Phục vụ cho nhân loại và cho hòa bình
JUILLET 21, 2019 15:44 ANITA BOURDIN – PAPE FRANÇOIS, PAUL VI
Thánh Phaolô VI tại lâu đài Castelgandolfo ngày 21/7/1969
Kỷ niệm những bước chân đầu tiên trên mặt trăng phải « đốt lên ước muốn cùng nhau tiến bộ » vì phẩm giá của hết mọi người, vì công lý và vì sự bảo tồn « ngôi nhà chung », Đức Giáo Hoàng Phanxicô lưu ý.
« Cách đây 50 năm, con người đã đặt chân lên mặt trăng, thực hiện một giấc mơ phi thường », Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc nhở sau Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật 21/7/2019 này.
« Mong rằng kỷ niệm của bước dài này đối với nhân loại đốt lên lòng ước muốn cùng nhau tiến bộ tới những mục tiêu to lớn hơn nữa : với nhiều phẩm giá hơn nữa cho những con người yếu đuối nhất, nhiều công lý hơn nữa giữa các dân tộc, nhiều tương lai hơn nữa cho ngôi nhà chung của chúng ta », Đức Giáo Hoàng xác định.
Khi con người đã lên tới mặt trăng, tờ báo Il Sysmografo lưu ý, thì Jorge Mario Bergoglio mới có 32 tuổi. Ngài đang chuẩn bị chịu chức linh mục sẽ diễn ra vào ngày 13/12/1969.
Kinh Truyền Tin của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI
Vị Giáo Hoànt lúc đó là thánh Phaolô VI ; ngài đã theo dõi bằng vô tuyến truyền hình các phi hành gia Hoa Kỳ, Neil Amstrong, Buzz Aldrin và Michael Collins, đổ bộ trên mặt trăng, từ nhà nghỉ mát Castelgandolfo của các Giáo Hoàng : lúc đó là 04giờ56phút15giây tại Ý Đại lợi ngày 21/7/1969.
Các phi hành gia đã để lại trên mặt trăng, trong các vật dụng khác được niêm phong, một văn bản của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI gửi gấm, được khắc trên một tấm biển nhỏ bằng vàng, được biết là một trích đoạn của Thánh Vịnh số 8 (c. 4-7).
« Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài,
thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm ?
Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên ;
cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân ».
Ba ngày trước khi các phi hành gia khi hành, ngày 16/7/1969, Đức Giáo Hoàng đã nhắc tới cuộc phiêu lưu của họ trong Kinh Truyền Tin ngày 13 tháng 7.
« Ý tưởng đang khuấy động lòng người trong tuần này là ý tưởng về chuyến thám hiểm của các phi hành gia Hoa Kỳ lên Mặt Trăng, Đức Phaolô VI đã nói bằng tiếng Ý. Và chính là ý tưởng này đã vượt lên các yếu tố mô tả của sự kiện độc nhất và tuyệt vời này. Khoa học và kỹ thuật đã thể hiện một cách vô song, phức tạp và táo bạo để đánh dấu đỉnh cao của sự thực hiện chúng và cho phép báo trước những tiến bộ khác, mà kể cả óc tưởng tượng cũng không dám mơ tưởng tới. Khoa học giả tưởng đã trở thành thực tế. Nếu chúng ta nhìn kỹ tổ chức của bộ phận đầu não, của các hoạt động, của các dụng cụ, của các phương tiện kinh tế, với tất cả những nghiên cứu, những kế hoạch mà công trình này đòi hỏi, sự ngưỡng mộ sẽ trở thành suy nghĩ ; và suy nghĩ quay lại con người, thế giới, nền văn minh, nguồn gốc của những tân tiến của một sự khôn ngoan và uy lực như thế. Phải, nhất là từ con người : ai là kẻ có khả năng làm được bao chuyện này ? nhỏ bé thế, mỏng manh thế, giống súc vật đến thế, nếu không thay đổi và không chính mình vượt lên những giới hạn của bản năng tự nhiên của mình, và cao thượng thế, nắm vững sự việc đến thế, thắng lợi đến thế trên thời gian và không gian ? chúng ta là ai ? »
Và rồi, Đức Giáo Hoàng viện dẫn Thánh Vịnh 8 ! « Những lời của Sách Thánh đã đến trong tâm tư của tôi : « Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm ? Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên ; cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân » (Tv 8, 4-8 ; Dt 2,6-8) ».
Quả chính là con người đã ở trung tâm sự suy nghĩ của Đức Giáo Hoàng Montini, cũng như của Đức Giáo Hoàng Phanxicô ngày hôm nay ! « Con người, vật thụ tạo này của Thiên Chúa, hơn cả mặt trăng huyền bí, ở giữa công trình này, được mặc khải cho chúng ta. Con người có vẻ là khổng lồ. Con người có vẻ là thần linh, không phải tự bản thân, nhưng ở lúc ban đầu và trong số mạng của mình. Vinh dự cho con người, vinh dự cho phẩm giá của con người, cho tinh thần và cho sự sống của con người ».
Ngài đã mời gọi cầu nguyện cho các phi hành gia và cho nhân loại : « Cho họ, nghĩa là cho nhân loại. Và cho những bộ óc nghiên cứu và những anh hùng của công trình huyền thoại này, ngày hôm nay chúng ta cầu nguyện ».
