« Trong Hội Thánh, tất cả thuộc về tình yêu, tất cả được xây dựng trên tình yêu, tất cả đều kết thúc trong tình yêu và tất cả đều là tình yêu »

Bài Giáo Lý của ĐGH Phanxicô

Triều kiến chung ngày 28 tháng 12 năm 2022, Đại Thính Đường Phaolô VI

Giáng Sinh và thánh Phanxicô Salêsiô

Phụng vụ ngảy hôm nay mời gọi chúng ta hãy dừng chân và suy ngẫm về mầu nhiệm Giáng Sinh. Và cũng vì ngày hôm nay, chúng ta kỷ niệm ngày giỗ thứ 400 của thánh Phanxicô Salêsiô, giám mục tiến sĩ Hội Thánh, chúng ta có thể lấy cảm hứng từ một số tư tưởng của ngài. Ngài đã viết nhiều về Giáng Sinh. Vể chuyện này, tôi sung sướng thông báo rằng tông thư kỷ niệm ngày giỗ này đã được công bố ngày hôm nay. Nhan đề là « Totum amoris est » (tất cả là tình yêu), lấy lại một cách diễn đạt đặc trưng của vị thánh giám mục Genève, Phanxicô Salêsiô. Đây quả là điều mà ngài đã viết trong Sách Chuyên Luận của ngài về tình yêu Thiên Chúa : « Trong Hội Thánh, tất cả thuộc về tình yêu, tất cả được xây dựng trên tình yêu, tất cả đều kết thúc trong tình yêu và tất cả đều là tình yêu » (Nxb. Paoline, Milanô 1989, trg 80). Thật là đẹp nếu chúng ta tất cả có thể cùng đi trên con đường tình yêu đó, quá đẹp.

Chúng ta hãy cố gắng đi sâu một chút vào mầu nhiệm Giáng Sinh của Chúa Giêsu, « cùng với » thánh Phanxicô Salêsiô, như thế chúng ta hợp nhất hai lễ kỷ niệm.

Trong nhiều thư từ của ngài gửi cho nữ thánh Jeanne-Françoise de Chantal, thánh Phanxicô Salêsiô viết : « Dường như tôi đã thấy vua Salômôn trên ngai ngà voi rộng lớn, dát vàng ròng và chạm trổ công phu, vốn không có gì sánh bằng trong vương quốc, như Sách Thánh nói (x. 1V 10,23). Nhưng tôi thích ngắm nhìn Hài Nhi nhỏ bé thân yêu trong máng cỏ gấp trăm lần hơn nhìn tất cả các vua chúa trên ngai vàng của họ » [1] : điều ngài nói thật là hay. Chúa Giêsu, vua vũ trụ, không bao giờ ngồi trên một ngai vàng, không bao giờ : Người sinh ra trong một chuồng gia súc – chúng ta thấy Người được thể hiện như thế, – được bọc tã và đặt nằm trong một cái máng cỏ ; và sau cùng, Người đã chết trên một cây thập giá, được bọc lại trong tấm khăn liệm, Người đã được đặt trong mồ. Quả vậy, thánh sử gia Luca, khi thuật lại sự giáng sinh của Chúa Giêsu, đã nhấn mạnh nhiều về chi tiết máng cỏ. Điều này có nghĩa là nó rất quan trọng, không chỉ như một chi tiết mang tính hậu cần, mà còn như là một yếu tố mang tính biểu tượng, để hiểu điều gì ? Để hiểu được Đấng Mêsia là vị nào, vị được sinh ra tại Bêlem bởi Đức Trinh Nữ Maria, Đấng Vua thế nào : nghĩa là, tóm lại, Chúa Giêsu là ai. Chỉ nhìn vào máng cỏ, nhìn vào thập giá, nhìn vào cuộc đời đơn giản của Người, chúng ta có thể hiểu được Chúa Giêsu là ai. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta bằng cách làm người, như chúng ta, bằng cách rũ bỏ vình quang của Người và bằng cách hạ mình (x. Pl 2,7-8). Chúng ta cụ thể nhìn thấy mầu nhiệm này trong điểm trung tâm của hang đá, nên biết là Hài Nhi nằm trong một máng cỏ. Đó là « dấu chỉ » mà Thiên Chúa ban cho chúng ta trong lễ Giáng Sinh : như thế, đó là một dấu chỉ cho những người chăn cừu của Bêlem (x. Lc 2,12), nó còn là dấu chỉ cho ngày hôm nay và mãi mãi về sau. Khi các thiên sứ loan báo sự giáng sinh của Chúa Giêsu : « Anh em hãy đi tìm Người » ; và dấu hiệu là « anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh trong một máng cỏ ». Đó là dấu hiệu. Ngai báu của Chúa Giêsu là máng cỏ hay trên đường phố trong cuộc đời của Người khi Người đi giảng dạy, hay là cây thập giá vào cuối đời của Người : đó là ngai của Vua chúng ta.

