Ơn gọi làm tông đồ (Mt 9, 9-13)
Đại thính đường Phaolô VI – Bài Giáo Lý ngày 11 tháng 01 năm 2023
Thân chào quý anh chị em !
Ngày hôm nay, chúng ta bắt đầu một chu kỳ các bài giáo lý mới, dành cho một chủ đề cấp thiết và mang tính quyết định cho đời sống Kitô giáo : niềm đam mê rao giảng Tin Mừng, nghĩa là lòng hăng hái tông đồ. Đây là một tầm kích sống còn đối với Hội Thánh : cộng đoàn các môn đệ của Chúa Giêsu sinh ra là tông truyền, nó sinh ra là truyền giáo, chứ không phải rù quyến, và ngay từ đầu, chúng ta phải biết sự phân biệt này : là những người truyền giáo, là những người làm việc tông đồ, rao giảng Tin Mừng không phải là điều giống như chủ nghĩa lôi kéo, hai chuyện không có gì giống nhau cả. Đó là một chiều kích sống còn của Hội Thánh, cộng đoàn các môn đệ của Chúa Giêsu sinh ra là tông truyền và truyền giáo. Chúa Thánh Thần định hình Hội Thánh để đi ra – Hội Thánh đi ra, đi ra ngoài -, để Hội Thánh không bị co cụm trên chính mình, nhưng mở ra ngoài, cũng là chứng nhân lây nhiễm của đức tin của Chúa Giêsu, quyết tâm lan tỏa ánh sáng của Người đến tận cùng trái đất. Tuy nhiên có thể xẩy ra là lòng nhiệt thành tông đồ, lòng mong muốn đến với những người khác qua việc rao giảng Tin Mừng tốt đẹp, bị giảm sút, trở thành nguội lạnh. Đôi khi, nó dường như bị lu mờ đi, đó là những Kitô hữu thu mình lại, họ không nghĩ đến những người khác. Nhưng khi đời sống Kitô giáo mà mất đi mục tiêu rao truyền Phúc Âm, mục tiêu loan báo, thì nó trở nên bệnh hoạn : nó tự khép kín lại, nó trở thành tự quy chiếu, nó teo đi. Không có lòng hăng say tông đồ, đức tin khô héo dần. Truyền giáo, ngược lại là nguồn dưỡng khí cho sự sống Kitô giáo : nó làm cho sự sống đó được bồi bổ và thanh tẩy. Như vậy, chúng ta hãy bắt đầu một hành trình khám phá niềm đam mê rao giảng Tin Mừng, bắt đầu bằng Sách Thánh và giáo huấn của Hội Thánh, để đong múc lòng hăng hái tông đồ ngay từ nguồn mạch của nó. Rồi chúng ta sẽ tiếp cận một số nguồn sống, một số các nhân chứng đã khơi dậy trong Hội Thánh nềm đam mê Tin Mừng, để giúp chúng ta thắp sáng lại ngọn lửa mà Chúa Thánh Thần muốn luôn làm cháy lên trong chúng ta.
Và ngày hôm nay, tôi muốn bắt đầu bằng một đoạn Phúc Âm mà theo một cách nào đó, nó mang tính biểu tượng cho điều mà chúng ta đã nghe nói : ơn gọi của tông đồ Mátthêu, và chính là đích thân ngài đã kể lại trong sách Phúc Âm của ngài, trong đoạn mà chúng ta đã được nghe (x. Mt 9, 9-13).
Tất cả bắt đầu với sự kiện Chúa Giêsu « nhìn thấy » – như sách viết – « một người ». Ít có người nhìn thấy ông Mátthêu trong trạng thái thật của ông : họ đã biết ông như người « ngồi tại trạm thâu thuế » (x. c.9). Ông thực chất là một người thâu thuế, nghĩa là ông thâu thuế cho đế quốc La Mã đang chiếm đóng Palestina. Nói cách khác, ông là một tên Do Thái gian, một tên phản quốc. Chúng ta có thể hình dung sự khinh rẻ của người ta cảm thấy đối với ông, đó là một « tên thâu thuế », người ta đã coi ông là như thế. Nhưng, dưới mắt của Chúa Giêsu, ông Mátthêu là một con người, với những thống khổ cũng như những cao cả của ông. Xin quý anh chị em hãy chú ý điều này : Chúa Giêsu không dừng lại trên những tĩnh từ, Chúa Giêsu luôn tìm kiếm danh từ. « Người này là một kẻ tội lỗi, người kia là thế kia đối với người khác… » đều là các tính từ : Chúa Giêsu đi tới với con người, tới trái tim, đó là một nhân vật, đó là một người nam, đó là một người nữ, Chúa Giêsu đi tới bản chất, tới danh từ, không bao giờ tới tĩnh từ, quý anh chị em hãy quên tĩnh từ đi. Và trong lúc có một khoảng cách giữa ông Mátthêu với dân chúng của ông – bởi vì họ nhìn vào tính từ « tên thâu thuế » -, Chúa Giêsu đến gần với ông, bởi vì mọi con người đều được Thiên Chúa thương yêu : « Kể cả kẻ khốn nạn đó ? » Phải, kể cả kẻ khốn nạn đó, quả vậy, Người đã đến cho kẻ khốn nạn đó, Phúc Âm nói : « Tôi đến cho kẻ tội lỗi, chứ không cho người công chính ». Cái nhìn này của Chúa Giêsu là rất đẹp, Người nhìn thấy người đối diện, bất kể người đó như thế nào, như người lãnh nhận tình yêu, là khúc nhạc dạo mở màn cho niềm đam mê rao giảng Tin Mừng. Mọi sự xuất phát từ cái nhìn đó, mà chúng ta học được từ Chúa Giêsu.