Thông điệp gửi các phi hành gia
Trước lúc phát hình ngày 21/7, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nhìn ngắm mặt trăng từ Đài Thiên Văn của Vatican ở Castelgandolfo. Sau khi phát hình, ngài đã thu thanh một thông điệp, và đã truyền đi trong ngày hôm sau trên đài Radio Vatican và đăng tải trên tờ nhật báo Osservatore Romano, bằng tiếng Ý và tiếng Anh, vinh danh Thiên Chúa và vinh danh con người : « Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người thiện tâm ! Chúng tôi (ĐGH xưng chúng tôi, thay vì tôi -Nd), là người đại diện khiêm nhường của Đức Kitô, Đấng đã ngự xuống giữa chúng ta từ thâm sâu bản tính Thiên Chúa của Người, đã làm vang vọng trên trời tiếng nói được chúc lành này, ngày hôm nay chúng tôi dội lại âm thanh đó bằng cách lập lại như một bài ca khải hoàn ngày lễ hội của toàn thể địa cầu của chúng ta, vốn không còn là một biên giới không vượt qua nổi nữa của sự sống con người, mà là một ngưỡng cửa mở ra vùng mênh mông của không gian vô tận và những số mạng mới. Vinh danh Thiên Chúa ! »
Đức Giáo Hoàng đã chào mừng các kỹ sư của NASA : « Và vinh dự cho Quý Vị, những nhà kiến trúc của công trình không gian vĩ đại ! Vinh dự cho những người trách nhiệm, những chuyên gia, những nhà tư tưởng, những người tổ chức, những người hành sự ! Vinh dự cho tất cả những ai đã làm cho chuyến bay tao bạo này có thể được thực hiện ! Mọi danh dự thuộc về tất cả Quý Vị, Quý Vị đã là những người dấn thân ! Vinh danh Quý Vị là những người điều khiển, ngồi sau những cỗ máy thần diệu, vinh danh cho Quý Vị đã thông báo cho thế giới công trình và thời điểm, đã mở rộng ra những vùng thâm sâu của vũ trụ sự thống trị khôn ngoan và táo bạo của con người. Vinh danh, chào mừng và chúc lành ! »
Bằng tiếng Anh, Đức Giáo Hoàng đã nói với các phi hành gia : « Nơi đây, từ đài thiên văn của Castelgandolfo, gần Rôma, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI nói với Quý Vị, các phi hành gia. Vinh danh, chào mừng và chúc lành cho Quý Vị, những người chiến thắng Mặt Trăng, ngọn đèn mờ ảo trong những đêm dài và trong những giấc mộng của chúng ta ! Quý Vị hãy mang cho Mặt Trăng, với sự hiện diện sống động của Quý Vị, tiếng nói của tinh thần, một bài ca tụng Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá và cũng là Cha của chúng ta. Chúng tôi sát cánh với Quý Vị, cùng với những lời chúc tốt đẹp và những kinh nguyện của chúng tôi. Với toàn thể Hội Thánh công giáo, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI chào mừng Quý Vị ».
Ngày phóng hỏa tiễn
Ngày phóng hỏa tiễn, 16/7/1969, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói, trong buổi triều kiến chung : « Chúng ta cũng phải đồng hành, quan sát, nghĩ tới, chuyến du hành vĩ đại khởi sự ngày hôm nay của các phi hành gia đi lên Mặt Trăng. Chúng ta nhớ lại những sách đọc của những năm tháng xa xưa, kể cả cuốn sách « Từ trái Đất lên Mặt Trăng » của Jules Verne. Nhưng đó chỉ là thế giới tưởng tượng ; một ảo ảnh mang tính tiên tri, nếu anh chị em muốn, nhưng nó tự do và không có thực. Ngày hôm nay, chúng ta đang đứng trong thế giới hiện thực. Chúng ta hãy để ra một phút để nghĩ về khí cụ thần diệu và về những người anh hùng đóng vai chính của cuộc thám hiểm (vốn xứng đáng được một sự suy ngẫm riêng) ; chúng ta hãy nhìn vào thực tế của chuyến bay liên hành tinh này.
Tiếp kiến các phi hành gia : phục vụ hòa bình
Ngày 16 tháng 10 năm 1969, Đức Giáo Hoàng đã tiếp kiến ba phi hành gia Amstrong ; Aldrin và Collins tại Vatican.
Ngài đã nói bằng tiếng Ý, đáng chú ý là : « Chúng tôi thán phục lòng can đảm của Quý Vị và chúng tôi thán phục tinh thần Quý Vị đã chu toàn nhiệm vụ của Quý Vị : một tinh thần phục vụ nhân loại và một tinh thần hòa bình. Kinh nguyện của chúng tôi và kinh nguyện của toàn thể Hội Thánh trên thế giới đã tháp tùng Quý Vị từng giây từng phút trong chuyến đi của Quý Vị, và chúng tôi, nhân danh toàn thể Hội Thánh, chúng tôi gửi đến Quý Vị những lời ngợi khen thành thật nhất của chúng tôi, và qua Quý Vị, chúng tôi gửi tới các khoa học gia, các chuyên viên kỹ thuật, các công nhân và rất cả những ai đã mang đến tri thức, khả năng và lao động của mình cho công trình vĩ đại này. Chúng tôi cũng ngợi khen và cảm ơn Tổng Thống và tất cả nhân dân của quý quốc đã giúp cho cuộc thám hiểm Mặt Trăng được thành tựu, với tính quảng đại tinh thần, vì lợi ích của con người và của thế giới ».
Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.
https://fr.zenit.org/articles/larrivee-sur-la-lune-angelus-du-pape-francois-et-angelus-de-paul-vi/