Kinh Truyền Tin – Mối Phúc thứ nhất là căn bản « Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó »

Kinh truyền tin ngày 29 tháng 01 năm 2023

Thân chào quý anh chị em !

Trong phụng vụ ngày hôm nay, Các Mối Phúc đã được tuyên bố theo Phúc Âm của thánh Mátthêu (x. Mt 5, 1-12). Mối phúc thứ nhất là căn bản và nói : « Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ » (c.3).

Ai là những « người có tâm hồn nghèo khó » ? Đó là những người biết rằng họ không tự túc được cho mình, rằng họ không tự mãn và sống như những « người ăn mày của Thiên Chúa » : họ cảm thấy cần Thiên Chúa và công nhận rằng điều lành đến từ Người, như một quà tặng, như một ơn phúc. Kẻ có tâm hồn nghèo khó trân quý những gì người đó nhận được. Bởi vậy, người đó muốn rằng không có bất cứ quà tặng nào bị phí phạm. Hôm nay, tôi muốn suy ngẫm về khía cạnh đặc trưng này của những người tâm hồn nghèo khó : anh em đừng lãng phí. Những người có tâm hồn nghèo khó tìm cách không lãng phí cái gì hết. Chúa Giêsu cho chúng ta thấy sự quan trọng của việc không lãng phí, chẳng hạn như sau khi nhân bánh và cá thành nhiều, khi Người yêu cầu hãy thu lại những miếng thừa kẻo phí đi (x. Ga 6,12). Khốn thay, đó là một nguyên tắc nhiều khi bị lãng quên, đặc biệt là trong các xã hội giầu có nhất, nơi văn hóa chất thải và văn hóa thải loại thống trị : cả hai đều có hại. Như thế, tôi muốn đề nghị ba thách thức chống lại sự lãng phí và thải loại.

Thách thức thứ nhất : đừng lãng phí tặng phẩm là chính chúng ta. Mỗi người trong chúng ta đều tốt lành, bất kể những đức tính mà chúng ta có. Mỗi người nữ, mỗi người nam đều phong phú không chỉ vì tài năng, mà còn về phẩm hạnh, được thương yêu bởi Thiên Chúa, đều có giá trị, đều là đáng quý. Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta được chúc lành không phải vì những gì chúng ta có, mà vì chúng ta là ai. Và khi một người buông tay và vứt bỏ chính mình, người đó phí phạm bản thân mình. Chúng ta hãy chiến đấu, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, chống lại cám dỗ coi mình là kém cỏi, xấu xa và khóc lóc về thân phận mình.

Tiếp theo, là thách thức thứ nhì : đừng lãng phí những món quà mà chúng ta có. Có vẻ như là đến một phần ba tổng số lượng sản xuất thực phẩm đã bị phí phạm trên toàn thế giới mỗi năm. Và điều này trong lúc mà biết bao người đang chết đói ! Những tài nguyên của công trình tạo dựng không thể được sử dụng như thế được ; các của cải phải được bảo toàn và chia sẻ, để không một ai bị thiếu thốn những gì là cần thiết. Chúng ta đừng phí phạm những gì chúng ta có, mà hãy phổ biến một nền sinh thái công bằng và bác ái, mang tính chia sẻ.

Sau hết là thách thức thứ ba : đừng vứt bỏ người ta. Cái văn hóa dùng một lần rồi vứt bỏ nói rằng : tôi sử dụng bạn bao lâu bạn còn phục vụ tôi ; khi bạn không còn quan tâm đến tôi hay chặn đường của tôi, thì tôi sẽ vứt bỏ bạn. Và chính như thế mà những người mong manh nhất đã được đối xử một cách đặc biệt : các trẻ em sắp được sinh ra, những người già, những người nghèo khó và những người kém may mắn. Nhưng con người không thể bị vứt bỏ, những người kém may mắn không thể bị vứt bỏ ! Mỗi người là một món quà thánh thiêng, mỗi người là một món quà độc nhất, ở mọi lứa tuổi và trong mọi điều kiện. Chúng ta luôn tôn trọng và xiển dương sự sống ! Chúng ta đừng vứt bỏ sự sống !

Thưa quý anh chị em thân mến, chúng ta hãy tự đặt cho mình vài câu hỏi. Trước hết, làm thế nào tôi có thể sống sự nghèo khó trong lòng ? Tôi có biết làm cách nào để dành chỗ cho Thiên Chúa không, tôi có tin rằng Người là của cải của tôi, là sự giầu sang đích thực và vĩ đại của tôi không ? Tôi có tin rằng Người thương yêu tôi hay là tôi bị vứt bỏ trong buồn bã, quên rằng mình là một món quà tặng ? Và rồi : tôi có chú ý đừng lãng phí, tôi có tinh thần trách nhiệm trong việc sử dụng những đồ vật và của cải không ? Và tôi có sẵn sàng để chia sẻ với người khác hay là tôi ích kỷ ? Sau cùng : tôi có coi những người mong manh nhất như là những món quà quý giá, mà Thiên Chúa yêu cầu tôi phải gìn giữ không ? Tôi có nhớ đến những người nghèo, đến những người đang thiếu thốn những thứ cần thiết không ?

Cầu xin Đức Maria, Người Nữ của Các Mối Phúc, phù trợ chúng ta để làm chứng niềm vui mà cuộc sống là một ân sủng và về vẻ đẹp để chúng ta hiến tặng chính mình.

