Cử chỉ chúc bình an chuẩn bị cho rước lễ (toàn văn)
14 mars 2018 – Hélène Ginabat – Audience générale, Pape François
Đức Giáo Hoàng và nhóm bảo vệ trên Quảng Trường Thánh Phêrô
Kinh « Lạy Cha » « không phải là một kinh Kitô giáo trong nhiều kinh khác, nhưng đó là kinh của các con cái Thiên Chúa : đó là kinh cao cả mà Chúa Giêsu đã truyền dạy », Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã xác định. Kinh này chuẩn bị chúng ta « cho việc hiệp thông bí tích với Người » và, « trong lúc Người mở lòng chúng ta ra với Thiên Chúa, Kinh Lạy Cha cũng chuẩn bị cho tình yêu huynh đệ ».
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục các Bài giáo lý cûa ngài về Thánh Lễ, trong buổi triều kiến chung ngày thứ tư 24 tháng 3 năm 2018, trên Quảng Trường Thánh Phêrô dưới trời nắng đẹp. Ngài đã triển khai phần thứ ba của Kinh Nguyện Thánh Thể : « Kinh Lạy Cha » và nghi thức bẻ bánh, trước đó là cử chỉ chúc bình an.
Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh về cử chỉ chúc bình an, mà các tín hữu trao cho nhau sau « Kinh Lạy Cha » ; « Bình an của Chúa Kitô không thể đâm rễ trong một trái tim không có khả năng trải nghiệm tình huynh đệ và tái tạo nó sau khi làm nó bị thương. Bình an, chính Chúa đã ban bình an : Người ban cho chúng ta ơn tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng ta ». Cử chỉ này « đã dẫn tới rước lễ », Đức Giáo Hoàng giải thích.
Sau đây là bản dịch Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng.
HG
Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô (toàn văn)
Thân chào Quý Anh Chị Em !
Chúng ta tiếp tục với Bài giáo lý về Thánh Lễ. Trong bữa Tiệc Ly, sau khi đã cầm lấy bánh và chén rượu, và đã cảm tạ Thiên Chúa, chúng ta biết là Người đã « bẻ bánh ». Với hành động này, trong phụng vụ Thánh Thể, tương ứng với sự bẻ bánh, trước đó là kinh nguyện mà Chúa đã truyền dạy cho chúng ta, đó là « Kinh Lạy Cha ».
Và chính như vậy mà bắt đầu các nghi thức hiệp thông, đang khi kéo dài lời ca ngợi và khẩn cầu của kinh nguyện Thánh Thể với việc cộng đoàn đọc « Kinh Lạy Cha ». Đây không phải là một kinh Kitô giáo trong những kinh nguyện khác, mà chính là kinh của các con cái Thiên Chúa : chính là kinh trọng đại mà Chúa Giêsu đã truyền dạy cho chúng ta. Quả vậy, được trao cho chúng ta ngày rửa tội, « Kinh Lạy Cha » làm vang lên trong chúng ta những tình cảm vốn ở trong Chúa Giêsu Kitô. Khi chúng ta cầu nguyện với « Kinh Lạy Cha », chúng ta cầu nguyện như Chúa Giêsu đã cầu nguyện. Đó là kinh mà Chúa Giêsu đã làm nên và đã truyền dạy cho chúng ta khi các môn đệ thưa với Người rằng : « Thưa Thầy, xin Thầy dạy chúng con cầu nguyện như Thầy cầu nguyện ». Và Chúa Giêsu đã cầu nguyên như thế. Cầu nguyện như Chúa Giêsu thật là rất đẹp ! Được đào tạo theo giáo huấn linh thiêng, chúng ta dám thưa với Thiên Chúa bằng cách gọi Người là « Cha » bởi vì chúng ta được tái sinh như những con cái của Người trong nước và trong Thần Khí (x. Ep 1, 5). Thực chất, không ai có thể thân mật gọi Người là « Abba » – « Cha » – mà không được sinh ra bởi Thiên Chúa, mà không có thiên ý của Thần Khí, như thánh Phaolô đã dạy (x. Rm 8, 15) Chúng ta phải nghĩ : không có ai được gọi Người là « Cha » mà không được thiên ý của Thần Khí. Biết bao lần, có những người đọc « Kinh Lạy Cha » mà không biết mình đang nói gì. Bởi vì đúng, Người là Cha, nhưng liệu bạn có cảm thấy rằng, khi bạn nói « Cha » , thì Người là Cha, là Cha của bạn, là Cha của nhân loại, là Cha của Chúa Giêsu Kitô không ? Bạn có mối quan hệ với vị Cha đó không ? Khi chúng ta đọc « Kinh Lạy Cha », chúng ta được nối liền với Chúa Cha thương yêu chúng ta, nhưng chính Thần Khí mới là Đấng ban cho chúng ta sợi dây nối liền đó, cảm tình được là con cái của Thiên Chúa đó.
Có kinh nào hay hơn kinh đã được Chúa Giêsu truyền dạy để có thể chuẩn bị chúng ta hiệp thông bí tích với Người không ? Ngoài « Kinh Lạy Cha » được cầu nguyện trong Thánh Lễ, buổi sang và buổi chiều trong kinh Laudes và Kinh Tối : như thế, thái độ con cái đối với Thiên Chúa và thái độ anh em đối với tha nhân đóng góp vào việc làm cho những ngày chúng ta đang sống có một hình thái Kitô giáo.
