Sự sám hối của người Kitô hữu làm « lợi cho công trình tạo hóa » : sứ điệp Mùa Chay 2019

« Sức mạnh chữa lành của sám hối và tha thứ »

FÉVRIER 26, 2019 12:00 ANITA BOURDINPAPE FRANÇOIS

Đức Giáo Hoàng Phanxicô chào mừng đám đông

Mầu nhiệm cứu độ trong Chúa Kitô « đã tiến hành nơi chúng ta trên cõi đời trần thế này » và nó « xuất hiện như một tiến trình năng động bao gồm toàn bộ Lịch Sử và công trình Tạo Hóa », Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố trong sứ điệp Mùa Chay 2019 của ngài, đề ngày 04/10/2018, nhân dịp lễ kính thánh Phanxicô Assisi.

Sứ điệp Mùa Chay đã được công bố bằng 7 ngôn ngữ bởi Vatican, hôm thứ ba 26/02/2019. Mùa Chay, giai đoạn chuẩn bị Phục Sinh, bắt đầu ngày thứ ba tới đây, 06/3/2019, và lễ Phục Sinh năm nay sẽ rơi vào ngày chúa nhật 21/4/2019.

Đức Giáo Hoàng đã ban ra ở đây những định hướng cho giai đoạn 40 ngày này, theo truyền thống được hướng tới sự sám hối và thanh tẩy, tới một cuộc sống tốt đẹp hơn : ngài mong « cống hiến một số điểm suy nghĩ để đồng hành với chúng ta trên con đường sám hối ».

Và chính xác hơn, Đức Giáo Hoàng chỉ rõ rằng sự trở lại của người Kitô hữu cũng « làm lợi cho công trình tạo hóa » : « Nếu con người sống như con cái Thiên Chúa, nếu con người sống như những người được cứu độ và để mình được dẫn dắt bởi Thần Khí và biết công nhận và thực hiện lề luật của Thiên Chúa, bắt đầu bằng lề luật được khắc ghi trong lòng con người và trong thiên nhiên, như thế, con người sẽ làm lợi cho Công trình tạo hóa, bằng cách hợp tác với chương trình cứu độ của Người ».

Quả thật, tội lỗi cũng làm hư hại công trình tạo hóa : « Tội lỗi cư ngụ trong lòng con người (…) dẫn đến sự khai thác công trình tạo hóa, khai thác con người và khai thác môi sinh, dưới sự tác động của lòng tham lam không đáy, coi mọi ham muốn như một cái quyền, và không sớm thì muộn, sẽ tận cùng bằng sự phá hoại ngay chính kẻ để mình bị nó thống trị.

Trái lại, Đức Giáo Hoàng viết, « Khi lòng bác ái của Chúa Kitô thay đổi cuộc đời các thánh – tinh thần, linh hồn và thể xác -, các đấng này trở thành một lời ngợi khen Thiên Chúa và, trong cầu nguyện, trong suy ngẫm và nghệ thuật, các đấng cũng hội nhập tất cả các vật thụ tạo khác, như lời thổ lộ đáng ca ngợi trong « Bài Ca Tạo Vật » của thánh Phanxicô Assisi.

Bởi thế, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh trên « sức mạnh chữa lành của sám hối và thứ tha » và mời gọi hãy thực hiện những công tác linh thao trong Mùa Chay : « Khi đón nhận, trong sự cụ thể của cuộc đời chúng ta, chiến thắng của Chúa Kitô trên tội lỗi và sự chết, chúng ta cũng sẽ thu hút được cho công trình tạo hóa sức mạnh đổi thay của Người ».

Sứ điệp đã được giới thiệu trong Phòng Báo Chí Tòa Thánh, ngày 26/02/2019, bởi Tổng Trưởng thánh bộ về phát triển con người toàn diện, Đức Hồng Y nghười Ghana Peter Kodwo Appian Turkson, với sự trợ tá của Đức Cha Segundo Tejado Munoz, phó thư ký của cùng bộ ; và ông Alberto Piatti, phó chủ tịch điều hành của « Công Trình Trách Nhiệm và Lâu Bền » của xí nghiệp dầu lửa, ENI.

Sau đây là văn bản chính thức bằng tiếng Pháp của Sứ Điệp Mùa Chay 2019.

AB

Sứ Điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô 2019

 « Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người » (Rm 8,19).

Quý Anh Chị Em thân mến,

Mỗi năm, Thiên Chúa, qua tay Mẹ Hội Thánh của chúng ta, đã « ban cho các Kitô hữu được chuẩn bị các lễ Vượt Qua trong niềm vui của một trái tim được thanh tẩy » (Kinh Tiền Tụng Mùa Chay 1) để họ có thể đong múc từ những mầu nhiệm cứu độ, sự viên mãn được ban cho bởi sự sống mới trong Chúa Kitô. Như thế, chúng ta sẽ có thể đi từ lễ Vượt Qua này tới lễ Vượt Qua khác, tới tận sự viên mãn của ơn cứu độ mà chúng ta đã lãnh nhận nhờ vào mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô : « Vì chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông mong » (Rm 8,24). Mầu nhiệm cứu độ này, đã được thực hiện nơi chúng ta trên cuộc đời dương thế này, tỏ ra như một tiến trình năng động bao gồm Lịch Sử và toàn thể công trình tạo hóa. Thánh Phaolô nói về điều này : « Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người » (Rm 8,19). Chính trong viễn cảnh này mà tôi mong muốn cống hiến một số điểm suy ngẫm để đồng hành trên con đường sám hối trong Mùa Chay sắp tới đây.