Dấu chỉ này cho chúng ta thấy « phong cách » của Thiên Chúa. Và phong cách của Thiên Chúa là thế nào ? Chúng ta đừng bao giờ quên điều đó : phong cách của Thiên Chúa là sự gần gũi, lòng xót thương và sự dịu dàng. Thiên Chúa của chúng ta gần gũi, đầy lòng thương xót và nhân hiền. Chúng ta thấy phong cách đó của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu. Với phong cách đó, Thiên Chúa thu hút chúng ta đến với Người. Người không thu hút chúng ta bằng sức mạnh, Người không áp đặt chúng ta chân lý và công lý của Người, Người không lôi kéo chúng ta, không : Người muốn thu hút chúng ta bằng tình yêu, bằng sự nhân lành, bằng lòng thương cảm. Trong một bức thư khác gửi một nữ tu luôn trong bối cảnh Giáng Sinh, thánh Phanxicô Salêsiô viết : « Đá nam châm hút sắt và hổ phách hút rơm rạ và cỏ khô. Hoặc chúng ta là sắt vì sự cứng rắn, hoặc chúng ta là rơm rác vì ngu đần, chúng ta đều phải sáp nhập vào với vị vua hài nhi nhỏ bé này » [2]. Những sức mạnh của chúng ta, những yếu đuối của chúng ta chỉ có thể được giải quyết trước hang đá, trước Chúa Giêsu, hay trước cây thập giá : Chúa Giêsu trần trụi, Chúa Giêsu nghèo khó ; nhưng luôn với phong cách của Người là gần gũi, thương cảm và dịu hiền. Đôi khi chúng ta là « sắt », nghĩa là chúng ta cứng rắn, cứng nhắc, lạnh lùng. Vào những lúc khác, chúng ta là « rơm », nghĩa là mong manh, yếu đuối, không vững vàng. Lúc đó Thiên Chúa đã tìm được phương cách để thu hút chúng ta tùy lúc chúng ta là gì : với tình yêu. Không phải một tình yêu chiếm hữu và ích kỷ, như quá thường khi tình yêu của con người khốn nỗi là như thế. Tình yêu của Người là một quà tặng thuần túy, một ơn phúc thuần túy, nó hoàn toàn và duy nhất dành cho chúng ta, cho sự lợi ích của chúng ta. Và chính như thế, với tình yêu không vũ khí và cũng không vũ trang này, mà Người thu hút chúng ta, bởi vì khi chúng ta thấy sự đơn sơ của Chúa Giêsu, chúng ta cũng thế, chúng ta buông vũ khí của kiêu ngạo và chúng ta đi tới đó, khiêm tốn, cầu xin tha thứ, cầu xin ánh sáng cho cuộc đời chúng ta, để có thể tiến tới. Quý anh chị em đừng quên ngai vàng của Chúa Giêsu là : máng cỏ và thập giá, đó là ngai vàng của Chúa Giêsu.

Sự nghèo khó – và thực chất có nhiều nghèo khó ở đó -, được hiểu như là sự từ bỏ mọi sự phù phiếm thế tục, là một khía cạnh khác toát ra từ máng cỏ. Khi chúng ta thấy tiền bạc mà chúng ta tiêu xài cho sự phù phiếm ; nhiều tiền bạc cho sự phù phiếm thế tục, nhiều nỗ lực, nhiều khảo cứu, cho sự phù phiến, trong lúc mà Chúa Giêsu cho chúng ta thấy sự khiêm nhường. Thánh Phanxicô Salêsiô còn viết : « Lạy Thiên Chúa của con ! Cầu xin cho sự giáng sinh làm nẩy sinh những tình cảm thánh đức trong lòng chúng ta ! Như thế trước hết, sự chối bỏ hoàn toàn của cải, những hào nhoáng […] của thế gian này. Tôi không biết, nhưng tôi không tìm được mầu nhiệm nào pha trộn một cách ngọt ngào như thế giữa sự mềm mỏng với sự khắc khổ, tình yêu thương với sự nghiêm khắc, sự dịu dàng với tính ác liệt » [3]. Chúng ta thấy tất cả những điều đó trong máng cỏ. Phải, chúng ta hãy cảnh giác để đừng rơi vào tranh biếm họa của Giáng Sinh. Và điều đó là một vấn đề, bởi vì Giáng Sinh là điều đó. Nhưng ngày hôm nay, chúng ta thấy còn có một « Noël khác », trong ngoặc kép, đó là biếm họa thế tục của Giáng Sinh, thu hẹp Giáng Sinh thành một lễ hội mang tính tiêu thụ và màu mè. Phải tổ chức lễ hội, phải, nhưng cái đó không thể là Giáng Sinh, là cái gì khác. Không, tình thương yêu của Thiên Chúa không phải màu mè, máng cỏ của Chúa Giêsu cho ta thấy điều đó. Tình thương yêu của Thiên Chúa không phải là một lòng tốt đạo đức giả che dấu sự tìm kiếm lạc thú và tiện nghi. Các bậc trưởng thượng của chúng ta vốn đã từng biết đến chiến tranh và cũng biết đến nạn đói, và đã biết rõ điều đó : Giáng Sinh, đó là niềm vui và lễ hội, đúng thế, nhưng trong sự đơn sơ và khắc khổ.

