Bài Giáo Lý – Vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm, chìa khóa đời sống Kitô giáo

Và nhận biết Chúa Giêsu trong những người bệnh (Bản dịch toàn văn)

AOÛT 28, 2019 16:11 HÉLÈNE GINABATAUDIENCE GÉNÉRALEPAPE FRANÇOIS

Triều kiến chung ngày 28/8/2019

« Vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm » : câu trả lời này của thánh Phêrô và các tông đồ cho những kẻ muốn bắt các ông im lặng, là « chìa khóa của đời sống Kitô giáo », « lời giải đáp trọng đại của Kitô giáo », Đức Giáo Hoàng Phanxicô giảng dạy. Điều này có nghĩa, ngài xác nhận, là « hết lòng tuân phục Thiên Chúa, không chần chừ, không tính toán ; gắn liền với Người để trở thành có khả năng lập giao ước với Người và với những ai chúng ta bắt gặp trên đường chúng ta đi ». Điều này cũng đòi hỏi « sức mạnh » của Chúa Thánh Thần để « chúng ta không bị sợ hãi bởi những kẻ ra lệnh cho chúng ta phải câm miệng, vu khống chúng ta hay dứt khoát muốn mưu hại mạng sống cùa chúng ta ».

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp nối Bài Giáo Lý về sách Tông Đồ Công Vụ trong buổi triều kiến chung ngày thứ tư 28/8/2019, trên Quảng Trường Thánh Phêrô của Vatican, trước sự hiện diện của hàng ngàn du khách và khách hành hương, đến từ Ý và trên toàn thế giới. Ngài đã bình giảng chương 5, mô tả sự sốt sắng của cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi của Giêrusalem và những vụ chữa lành bệnh bởi các thánh tông đồ.

« Trước mắt họ, cũng như trước mắt các Kitô hữu của mọi thời đại » , Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh, « người bệnh là những người thụ hưởng ưu tiên sự loan báo vui mừng về Nước Thiên Chúa », họ là « những người ưu tiên đối với Hội Thánh, đối với các thừa tác viên , đối với tất cả các tín hữu ». Tại sao có sự ưu tiên đó ? Bởi vì, Đức Giáo Hoàng giải thích thêm, « trong các thương tích của những người bệnh, trong những bệnh hoạn cản trở không cho họ tiến lên được trong đời sống, luôn có sự hiện diện của Chúa Giêsu, thương tích của Chúa Giêsu. Và ngài thêm rằng : « Có Chúa Giêsu kêu gọi mỗi người trong chúng ta hãy săn sóc họ, nâng đỡ họ, chữa lành cho họ ».

Sau đây là bản dịch toàn văn Bài Giáo Lý bằng tiếng Ý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

HG

Bài Giáo Lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô (Bản dịch toàn văn)

Thân chào Quý Anh Chị Em !

Cộng đoàn Giáo Hội được mô tả trong sách Tông Đồ Công Vụ, sống thừa hưởng toàn bộ của cải mà Chúa đã sắp sẵn cho họ – Chúa rất rộng lượng ! -, họ gia tăng về số lượng và đã nhận thấy một sự sốt sắng lớn lao, mặc dù những sự tấn công đến từ bên ngoài. Để cho chúng ta thấy sức sống đó, thánh Luca, trong sách Tông Đồ Công Vụ, cũng chỉ rõ những địa điểm có ý nghĩa, thí dụ hành lang Salomon (x. Cv 5,12), nơi gặp gỡ của các tín hữu. Hành lang (stoà) là một đường hầm mở, dùng làm nơi trú ẩn nhưng cũng là nơi gặp gỡ và làm chứng. Quả vậy, thánh Luca nhấn mạnh đến những dấu lạ, điềm thiêng kèm theo lời giảng dạy của các tông đồ cũng như sự chăm sóc đặc biệt mà các ông ban cho những người bệnh hoạn.

Ở chương 5 Tông Đồ Công Vụ, Hội Thánh sơ sinh xuất hiện như một « bệnh viện dã chiến » đón nhận những người yếu đuối nhất, nghĩa là những người bị bệnh hoạn. Sự đau khổ của họ thu hút chú ý của các tông đồ, các ông « chẳng có vàng bạc chi cả » (Cv 3,6) – đó là lời ông Phêrô nói với người què – nhưng sức mạnh của các ông nằm trong thánh danh Chúa Giêsu. Trước mắt họ, cũng như trước mắt các Kitô hữu của mọi thời đại, người bệnh là những người thụ hưởng ưu tiên lời loan báo vui mừng về Nước Thiên Chúa, đó là những người anh em mà trong những người đó, Đức Kitô đặc biệt hiện diện để được đi kiếm và tìm thấy bởi mỗi người chúng ta (x. Mt 25, 36-40). Những người bệnh là những người ưu tiên đối với Hội Thánh, đối với các thừa tác viên, đối với tất cả các tín hữu. Không được xua đuổi họ, trái lại, phải chữa trị họ, chăm sóc họ : họ phải là mục tiêu của sự bận tâm Kitô giáo.

