Bài Giáo Lý – Sự hối cải phải đến « người thân cận »

Đức Giáo Hoàng tố cáo những Kitô hữu cư xử như các « du khách » (Bản dịch đầy đủ)

août 21, 2019 16:57 Hélène Ginabat 6 Audience générale, Pape François

Triều kiến chung ngày 21/8/2019

« Là thành phần của thân thể Đức Kitô làm cho các tín hữu liên đới trách nhiệm giữa người này với người kia », Đức Giáo Hoàng Phanxicô khẳng đinh. Quả thật, ngài giải thích : « quan hệ với Chúa Kitô thiết lập một đường dây giữa các anh em đang hội tụ lại và cũng biểu lộ qua sự hiệp thông các của cải vật chất. Phải, cách thức này nhằm để ở cùng nhau, cách yêu thương lẫn nhau này đạt tới tận những ngưòi lân cận ». Chính là « dấu chỉ rằng tấm lòng của bạn đã trở lại », « khi sự trở lại đến tận những người lân cận, khi nó đụng chạm tới ngay những lợi ích riêng của chúng ta ».

Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp tục chuỗi Bài Giáo Lý về sách Tông Đồ Công Vụ. Nhân buổi triều kiến chung hàng tuần, được diễn ra trong Đại giảng Đường Phaolô VI, sáng ngày thứ tư 21/8/2019, Đức Giáo Hoàng đã bình giảng câu « đối với họ, mọi sự đều là của chung » (Cv 4,32). Người ta thấy thế nào « nếu người ta đại lượng với kẻ khác » ? « Nếu người ta giúp đỡ những người yếu duối nhất, những người nghèo khó nhất » ?, ngài chỉ rõ.

Đức Giáo Hoàng cảnh giác chống lại « một lối sống chỉ được tượng hình bởi lợi nhuận và những lợi thế rút ra từ những tình huống có hại cho người khác », như trường hợp Anania và vợ ông ta là Saphira. Ngài tố cáo tính đạo đức giả, tính ích kỷ, và sự thiếu sót « đối với đức tính chân thành của sự chia sẻ ». Đó là hành xử « như một du khách » : « có rất nhiều du khách trong Hội Thánh, Đức Giáo Hoàng cảnh báo, luôn chỉ là đi ngang qua, nhưng không hề bao giờ bước vào Hội Thánh : đó là ngành du lịch thiêng liêng khiến cho họ tin tưởng rằng họ là Kitô hữu trong lúc thực chất, họ chỉ là những du khách đi thăm các hầm mộ ».

Sau đây là bản dịch toàn văn Bài Giáo Lý bằng tiếng Ý

HG

Bài Giáo Lý bằng tiếng Ý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô  (Bản dịch toàn văn)

Thân chào Quý Anh Chị Em !

Cộng đoàn Kitô giáo sinh ra từ sự tràn lan dư đầy của Chúa Thánh Thần và lớn lên nhờ vào chất men chia sẻ đã xây dựng Hội Thánh với tính cách là gia đình của Thiên Chúa, nơi kinh nghiệm của koinonia là trung tâm. Từ ngữ lạ lùng này có nghĩa là gì ? Đó là một từ ngữ hy lạp có nghĩa là « để chung lại », « để chung lại » là như cùng chung một cộng đoàn, không bị lẻ loi. Đó là kinh nghiệm của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, có nghĩa là để chung lại với nhau, « chia sẻ », « liên lạc, tham gia », không cô lẻ. Trong Hội Thánh tiên khởi, cái Koinonia đó, cái cộng đoàn đó, dẫn tới trước hết là sự tham gia vào Mình và Máu Đức Kitô. Bởi thế, khi chúng ta rước lễ, chúng ta nói rằng « chúng ta hiệp thông », chúng ta đi vào hiệp thông với Chúa Giêsu và từ sự hiệp thông đó với Chúa Giêsu, chúng ta có thể hiệp thông với các anh chị em của chúng ta. Và sự hiệp thông này với Mình và Máu Chúa Giêsu, được thực hiện trong Thánh Lễ, được diễn giải thành sự hợp nhất huynh đệ, và bởi vậy cũng là điều khó khăn đối với chúng ta : để chung của cải và góp nhặt tiền bạc để giúp cho Mẹ Giáo Hội Giêrusalem (x. Rm 12,13 ; 2Cr 8-9) và các Giáo Hội khác. Nếu anh chị em muốn biết anh chị em có phải là những Kitô hữu tốt, anh chị em phải cầu nguyện, phải tìm cách tiến gần tới rước lễ, tới bí tích hòa giải. Nhưng dấu chỉ tâm hồn của bạn đã trở lại, chính là khi sự trở lại đến với những người thân cận, khi nó đụng chạm đến lợi ích riêng tư của chính mình : chính ở đó người ta mới thấy được liệu mình có rộng lượng với người khác hay không, liệu mình có giúp đỡ những kẻ yếu đuối, những kẻ nghèo khó nhất hay không ? Khi sự trở lại đến mức đó, bạn có thể chắc chắn rằng đó là sự trở lại đích thực.