Và chúng ta kết luận bằng một tư tưởng của Thánh Phanxicô Salêsiô mà tôi cũng đã lấy lại trong Tông Thư. Ngài đã đọc cho các Nữ Tu Dòng Visitandines (dòng Thăm Viếng) – quý anh chị em hãy suy nghĩ – hai ngày trước khi ngài mất, ngày 26/12/1622. Và ngài nói : « Có thấy Chúa Hài Đồng Giêsu trong máng cỏ không ? Người nhận được những lời xúc phạm của thời tiết, cái lạnh và tất cả những gì Cha Vĩnh Hằng của Người cho phép xẩy đến cho Người. Người không từ chối những sự an ủi nhỏ bé mà Mẹ Người dành cho Người, không hề thấy viết rằng Người vươn tay của Người ra để có được bầu sữa của Mẹ Người, mà đã để tất cả điều này cho sự chăm sóc và lo xa của Mẹ ; như vậy chúng ta không được ham muốn điều gì hay từ chối điều gì, chịu đựng những gì Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta, sự lạnh giá và những xúc phạm của thời tiết » [4]. Và ở đây, thưa quý anh chị em, có một giáo huấn lớn, nó vốn đến từ Chúa Giêsu Hài Đồng qua sự khôn ngoan của thánh Phanxicô Salêsiô : không ham muốn và không từ bỏ, đón nhận tất cả những gì Thiên Chúa ban xuống cho chúng ta. Nhưng cẩn thận ! Luôn luôn và chỉ vì tình yêu, bởi vì Thiên Chúa thương yêu chúng ta, bởi vì Người luôn luôn và chỉ muốn lợi ích cho chúng ta.

Chúng ta hãy nhìn vào máng cỏ, vốn là ngai vàng của Chúa Giêsu, chúng ta hãy nhìn Chúa Giêsu trên những con đường của Giuđê, của Galilê, giảng dạy thông điệp của Chúa Cha, và chúng ta hãy nhìn xem Chúa Giêsu trên ngai báu khác, trên cây thập giá. Đó là điều mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta : con đường, mà đó cũng là con đường hạnh phúc.

Tôi chúc tất cả quý anh chị em và gia đình của quý anh chị em, Lễ Giáng Sinh vui vẻ và một sự khởi đầu tốt đẹp cho Năm Mới.

 ______________________________________________________

[1] Thư gửi mẹ bề trên Chantal, Annecy, ngày 25 tháng 12 năm 1613, trong Tutte le Lettere, tập II (1619-1622), bởi L. Rolfo, Paoline, Roma, 1967, 402-403 (Tác phẩm của Thánh Phanxicô Salêsiô, toàn bộ, Annecy, quyển XVI, 120-121).

[2] Thư gửi một nữ tu, Paris, khoảng 6 tháng 1 năm 1619, trong Tutte le lettere, tập III (1619-1622), bởi Rolfo, Paoline, Roma 1967, 10 (Tác phẩm của Thánh Phanxicô Salêsiô, toàn bộ, Annecy, quyển XVIII ? 334-335)

[3] Thư gửi một nữ tu của nhà dòng Sainte-Catherine, Annecy, 25 hay 26 tháng 12 năm 1621, trong Tutte le Lettere, tập III (1619-1622), a cura di L. Rolfo, Paoline, Roma 1967, 615 (Tác phẩm của Thánh Phanxicô Salêsiô, toàn bộ, Annecy, tập XX, 212)

[4] Trao đổi thiêng liêng, Paoline, Milano 2000, 463 (Phanxicô Salêsiô,Trao đổi thiêng liêng, tác phẩm. Các bản văn được trình bầy và ghi chú bởi A. Ravier với sự cộng tác của R. Devos, Thư Viện Pléiade, Gallimard, Paris 1969, 1319).

——

Tôi muốn xin tất cả quý anh chị em một lời cầu nguyện đặc biệt cho Đức Giáo Hoàng Danh Dự Biển Đức, ngài giúp đỡ Hội Thánh trong thinh lặng. Hãy nhớ tới ngài – ngài đang bệnh rất nặng – và cầu xin Chúa thêm sức cho ngài, và nâng đỡ ngài trong sự chứng minh tình yêu này của ngài đối với Hội Thánh cho đến cùng.

Sau cùng, theo thông lệ, tôi nghĩ tới những người trẻ, những bệnh nhân, những người già và những cặp tân hôn. Cầu xin Hài Nhi của Bêlem ban cho quý anh chị em ánh sáng và sự an ủi của Người. Và xin Người ban cho Ukraina đang bị bách hại, đàn áp bởi bạo lực của chiến tranh, ơn hòa bình đang được chờ mong.

Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của vatican.va

Audience générale du 28 décembre 2022 – Noël avec saint François de Sales | François (vatican.va)

 19 khách đã đọc bài này
This entry was posted in Chưa được phân loại. Bookmark the permalink.