Chúa Nhật Lời Thiên Chúa : « Sự an ủi của Lời »

Bài huấn đức của ĐGH Phanxicô (toàn văn)

JANVIER 23, 2023 17:59 MARINA DROUJININAPAPE FRANÇOISROME

Chúa Nhật Ngôi Lời Thiên Chúa ; « Sự an ủi của Lời » Bài giảng của ĐGH Phanxicô

Trong bài giảng đọc trong thánh lễ Chúa Nhật Lời Chúa, ngày 22 tháng 01 năm 2023, ĐGH Phanxicô đã nhấn mạnh rằng « Chúa mời gọi mọi người hoán cải » và Người kêu gọi các môn đệ của Người « hãy truyền đến mọi người ánh sáng của Lời Thiên Chúa ».  

« Lời Chúa dành cho tất cả mọi người, Lời Chúa kêu gọi hoán cải, Lời Chúa tạo ra những người loan báo », Đức Giáo Hoàng khẳng định khi suy ngẫm trong ba phần bài giảng của ngài về mỗi phần liên hệ. Đức Giáo Hoàng đã cử hành thánh lễ trong Đền Thánh Phêrô nhân dịp Ngày Chúa Nhật Lời Thiên Chúa lần thứ Tư, vốn có tiêu đề năm nay là : « Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa » (1Ga 1,3). Trong khi cử hành Thánh Lễ, Đức Giáo Hoàng đã ban truyền các thừa tác vụ đọc sách và giáo lý viên cho các giáo dân, nam và nữ, của các quốc gia khác nhau trên thế giới.

Ngày hôm nay, Đức Giáo Hoàng giải thích, « lời mời gọi trở thành những ngư dân đi lưới người ta cũng được gửi đến chúng ta » : « chúng ta hãy cảm thấy mình được đích thân Chúa Giêsu kêu gọi để loan báo Lời của Người, để làm chứng cho Lời đó trong những hoàn cảnh thường nhật, và hãy sống trong công lý và trong bác ái ».

« Đó là sứ vụ của chúng ta, ngài tuyên bố : trở thành những người đi tìm kiếm những ai bị đi lạc, những ai bị đàn áp và bị nản lòng, để mang đến cho họ không phải là chính chúng ta, mà là sự an ủi của Lời ».  

Sau đây là toàn văn bài huấn đức của ĐGH Phanxicô được Tòa Thánh dịch ra Pháp ngữ.

Bài Huấn Đức của ĐGH Phanxicô

Chúa Giêsu rời bỏ cuộc sống yên ổn và thầm lặng của Nazareth và đến định cư tại Capharnaüm, một thành phố nằm trên bờ biển Galilê, một nơi nhiều người qua lại, một giao điểm của các dân tộc và các nền văn hóa khác nhau. Sự cấp bách thúc đẩy Người là việc loan báo Lời của Thiên Chúa vốn phải được mang đến cho mọi người. Chúng ta quả đã thấy trong Phúc Âm rằng Chúa mời gọi mọi người hoán cải và đã kêu gọi những môn đệ đầu tiên đi truyền bá ánh sáng Lời Chúa cho những người khác (x. Mt 4, 12-23). Chúng ta hãy nắm bắt động lực này vốn giúp cho chúng ta sống ngày Chúa Nhật Lời Chúa này : Lời Chúa dành cho mọi người, Lời Chúa kêu gọi hoán cải, Lời Chúa tạo ra những người loan báo.

Lời của Thiên Chúa dành cho mọi người. Phúc Âm trình bầy với chúng ta Chúa Giêsu luôn di chuyển, trên đường đi đến với những người khác. Không có dịp nào trong cuộc đời công khai của Người, Người lại tạo ấn tựơng mình là một vị thầy tĩnh tại, một nhà thông thái ngồi trên tòa giảng. Trái lại, chúng ta thấy Người du hành, chúng ta thấy Người hành hương, đi qua các thị trấn và các làng mạc, gặp gỡ những khuôn mặt và những mẩu chuyện đời. Đôi chân Người là đôi chân của người sứ giả đi loan báo tin mừng của tình yêu Thiên Chúa (x. Is 52, 7-8). Tại miền Galilê của các dân tộc, trên con đường ra biển, đi xa hơn sông Giođan, nơi Chúa Giêsu giảng thuyết, đã có – sách đã ghi – một dân tộc đắm chìm trong bóng tối : người nước ngoài, dân ngoại đạo, những con người nam và nữ của nhiều vùng, nhiều nền văn hióa khác nhau (x. Mt 4, 15-16). Bây giờ, họ cũng có thể thấy được ánh sáng. Và như thế, Chúa Giêsu « mở rộng các biên giới » : Lời của Thiên Chúa, Lời chữa lành và nâng đỡ, không chỉ dành cho những người công chính của Israël, nhưng Người muốn đến được tất cả những người ở xa, Người muốn chữa lành những người bệnh tật, Người muốn cứu vớt những người tội lỗi, Người muốn tập họp các con chiên đi lạc và nâng đỡ những người có trái tim mệt mỏi và bị áp bức. Nói tóm lại, Chúa Giêsu « vượt qua các giới hạn » để phán với chúng ta rằng lòng thương xót của Thiên Chúa là cho mọi người. Chúng ta đừng quên điều này : lòng thương xót của Thiên Chúa là dành cho mọi người và cho mỗi người chúng ta. « Lòng thương xót của Thiên Chúa là dành cho tôi », mỗi người đều có thể nói như thế.

