Kinh Truyền Tin của ĐGH Phanxicô – Chúng ta hãy tự hỏi : tôi có là một người gây chia rẽ hay là một người chia sẻ ?
Kinh Truyền Tin ngày 08 tháng 01 năm 2023
Lời ĐGH Phanxicô trước Kinh Truyền Tin
Thân chào quý anh chị em !
Ngày hôm nay, chúng ta mừng Lễ Chúa chịu Phép Rửa và Phúc Âm cho chúng ta thấy một cảnh tượng đáng ngạc nhiên : lần đầu tiên Chúa Giêsu xuất hiện công khai sau cuộc đời ẩn dật tại Nazareth ; Người tới bờ sông Giođan để nhận Phép Rửa bởi ông Gioan (Mt 3, 13-17). Đây là một nghi thức qua đó người ta tỏ lòng ăn năn tội lỗi và tuyên hứa hối cải ; Một bài thánh ca phụng vụ nói rằng dân chúng đã đi để được chịu phép Rửa với « tâm hồn trần trụi và đôi chân trần » – một linh hồn cởi mở, trần trụi, không che dấu điều gì – nghĩa là với lòng khiêm hạ, với một trái tim trong sáng. Nhưng khi nhìn thấy Chúa Giêsu lẫn lộn trong đám người tội lỗi, người ta ngạc nhiên và tự hỏi : tại sao Chúa Giêsu lại lấy sự lựa chọn này ? Chúng ta tìm được câu trả lời trong những lời của Chúa Giêsu phán với ông Gioan : « Bây giờ cứ thế đã, vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính » (c.15). Giữ trọn đức công chính : điều này có nghĩa là gì ?
Bằng cách chịu phép Rửa, Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta sự công chính của Thiên Chúa, sự công chính mà đích thân Người đã mang đến cho thế gian. Chúng ta thường hay có một suy nghĩ hạn hẹp về sự công chính và chúng ta nghĩ rằng nó có nghia là : những người mắc phải những lỗi lầm phải trả nợ và đền bù cho điều ác họ đã làm. Nhưng công lý của Thiên Chúa, như Sách Thánh đã dạy, vĩ đại hơn nhiều : nó không có kết cục là trừng phạt thủ phạm, mà là sự cứu độ hắn, sự tái sinh của hắn, làm cho hắn trở nên công chính : từ bất chính trở nên công chính. Đó là một sự công chính đến từ tình yêu thương, đến từ ruột gan của lòng thương cảm và của lòng thương xót vốn là trái tim của Thiên Chúa, Chúa Cha cảm động khi chúng ta bị cái ác đàn áp và ngã quỵ dưới gánh nặng của tội lỗi và dưới sự mong manh. Bởi vậy nền công lý của Thiên Chúa không chủ trương phân phát những trừng phạt và những hình phạt, nhưng như thánh Phaolô đã khẳng định, là làm cho chúng ta thành những con cái công chính (x. Rm 3,22-31), giải thoát chúng ta khỏi những xiềng xích của tội lỗi, chữa lành chúng ta, nâng đỡ chúng ta trỗi dậy. Chúa luôn không sẵn sàng trừng phạt chúng ta, Người luôn giơ tay ra để giúp đỡ chúng ta trỗi dậy. Và rồi chúng ta hiểu rằng, trên bờ sông Giođan, Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta ý nghĩa sứ vụ của Người : Người đến để thực hiện công lý của Thiên Chúa, vốn là cứu độ người tội lỗi ; Người đã đến gánh lấy tội lỗi thế gian trên đôi vai của Người và xuống tận những vùng nước dưới vực thẳm, của sự chết, để cứu vớt chúng ta chứ không phải để dìm chúng ta đuối nước. Ngày hôm nay, Người chỉ cho chúng ta thấy rằng nền công lý đích thực của Thiên Chúa là lòng thương xót mang tính cứu độ. Chúng ta sợ nghĩ rằng Thiên Chúa đầy lòng thương xót, nhưng Thiên Chúa là Đấng giầu lòng thương xót, bởi vì nền công lý của Người chính xác là lòng thương xót mang tính cứu độ, đó là tình yêu chia sẻ điều kiện con người của chúng ta, đến gần, liên đới với nỗi đau thương của chúng ta, đi vào trong những vùng đen tối của chúng ta để mang lại ánh sáng.
Ngài Biển Đức XVI khẳng định rằng « Thiên Chúa đã muốn cứu độ chúng ta bằng cách đích thân xuống tận đáy vực của sự chết, để mỗi người, kể cả những người đã sa ngã rất sâu đến nối không còn thấy trời, có thể tìm được bàn tay của Thiên Chúa để bám víu và ra khỏi vùng đen tối, để thấy lại ánh sáng mà mình đã được sinh ra để hưởng » (Bài giảng, 13/01/2008).