  1. Cứu chuộc công trình tạo hóa

Sự cử hành Tam Nhật vượt qua của cuộc khổ nạn, cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô, đỉnh điểm của năm phụng vụ, kêu gọi chúng ta, mỗi lần, hãy dấn thân trên một con đường chuẩn bị, ý thức được rằng sự đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô (x. Rm 8, 29) là một ân điển vô giá của lòng thương xót của Thiên Chúa.

Nếu con người sống như con cái Thiên Chúa, nếu con người sống như một con người được cứu độ và để cho mình được hướng dẫn bởi Thần Khí (x. Rm 8,14) và biết công nhận và thực thi lề luật của Thiên Chúa, bắt đầu bằng những lề luật được ghi khắc trong lòng mình và trong thiên nhiên, như thế, người đó cũng có thể làm lợi cho công trình tạo hóa, bằng cách hợp tác với ơn cứu độ của mình. Bởi thế công trình tạo hóa, như thánh Phaolô đã nói với chúng ta, có như một ước vọng nóng bỏng là các con cái của Thiên Chúa thể hiện mình ra, như là những người được hưởng thụ ân điển của mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu, sống đầy đủ nhờ hoa quả của nó, những hoa quả này được dành để đạt tới sự hoàn toàn chín muồi trong sự cứu chuộc thân xác con người. Khi lòng nhân ái của Chúa Kitô biến đổi cuộc đời các thánh – thần trí, linh hồn và thể xác – , các đấng trở nên một bài ngợi khen Thiên Chúa và, bằng cầu nguyện, bằng suy ngẫm và bằng nghệ thuật, các ngài cũng hội nhập luôn các vật thụ tạo khác, như lời thố lộ đáng ngợi khen của « Bài ca tạo vật » của thánh Phanxicô Assisi (x. Sứ điệp Ladato sì, số 87). Tuy nhiên, trên đời này, sự hài hòa do ơn cứu độ gây ra, vẫn còn và luôn còn bị đe dọa bởi sức mạnh tiêu cực của tội lỗi và của sự chết.

  1. Sức phá hoại của tội lỗi

Quả vậy, nếu chúng ta không sống như con  cái của Thiên Chúa, chúng ta hay làm ra những cách hành xử mang tính phá hoại đối với tha nhân và đối với các vật thụ tạo khác, nhưng cũng là đối với cả chính chúng ta nữa, trong lúc coi chúng ta ít nhiều nhận thức được rằng chúng ta sử dụng các phương tiện đó để thỏa mãn ham muốn của mình. Tính vô độ sẽ vượt lên trên và dẫn đưa chúng ta tới một kiểu sống vi phạm mọi giới hạn mà kiếp sống của chúng ta và thiên nhiên yêu cầu chúng ta phải tôn trọng. Như thế, chúng ta chạy theo những ham muốn không được kiểm soát mà Sách Khôn Ngoan gán cho kẻ ngoại, nghĩa là những kẻ không có Thiên Chúa như là chuẩn mực trong cách hành xử của mình, và không có hy vọng cho tương lai (x. Kn 2,1-11). Nếu chúng ta không thường xuyên hướng tới Vượt Qua, tới chân trời của sự Sống Lại, sẽ rõ ràng là cái lôgíc « phải có tất cả ngay lập tức », « vơ vét càng nhiều càng hay» cuối cùng sẽ thống trị.

Nguyên nhân của mọi cái xấu, chúng ta đều biết, đó là tội lỗi, vốn từ ngày nó xuất hiện giữa con người với nhau, nó đã bẻ gẫy sự hiệp thông với Thiên Chúa, với tha nhân và với công trình tạo hóa mà chúng ta phải ràng buộc trước hết thông qua thân xác chúng ta. Sự đổ vỡ của niềm hiệp thông này với Thiên Chúa cũng đã làm tổn hại những quan hệ hài hòa giữa con người và môi trường nơi con người được kêu gọi để sống, khiến cho vườn địa đàng biến thành một sa mạc (x. St 3,17-18). Đó là cái tội đã thúc đẩy con người muốn thành chúa tể của công trình tạo hóa, và coi mình như người đứng đầu tuyệt đối và sử dụng nó không phải cho mục đích mà Đấng Tạo Hóa đã muốn, mà vì tư lợi của chính mình, bất kể là các vật thụ tạo và những người khác.

Khi người ta bỏ lề luật của Thiên Chúa, lề luật của tình yêu, chính là luật mạnh hiếp yếu cuối cùng sẽ ngự trị. Tội lỗi cư ngụ trong lòng con người (x. Mc 7,20-23) – và thể hiện ra dưới những nét của sự tham lam, của sự ham muốn sung sướng quá đáng một cách mãnh liệt, của sự thờ ơ với lợi ích của tha nhân, và nhiều khi với cả lợi ích riêng tư – dẫn tới sự khai thác công trình tạo hóa, khai thác con người và khai thác môi trường, dưới động lực của lòng tham vô đáy coi mọi ham muốn như một cái quyền, và sớm hay muộn, cuối cùng sẽ phá hủy ngay cả kẻ bị thống trị bởi chính lòng tham đó.

  1. Sức mạnh chữa lành của sám hối và thứ tha.

Chính bởi thế, công trình tạo hóa có một nhu cầu bức thiết là các con cái Thiên Chúa phải xuất hiện, những con người đã trở thành ‘‘công trình tạo hóa mới’’ : « Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua và cái mới đã có đây rồi » (2Cr 5,17). Quả vậy,  nhờ vào sự thể hiện của họ, công trình tạo hóa cũng có thể « sống » lễ Vượt Qua : mở ra với trời mới, đất mới (x. Kh 21,1). Con đường mở ra tới lễ Vượt Qua kêu gọi chúng ta chính là để canh tân bộ mặt của chúng ta và trái tim Kitô hữu của chúng ta thông qua sám hối, sự trở lại và sự thứ tha để có thể sống tất cả sự phong phú của ân điển của mầu nhiệm vượt qua.

Cái ‘‘thiếu nhẫn nại’’ này, sự đợi chờ của công trình tạo hóa này, sẽ chấm dứt khi các con cái Thiên Chúa xuất hiện, như là khi các Kitô hữu và tất cả mọi người sẽ đi vào một cách quyết tâm trong cái « lao động » là sự sám hối. Toàn bộ công trình tạo hóa được kêu gọi, với chúng ta, thoát ra khỏi « sự lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang » (Rm 8,21). Mùa Chay là một dấu chỉ bí tích của sự sám hối này. Sự sám hối kêu gọi các Kitô hữu hãy nhập thể một cách mãnh liệt và cụ thể hơn nữa vào mầu nhiệm vượt qua trong cuộc đời cá nhân, gia đình và xã hội của họ, đặc biệt bằng cách ăn chay, cầu nguyện và bố thí.

Ăn chay, nghĩa là học tập để thay đổi thái độ đối với người khác và các vật thọ tạo : từ cám dỗ cái gì cũng « ăn ngấu nghiến » để thỏa mãn lòng tham lam của chúng ta, đến khả năng chịu đau khổ vì tình yêu, khả năng đó có thể lấp đầy khoảng trống trong lòng chúng ta. Cầu nguyện để biết từ bỏ việc thờ lậy ngẫu thần và sự tự mãn về cái tôi và công nhận rằng mình cần đến Chúa và lòng thương xót của Người. Bố thí để giải thoát mình ra khỏi cái ngu ngốc là sống bằng cách vơ vét mọi thứ về cho mình với ảo vọng là bảo đảm một tương lai vốn không thuộc về mình. Như thế, vấn đề là tìm lại được niềm vui của kế hoạch của Thiên Chúa về công trình tạo hóa và về trái tim của chúng ta, trái tim đế yêu mến Người, để yêu mến anh em và toàn thế giới, và để tìm được trong tình yêu đó hạnh phúc đích thực.

Anh chị em thân mến, « Mùa Chay » của Con Thiên Chúa đã là đi vào trong hoang địa của công trình tạo hóa, để hoang địa được trở thành một khu vườn của sự hiệp thông với Thiên Chúa, khu vườn vốn đã hiện hữu trước tội tổ tông (x. Mc 1,12-13 ; Is 51,3). Mong rằng Mùa Chay của chúng ta có thể đi theo hành trình đó để cũng mang tới hy vọng của Chúa Kitô cho công trình tạo hóa, để « nó cũng được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, và cùng được với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang » (x. Rm 8,21). Chúng ta đừng bỏ thời gian thuận lợi này qua đi một cách phí phạm ! Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa phù giúp chúng ta thực hiện một con đường trở lại đích thực. Chúng ta hãy bỏ đi tính ích kỷ, cái nhìn tập trung vào chính chúng ta và chúng ta hãy quay về hướng Lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu : Chúng ta hãy gần gũi với các anh chị em chúng ta đang gặp khó khăn bằng cách chia sẻ với họ những của cải tinh thần và vật chất. Như thế, khi đón nhận trong sự cụ thể của cuộc đời, chiến thắng của Đức Kitô trên tội lỗi và sự chết, chúng ta cũng sẽ thu hút lên công trình tạo hóa sức mạnh đổi thay của Người.

Vatican, ngày 04 tháng 10 năm 2018

Lễ kính thánh Phanxicô Assisi

PHANXICÔ

© Librairie éditrice du Vatican

Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp trên Zenit

https://fr.zenit.org/articles/la-conversion-du-chretien-fait-du-bien-a-la-creation-message-de-careme-2019/

 

 775 khách đã đọc bài này
This entry was posted in Chưa được phân loại. Bookmark the permalink.