Khía cạnh này cũng mang tính căn bản đối với chúng ta. Nó nhắc nhở chúng ta rằng Lời Chúa là một ơn được gửi tới mỗi người và do đó, chúng ta không bao giờ có thể hạn chế lãnh vực hoạt động của nó bởi vì nó mọc mầm, ngoài mọi tính toán của chúng ta, một cách tự phát, bất ngờ và không thể đoán trước (x. Mc 4, 26-28), theo những phương cách và vào những lúc mà chỉ Chúa Thánh Thần biết. Và nếu sự cứu độ được dành cho tất cả mọi người, kể cả những người ở xa xôi nhất và bị thất lạc, lúc đó sự loan báo Lời phải trở thành sự khẩn cấp chính của cộng đoàn giáo hội, như là trường hợp của Chúa Giêsu. Đừng để xẩy ra là chúng ta tuyên xưng một Đấng Thiên Chúa với trái tim rộng rãi mà lại là một Hội Thánh với tấm lòng hạn hẹp – điều này sẽ là, tôi mạn phép nói là, một tại họa – ; rồi rao giảng ơn cứu độ cho mọi người và làm cho con đường tiếp nhận ơn phúc đó không thể đi qua được. Đừng để xẩy ra cho chúng ta vốn biết rằng chúng ta được kêu gọi để loan báo về Nước Chúa mà lại lơ là Lời Người, bằng cách tản lực trong những hoạt động hay những tranh luận thứ yếu. Chúng ta hãy học Chúa Giêsu đặt Lời vào trung tâm, hãy mở rộng các biên giới, hãy mở lòng ra với người ta, hãy tạo ra những kinh nghiệm gặp gỡ với Chúa, trong lúc biết rằng Lời của Thiên Chúa « không hề kết tinh trong những công thức trừu tượng và tĩnh tại, mà có một lịch sử năng động được làm bởi những con người và những biến cố, bằng những lời nói và hành động, bằng những triển khai và những căng thẳng » [1].

Lời Thiên Chúa dành cho mọi người, kêu gọi hoán cải : Đó là khía cạnh thứ hai. Quả vậy, Chúa Giêsu đã nhắc lại trong bài giảng dạy của Người : « Anh em hãy sám hối, vi Nước Trời đã đến gần » (Mt 4,17). Điều này có nghĩa là sự gần gũi của Thiên Chúa không trung tính, sự hiện diện của Người không để mọi chuyện y nguyên như cũ, không để cho cuộc sống yên tĩnh. Trái lại, Lời của Người lay động chúng ta, làm cho chúng ta xáo trộn, gây cho chúng ta những thay đổi, gây ra sự hoán cải : Lời Chúa đặt chúng ta vào trong khủng hoảng bởi vì « Lời là sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi […] Lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người » (Dt 4,12). Và như thế, như một lưỡi gươm, Lời Chúa thâm nhập vào trong cuộc sống, làm cho chúng ta phân định những tình cảm và những tư tưởng của lòng người, nghĩa là làm cho chúng ta thấy được ánh sáng của sự thiện để chúng ta dành cho không gian, và đâu là bóng tối dầy đặc của thói xấu và tội lỗi phải đấu tranh. Lời Thiên Chúa, khi vào trong ta, biến đổi trái tim và tâm hồn chúng ta, làm cho chúng ta thay đổi, đưa dẫn chúng ta hướng cuộc đời mình theo Chúa.

Đó là lời mời gọi của Chúa Giêsu : Thiên Chúa đến gần với anh. Như vậy, anh hãy ý thức sự hiện diện của Người, anh hãy dọn chỗ cho Lời của Người và anh hãy thay đổi cách nhìn về cuộc đời của anh. Tôi cũng muốn nói điều này bằng cách này : anh hãy đặt cuộc sống của anh dưới Lời của Thiên Chúa. Đó là con đường mà Hội Thánh chỉ cho chúng ta : tất cả mọi người, kể cả các Mục Tử của Hội Thánh, chúng ta hãy ở dưới quyền năng của Lời Thiên Chúa. Không thần phục thị hiếu của chúng ta, xu hướng của chúng ta và sở thích của chúng ta, mà chỉ dưới Lời của Thiên Chúa vốn đã định hình chúng ta, hoán cải chúng ta, yêu cầu chúng ta hợp nhất trong Hội Thánh duy nhất của Chúa Kitô. Như thế, thưa quý anh chị em, chúng ta có thể tự hỏi : cuộc đời tôi, nó tìm được phương hướng ở đâu ? nó định hướng cho nó từ đâu ? Những lời nói linh tinh mà chúng ta nghe, những hệ tư tưởng hay Lời của Thiên Chúa hướng dẫn tôi và thanh tẩy tôi ? Và những lãnh vục nào trong tôi đòi hỏi sự thay đổi và hoán cải ?

