Chủ nghĩa cực đoan duy nhất của Kitô giáo (Toàn văn bài giảng)
FÉVRIER 23, 2020 12:10 ANNE KURIAN – PAPE FRANÇOIS
Thánh Lễ tại Bari
« Yêu thương và tha thứ, đó là sống như những kẻ chiến thắng », Đức Giáo Hoàng Phanxicô khẳng định khi cử hành một Thánh Lễ tại Bari, miền Nam nước Ý, ngày 23/02/2020. « Đó là chủ nghĩa cực đoan duy nhất của Kitô giáo », ngài nói thêm và cuộc cách mạng lớn nhất trong lịch sử là Tình Yêu.
Sau khi gặp gỡ các giám mục trong vùng Địa Trung Hải tại vương cung thánh đường Saint Nicolas của Bari, Đức Giáo Hoàng đã tới Corso Vittorio Emanuele II để dâng Thánh Lễ ngày chúa nhật ở ngoài trời. Trong bài giảng của ngài, ngài đã suy ngẫm về lời của Đức Kitô : « Anh em hãy yêu thương kẻ thù của anh em, và hãy cầu nguyện cho những kẻ bách hại anh em ».
« Đây là điều mới mẻ của Kitô giáo. Đó là sự khác biệt Kitô giáo », Đức Giáo Hoàng cam kết : « Cầu nguyện và yêu thương : đây là điều mà chúng ta phải làm… Về tình yêu đối với mọi người, chúng ta không chấp nhận lý do để từ chối, chúng ta không giảng thuyết những chuyện dễ dãi thoải mái. Chúa không hề dễ dãi, Người không nhượng bộ, Người đòi hỏi chúng ta cực đoan trong bác ái ».
Và ngài khuyên nhủ « Bạn đừng lo ngại sự độc ác của kẻ khác, của những kẻ nghĩ xấu về bạn. Bạn hãy bắt đầu bằng cách giải giới trái tim của mình vì tình yêu của Chúa Giêsu », nhất là bằng cách ngưng than thân trách phận vì « điều không ổn ». Quả vậy, « văn hóa của sự hận thù đấu tranh chống lại sự tôn thờ than vãn ».
Lôgíc của Chúa Giêsu « là thua cuộc dưới mắt thế gian, nhưng thắng cuộc dưới mắt Thiên Chúa », Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh : « Chúng ta sẽ thua cuộc nếu chúng ta bảo vệ đức tin bằng sức lực ».
« Ngày hôm nay, với tình yêu vô biên của Người, Chúa Giêsu đã đặt tính nhân loại của chúng ta lên cao » ngài đã kết luận, và khuyên nhủ rằng : « Ngày hôm nay, chúng ta hãy chọn tình yêu, kể cả nếu phải trả giá, kể cả nếu phải lội ngược dòng. Chúng ta không để bị điều kiện hóa bởi tư tưởng chung, chúng ta đừng bằng lòng vì những biện pháp nửa vời ».
Bài giảng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Chúa Giêsu viện dẫn một Lề Luật cổ : « Mắt đền mắt, răng đền răng » (Mt 5, 38 ; Xh 21,24). Chúng ta biết điều này có nghĩa là gì : đối với kẻ lấy đi của ngươi cái gì, ngươi sẽ lấy lại của hắn cái đó. Thực chất, đây là một điều tiến bộ bởi vì điều này ngăn cản những cuộc trả thù nặng nề hơn : nếu kẻ nào đã làm hại ngươi, ngươi trả lại hắn với cùng một liều lượng, ngươi không được làm điều xấu hơn. Cân bằng những tranh chấp là một bước tiến về phía trước. Và tuy nhiên, Chúa Giêsu còn đi xa hơn, xa hơn nữa : « Còn Thầy, Thầy bảo anh em : đừng chống cự người ác » (Mt 5,39). Nhưng Thưa Chúa, thế là thế nào ? Nếu ai đó nghĩ xấu về con, nếu ai đó làm hại đến con, con không thể ăn miếng trả miếng với họ sao ? ‘‘Không’’, Chúa Giêsu phán ; bất bạo động, không có một sự bạo động nào cả.
