« Chúng ta có thể hiểu được cơn khát của người khác không ? »

Lời ĐGH Phanxicô trước Kinh Truyền Tin

MARS 13, 2023 18:10 HÉLÈNE GINABATANGÉLUSPAPE FRANÇOIS

ĐGH Phanxicô trong giờ Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật 12 tháng 3 năm 2023

« Chúng ta có thể hiểu được cơn khát của những người khác », « cơn khát thiêng liêng của họ, cơn khát vật chất của họ » không ? Đó là câu hỏi ĐGH Phanxicô đã đặt ra khi kết thúc bài suy ngẫm của ngài về đoạn Phúc Âm ngày Chúa Nhật 12/3/2023, khi dẫn nhập Kinh Truyền Tin ngài đọc trên cửa sổ Dinh Tông Tòa trông xuống Quảng Trường Thánh Phêrô.

ĐGH Phanxicô đã nói trước một đám đông khoảng 20 000 du khách và khách hành hương tập trung trên Quảng Trường Thánh Phêrô, cho buổi đọc kinh truyền thống kính Đức Mẹ, ngày chúa nhật 12/3/2023, vào lúc trưa. Bình giảng bài Phúc Âm, trong đó thánh Gioan kể lại cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với người phụ nữ Samari gần bên giếng Giacóp, Đức Giáo Hoàng đã dừng lại ở lời của Chúa Giêsu : « Cho tôi xin chút nước uống ! »

Những lời của Chúa Giêsu nói với người phụ nữ Samari, « Cho tôi xin chút nước uống ! », cũng là một « lời kêu gọi – đôi khi thầm lặng – được gửi đến chúng ta mỗi ngày và yêu cầu chúng ta săn sóc đến cơn khát của tha nhân », Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh. Đó là lời của « những người đang khát sự gần gũi », hay là « khát Lời của Thiên Chúa và đang cần tìm thấy trong Hội Thánh một vùng nước mát » nói với chúng ta. Đó là lời kêu gọi, ĐGH Phanxicô nói tiếp, của xã hội chúng ta đang bị « sự khô hạn và một sự trống rỗng nội tâm », hay là của những người đang « thiếu nước để sinh sống ».

Chúa Giêsu đã « hạ mình » xuống đến độ cũng bị « khát như chúng ta ». Nhưng nhất là, Đức Giáo Hoàng nhắc nhở, Người « khao khát tình yêu của chúng ta ». Và Đấng « xin nước uống lại chính là Đấng ban nước uống », Đấng « làm dịu cơn khát của chúng ta bằng tình yêu của Người ». Người là Đấng « hàng ngày đến gặp chúng ta », Người « hứa ban cho chúng ta nước hằng sống sẽ làm tuôn ra trong chúng ta sự sống đời đời ». Như thế, ĐGH Phanxicô kết luận, « như người phụ nữ Samari » chạy đi tìm mọi người trong làng cô ta, « chúng ta cũng vậy, chúng ta có thể làm dịu cơn khát của những người khác ».

Lời ĐGH Phanxicô trước Kinh Truyền Tin

Thân chào và chúc ngày chúa nhật tốt đẹp quý anh chị em !

Chúa nhật này, Phúc Âm trình bầy với chúng ta một trong những cuộc gặp gỡ đẹp đẽ nhất và hấp dẫn nhất của Chúa Giêsu, cuộc gặp gỡ với người phụ nữ Samari (x. Ga 4, 5-42). Chúa Giêsu và các môn đệ đã nghỉ chân gần một cái giếng tại Samari. Một người phụ nữ Samari đến và Chúa Giêsu nói với cô ta : « Chị cho tôi xin chút nước uống » (c.7). Tôi muốn dừng ngay tại câu nói này : cho tôi xin chút nước uống.

Cảnh tượng cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đang bị khát và mệt, Người để cho người phụ nữ Samari tìm thấy Người ở bên giếng nước, vào lúc nóng nhất trong ngày, vào giữa trưa, và như một người hành khất, Người xin nước uống cho đỡ khát. Đây là một hình ảnh của sự hạ mình của Thiên Chúa : Thiên Chúa hạ mình trong Chúa Giêsu Kitô để cứu chuộc chúng ta, Người đến với chúng ta. Nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã làm một người như chúng ta, Người đã hạ mình ; Người đã khát như chúng ta, Người cũng chịu một cơn khát cháy họng giống chúng ta. Khi quan sát cảnh này, mỗi người chúng ta có thể nói : Chúa, Thầy « xin tôi nước uống ; như thế, Người cũng khát như tôi. Người chia sẽ cơn khát của tôi. Lạy Chúa, Chúa thật sự gần gũi với con ! Chúa gắn liền với sự khó nghèo của con – con khó có thể tin được ! – Chúa đã ôm con từ dưới thấp, thấp hơn bản thân con, nơi mà chẳng ai đến với con » (P. Mazzolari, La Samaritana, Bologne 2022, 55-56). Và Chúa đã đến với con ở dưới đó, và Chúa đã đưa con ra khỏi chỗ đó bởi vì Chúa đã và cũng đang khát khao con. Quả vậy, cái khát của Chúa Giêsu không chỉ là thể chất, nó biểu lộ những khao khát sâu đậm nhất của cuộc đời chúng ta : trước hết đó là một sự khao khát tình yêu của chúng ta. Người còn hơn cả một người hành khất, Người khát khao tình yêu của chúng ta. Và điều này sẽ nổi bật vào lúc tột đỉnh cuộc khổ nạn của Người, trên thập giá : chính trên đó mà trước khi chết, Chúa Giêsu phán : « Tôi khát » (Ga 19,28). Cơn khát tình yêu này đã thúc đẩy Người giáng thế, hạ thấp mình, trở thành một người trong chúng ta.