Lời Thiên Chúa, dành cho mọi người và kêu gọi hoán cải, khiến trở thành những người loan báo, là điều thứ ba và là điều sau cùng.  Quả vậy, Chúa Giêsu đi ngang qua bờ hồ Galilê và đã gọi ông Simon và ông Anrê là hai anh em vốn là ngư dân. Người mời gọi các ông bằng Lời của Người để đi theo Người, bằng cách phán với các ông rằng Người sẽ làm cho các ông thành « những kẻ lưới người như lưới cá » (Mt 4,19) : không chỉ còn là những chuyên viên về thuyền, về lưới và về cá, mà là những chuyên viên trong việc tìm kiếm người khác. Và, cũng như để biết lái thuyền và đánh cá, các ông đã phải học tập rời bến và giăng lưới ngoài khơi, thì nay các ông trở thành các tông đồ có khả năng lái thuyền trên biển mở ra trên thế giới, để đi gặp những người anh em và loan báo niềm vui của Phúc Âm. Đó là tính năng động của Lời Chúa : Lời Chúa thu hút chúng ta vào trong « lưới » tình yêu của Chúa Cha và làm cho chúng ta thành các tông đồ vốn cảm thấy lòng ước muốn không thể kềm nén được để đưa những người gặp được lên thuyền của Nước Chúa. Và điều đó không phải là lôi kéo, bởi vì đó là Lời Thiên Chúa đang kêu gọi, không phải lời của chúng ta.

Như thế, ngày hôm nay, chúng ta hãy cảm thấy rằng lời mời gọi trở thành những kẻ đi lưới người cũng được gửi đến chúng ta : chúng ta hãy cảm thấy mình được kêu gọi bởi đích thân Chúa Giêsu đi loan báo Lời của Người, đi làm chứng cho Lời đó trong những hoàn cảnh thường nhật, để sống Lời đó trong công lý và trong bác ái, được kêu gọi « hãy làm cho Lời nhập thể » bằng cách xoa dịu da thịt người đau khổ. Đó là sứ vụ của chúng ta : trở thành những người tìm kiếm những kẻ lạc đường, những kẻ bị đàn áp và nản lòng, để mang đến cho họ không phải chính chúng ta, mà sự an ủi của Lời Chúa, sự loan báo đầy phiền nhiễu của Thiên Chúa là Đấng thay đổi cuộc sống, để mang đến cho họ niềm vui biết được Người là Cha và Người phán cho mỗi người, mang đến vẻ đẹp để nói rằng : « Thưa anh chị em, Thiên Chúa đã đến gần, anh chị em hãy lắng nghe Người và anh chị em sẽ tìm thấy một ân điển tuyệt vời trong Lời của Người ! »  

Thưa quý anh chị em, tôi muốn kết luận bằng cách đơn giản mời gọi hãy tạ ơn những người đang ra sức để Lời của Thiên Chúa được đặt ở trung tâm, được chia sẻ và được loan truyền. Cảm ơn những người đã nghiên cứu và đào sâu sự phong phú của Lời Chúa ; cảm ơn các thành viên mục vụ và tất cả các Kitô hữu đã dấn thân trong việc lắng nghe và phổ biến Lời Chúa, đặc biệt là các người đọc sách và các giáo lý viên ; ngày hôm nay, tôi ban thừa tác vụ này cho một số trong họ. Cảm ơn tất cả những ai đã đón nhận nhiều lời mời gọi mà tôi đã đưa ra là mang theo trên mình sách Phúc Âm đi khắp nơi và đọc nó hàng ngày. Và sau cùng, một lời cảm ơn đặc biệt cho các phó tế và linh mục : các anh em thân mến, cảm ơn đã không để cho Dân thánh Chúa thiếu thức ăn tinh thần là Lời Chúa ; cảm ơn bởi vì anh em đã dấn thân và suy ngẫm, đã sống và loan truyền Lời Chúa ; cảm ơn vì sự phục vụ và những hy sinh của anh em. Cầu mong niềm vui êm ái của việc loan truyền Lời Chúa cứu chuộc là một niềm an ủi và một phần thưởng cho tất cả chúng ta.

__________________________

[1] Lời của Thiên Chúa trong đời sống và trong sứ vụ của Hội Thánh. Instrumentum laboris cho Hội Nghị khoáng đại thường kỳ thứ 12 của Thượng Hội Đồng các Giám Mục, 2008, s.10.

Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.

Dimanche de la Parole de Dieu : « la consolation de la Parole » – ZENIT – Francais

 14 khách đã đọc bài này
This entry was posted in Chưa được phân loại. Bookmark the permalink.