Thưa quý anh chị em, chúng ta sợ hãi khi nghĩ tới một nền công lý thương xót đến thế. Chúng ta hãy tiến tới : Thiên Chúa là sự thương xót. Công lý của người là sự thương xót. Chúng ta hãy để chúng ta được Người dắt tay mình. Chúng ta cũng thế, các môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta được kêu gọi hãy thực thi công lý theo cách này, trong những quan hệ với những người khác, trong Hội Thánh, trong xã hội : không phải với sự cứng rắn của những người phán xét và kết án bằng cách chia rẽ mọi người thành những người tốt và những kẻ xấu, nhưng với lòng thương xót của những người đã đón nhận, chia sẻ những vết thương và sự mong manh của các anh chị em, để nâng đỡ họ trỗi dậy. Tôi muốn nói điều này theo cách sau đây : không chia rẽ, mà bằng cách chia sẻ. Không phải để chia rẽ mà để chia sẻ. Chúng ta hãy làm như Chúa Giêsu : chúng ta hãy chia sẻ, chúng ta hãy mang những gánh nặng cho nhau, thay vì ngồi lê đôi mách và đả phá nhau, chúng ta hãy nhìn nhau với lòng thương cảm, chúng ta hãy giúp đỡ lẫn nhau. Chúng ta hãy tự hỏi : tôi là một người chia rẽ hay chia sẻ ? Chúng ta hãy động não đôi chút : tôi có là môn đệ tình yêu của Chúa Giêsu không ? hay tôi là một môn đồ của sự ngồi lê đôi mách, gây chia rẽ ? Những chuyện ngồi lê đôi mách là một vũ khí chết người : chúng giết người, giết hại tình yêu, chúng giết chết xã hội, chúng giết hại tình huynh đệ. Chúng ta hãy tự hỏi : tôi có là một người gây chia rẽ hay là một người chia sẻ ?
Và bây giờ, chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ, người đã sinh ra Chúa Giêsu, bằng cách dìm Người vào trong sự mong manh của chúng ta để chúng ta có thể tìm lại được sự sống.
Sau Kinh Truyền Tin
Thưa quý anh chị em !
Sáng nay, như thường lệ, tôi đã ban phép Thánh Tẩy tại nhà nguyện Sixtine cho các trẻ sơ sinh, con cái các nhân viên của Tòa Thánh và Thành Quốc Vatican. Tuy nhiên, bây giờ, nhân Lễ Chúa chịu Phép Rửa, tôi muốn mở rộng lời chào mừng và phép lành của tôi tới tất cả những trẻ em trai cũng như gái, ngày hôm nay hay trong giai đoạn này, đã hay sắp được nhận phép Rửa. Và đồng thời, tôi nhắc lại với tất cả mọi người – với tôi trước tiên – lời mời gọi hãy ăn mừng ngày chúng ta đã được Rửa Tội, nghĩa là ngày mà chúng ta được trở thành Kitô hữu. Tôi hỏi quý anh chị em : mỗi người trong quý anh chị em có biết ngày mình được Rửa Tội là ngày nào không ? Có nhiều người trong quý anh chị em chắc chắn là không biết. Quý anh chị em hãy hỏi cha mẹ, những người thân, các vú bõ đỡ đầu : ngày con Rửa Tội là ngày nào ? Và rồi, mỗi năm, chúng ta hãy ăn mừng ngày đó, bởi vì đó là một ngày sinh nhật mới, ngày sinh nhật trong đức tin. Đó là công việc của ngày hôm nay, đối với mỗi người trong quý anh chị em : ngày tôi được Rửa Tội là ngày nào, để tôi ăn mừng.
Và bây giờ, tôi gửi tới quý anh chị em lời chào mừng, hỡi các khách hành hương và người dân Rôma. Tôi thấy có nhiều người Balan ở đây !
Tôi đặc biệt chào mừng ca đoàn « Tiếng nói các thiên thần » của Bêlem. Các bạn thân mến, tôi cảm ơn các bạn từ tận đáy lòng, với các bài thánh ca của các bạn, các bạn đã mang đến « hương thơm của Bêlem » và sự làm chứng của cộng đoàn Kitô giáo của Thánh Địa. Cảm ơn ! Chúng tôi cầu nguyện cho các bạn và chúng tôi gần gũi với các bạn !
Chúng ta đừng quên các anh chị em người Ukraina của chúng ta ! Họ đang rất đau khổ vì chiến tranh ! Mùa Noël này trong chiến tranh, không có ánh sáng, không có hơi ấm, họ đang rất đau khổ ! Xin quý anh chị em vui lòng, chúng ta đừng quên họ. Và ngày hom nay, khi chiêm ngắm Đức Mẹ bồng Hài Nhi trong hang đá, chăm sóc Người, tôi liên tưởng đến các bà mẹ của những nạn nhân của chiến tranh, đến những người lính đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh tại Ukraina. Những bà mẹ người Ukraina và những người mẹ người Nga, cả hai bên đều đã mất đi con trai của mình. Đó là cái giá của chiến tranh. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các bà mẹ đã mất con mình là lính, dù là người Ukraina hay người Nga.
Tôi chúc mọi người một ngày chúa nhật tốt đẹp. Xin quý anh chị em vui lòng, đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc bữa trưa ngon miệng và tạm biệt.
Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của vatican.va
Angélus, 8 janvier 2023, fête du baptême du Seigneur | François (vatican.va)