Cách đây 33 năm, chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
NOVEMBRE 13, 2018 16:53 ANITA BOURDIN – PAPE FRANÇOIS, VOYAGES PONTIFICAUX
Đức Giáo Hoàng chào mừng, triều kiến chung ngày 10 tháng 10 năm 2018
Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đi thăm Maroc, tại Rabat và Casablanca, trong những ngày 30 và 31/3/2019, ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh loan báo hôm 13/11/2018 trong một bản thông cáo bằng tiếng Ý và tiếng Pháp.
Đức Giáo Hoàng, cũng theo cùng nguồn tin, đã được quốc vương Mohammed VI – ngay từ năm 2013 – và các giám mục Công Giáo của nước này thỉnh mời. Chương trình sẽ được công bố trong thời gian tới đây.
Rabat là thủ đô của nước Maroc : tại đây, Đức Giáo Hoàng sẽ được quốc vương Mohamed VI tiếp kiến. Thành phố này có khoảng 600 000 cư dân (1,8 triệu nếu kể cả ngoại ô).
Casablanca thường hay được coi như một thủ đô kinh tế, với một dân số khoảng 3,4 triệu người (4,3 triệu kể cả vùng lân cận), khiến nó là thành phố lớn nhất của vùng các nước Magreb, trên bờ biển Đại Tây Dương, cách thủ đô Rabat khoảng 80 km.
Từ nay đến đó, quốc vương Maroxc có thể sẽ đến thăm Vatican. Vương quốc Maroc mong muốn là « một trung tâm quan trọng trong việc đối thoại liên văn hóa và liên tôn », một nhà ngoại giao Maroc đã tuyên bố.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ là vị giáo hoàng thứ nhì tới thăm Maroc, tại Casablanca, trong Vận Động Trường Mohammed V, nơi mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã gặp giới trẻ Hồi Giáo, cách đây 33 năm, ngày 19/8/1985, theo lời mời của quốc vương Hassan II, cuối chuyến tông du Phi Châu.
Ngài đã nói câu đáng nhớ là : « Tôi thường gặp các bạn trẻ, phần nhiều là Công Giáo. Đây là lần đầu tiên tôi gặp các bạn trẻ Hồi Giáo ».
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói đến những quan hệ giữa các Kitô hữu và người Hồi Giáo rằng : « Kitô hữu và người Hồi Giáo, chúng ta có nhiều cái chung, trên phương diện tín hữu và trên phương diện con người. Chúng ta sống trên cùng một thế giới, được đánh dấu bởi nhiều dấu chỉ của hy vọng, mà cũng bởi nhiều dấu chỉ của lo âu. Chúng ta cùng coi ông Apraham là một gương sáng về đức tin vào Thiên Chúa, về sự thần phục thánh ý Người và về lòng trông cậy vào sự nhân từ của Người. Chúng ta đều tin vào cùng một đấng Thiên Chúa, Thiên Chúa độc nhất, Thiên Chúa hằng sống, Thiên Chúa đã tạo dựng các thế giới và đưa các tạo vật đến sự toàn hảo ».
Ngài đã muốn nói với giới trẻ về Thiên Chúa : « Tâm tư của tôi chính là hướng lên Thiên Chúa ; trước hết tôi muốn nói với các bạn về chính Thiên Chúa, bởi vì chính nơi Người mà chúng ta tin, các bạn Hồi Giáo và chúng tôi Công Giáo, và tôi còn muốn nói với các bạn về những giá trị nhân bản vốn có nền móng nơi Thiên Chúa, những giá trị này có liên quan đến sự triển nở của con người chúng ta, cũng như của gia đình và xã hội chúng ta, cũng như của cả cộng đồng quốc tế. Mầu nhiệm Thiên Chúa, huống chẳng phải thực tế cao trọng nhất của chính ý nghĩa đời sống con người sao ? Và đó phải chăng là vấn đề đầu tiên đến với một người trẻ khi nghĩ về mầu nhiệm của cuộc đời chính mình và về những giá trị mà mình muốn chọn để xây dựng nhân vị đang lớn lên của mình ? »
Ngài đã nói về Thiên Chúa tạo dựng, rồi ngài đã kêu gọi hòa bình và đối thoại giữa những tín hữu : « Sự đối thoại giữa người Kitô hữu và người Hồi Giáo, ngày hôm nay, cần thiết hơn lúc nào hết ».
Ngài đã nói rằng đức tin bao hàm sự công nhận người khác như một người anh em : « Lòng xác tín của chúng ta là ‘‘chúng ta không thể cầu khẩn Thiên Chúa là Cha của hết mọi người, nếu chúng ta từ chối ăn ở một cách huynh đệ với những người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa’’ (Tuyên bố Nosrtra Aetate, số 5) ».