Trong bài kinh của Chúa – trong « Kinh Lạy Cha » – chúng ta xin « bánh ăn hàng ngày », trong đó chúng ta nhận thấy một sự liên tưởng đặc biệt đến Bánh Thánh Thể, mà chúng ta cần thiết để sống như con cái của Thiên Chúa. Chúng ta cũng cầu xin « sự tha nợ cho chúng ta », và để xứng đáng nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa, chúng ta cam kết tha thứ cho những người đã xúc phạm đến chúng ta. Và đây không phải là chuyện dễ. Tha thứ cho những kẻ đã xúc phạm chúng ta thật không phải là dễ ; chúng ta phải cầu xin một ân sủng : « Lạy Chúa, xin Chúa dạy con tha thứ như Chúa đã tha thứ cho con ». Đó là một ơn. Với sức lực của chúng ta, chúng ta không thể làm nổi ; chính là một ơn tha thứ của Chúa Thánh Thần. Như thế, trong lúc chúng ta mở lòng chúng ta ra với Thiên Chúa, « Kinh Lạy Cha » cũng chuẩn bị chúng ta cho tình yêu huynh đệ. Sau hết, chúng ta còn cầu xin Thiên Chúa « giải cứu chúng ta cho khỏi sự dữ » vốn chia cách chúng ta với Người và chia rẽ anh em chúng ta với nhau. Chúng ta phải hiểu rằng tất cả những cầu xin đó rất là thích hợp để chuẩn bị chúng ta cho việc rước Thánh Thể vào lòng (. Giới thiệu chung Sách Lễ Rôma, 81).
Quả vậy, điều mà chúng ta cầu xin trong « Kinh Lạy Cha » được nối dài bằng lời nguyện của linh mục, khi ngài nhân danh mọi người, cầu khẩn : « Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, in đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an ». Và rồi, ngài lãnh nhận được một thứ dấu ấn trong nghi thức chúc bình an : trước hết, ngài cầu xin Đức Kitô để ơn bình an của Người (x. Ga 14, 27) – khác xa với bình an của thế gian – làm cho Hội Thánh được lớn lên trong hiệp nhất và trong bình an, theo ý của Người ; rồi sau đó, bằng cử chỉ cụ thể chúng ta trao đổi với nhau, chúng ta biểu lộ « sự hiệp thông trong Giáo Hội và tình yêu mến lẫn nhau, trước khi Rước Lễ » (Giới thiệu chung Sách Lễ Rôma, 82). Trong nghi thức Rôma, sự trao nhau dấu chỉ bình an, được thiết lập từ thời cổ đại trước khi Rước Lễ, là chuẩn bị cho việc hiệp thông Thánh Thể. Theo cảnh báo của thánh Phaolô, không thể hiệp thông với tấm bánh duy nhất khiến cho chúng ta trở nên cùng một Thân Thể trong Chúa Kitô, mà không nhìn nhận làm hòa với nhau trong tình yêu mến huynh đệ (x. 1Cr 10, 16-17 ; 11, 29). Bình an của Chúa Kitô không thể đâm rễ trong một trái tim không có khả năng trải nghiệm tình huynh đệ và tái tạo nó sau khi làm nó bị thương. Chính là Chúa Giêsu đã ban bình an ; Người ban cho chúng ta ơn tha thứ cho những kẻ xúc phạm chúng ta.
Cử chỉ chúc bình an được tiếp nối bằng lễ nghi bẻ Bánh, vốn từ thời các tông đồ, đã đặt tên cho toàn bộ lễ nghi cử hành Bí Tích Thánh Thể (x. Giới Thiệu chung Sách Lễ Rôma, 83 : Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo, 1329). Được thực hiện bởi Chúa Giêsu trong bữa Tiêc Ly, việc bẻ bánh là cử chỉ bộc lộ giúp cho các môn đệ nhận biết Người sau khi Người phục sinh. Chúng ta hãy nhớ các môn đệ trên đường Emau, các ông đang khi nói về cuộc gặp gỡ của các ông với Đấng Phục Sinh, đã kể rằng « các ông đã nhận ra Người qua việc bẻ bánh » (x. Lc 24, 30-31.35).
Nghi thức bẻ Bánh Thánh Thể được đi kèm với lời cầu khẩn « Chiên Thiên Chúa », hình ảnh qua đó ông Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu Chúa Giêsu là « Đấng xóa tội trần gian » (Ga 1, 29). Hình ảnh Thánh Kinh của con chiên nói lên sự cứu chuộc (x. Xh 12, 1-14 ; Is 53, 7 : 1Pr 1, 19 ; Kh 7, 14). Trong bánh Thánh Thể, được bẻ ra cho sự sống của thế gian, cộng đoàn cầu nguyện nhận biết Con Chiên Thiên Chúa đích thực, nghĩa là Chúa Kitô Cứu Thế, và cầu khẩn Người : « Xin thương xót chúng con,… xin ban bình an cho chúng con ».
« Xin Chúa thương xót chúng con » ; « xin ban bình an cho chúng con » là những lời khẩn cầu, từ « Kinh Lạy Cha » cho đến lúc bẻ bánh, giúp cho chúng ta chuẩn bị tâm hồn tham dự bữa tiệc Thánh Thể, nguồn mạch của sự hiệp thông với Thiên Chúa vào với anh em chúng ta.
Chúng ta đừng quên kinh nguyện cao cả này : kinh mà Chúa Giêsu đã truyền dạy và vốn là kinh qua đó, chúng ta cầu nguyện Chúa Cha. Và kinh này chuẩn bị chúng ta để rước Thánh Thể.
© Traduction de Zenit, Hélène Ginabat
Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.
https://fr.zenit.org/articles/catechese-le-notre-pere-nous-ouvre-a-dieu-et-aux-autres/