Nhưng Chúa, Đấng xin nước uống, là Đấng ban cho nước uống : khi gặp người phụ nữ Samari, Người nói với cô về nước hằng sống của Chúa Thánh Thần, và trên cây thập giá, Người chảy nước và máu từ nương long của Người ra (x. Ga 19,34). Khao khát tình yêu, Chúa Giêsu làm dịu cơn khát cho chúng ta bằng tình yêu của Người. Và Người làm với chúng ta cũng như Người đã làm với người phụ nữ Samari : Người đến gặp chúng ta trong thường nhật và chia sẻ cơn khát của chúng ta, Người hứa với chúng ta nước hằng sống vốn phun lên trong chúng ta, đem lại sự sống đời đời (x. Ga 4,14).

Xin cho tôi chút nước uống. Có một khía cạnh thứ hai. Những lời này không phải chỉ là yêu cầu của Chúa Giêsu đối với người phụ nữ Samari, nhưng là một lời kêu gọi – đôi khi thầm lặng – được gửi đến chúng ta mỗi ngày và yêu cầu chúng ta săn sóc cơn khát của tha nhân. Xin cho tôi miếng nước, họ nói với chúng ta – trong gia đình chúng ta, ở sở làm của chúng ta, trong những nơi khác mà chúng ta lui tới – những người đang khát khao sự gần gũi, khát khao sự quan tâm, khát khao sự được lắng nghe ; họ cũng nói điều đó với chúng ta, những người đang khao khát Lời của Thiên Chúa và đang cần tìm được trong Hội Thánh một vùng nước mát để uống. Xin cho tôi miếng nước là một lời kêu gọi của xã hội chúng ta nơi mà sự vội vã, sự chạy đua tiêu thụ và nhất là sự vô cảm, cái văn hóa vô cảm này sinh ra một sự khô hạn và một sự trống rỗng nội tâm. Và – chúng ta đừng quên – cho tôi xin ngụm nước là tiếng kêu của tất cả những anh chị em chúng ta đang thiếu nước để sinh sống, trong lúc mà người ta tiếp thục gây ô nhiễm và làm xuống cấp ngôi nhà chung của chúng ta ; và ngôi nhà này cũng đang kiệt quệ và khô cạn, « nó đang khát »

Trước những thách thức này, bài Phúc Âm ngày hôm nay cống hiến cho chúng ta nước hằng sống vốn có thể khiến cho chúng ta trở thành một nguồn nước để cho những người khác giải khát. Như thế, cũng như người phụ nữ Samari, cô ta để vò nước lại và đi gọi những người trong làng của cô (x. c. 28), chúng ta cũng vậy, thay vì chỉ nghĩ đến việc giải khát cho mình, cơn khát vật chất, tri thức hay văn hóa, thì trong niềm vui đã gặp được Chúa, chúng ta sẽ có thể giải khát cho những người khác : trao tặng một ý nghĩa cho cuộc sống của người khác, không phải với tư cách là những người chủ, mà như là những người tôi tớ của Lời Thiên Chúa vốn đã giải khát cho chúng ta, đã liên tục cho chúng ta được uống ; chúng ta sẽ hiểu được cơn khát của họ và chia sẻ tình yêu thương mà Người đã ban cho chúng ta. Tôi muốn đặt một câu hỏi, cho chính tôi và cho quý anh chị em : Chúng ta có thể hiểu được cơn khát của những người khác không ? Cơn khát của những người khác, cơn khát của biết bao con người trong gia đình của tôi, trong khu phố của tôi ? Ngày hôm nay, chúng ta có thể tư hỏi : tôi có khát khao Thiên Chúa không ? Tôi có ý thức được rằng tôi cần đến tình thương yêu của Người để sống, như nước hằng sống không ? Và rồi, tôi đang khát, tôi có bận tâm đến cơn khát của những người khác, khát thiêng liêng, khát thể chất không ?

Cầu xin Đức Trinh Nữ Maria cầu bầu cho chúng ta mà nâng đỡ chúng ta trên đường đi.

© Traduction de Zenit

Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.

« Sommes-nous capables de comprendre la soif des autres ? » – ZENIT – Francais

 14 khách đã đọc bài này
This entry was posted in Chưa được phân loại. Bookmark the permalink.