____________________________________________________

Sau Kinh Truyền Tin

Quý anh chị em thân mến !

Tôi rất đau buồn khi nhận được tin từ Thánh Địa, đặc biệt là tin về cái chết của 10 người Palestin, trong đó có một người phụ nữ, bị chết trong những cuộc hành quân chống khủng bố của Israël tại Palestine ; và những gì xẩy ra gần Giêrusalem chiều hôm thứ sáu, khi có 7 người Do Thái của Israël đã bị giết bởi một người Palestin và ba người khác bị thương khi từ trong hội đường đi ra. Vòng xoắn của chết chóc gia tăng hàng ngày đã dập tắt vài tia sáng của sự tin tưởng lẫn nhau đang hiện hữu giữa hai dân tộc. Từ đầu năm đến nay, hàng chục người Palestin đã bị chết trong các vụ nổ súng với quân đội Israël. Tôi đưa ra một lời kêu gọi tới hai chính phủ và tức tốc, bằng những con đường khác, kể cả việc đối thoại và việc thực tâm tìm kiếm hòa bình. Chúng ta hãy cầu nguyện cho chuyện này, thưa quý anh chị em.

Tôi cũng lập lại lời kêu gọi của tôi về tình hình nhân đạo nghiêm trọng trong hành lang Latchine, trong vùng Nam Caucase. Tôi gần gũi với tất cả những người, trong giữa mùa đông, đã bị buộc phải đối mặt với những tình trạng vô nhân đạo này. Không có nỗ lực nào ở cấp quốc tế mà không thể áp dụng để tìm ra những giải pháp ôn hòa vì lợi ích của các dân tộc.

Ngày hôm nay là Ngày Thế Giới Chống Bệnh Phong Cùi lần thứ 70. Khốn nỗi, sự kỳ thị gắn liền với bệnh này tiếp tục gây ra những sự vi phạm trầm trọng những quyền con người trong nhiều vùng trên thế giới. Tôi bầy tỏ sự gần gũi của tôi với những người đang chịu khổ và tôi khuyến khích sự dấn thân cho sự hội nhận của các anh chị em của chúng ta.

Tôi gửi lời chào mừng đết tất cả quý anh chị em, đến từ nước Ý và các nước khác. Tôi chào mừng nhóm Quinceñeras của Panama và các sinh viên của Badajoz, tại Tây Ban Nha. Tôi chào mừng các khách hành hương của Moiano và Monteleone di Orvieto, những người đến từ Acqui Terme và các bạn trẻ của Nhóm Agesci Cercola Primo.

Và bây giờ, tôi chào mừng với lòng cảm mến xâu sắc các thiếu niên, thiếu nữ của Công Giáo Tiến Hành giáo phận Rôma. Các con đã đến từ « Đoàn lữ hành của Hòa Bình ». Cha cảm ơn các con vì sáng kiến này, càng quý giá hơn trong năm nay, trong lúc nghĩ tới Ukraina đang chịu đau khổ, mà sự dấn thân và lời cầu nguyện của chúng ta cho hòa bình còn phải mạnh mẽ hơn nữa. Chúng ta hãy nghĩ tới Ukriana và cầu nguyên cho người dân Ukraina, đang bị hành hạ. Bây giờ, chúng ta hãy lằng nghe thông điệp mà các bạn của quý anh chị em, đang ở đây bên cạnh tôi, sẽ đọc lên cho quý anh chị em.

[Một em đọc thông điệp]

Quý anh chị em thân mến, ngày kia, tôi sẽ đi tông du tại nước Cộng Hòa Dân Chủ Côngô và nước Cộng Hòa Nam Suđan. Tôi cảm ơn nhà cầm quyền dân sự và các đức giám mục địa phương vì lời mời và những công tác chuẩn bị cho các cuộc thăm viếng này, và tôi chào mừng những người dân thân mến đang chờ đợi tôi ở đó.

Các vùng đất này đã bị đặt dưới thử thách bởi các cuộc chiến tranh lâu dài : nước Cộng Hòa Dân Chủ Côngô đặc biệt đã chịu đau khổ trong vùng miền đông của nước này, với những cuộc đụng độ vũ trang và khai thác ; trong lúc Miền Nam Suđan, bị xé ra bởi nhiều năm chiến tranh, đang mòn mỏi chờ đợi sự chấm dứt của bạo lực liên tục đã khiến nhiều người phải di cư và trong những điều kiện rất khó khăn. Tôi sẽ đến Nam Suđan với đức tổng giám mục của Canterbéry và vị điều hành của Hội Nghị Khoáng Đại Giáo Hội Scotland : như thế, chúng tôi sẽ chung sống, như những người anh em, trong một cuộc hành hương đại kết cho hòa bình.

Tôi xin mọi người vui lòng tháp tùng hành trình của chúng tôi bằng cầu nguyện.

Và tôi cầu chúc cho mọi người một ngày chúa nhật tốt đẹp. Và xin quý anh chị em vui lòng, đừng quên cầu nguyện cho tôi. Bữa trưa tốt lành và chào tạm biệt.

Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của vatican.va

Angélus, 29 janvier 2023 | François (vatican.va)

 22 khách đã đọc bài này
This entry was posted in Chưa được phân loại. Bookmark the permalink.