Thu hút sự đoái nhìn của Chúa Cha (Bản dịch toàn văn)
JUILLET 28, 2019 15:22 RÉDACTION – ANGÉLUS ET REGINA CAELI, PAPE FRANÇOIS
Kinh Truyền Tin ngày 28 tháng 7 năm 2019
Cầu nguyện Kitô giáo là một « cuộc đối thoại giữa những người thương yêu nhau, một cuộc đối thoại đặt nền tảng trên tin cây… một cuộc đối thoại giữa con cái và Chúa Cha », Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích trong giờ Kinh Truyền Tin ngày 28/7/2019.
Khi Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ của Người, ngài giải thích trên Quảng Trường Thánh Phêrô, Người « không ban cho một định nghĩa trừu tượng của cầu nguyện, cũng không dạy cho kỹ thuật hữu hiệu để cầu xin và ‘‘nhận được’’ điều gì. Trái lại, Người mời gọi các môn đệ của Người hãy trải nghiệm cầu nguyện, bằng cách đặt mình trực tiếp trong sự liên lạc với Chúa Cha, bằng cách dấy lên trong lòng các ông một sự hoài niệm của một quan hệ cá nhân với Thiên Chúa ».
Đức Giáo Hoàng cũng đã khuyên bảo đọc Kinh Lậy Cha bằng cách ngưng lại ngay ở câu đầu : « chúng ta cũng đã làm như thế khi chúng ta còn bé, thu hút ánh mắt của cha mình. Nói : ‘‘Cha, Cha’’, và cả ‘‘Tại Sao ?’’ và Người sẽ đoái nhìn chúng ta ».
Sau đây là bản dịch những lời của Đức Giáo Hoàng trước kinh kính Đức Mẹ.
Lời của Đức Giáo Hoàng trước Kinh Truyền Tin
Thân chào Quý Anh Chị Em !
Trong bài Tin Mừng ngày hôm nay (x. Lc 11, 1-13), thánh Luca kể lại tình tiết Chúa Giêsu dạy « Kinh Lậy Cha » cho các môn đệ của Người. Với tư cách là môn đệ, các ông đã biết đọc những kinh nguyện theo truyền thống Do Thái, nhưng các ông cũng muốn được trải nghiệm ‘‘phẩm chất’’ sự cầu nguyện của Chúa Giêsu, bởi vì các ông thấy rằng cầu nguyện là một tầm kích cốt yếu trong đời sống của Thầy. Mỗi hành động quan trọng của Người đều được bắt đầu bằng những lúc cô đọng lâu dài để cầu nguyện. Hơn nữa, các ông đã rất ngạc nhiên vì các ông thấy Người không cầu nguyện như những vị tôn sư khác trong thời đại đó, mà sự cầu nguyện của Người là một sợi dây thân tình kết nối với Chúa Cha, đến độ các ông mong muốn can dự vào những khoảnh khắc hợp nhất đó với Thiên Chúa để nếm trải đầy đủ hương vị ngọt ngào của Người.
Như thế, một ngày kia, các ông đợi Chúa Giêsu cầu nguyện xong, ở một nơi vắng vẻ, rồi các ông cầu xin : « Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện » (c.1). Trả lời câu hỏi thẳng thắn này của các môn đệ, Chúa Giêsu đã không đưa ra một sự định nghĩa trừu tượng của cầu nguyện, Người cũng không dạy một kỹ thuật hữu hiệu để cầu nguyện và ‘‘nhận được’’ điều gì. Thay vào đó, Người mời gọi những kẻ trung thành với Người trải nghiệm sự cầu nguyện, bằng cách đặt họ trực tiếp liên lạc với Chúa Cha, dấy lên trong các ông một mong muốn có được mối quan hệ cá nhân với Thiên Chúa, với Chúa Cha. Đó là điều mới lạ trong cầu nguyện Kitô giáo ! Đó là một cuộc đối thoại giữa những con người thương yêu nhau, một quan hệ được đặt trên lòng tin cậy, được nâng đỡ bởi sự lắng nghe và cởi mở ra với sự liên đới. Đó là cuộc đối thoại của Con với Cha, một cuộc đối thoại giữa các con cái với Chúa Cha. Đó là cầu nguyện Kitô giáo.