Ngài cũng kêu gọi tinh thần trách nhiệm của giới trẻ : « Các bạn có trách nhiệm về thế giới của ngày mai. Chính khi đảm nhận đầy đủ trách nhiệm và với lòng can đảm, mà các bạn sẽ có thể chiến thắng những khó khăn hiện tại. Như thế các bạn phải có bổn phận có những sáng kiến và đừng trông chờ tất cả vào những phụ huynh và những người tại chỗ. Các bạn phải xây dựng thế giới, và đừng chỉ có mơ mộng về nó ».
Ngài nhấn mạnh về sự chấp nhận và tôn trọng những khác biệt : « Thế giới tương lai tùy thuộc vào giới trẻ của hết mọi quốc gia trên thế giới. Thế giới của chúng ta chia rẽ, thậm chí bùng vỡ ; thế giới trải nghiệm nhiều cuộc chiến tranh và những bất công trầm trọng. Không có một sự liên đới thực chất giữa vùng Bắc và vùng Nam địa cầu ; không có đủ sự tương trợ giữa các quốc gia phía Nam bán cầu. Trên thế giới có những nền văn hóa và các chủng tộc không tương kính nhau ».
Thông điệp của ngài cũng nói về tình liên đới : « Thiên Chúa đã ban trái đất cho toàn thể loài người để con người lấy đó mà sinh sống trong sự liên đới và để cho mỗi dân tộc có những phương tiện để ăn uống, để chữa trị và để sống hòa bình ».
Ngài đã nhắc lại lịch sử và truyền thống của các nước này : « Người Ả rập của vùng Machreq và vùng Maghreb, và nói chúng là người Hồi Giáo, có một truyền thống lâu đời về học tập và tri thức : văn chương, khoa học, triết lý. Các bạn là những người thừa kế truyền thống đó, các bạn phải nghiên cứu đế học biết cái thế giới này mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, hiểu nó, tìm ra ý nghĩa của nó, với sự ưa thích và tôn trọng sự thật, và để học cách biết rõ các dân tộc và con người được tạo dựng và thương yêu bởi Thiên Chúa để chuẩn bị các bạn phục vụ tốt hơn.
Ngài đã hô hào họ phục vụ nhân loại của ngày hôm nay : « Các bạn trẻ thân mến, tôi mong ước rằng các bạn có thể đóng góp xây dựng một thế giới nơi Thiên Chúa có vị trí đầu đứng đầu để giúp đỡ và cứu độ con người. Trên con đường này, các bạn hãy yên tâm về sự quý mến và sự hợp tác của các anh chị em Công Giáo của các bạn mà tôi là người đại diện chiều hôm nay giữa các bạn ».
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã kết thúc bài diễn từ của ngài bằng kinh nguyện sau đây :
« Lạy Thiên Chúa, Chúa là Đấng Tạo Dựng nên chúng con
Chúa nhân lành và lòng thương xót Chúa là vô bờ bến.
Mọi tạo vật đều dâng lời ngợi khen lên Chúa
Lạy Thiên Chúa, Chúa đã ban cho loài người chúng con một lề luật nội tâm mà chúng con phải sống theo.
Thực thi thánh ý Chúa, chính là hoàn thành bổn phận chúng con ;
Đi theo con đường của Chúa, chính là biết được bình an trong tâm hồn.
Chúng con xin dâng lên Chúa sự vâng phục của chúng con.
Xin chúa dẫn dắt chúng con trong mọi công việc của chúng con trên trái đất này.
Xin Chúa giải thoát chúng con ra khỏi những xu hướng xấu làm tâm hồn chúng con lạc xa thánh ý Chúa.
Xin Chúa đừng để khi kêu cầu danh Chúa,
Chúng con đi đến biện hộ cho những xáo trộn con người.
Lạy Thiên Chúa, Chúa là Thiên Chúa Độc Nhất. Chúng con thờ lạy Chúa.
Xin Chúa đừng để chúng con xa rời Chúa.
Lạy Thiên Chúa, Đấng phán xét mọi người,
Xin chúa phù trợ chúng con đứng vào hàng ngũ những người được Chúa tuyển chọn vào ngày sau hết.
Lạy Thiên Chúa, tác giả của công lý và hòa bình,
Xin Chúa ban cho chúng con niềm vui đích thực, và tình yêu chân thành,
Cùng là một tình huynh đệ lâu bền giữa các dân tộc.
Xin Chúa đổ đầy cho chúng con hồng ân của Chúa cho đến đời đời.
Amen ».
Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit