Suy ngẫm về lời cầu xin đầu tiên trong Kinh Lậy Cha
FÉVRIER 27, 2019 16:13 HÉLÈNE GINABAT – AUDIENCE GÉNÉRALE, PAPE FRANÇOIS
Triều kiến chung ngày 27/02/2019
Trong phần đầu của Kinh Lậy Cha, « Chúa Giêsu đưa chúng ta vào trong những mong muốn của Người, tất cả đều được thưa lên với Chúa Cha ». Và lời đầu tiên là « Nguyện Danh Cha cả sáng ! », Đức Giáo Hoàng giải thích. Trong lời cầu xin này, ngài xác định, « người ta cảm thấy hết thẩy sự tôn thờ của Chúa Giêsu đối với vẻ đẹp và sự cao cả của Chúa Cha và thánh ý của Người là tất cả mọi người phải nhận biết và yêu mến Chúa Cha vì Người thực sự như vậy » và cũng là « sự van xin để Danh Người Cả Sáng nơi chúng ta, trong gia đình chúng ta, trong cộng đoàn chúng ta và trên toàn thế giới ». Quả vậy, « sự thánh thiện của Thiên Chúa phải được phản ánh trong hành động của chúng ta và trong cuộc sống của chúng ta vậy », Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục Bài Giáo Lý về Kinh Lậy Cha nhân buổi triều kiến chung đã diễn ra trên Quảng Trường Thánh Phêrô, ngày thứ tư 27/02/2019, trước sự hiện diện của nhiều khách hành hương và du khách đến từ Ý và trên toàn thế giới trong thời gian học sinh nghỉ hè ở nhiều nước. Ngày hôm nay, Đức Giáo Hoàng đã đề cập đến « lời thứ nhất trong 7 lời van xin » : « Nguyện Danh Cha Cả Sáng ! »
Với ngôn ngữ tượng hình đặc trưng của ngài, Đức Giáo Hoàng đã nói tiếp : « sự thánh thiện của Thiên Chúa là một lực đang bành trướng và chúng ta khẩn cầu để Người mau chóng bẻ gẫy những rào cản của thế giới chúng ta ». Sự thánh thiện của Chúa Giêsu « bung ra thành những vòng tròn cùng tâm điểm, như khi người ta ném một viên sỏi xuống một cái ao ». Và ngài kết luận : Những ngày tháng của sự dữ đang được đong đếm – sự dữ không vĩnh viễn -, sự dữ không thể làm hại chúng ta nữa ». Chúa Giêsu là « người mạnh đang chiếm giữ nhà của Người ».
Sau đây là bản dịch Bài Giáo Lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
HG
Bài Giáo Lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô (Bản dịch toàn văn)
Thân chào Quý Anh Chị Em !
Hình như mùa Đông đã chấm dứt và vì thế chúng ta lại được gặp nhau trên Quảng Trường Thánh Phêrô. Chào mừng Quý Anh Chị Em trên Quảng Trường ! Trong hành trình của chúng ta để tái khám phá Kinh Lậy Cha, ngày hôm nay, chúng ta sẽ đào sâu điều thứ nhất trong 7 điều van xin : « Nguyện Danh Cha Cả Sáng ».
Có 7 điều cầu xin trong Kinh Lậy Cha, mà người ta có thể dễ dàng quy tụ lại thành hai nhóm. Ba lời xin đầu được tập trung để thưa với Thiên Chúa Cha là Cha (đại từ ngôi thứ hai số ít) ; bốn câu còn lại được tập trung vào đại từ « chúng con » (ngôi thứ nhất số nhiều) và vào những nhu cầu con người của chúng ta. Trong phần đầu, Chúa Giêsu đã đưa chúng ta vào trong những ý muốn của Người, tất cả để thưa với Chúa Cha : « nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện » ; trong phần thứ nhì, chính Người đã đi vào trong chúng ta và biến thành người truyền đạt những nhu cầu của chúng ta : lương thực hàng ngày, thứ tha tội lỗi, sự phù giúp trong cơn cám dỗ và sự giải thoát ra khỏi sự dữ.
Chúng ta có ở đây khuôn mẫu của mọi kinh nguyện Kitô giáo – tôi có thể nói là mọi kinh nguyện của con người – đã luôn được thực thi, một mặt để chiêm ngưỡng Thiên Chúa, chiêm ngưỡng mầu nhiệm của Người, vẻ đẹp của Người và lòng nhân từ của Người và, mặt khác, để cầu xin một cách chân thành và can đảm điều chúng ta cần để sống và để sống tốt lành. Như thế, trong sự đơn sơ và trong tính chất cốt yêu của mình, Kinh Lậy Cha dạy cho kẻ cầu nguyện đừng sử dụng những từ vô ích, bởi vì – như chính Chúa Giêsu đã phán – « Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì trước khi anh em cầu xin » (Mt 6,8).
Khi chúng ta thưa với Thiên Chúa, chúng ta thưa không phải để bộc lộ những gì trong lòng chúng ta : Người còn biết rõ hơn cả chúng ta nữa ! Nếu Thiên Chúa là một mầu nhiệm đối với chúng ta, thì trái lại, chúng ta không phải là một bí ẩn dưới mắt Người (x. Tv 134, 1-4). Thiên Chúa cũng giống như các bà mẹ, chỉ cần một ánh mắt để hiểu được tất cả các con cái mình : xem nó vui hay buồn, nó thành thật hay dấu diếm điều chi…
Bước đầu của kinh nguyện Kitô giáo, như thế, là sự phó thác chúng ta cho Thiên Chúa, cho sự quan phòng của Người. Chính như là chúng ta nói : « Lậy Chúa, Chúa biết hết, con chẳng cần kể lể với Chúa đau khổ của con, con chỉ xin Chúa ở lại đây, ở bên cạnh con : chính Chúa là nguồn hy vọng của con ». Thật là hay để ghi nhận rằng, trong bài giảng trên núi của Người, ngay sau khi truyền đạt văn bản Kinh Lậy Cha, Chúa Giêsu khuyên nhủ chúng ta đừng lo lắng, đừng băn khoăn về vật chất. Điều này có vẻ như là mâu thuẫn : trước tiên Người dậy chúng ta hãy cầu xin lương thực hàng ngày và rồi Người phán với chúng ta « Anh em đừng lo lắng tự hỏi : ta sẽ ăn gì ? uống gì ? hay mặc gì đây ? » (Mt 6,31). Nhưng sự mâu thuẫn chỉ là bề ngoài : những vấn đề của người Kitô hữu biểu lộ lòng tin cậy của mình nơi Chúa Cha ; và chính xác là niềm tin cậy đó đã thúc đẩy chúng ta cầu xin những gì chúng ta cần mà không phải băn khoăn và vùng vẫy.
Chính vì lý do này mà chúng ta cầu nguyện khi thưa rằng « Nguyện danh Cha cả sáng ! ». Trong sự cầu xin này – cầu xin đầu tiên ! « Nguyện Danh Cha Cả Sáng ! » – người ta cảm thấy toàn bộ sự tôn thờ của Chúa Giêsu đối với vẻ đẹp và sự cao cả của Chúa Cha và thánh ý của Người là tất cả mọi người phải nhận biết và yêu mến Chúa Cha vì Người thực sự như vậy. Và đồng thời, có lời cầu khẩn cho danh Người được cả sáng nơi chúng ta, trong gia đình chúng ta, trong cộng đoàn chúng ta và trên toàn thế giới. Chính Thiên Chúa là Đấng thánh hóa, là Đấng thay đổi chúng ta bằng tình yêu của Người, nhưng đồng thời, cũng chính chúng ta là kẻ, bằng chứng từ của chúng ta, chúng ta biểu lộ sự thánh thiện của Thiên Chúa trên thế gian, bằng cách làm cho danh Người được hiện diện. Thiên Chúa là thánh thiện, nhưng nếu chúng ta, nếu đời sống chúng ta không thánh thiện, thì có một sự bất cập ! Sự thánh thiện của Thiên Chúa phải được phản ánh trong hành động của chúng ta và trong cuộc sống của chúng ta. « Tôi là Kitô hữu, Thiên Chúa là thánh thiện nhưng tôi hành xử xấu », không, điều này không ích lợi gì cả. Điều này cũng làm tổn hại, điều này làm tai tiếng và không giúp đỡ được gì cả.
Sự thánh thiện của Thiên Chúa là một lực đang bành trướng và chúng ta cầu khẩn để Người nhanh chóng bẻ gẫy những rào cản trên thế giới của chúng ta. Khi Chúa Giêsu bắt đầu giảng dậy, đối tượng đầu tiên phải trả giá, chính là cái ác đang làm tổn thương thế giới. Những thần ô uế điên cuồng : « Ông Giêsu Nazareth, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ? Tôi biết ông là ai rồi, ông là đấng Thánh của Thiên Chúa » (Mc,1,24). Người ta chưa từng thấy một sự thánh thiện như thế bao giờ : sự thánh thiện không lo lắng cho chính mình mà hướng ra bên ngoài. Một sự thánh thiện – sự thánh thiện của Chúa Giêsu – bung ra thành những vòng tròn cùng tâm điểm, như khi người ta ném một hòn sỏi xuống một cái ao. Những ngày tháng của sự dữ đang được đong đếm – cái ác không vĩnh viễn -, sự dữ không còn có thể hại chúng ta được nữa : người mạnh chiếm hữu nhà mình đã đến (x. Mc 3,23-27). Và người mạnh này là Chúa Giêsu, Đấng cũng ban cho chúng ta sức mạnh để giữ vững ngôi nhà nội tâm của chúng ta.
Cầu nguyện xua đuổi mọi lo sợ. Chúa Cha thương yêu chúng ta, Chúa Con giơ tay ra để nâng đỡ đôi tay chúng ta, Chúa Thánh Linh kín đáo làm việc để cứu độ thế gian. Và chúng ta thì sao ? Chúng ta không chao đảo trong sự bấp bênh : Thiên Chúa thương yêu tôi ; Chúa Giêsu đã hiến mạng sống cho tôi ! Chúa Thánh Linh ngự trong lòng tôi. Và đó là sự xác tín. Và sự dữ thì thế nào ? Nó sợ hãi. Và thật là đẹp.
© Traduction de Zenit, Hélène Ginabat
Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.