Đời sống tham dự Thánh Lễ, cầu nguyện, siêng năng lắng nghe lời giảng của các tông đồ và trải nghiệm sự hiệp thông (x. Cv 2,42) làm cho vô số người trở thành tín hữu, sách Tông Đồ Công Vụ viết « họ vốn chỉ có một lòng một ý ». Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung (x. Cv 4,32). Đó là một mẫu đời sống rất mãnh liệt giúp cho chúng ta rộng lượng hơn và không keo kiệt. Bởi vậy, bài viết tiếp, « Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu » (Cv 4,34-35). Hội Thánh luôn tái diễn cử chỉ đó của các Kitô hữu sẵn sàng sả bỏ những thứ họ dư thừa, những thứ không cần thiết để hiến tặng cho những người đang có nhu cầu. Và không chỉ là tiền bạc, mà còn cả thời gian. Biết bao các Kitô hữu – cả Quý Anh Chị Em, chẳng hạn, ở đây tại nước Ý này – biết bao các Kitô hữu đã làm thiện nguyện viên. Điều này thật là quá đẹp ! Đó là sự hiệp thông, chia sẻ thời gian của tôi với người khác, để giúp những người đang có nhu cầu. Và cũng như thế, hành động thiện nguyện, các công việc bác ái, các lần thăm viếng người bệnh ; phải luôn chia sẻ với những người khác không chỉ tìm kiếm lợi ích cho chính mình. Cộng đoàn, hay koinonia, như thế trở thành mô thức quan hệ mới giữa các môn đệ  của Chúa. Các Kitô hữu trải nghiệm một kiểu mẫu đối xử mới giữa họ với nhau.

Và đó là kiểu mẫu đặc trưng Kitô giáo, đến nỗi những kẻ ngoại đã nhìn các Kitô hữu mà nói rằng : « Xem kìa họ thương yêu nhau quá ! ». Tình yêu đã là mô thức. Nhưng không phải một thứ tình yêu bằng lời nói, không phải một tình yêu giả bộ : phải là  tình yêu hành động, tương trợ, tình yêu cụ thể, tầm mức cụ thể của tình yêu. Quan hệ với Đức Kitô thiết lập sợi dây liên lạc giữa các anh em đang tụ hội lại với nhau và cũng biểu lộ qua sự hiệp thông của những của cải vật chất. Phải, mô thức này nhằm ở chung với nhau, cách thức yêu thương lẫn nhau này, như thế đi tới tận những người lân cận, đi tới sự sả bỏ cả trở ngại là tiền bạc để hiến tặng cho người khác, chống lại lợi ích của chính mình. Là thành phần của Thân Thể Chúa Kitô khiến các tín hữu liên đới trách nhiệm với nhau. Là các tín hữu của Chúa Giêsu làm cho tất cả chúng ta liên đới trách nhiệm với nhau. « Nhưng bạn hãy nhìn người kia kìa, vấn đề  của anh ta : điều đó không liên quan gì đến tôi , không phải chuyện của tôi ». Không, giữa các Kitô hữu với nhau, chúng ta không thể nói : « Tôi nghiệp, anh ta có vấn đề ở nhà anh ta, anh ta có khó khăn trong gia đình anh ta ». Nhưng, tôi phải cầu nguyện, tôi phải rủ anh đến với tôi, tôi không thờ ơ được ».