Trong các tông đồ, nổi bật là ông Phêrô, ông vượt trội trong nhóm các tông đồ vì ông là người đứng đầu (x. Mt 16,18) và vì sứ vụ ông nhận được từ Đấng Phục Sinh (x. Ga 21,15-17). Chính ông đã hướng dẫn bước đầu cho việc giảng huấn tín lý Kitô giáo trong ngày Lễ Ngũ Tuần (x. Cv 2,14-41) và sẽ đảm đang trách nhiệm điều khiển công đồng Giêrusalem (x. Cv 15 và Gl 2, 1-10).

Ông Phêrô tới gần những đòn cáng và đi giữa các người bệnh, như Chúa Giêsu đã làm, mang lấy lên mình những tật nguyền và những bệnh hoạn (x. Mt 8,17 ; Is 53,4). Và ông Phêrô, người đánh cá vùng Galilêa, là người đi ngang qua nhưng ông để cho Đấng Khác hiển hiện : ông để Đức Kitô sống động và tác động ! Quả thế, chứng nhân là người biểu lộ Đức Kitô, bởi những lời nói của mình và bởi sự hiện diện thể lý của mình, cho phép mình đi vào quan hệ và là sự nối dài của ngôi Lời nhập thể trong lịch sử. Ông Phêrô là người đã hoàn tất các công trình của Thầy mình (x. Ga 14,12) ; nếu nhìn ông với đức tin, người ta sẽ thấy chính là Đức Kitô.

Được tràn ngập bởi Thần Khí của Chúa mình, ông Phêrô đi ngang qua và, dù ông chẳng làm gì cả, bóng của ông trở thành một « sự ve vuốt » có khả năng chữa lành, có khả năng truyền tới sức khỏe, đó là sự đổ tràn lòng nhân hậu của Đấng Phục Sinh đang cúi xuống với những người bệnh hoạn và trả lại cho họ sự sống, sự cứu độ và nhân phẩm. Như thế, Thiên Chúa biểu lộ sự gần gũi của Người và làm cho những vết thương của con cái Người « thành nơi thần học của lòng nhân hậu » (Bài suy ngẫm buổi sáng, Nhà Thánh Martha, 14/12/2017). Trong những thương tích của những người bệnh, trong những bệnh hoạn ngăn cản họ tiến lên trong cuộc sống, luôn có sự hiện diện của Chúa Giêsu, thương tích của Chúa Giêsu. Có Chúa Giêsu kêu gọi mỗi người trong chúng ta hãy săn sóc họ, nâng đỡ họ, chữa lành cho họ. Tác động chữa lành của ông Phêrô dấy lên sự thù ghét và sự ganh tỵ của bọn luật sĩ đã bắt giam các tông đồ và, vì họ bị hoang mang bởi sự giải thoát thần bí của các ông, họ đã cấm các ông không được giảng dạy. Những kẻ này nhìn thấy những phép lạ các tông đồ làm, không phải là trò ảo thuật mà nhân danh Chúa Giêsu ; nhưng họ không muốn công nhận điều đó và họ bỏ tù các ông và đánh đòn các ông. Sau đó, các ông đã được giải cứu một cách lạ lùng, nhưng lòng dạ bọn luật sĩ chai đá đến độ chúng không muốn tin những điều chúng nhìn thấy tận mắt. Lúc đó ông Phêrô trả lời bằng cách đưa ra một chiếc chìa khóa của đời sống Kitô giáo : « Vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm » (Cv 5, 29) bởi vì bọn luật sĩ nói rằng : « Mấy người không được tiếp tục, không được chữa lành người ta » – « Tôi vâng lời Thiên Chúa trước khi vâng lời người phàm » : đó là câu trả lời Kitô giáo lớn mạnh. Điều này có nghĩa hết lòng nghe lời Thiên Chúa, không chần chừ, không tính toán ; gắn liền với Người để trở thành có khả năng lập giao ước với Người và với những người mà chúng ta bắt gặp trên đường chúng ta đi.

Chúng ta cũng hãy cầu xin Chúa Thánh Thần sức mạnh để đừng sợ hãi những kẻ bắt cúng ta câm nín, những kẻ vu khống chúng ta hay dứt khoát muốn mưu hại đến tính mạng chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin Ngưòi tăng cường nội lực cho chúng ta để chúng ta có thể chắc chắn có sự hiện diện tràn đầy tình yêu và niềm an ủi của Chúa bên cạnh chúng ta.

© Traduction de Zenit, Hélène Ginabat

Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zẻnit.

https://fr.zenit.org/articles/catechese-obeir-a-dieu-plutot-quaux-hommes-cle-de-la-vie-chretienne-traduction-integrale/

 1038 khách đã đọc bài này
This entry was posted in Chưa được phân loại. Bookmark the permalink.