Chúng ta có thể tự hỏi : cái nhìn của chúng ta về những người khác là như thế nào ? có bao nhiêu lần chúng ta nhìn thấy những khuyết điểm của họ chứ không nhìn thấy những nhu cầu của họ ; có bao nhiêu lần chúng ta đã dán nhãn hiệu cho người ta vì những gì người ta đã làm hay vì những gì người ta nghĩ ! Dù là với danh nghĩa Kitô hữu, chúng ta tự nhủ : họ có phải là người của chúng ta không ? Đó không phải là cái nhìn của Chúa Giêsu : Người luôn nhìn mỗi người với lòng thương xót và, thực chất, với sự ưa chuộng. Và những người Kitô hữu đều được kêu gọi hãy làm như Chúa Kitô, bằng cách nhìn như Người nhìn, đặc biệt những người mà chúng ta gọi là « những người ở xa ». Thực chất, đoạn kể về ơn gọi của ông Mátthêu chấm dứt với lời tuyên bố của Chúa Giêsu : « Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi » (c.13). Và nếu mỗi người trong chúng ta cảm thấy mình công chính, Chúa Giêsu ở ngoài xa, Người chỉ đến gần những giới hạn của chúng ta và những khốn cùng của chúng ta, để chữa lành chúng ta.
Như vậy, mọi chuyện bắt đầu bởi cái nhìn của Chúa Giêsu, Người « đã nhìn thấy một người », ông Mátthêu. Tiếp theo là – màn thứ hai – một chuyển động. Trước tiên là cái nhìn ; Chúa Giêsu nhìn, rồi đến giai đoạn thứ nhì, sự chuyển động. Ông Mátthêu đang ngồi ở trạm thu thuế ; Chúa Giêsu phán với ông : « Anh hãy theo tôi ». Và « ông đứng dậy đi theo Người » (c .9). Chúng ta ghi nhận rằng bài Phúc Âm nhấn mạnh rằng « ông đứng dậy ». Tại sao chi tiết này lại rất quan trọng ? Bởi vì vào thời đó, người ngồi có quyền thế trên những người khác, họ phải đứng trước mặt ông để lắng nghe ông, hay như trong trường hợp này, để đóng thuế cho ông ta. Tóm lại, người ngồi là có quyền. Việc đầu tiên mà Chúa Giêsu làm, đó là tách ông Mátthêu ra khỏi quyền lực : từ trạng thái ngồi để tiếp những người khác, Người đặt ông vào chuyển động, đi tới những người khác, ông không tiếp kiến, không : ông đi tới với những người khác ; Người làm ông phải bỏ một vị thế kẻ bề trên để đặt ông vào vị thế bình đẳng với những người anh chị em của ông để mở ra cho ông những chân trời của sự phục vụ. Đó là điều Người làm và đó là căn bản đối với các Kitô hữu : chúng ta, những môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta là Hội Thánh, chúng ta có ngồi để chờ người ta đến, hay là chúng ta có biết đứng dậy, đi tới với những người khác, đi tìm những người khác không ? Đây là một vị trí phi Kitô giáo khi nói rằng : « Nhưng mong rằng họ đến, tôi ở đây, mong họ đến ». Không, anh đi tìm họ, anh phải đi bước đầu.
