Kinh Truyền Tin « Chúng ta phải tiếp nối cuộc đối thoại trong gia đình »

Đức Maria « Nữ Vương Các Gia Đình » (Bản dịch đầy đủ)

DÉCEMBRE 29, 2019 14:08 ANITA BOURDINANGÉLUS ET REGINA CAELIPAPE FRANÇOIS

Kinh Truyền Tin ngày 29 tháng 12 năm 2019

Liên lạc trong gia đình , « là một nhiệm vụ phải hoàn thành ngày hôm nay, trong ngày kính Thánh Gia Thất », Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố.

Ngày chúa nhật 29/12/2019, chúa nhật kính Thánh Gia Thất đối với người công giáo, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bình giảng bài Phúc Âm  ngày hôm nay, trước Kinh Truyền Tin, trên Quảng Trường Thánh Phêrô, trước nhiều ngàn người.

Sau khi chiêm ngắm trời đẹp, Đức Giáo Hoàng đã dừng lại ở thái độ của ba người trong Thánh Gia Thất và sự « sẵn sàng », sự « ngoan hiền » của các ngài với thánh ý, với dự án của Thiên Chúa, trong Chúa Thánh Thần : sự thánh thiện của Thánh Gia Thất, chính là « sự sẵn sàng vâng theo thánh ý của Thiên Chúa ».

Và rồi, sau khi quan sát các gia đình của ngày hôm nay, Đức Giáo Hoàng đã kêu gọi sự liên lạc : « Chúng ta phải tiếp nối cuộc đối thoại trong gia đình : cha mẹ, con cái, ông bà và các anh chị em phải liên lạc với nhau… Đó là nhiệm vụ phải hoàn thành ngày hôm nay, chính trong ngày kính Thánh Gia Thất ».

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh lần nữa về thông điệp này, mời gọi lại phải « trao đổi » trong gia đình.

Và rồi, cũng trước Kinh Truyền Tin, Đức Giáo Hoàng đã kêu gọi các thành viên trong gia đình hãy giúp đỡ lẫn nhau để sống thánh thiện : « Thánh Gia Thất có thể là gương mẫu cho các gia đình của chúng ta, để cho cha mẹ và con cái nâng đỡ lẫn nhau để gắn kết với Phúc Âm, nền tảng sự thánh thiện của gia đình ».

Đức Giáo Hoàng đã phó thác tất cả các gia đình trên thế giới cho Đức Maria « Nữ Vương của các Gia Đình ».

Sau đây là bản dịch nhanh những lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước Kinh Truyền Tin.

AB

Bài giảng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước Kinh Truyền Tin

Thân chào Quý Anh Chị Em !

Ngày hôm nay, đúng là một ngày đẹp trời… Ngày hôm nay chúng ta mừng lễ kính Thánh Gia Thất Nazareth. Từ ngữ « thánh » gắn liền gia đình này trong bối cảnh thánh đức vốn  là một ân sủng của Thiên Chúa, nhưng đồng thời, cũng là một sự gắn kết tự do và có trách nhiệm vào dự án của Thiên Chúa. Đã là như thế đối với gia đình Nazareth : gia đình này đã hoàn toàn sẵn sàng theo thánh ý của Thiên Chúa.

Làm sao không khỏi ngỡ ngàng, thí dụ, bởi sự ngoan hiền của Đức Maria với tác động của Chúa Thánh Thần yêu cầu Mẹ trở thành Mẹ của Đấng Thiên Sai ? Bởi vì Đức Maria, như mọi thiếu nữ của thời đại đó, sắp cụ thế hóa dự án cuộc đời của Mẹ, nghĩa là thành hôn với thánh Giuse.

Nhưng khi Mẹ nhận ra rằng Thiên Chúa gọi Mẹ đi làm một sứ vụ đặc biệt, Mẹ đã không ngần ngại mà thưa mình là « nữ tỳ » của Người (x.Lc 1,38). Chúa Giêsu sẽ đề cao sự cao cả của Mẹ không phải là chỉ vì vai trò làm mẹ của Mẹ mà vì sự vâng lời của Mẹ đối với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã phán : « Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa » (Lc 11,28), như Đức Maria. Và khi Mẹ không hiểu hết về những biến cố liên quan đến Mẹ, Mẹ chiêm niệm trong thinh lặng, suy nghĩ và thờ lạy sáng kiến Thiên Chúa. Sự hiện diện của Mẹ dưới chân Thánh Giá là hành động thánh hóa sự hoàn toàn sẵn sàng của Mẹ.