Chúng ta có thể nghĩ rằng giáo huấn của Chúa Giêsu đi theo một sách lược : cuối cùng, kẻ xấu sẽ bỏ cuộc. Nhưng điều đó không phải là lý do qua đó Chúa Giêsu yêu cầu yêu mến kể cả kẻ làm hại chúng ta. Tại sao vậy ? Vì Chúa Cha, vị Cha của chúng ta, luôn thương yêu thế gian, kể cả khi điều này không có sự đáp trả. Người « cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt » (c.45). Và ngày hôm nay, trong Bài Đọc Một, Người phán với chúng ta rằng : « Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh » (Lv 19,2). Nói cách khác ‘‘Các ngươi hãy sống như Ta, hãy đi tìm những gì Ta tìm’’. Chúa Giêsu đã làm như thế. Người đã không chỉ mặt những người đã kết án Người một cách bất công và giết hại Người một cách tàn nhẫn, nhưng Người đã mở rộng hai cánh tay ra cho họ trên cây thánh giá. Và Người đã tha thứ cho kẻ đã đóng đinh vào cổ tay Người (x. Lc 23,33-34).
Như thế, nếu chúng ta muốn là các môn đệ của Đức Kitô, nếu chúng ta muốn nói chúng ta là Kitô hữu, thì đó là con đường phải đi. Được Thiên Chúa thương yêu, chúng ta cũng được kêu gọi để yêu thương ; được tha thứ cũng được kêu gọi để tha thứ, được chạm đến bởi tình yêu, để cống hiến tình yêu mà không chờ đợi kẻ khác làm trước ; được cứu độ một cách nhưng không, để không đi tìm bất cứ một thứ lợi nhuận nào trong việc thiện mà chúng ta làm. Nhưng bạn có thể nói : ‘‘Nhưng Chúa Giêsu làm quá ! Người còn phán : « Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em » (Mt 5,44) ; Người phán như thế để thu hút sự chú ý, nhưng có lẽ Người không thật sự nghĩ vậy đâu’’. Chắc chắn là có ! Chúa Giêsu không sử dụng những nghịch biện, Người không úp mở. Người thẳng thắn và minh bạch. Người đọc Lề Luật cũ và người long trọng phán : ‘‘Nhưng Thầy, Thầy nói rằng : anh em hãy yêu kẻ thù của anh em’’. Đó là những lời nói có suy nghĩ, và chính xác.
Anh em hãy yêu kẻ thù, và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em. Đó là sự mới mẻ Kitô giáo. Đó là sự khác biệt Kitô giáo. Cầu nguyện và yêu mến : đó là những điều chúng ta phải làm ; và không chỉ đối với người yêu mến chúng ta, không chỉ đối với các bằng hữu, không chỉ với dân tộc của mình. Bởi vì tình yêu của Chúa Giêsu không biết đến biên giới hay rào cản. Chúa yêu cầu chúng ta lòng can đảm của một tình yêu không tính toán. Bởi vì mức độ của Chúa Giêsu là tình yêu không mức độ. Biết bao lần, chúng ta đã chẳng lãng quên những yêu cầu của Người, bằng cách ứng xử như mọi người ! Và tuy nhiên, giới răn của tình yêu không đơn giản chỉ là một sự khiêu khích, nó mằm ở trong trung tâm của Phúc Âm. Trên tình yêu đối với mọi người, chúng ta không chấp nhận lý do để từ chối, chúng ta không giảng thuyết những chuyện dễ dãi thoải mái. Chúa không hề dễ dãi, Người không nhượng bộ, Người đòi hỏi chúng ta cực đoan trong bác ái. Đó là sự cực đoan Kitô giáo duy nhất : cực đoan của tình yêu.
Anh em hãy yêu kẻ thù. Thật có ích để nhắc lại cho chúng ta những lời này và áp dụng nó cho những con người hành hạ chúng ta, quấy rối chúng ta, mà chúng ta khó mà tiếp nhận, những kẻ lấy đi của chúng ta sự thanh thản. Anh em hãy yêu kẻ thù. Thật cũng có ích cho chúng ta để nêu lên những câu hỏi : ‘‘Tôi, tôi có chuyện gì phải lo trên đời này : kẻ thù, kẻ muốn điều ác đến với tôi ? Hay yêu mến ?’’ Bạn đừng lo vì sự độc ác của kẻ khác, của kẻ nghĩ xấu về bạn. Trái lại, bạn hãy bắt đầu bằng việc giải giới trái tim mình bằng tình yêu của Chúa Giêsu. Bởi vì kẻ yêu mến Thiên Chúa thì không có kẻ thù để trong lòng. Thờ phượng Thiên Chúa là trái ngựợc với văn hóa thù hận. Và văn hóa thù hận chiến đấu chống lại sự tôn thờ than vãn. Biết bao lần chúng ta than vãn vì những gì chúng ta không nhận được, vì những gì không suông sẻ ! Chúa Giêsu biết rằng nhiều chuyện không suông sẻ, rằng luôn có ai đó muốn điều xấu đến với chúng ta, kể cả cũng có kẻ sẽ ngược đãi chúng ta. Nhưng Người chỉ yêu cầu chúng ta cầu nguyện và yêu thương. Đó là cuộc cách mạng của Chúa Giêsu, cuộc cách mạng lớn nhất của lịch sử : từ kẻ thù phải căm ghét đến kẻ thù phải yêu thương, từ sự tôn thờ sự than vãn tới nền văn hóa của hiến tặng. Nếu chúng ta thuộc về Chúa Giêsu, thì đó là con đường phải đi.