Một cái nhìn – Chúa Giêsu đã nhìn – một động thái – ông đứng dậy – và sau cùng, một sứ vụ. Sau khi đã đứng dậy và đã đi theo Chúa Giêsu, ông Matthêu đi đâu ? Người ta có thể tưởng tượng rằng sau khi làm cho cuộc đời của người đàn ông này thay đổi, Thầy đã đưa ông tới những cuộc gặp gỡ mới, những trải nghiệm thiêng liêng mới. Không, hay ít là trong trước mắt. Trước hết, Chúa Giêsu đi đến nhà ông ; ở đây, ông Mátthêu chuẩn bị cho Người « một bữa tiệc lớn » và cùng dự tiệc, « có đông đảo người thâu thuế và những người khác » (Lc 5,29), nghĩa là những người giống như ông. Ông Mátthêu quay lại trong môi trường cũ của ông, nhưng ông trở lại chỗ đó, con người ông đã được thay đổi và trở lại cùng với Chúa Giêsu. Lòng hăng hái tông đồ không bắt đầu trong một nơi chốn mới, thanh sạch, và một nơi lý tưởng, xa vời, nhưng ở đây, ông bắt đầu nơi ông đang sống, với những con người mà ông quen biết. Đây là thông điệp cho chúng ta : chúng ta không được chờ đợi trở nên toàn hảo và đã trải qua một con đường dài đi theo Chúa Giêsu để làm chứng cho Người ; sự rao giảng bắt đầu ngay ngày hôm nay, ở nơi mà chúng ta sinh sống. Và điều này không bắt đầu bằng cách cố gắng thuyết phục người khác, không thuyết phục : nhưng bằng cách làm chứng mỗi ngày về vẻ đẹp của Tình Yêu vốn đã nhìn chúng ta và nâng chúng ta lên, và đó là vẻ đẹp này, bằng cách truyền đạt vẻ đẹp đó vốn sẽ thuyết phục người ta, không phải bằng cách truyền đạt chính chúng ta, mà là Chúa. Chúng ta là những người loan báo về Chúa, chúng ta không loan báo về chính chúng ta, cũng không loan báo về một chính đảng, về một chủ thuyết, không : chúng ta loan báo Chúa Giêsu. Chúng ta phải đặt Chúa Giêsu tiếp cận với người ta, không thuyết phục họ, nhưng để cho Chúa thuyết phục. Quả là như ĐGH Biển Đức XVI đã dạy chúng ta điều này, « Hội Thánh không thực hành lôi kéo. Thay vào đó, Hội Thánh phát triển bởi « sự thu hút » (Bài giảng trong thánh lễ khánh thành Đại Hội các giám mục của Châu Mỹ La Tinh và vùng Caraibê, Aparecida, ngày 13/5/2007). Quý anh chị em đừng quên điều này : khi quý anh chị em nhìn thấy các Kitô hữu làm trò lôi kéo, dựng lên một danh sách những người sẽ đến… đó không phải là những Kitô hữu, đó là những dân ngoại đội lốt Kitô hữu nhưng trái tim thì là dân ngoại. Hội Thánh không phát triển bằng cách lôi kéo người theo, Hội Thánh phát triển nhờ sự thu hút. Tôi nhớ có một lần kia, trong bệnh viện của Buenos Aires, các nữ tu vẫn làm việc tại đó đã rời đi vì họ không đủ người và họ không còn khả năng điều hành bệnh viện nữa, và một cộng đoàn các nữ tu khác từ Đại Hàn đã đến thay thế, thí dụ như họ đến ngày thứ hai chẳng hạn, tôi không nhớ rõ ngày nào. Các chị đã lấy lại chỗ ở của các nữ tu tại bệnh viện và ngày hôm sau, thứ ba, các chị đã xuống thăm bệnh nhân trong bệnh viện, nhưng các chị không biết nói một câu tiếng Tây Ban Nha nào, các chị chỉ biết nói tiếng Đại Hàn và các bệnh nhân đã rất sung sướng, vì họ đã bình phẩm : « Hoan hô các nữ tu này, hoan hô, hoan hô » – Nhưng các sơ đã nói gì với mấy người ? « Chẳng nói gì cả, nhưng với ánh mắt, với các cử chỉ, các sơ đã truyền đạt Chúa Giêsu ». Không truyền đạt chính mình các sơ, mà với cái nhìn, với cử chỉ, các sơ truyền đạt Chúa Giêsu. Đó là sự thu hút, trái ngược với lôi kéo.
Sự làm chứng hấp dẫn này, sự làm chứng vui vẻ này là sứ vụ mà Chúa Giêsu đã dẫn chúng ta tới bằng cái nhìn tình yêu của Người và bằng động thái đi ra mà Thần Khí của Người khơi lên trong lòng chúng ta. Và chúng ta có thể tự hỏi xem cái nhìn của chúng ta có giống như cái nhìn của Chúa Giêsu để thu hút người ta, để làm cho người ta đến gần với Hội Thánh không ? Chúng ta hãy suy nghĩ về chuyện này.
Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của vatican.va