Và rồi, liên quan đến thánh Giuse, Phúc Âm không mang lại cho chúng ta lấy một lời nói của ngài : ngài không nói, nhưng ngài hành động bằng cách vâng lời. Đó là con người của thầm lặng, con người của vâng phục.

Trang Phúc Âm ngày hôm nay (x. Mt 2,13-15.19-23) đã ba lần nhắc lại sự vâng lời này của đấng công chính Giuse, liên quan đến việc trốn sang Ai Cập và việc trở về đất Israel. Dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa, được đại diện bởi sứ thần Chúa, thánh Giuse đưa gia đình của ngài lánh xa những hăm dọa của vua Hêrôđê và đã cứu được gia đình. Thánh Gia Thất liên kết với hết thẩy các gia đình trên thế giới bị cưỡng bách lưu đầy, Thánh Gia Thất liên kết với tất cả những ai bị cưỡng bách phải rời bỏ quê hương bởi vì đàn áp, bạo lực, chiến tranh.

Sau cùng, Nhân Vật thứ ba của Thánh Gia Thất là Chúa Giêsu. Người là Thánh Ý của Chúa Cha : nơi Người, thánh Phaolô nói, không có « vâng » hay « không », mà chỉ có « vâng » (x. 2Cr 1,19). Và điều này đã được thể hiện vào nhiều lúc trong cuộc đời dưới thế của Người. Thí dụ, giai đoạn trong Đền Thánh, với cha mẹ Người đã lo lắng đi tìm Người, Người đã trả lời : « Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao ? » (Lc 2,49) ; Người luôn lập lại rằng : « Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy » (Ga 4,34) ; lời cầu nguyện của Người trong Vườn Cây Dầu : « Lậy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha » (Mt 26,42). Tất cả những biến cố này là sự thực hiện toàn hảo những lời của Đức Kitô khi Người phán : « Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế […]. Bấy giờ con mới thưa : « Lậy Thiên Chúa, này con đây […] con đến để thực thi thánh ý Ngài » (Dt 10,5-7) ; Tv 40, 7-9)

Đức Maria, Thánh Giuse, Chúa Giêsu : Thánh Gia Thất Nazareth tượng trưng cho một lời đáp trả chung đối với thánh ý của Chúa Cha : Ba thành viên của gia đình đó giúp đỡ nhau để khám phá công trình của Thiên Chúa : các Đấng đã cầu nguyện, lao động, liên lạc.

Và tôi tự hỏi : liệu các con, trong gia đình của con, con có biết trao đổi với nhau hay con lại như những đứa trẻ kia đang ngồi chung bàn, mỗi dứa một chiếc điện thoại cầm tay, để « chí chát » ? Trên chiếc bàn này dường có một sự câm nín như thể chúng đang dự lễ… Nhưng chúng không liên lạc với nhau. Chúng ta phải tiếp nối đối thoại trong gia đình : những người cha mẹ, con cái, ông bà, và anh chị em phải liên lạc với nhau… Đó là một nhiệm vụ phải hoàn thành trong ngày hôm nay, chỉ trong ngày lể Thánh Gia Thất này thôi. Thánh Gia Thất có thể là khuôn mẫu cho các gia đình của chúng ta, để cho cha mẹ và con cái nâng đỡ lẫn nhau gắn liền với Phúc Âm, nền tảng của sự thánh thiện của gia đình.

Chúng ta hãy ký thác cho Đức Maria « Nữ Vương Các Gia Đình », tất cả các gia đình trên thế giới, đặc biệt là những gia đình đang chịu thử thách bởi sự đau khổ hay sự bất ổn, và chúng ta hãy cầu xin cho các gia đình đó sự bảo vệ từ mẫu của Mẹ Maria.

Copyright 2019 – Traduction de Zenit, Anita Bourdin

Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.

https://fr.zenit.org/articles/angelus-nous-devons-reprendre-le-dialogue-dans-la-famille-traduction-complete/

 559 khách đã đọc bài này
This entry was posted in Chưa được phân loại. Bookmark the permalink.