Nhưng bạn có thể bác bỏ : ‘‘Tôi hiểu sự vĩ đại của lý tưởng, nhưng trong cuộc đời, đó là chuyện khác ! Nếu tôi yêu và tôi tha thứ, tôi không thể sống sót trên cái thế giới này vốn cái lôgíc của sức mạnh là thắng thế và vốn là ai cũng dường như chỉ nghĩ cho mình mà thôi’’. Như thế, cái lôgíc của Chúa Giêsu là thua cuộc sao ? Nó thua cuộc dưới con mắt của thế gian, nhưng nó thắng cuộc dưới mắt của Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã nói với chúng ta trong Bài Đọc Hai : « Đừng ai tự lừa dối mình, vì sự khôn ngoan đời này, là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa » (1Cr 3, 18-19). Thiên Chúa nhìn xa hơn. Người biết người ta làm cách nào để thắng. Người biết rằng chỉ có thể thắng điều ác được bằng điều thiện. Người đã cứu độ chúng ta như thế : không bằng lưỡi gươm mà bằng thập giá. Yêu thương và tha thứ, đó là sống như những kẻ chiến thắng. Chúng ta sẽ thua nếu chúng ta bảo vệ đức tin bằng sức mạnh. Chúa đã nhắc, cho cả chúng ta nữa, những lời Người đã phán với thánh Phêrô trong vườn Giethsêmani : « Hãy xỏ gươm vào bao » (Ga 18,11). Trong những vườn Giethsêmani của ngày hôm nay, trên thế giới vô cảm và bất công của chúng ta, nơi người ta dường như đang chứng kiến sự hấp hối của niềm hy vọng, người Kitô hữu không thể làm như những môn đệ kia đã rút gươm ra trước, rồi mới chạy trốn. Không, giải pháp không phải là rút gươm ra chống lại ai đó và lại càng không nên trốn thánh thời đại mà chúng ta đang sống. Giải pháp là con đường của Chúa Giêsu : tình yêu tích cực, tình yêu khiêm nhượng, tình yêu « đến cùng » (Ga 13,1).
Quý Anh Chị Em thân mến, với tình yêu vô biên của Người, hôm nay Chúa Giêsu đã đặt nhân loại của chúng ta lên tầm cao. Sau cùng, chúng ta có thể tự hỏi ‘‘Và chúng ta, chúng ta có thành công được không ?’’. Nếu mục tiêu đã là không thể được, Chúa đã không yêu cầu chúng ta đạt tới. Nhưng một mình, thật là khó khăn ; chính là một ân sủng phải được cầu xin. Cầu xin Thiên Chúa sức mạnh để yêu thương, thưa với Người ‘‘Lậy Chúa, xin giúp con yêu thương, xin dạy con tha thứ. Con không thể làm một mình, con cần đến Chúa’’. Và ân sủng thấy được những người khác, không phải là những chướng ngại vật và những rắc rối, mà như những người anh em và những người chị em để yêu thương, (đó là những ân sủng) phải được cầu xin. Rất nhiều khi, chúng ta cầu xin những sự giúp đỡ và những ân sủng cho chúng ta, nhưng chúng ta ít có cầu xin để biết yêu thương ! Chúng ta không cầu xin đủ để biết sống trái tim của Phúc Âm, để thật sự là những người Kitô hữu. Nhưng « vào lúc xế chiều của cuộc đời chúng ta, chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu » (Thánh Gioan Thánh Giá, Lời của Ánh Sáng và Tình Yêu, 57). Ngày hôm nay, chúng ta hãy chọn tình yêu, dù là phải trả giá, dù là phải lội ngược dòng. Chúng ta đừng để bị điều kiện hóa bởi suy nghĩ chung, chúng ta đừng bằng lòng vì những biện pháp nửa vời. Chúng ta hãy tiếp nhận sự thách đố của Chúa Giêsu, sự thách đố của đức bác ái. Chúng ta sẽ thực sự là những Kitô hữu và thế giới sẽ nhân bản hơn.
© Librairie éditrice du Vatican
Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.
https://fr.zenit.org/articles/messe-a-bari-aimer-et-pardonner-cest-vivre-comme-des-vainqueurs/