêsu. Tên gọi thật là quan trọng ! Rất quan trọng ! Các bậc cha mẹ nghĩ tới vìệc đặt tên cho con cái ngay từ trước khi sanh : điều này cũng là một trong những việc để chờ đón đứa con, vốn với tên gọi riêng, sẽ có căn tính riêng biệt, kể cả trong cuộc đời Kitô giáo gắn liền với Thiên Chúa.

Quả thật trở thành Kitô hữu là một ơn trên (x. Ga 3, 2-8). Đức tin không thể mua được, nhưng phải cầu xin, phải, để nhận được như ơn phúc, phải, « Lạy Chúa, xin Chúa ban ơn đức tin cho con » là một lời cầu nguyện tốt đẹp ! « Xin cho con được đức tin » là một lời cầu nguyện đẹp. Cầu xin đức tin như một ơn, mà người ta không mua được, chỉ có thể cầu xin. Quả vậy, « Phép Rửa là bí tích của đức tin qua đó, những con người được soi sáng bởi ân điển của Chúa Thánh Thần, đáp trả Phúc Âm của Chúa Kitô » (Nghi thức Rửa Rội trẻ em, Nhập đề chung, số 3). Sự giáo huấn những người dự tòng và việc chuẩn bị các bậc cha mẹ nhắm tới việc khơi dậy một đức tin chân thành đáp ứng với Phúc Âm, như lắng nghe Lời Thiên Chúa trong việc cử hành bí tích Thánh Tẩy.

Nếu các dự tòng người lớn đích thân thể hiện điều họ mong muốn nhận được ơn phép Rửa từ Hội Thánh, các trẻ em được đại diện bởi cha mẹ, với các bố mẹ đỡ đầu. Cuộc đối thoại với họ cho phép họ biểu lộ ý muốn xin cho con cái họ nhân được phép Rửa và thưa với Hội Thánh nguyện vọng của họ được cử hành. « Dấu thánh giá mà chủ lễ và cha mẹ vẽ trên trán con cái họ là sự thể hiện nguyện vọng đó » (Nghi thức Rửa Tội trẻ em, dẫn nhập số 16). « Dấu thánh giá ghi dấu ấn của Đức Kitô trên kẻ sẽ thuộc về Người và nói lên ân sủng ơn cứu chuộc mà Đức Kitô mang lại cho chúng ta nhờ thập giá của Người » (Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo, 1235).

Trong cử hành lễ nghi, chúng ta ghi dấu thánh giá trên trẻ em. Tôi muốn trở lại một câu hỏi mà tôi đã nói với anh chị em. Con cái chúng ta có biết làm dấu thánh giá đúng cách không ? Nhiều khi, tôi thấy các em không biết làm dấu tử tế. Và anh chị em là các cha mẹ, ông bà, bố mẹ đỡ đầu, anh chị em phải dạy cho các em làm dấu thánh giá đúng cách bởi vì đó là lập lại cử chỉ đã làm trong lễ nghi Rửa Tội. Anh chị em có hiểu không ? Dạy cho con cái làm dấu thánh giá đúng cách. Nếu lúc bé, chúng học được, lớn lên chúng sẽ làm đúng cách.

Thánh giá là dấu chỉ đặc trưng cho biết chúng ta là ai : những gì chúng ta nói, chúng ta suy nghĩ, nhận xét, hành động, đều dưới dấu thánh giá, như là dưới dấu chỉ tình yêu đến tận cùng của Chúa Giêsu. Trẻ em được ghi dấu trên trán. Các dự tòng người lớn cũng được ghi dấu trên ngũ quan, bằng những lời này : « Con hãy nhận dấu thánh giá trên hai tai để nghe tiếng của Chúa » , « trên hai mắt để nhìn sự huy hoàng của thánh nhân Thiên Chúa », « trên miệng để đáp lại lời Thiên Chúa », « trên ngực để qua đức tin, Đức Kitô ngự xuống trong tim con », « trên đôi vai để mang ách êm ái của Đức Kitô » (Nghi thức bắt đầu Kitô giáo của người lớn, số 85). Người ta trở thành Kitô hữu trong việc dấu thánh giá được in sâu trong chúng ta như một dấu ấn « vượt qua » (x. Kh 14, 1 ; 22, 4), bằng cách thể hiện bề ngoài phương cách Kitô giáo tiếp cận với cuộc sống. Làm dấu thánh giá khi chúng ta thức dậy, trước bữa ăn, trước hiểm nguy, để tự vệ trước sự ác, buổi tối trước khi đi ngủ, có nghĩa là nói với mình và với người khác, chúng ta thuộc về ai, chúng ta muốn là ai. Bởi thế, thật là quan trọng phải dạy cho con cái biết làm dấu thánh giá cho đúng cách. Và, cũng như chúng ta làm dấu khi vào nhà thờ, chúng ta cũng có thể làm dấu khi về tới nhà, với chút nước thánh đựng trong một bình riêng – có nhiều gia đình làm như thế : như vậy, mỗi lần chúng ta đi vào hay đi ra, chúng ta làm dấu với nước thánh đó, chúng ta nhắc nhở cho mình là người đã được chịu Phép Rửa. Anh chị em đừng quên, tôi nhắc lại, phải dạy cho con cái làm dấu thánh giá.

© Traduction de Zenit, Hélène Ginabat

Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit

https://fr.zenit.org/articles/catechese-le-bapteme-implique-une-reponse-personnelle-et-non-un-copier-coller/

 971 khách đã đọc bài này
This entry was posted in Chưa được phân loại. Bookmark the permalink.