Bởi thế, Người đã ban cho các ông « Kinh Lậy Cha », có lẽ đây là món quà quý giá nhất mà Thầy Chí Thánh đã để lại cho chúng ta trong sứ vụ dưới thế này của Người. Sau khi mặc khải cho chúng ta mầu nhiệm Người là Ngôi Con Thiên Chúa và là Người Anh Em chúng ta, với kinh nguyện này, Chúa Giêsu đã cho chúng ta được đi sâu vào trong tình phụ tử của Thiên Chúa ; tôi muôn nhấn mạnh điều này : khi Chúa Giêsu dạy chúng ta Kinh Lậy Cha, Người cho chúng ta đi sâu vào tình phụ tử của Thiên Chúa và chỉ cho chúng ta phương cách đi vào cầu nguyện đối thoại và đi vào đối thoại trực tiếp với Người, qua ngã lòng tin cậy con cái của chúng ta với Người. Và một cuộc đối thoại giữa người cha với con mình, giữa người con với cha mình. Điều chúng ta cầu xin trong « Kinh Lậy Cha », đã được thực hiện tất cả trong Con Một của Người : sáng Danh Chúa, Nước Chúa đến, được ban cho bánh ăn, tha thứ và giải thoát khỏi sự dữ. Khi chúng ta cầu xin, chúng ta chìa tay ra để nhận lãnh. Quý Anh Chị Em hãy nhận những ơn phúc mà Chúa Cha đã tỏ ra trong Con của Người. Kinh nguyện mà Chúa đã dạy cho chúng ta là sự tổng hợp của mỗi kinh nguyện mà chúng ta luôn dâng lên Chúa Cha trong sự hiệp thông với các anh em. Đôi khi cũng có xẩy ra trong lúc cầu nguyện, những phút chia trí, nhưng thường thường, chúng ta cảm thấy cứ muốn dừng lại ở ngay câu đầu : « Lậy Cha » và cảm nhận được tình cha con này trong thân tâm chúng ta.
Rồi sau đó, Chúa Giêsu kể dụ ngôn người bạn quấy rầy và phán : « chúng ta phải nằn nì để cầu xin ». Điều này khiến tôi nhớ điều mà mấy em nhỏ ba tuổi hay ba tuổi rưỡi hay làm : các em bắt đầu hỏi những chuyện mà các em không hiểu biết. Ở nước tôi, cái đó gọi là « tuổi tại sao », tôi nghĩ là ở đây cũng thế thôi. Các em nhỏ bắt đầu nhìn cha mình và hỏi « Ba ơi, tại sao ? Ba ơi, tại sao ? » Các em đòi hỏi sự giải thích. Chúng ta phải cẩn thận : khi người cha bắt đầu giải thích tại sao, các em lại hỏi tiếp tại sao mà không cần nghe lời giải thích. Chuyện gì sẽ xẩy ra ? Có lúc các em không cảm thấy được an toàn trước nhiều vấn đề mà chúng chỉ bắt đầu hiểu được nửa chừng. Các em chỉ muốn thu hút sự chú ý của người cha đối với các em, và để được như thế thì : « Tại sao, tại sao, tại sao ? » Trong Kinh Lậy Cha, nếu chúng ta dừng lại ngay ở câu đầu, thì chúng ta cũng sẽ làm như giống như lúc chúng ta còn bé, chúng ta thu hút sự chú ý của người cha đến chúng ta. Cứ nói « Lậy Cha, Lậy Cha », và cả câu « Tại Sao ? » nữa. Và Người sẽ đoái nhìn chúng ta.
Chúng ta cầu xin Đức Mẹ Maria, một người phụ nữ cầu nguyện, phù giúp chúng ta đọc Kinh Lậy Cha, hiệp nhất với Chúa Giêsu để sống Phúc Âm, được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần.
Traduction de Zenit, Anne Kurian
Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.
https://fr.zenit.org/articles/angelus-la-priere-un-dialogue-entre-des-personnes-qui-saiment/