Là Kitô hữu, chính là như thế. Bởi vậy cho nên những người vững mạnh nâng đỡ những người yếu đuối (x. Rm 15,1) và không có ai phải trải nghiệm sự bần hàn vốn làm nhục và làm tổn hại phẩm giá người ta, bởi vì họ sống cộng đoàn này : có chung lòng trí. Họ thương yêu nhau. Đây là dấu chỉ : một tình yêu cụ thể. Các ông Giacôbê, Phêrô và Gioan, là ba tông đồ như những « trụ cột » của Hội Thánh Giêrusalem, quyết định trong sự hiệp thông rằng các ông Phêrô và Banabê sẽ Phúc Âm Hóa kẻ ngoại trong lúc các ngài Phúc Âm Hóa người Do Thái, và các ngài chỉ dặn dò các ông Phêrô và Banabê điều kiện này là không được quên người nghèo, hãy nhớ tới người nghèo (x. Gl 2, 9-10). Không chỉ là những người nghèo khó vật chất, mà còn những người nghèo khó về mặt thiêng liêng, những người đang có vấn đề  và đang cần đến sự gần gũi của chúng ta. Một người Kitô hữu luôn xuất phát từ bản thân, từ trái tim của mình và đến gần những người khác, như Chúa Giêsu đã đến gần với chúng ta. Đó là cộng đoàn đầu tiên của Kitô giáo. Một thí dụ cụ thể về chia sẻ và về hiệp thông các của cải đã được truyền đạt tới chúng ta qua chứng ta của ông Banabê : ông có một thửa đất và ông bán đi để mang lợi lức về cho các tông đồ (x. Cv 4, 36-37). Nhưng bên cạnh tấm gương tích cực của ông, cũng có một tấm gương khác tiêu cực một cách đáng buồn : Ông Anania và vợ ông là bà Saphira là người, sau khi bán một miếng đất, đã quyết định chỉ mang nộp một phần cho các tông đồ và giữ lại phần kia lại cho mình (x. Cv 5, 1-2). Vụ lừa đảo này đã làm gián đoạn chuỗi chia sẻ nhưng không, sự chia sẻ thanh thản, bất vụ lợi và những hậu quả thật là bi thảm, nó mang tính trí mạng (Cv 5, 5-10).

Tông đồ Phêrô lột trần tội lỗi của Anania và của vợ ông ta và nói với ông ta rằng : « Anh Kha-na-ni-a, sao anh lại để Xa-tan xâm chiếm lòng anh, khiến anh lừa dối Thánh Thần, mà giữ lại một phần giá thửa đất ? […] Anh đã không lừa dối người phàm, mà lừa dối Thiên Chúa » (Cv 5,3-4). Chúng ta sẽ có thể nói rằng, ông Anania đã nói dối Thiên Chúa bởi vì một lương tâm cô lẻ, vì một lương tâm đạo đức giả, nghĩa là vì một sự thống thuộc Hội Thánh « có thương lượng », nửa vời và thời cơ chủ nghĩa. Sự đạo đức giả là kẻ thù tệ hại nhất của cộng đoàn Kitô giáo, của tình yêu Kitô giáo này : giả vờ yêu mến nhau, nhưng chỉ tìm lợi ích cho riêng mình. Thiếu sự thật thà của chia sẻ, thực chất, hay là gian dối với tính trung thực của tình yêu, có nghĩa là vun trồng tính đạo đức giả, xa rời sự thật, trở thành ích kỷ, dập tắt ngọn lửa hiệp thông và tự dành cho mình sự đông lạnh của cái chết trong tâm hồn.

Kẻ hành xử như thế, đi qua Hội Thánh như một người khách du lịch. Có nhiều khách du lịch trong Hội Thánh, họ luôn đi ngang qua, nhưng không bao giờ họ bước vào trong Hội Thánh : Đó là ngành du lịch thiêng liêng khiến họ cứ tưởng họ là các Kitô hữu, trong lúc họ chỉ là những khách du lịch của các hầm mộ. Không, chúng ta không được là những du khách trong Hội Thánh, mà phải là những người anh em của nhau. Một sự sống chỉ được tạo hình trên dạng thức và những lợi nhuận để rút ra từ những tình huống có hại cho người khác gây ra một cách không thể tránh khỏi cái chết trong nội tâm. Và biết bao nhiêu người tự nói rằng gần gũi với Hội Thánh, bạn bè với các linh mục, các giám mục, trong lúc họ chỉ tìm kiếm lợi ích của riêng họ. Đó là những kẻ đạo đức giả đang phá hoại Hội Thánh !

Cầu xin Chúa – tôi cầu xin cho mỗi người trong chúng ta – đổ lại trên chúng ta Thần Khí nhân từ của Người, Đấng vốn chiến thắng mọi sự đạo đức giả và mang lại chân lý để nuôi dưỡng tình liên đới Kitô giáo ; không phải chỉ là một sự trợ giúp xã hội, mà là sự biểu lộ không chối cãi được bản chất của Hội Thánh, người mẹ rất nhân hiền của hết mọi người, đặc biệt là những người nghèo khó nhất.

© Traduction de Zenit, Hélène Ginabat

Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.

https://fr.zenit.org/articles/catechese-la-conversion-doit-arriver-aux-poches-traduction-complete/

 610 khách đã đọc bài này
This entry was posted in Chưa được phân loại. Bookmark the permalink.