Bài Giáo Lý về thánh Giuse, con người của những giấc mộng (toàn văn)
JANVIER 26, 2022 16:15 HÉLÈNE GINABATAUDIENCE GÉNÉRALE, PAPE FRANÇOIS
Triều kiến chung ngày 26 tháng 01 năm 2022
Biết « nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa giữa các tiếng nói khác », tiếng nói của « những sợ hãi của chúng ta », tiếng nói của « những kinh nghiệm quá khứ của chúng ta » hay của « những hy vọng của chúng ta », tiếng nói « của ác thần »… ĐGH Phanxicô đã rút ra một giáo huấn, rất mang tính Dòng Tên về phân định, từ chuyện các giấc mộng của thánh Giuse trong Phúc Âm theo thánh Mátthêu..
ĐGH Phanxicô tiếp tục chuỗi Bài Giáo Lý của ngài về thánh Giuse. Ngài đã suy niệm về thái độ của thánh Giuse bằng cách theo dõi chuyện bốn giấc mộng, trong buổi triều kiến chung hôm thứ tư 26/01/2022, tại Đại Thính Đường Phaolô VI của Vatican. Giấc mộng, Đức Giáo Hoàng giải thích « tượng trưng cho sự sống thiêng liêng của mỗi người chúng ta, cái không gian nội tâm đó, mà mỗi người được kêu gọi hãy trau dồi và gìn giữ, nơi mà Thiên Chúa tỏ mình và đôi khi phán dạy chúng ta ».
Để « nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa giữa những tiếng nói khác », Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh, thánh Giuse « biết trau dồi sự thinh lặng cần thiết, và nhất là, lấy những quyết định đúng đắn trước Lời mà Chúa phán với ngài trong nội tâm ». Rất thường khi, cầu nguyện ban cho « sự trực giác của lối thoát », « cách giải quyết » những hoàn cảnh « mà chúng ta không hiểu được và có vẻ như không có giải pháp » : Chúa « chỉ cho chúng ta điều chính đáng phải làm ».
Trong những khó khăn của cuộc đời, cầu nguyện gợi ý « sự can đảm giống như của thánh Giuse ». « Thiên Chúa không hứa rằng chúng ta sẽ không bao giờ sợ hãi », Đức Giáo Hoàng khẳng định, nhưng « với sự phù giúp của Người, sự sợ hãi sẽ không phải là yếu tố trong quyết định của chúng ta ». Và với các bậc cha mẹ bị thử thách trong việc giáo dục con cái, Đức Giáo Hoàng nói : « anh chị em đừng sợ ! », « anh chị em hãy nghĩ theo cách mà thánh Giuse đã giải quyết những vấn đề và hãy cầu xin thánh Giuse phù giúp chúng ta. Đừng bao giờ lên án một đứa con », vì « cầu nguyện luôn gắn chặt với lòng bác ái ».
Sau đây là toàn văn Bài Giáo Lý trong bản dịch tiếng Pháp của Vatican.
HG
Bài Giáo Lý về Thánh Giuse – 9. Thánh Giuse, một người « nằm mộng »
Thân chào quý anh chị em !
Ngày hôm nay, tôi muốn suy ngẫm về hình ảnh của thánh Giuse như một người nằm mộng. Trong Thánh Kinh, theo những nền văn hóa của các dân tộc cổ đại, chiêm bao được coi như một phương tiện qua đó Thiên Chúa tỏ mình ra [1]. Giấc mộng tượng trưng sự sống thiêng liêng của mỗi người trong chúng ta, cái không gian nội tâm, mà mỗi người được kêu gọi phải trau dồi và gìn giữ, là nơi mà Thiên Chúa tỏ mình ra và thường hay phán dạy chúng ta. Nhưng chúng ta cũng phải nói, trong mỗi người chúng ta, không chỉ có tiếng nói của Thiên Chúa ; còn có nhiều những tiếng nói khác nữa. Thí dụ, những tiếng nói của những sợ hãi của chúng ta, những tiếng nói của những kinh nghiệm trong quá khứ, những tiếng nói của các hy vọng ; và cũng có cả tiếng nói cùa ác thần, nó muốn lừa dối và làm cho chúng ta bối rối. Như thế, quan trọng là phải nhận biết được tiếng nói của Thiên Chúa giữa những tiếng nói khác. Thánh Giuse chứng minh rằng ngài đã biết vun đắp sự thinh lặng cần thiết, và nhất là, lấy những quyết định sáng suốt trước Lời mà Chúa phán trong ngài. Ngày hôm nay, quả có ích cho chúng ta để duyệt lại bốn giấc mộng của Thánh Kinh mà ngài là vai chính, nhằm để hiểu được chúng ta phải đặt mình như thế nào trước sự mặc khải của Thiên Chúa. Phúc Âm kể lại cho chúng ta bốn giấc mộng của thánh Giuse.
Trong giấc mộng đầu tiên (x. Mt 1,18-25), thiên thần giúp thánh Giuse giải quyết thảm kịch đã hành hạ ngài khi ngài biết được Đức Maria có thai : « Đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần ; Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu (nghĩa là Chúa Cứu Độ), vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ » (c. 20-21). Và sự đáp trả của ngài đã ngay lập tức : « Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà » (c.24). Cuộc đời thường hay đặt chúng ta trước những cảnh huống mà chúng ta không hiểu được và dường như không có giải pháp. Vào những lúc này, nên cầu nguyện. Điều này có nghĩa là hãy để cho Chúa chỉ dẫn chúng ta chuyện gì là chính đáng phải làm. Thực chất, rất nhiều khi, chính cầu nguyện làm xuất hiện trực giác về cánh cửa thoát thân, làm sao giải quyết tình huống đó. Thưa quý anh chị em, Chúa không bao giờ cho phép một vấn đề xẩy đến mà không ban cho chúng ta sự phù giúp cần thiết để đối phó. Người không bỏ chúng ta vào trong lò một mình. Người không bỏ chúng ta vào giữa các thú dữ. Không. Khi Chúa đưa ra cho chúng ta hay khi Người cho chúng ta thấy một vấn đề, Người luôn ban cho chúng ta sự sáng suốt, sự phù giúp, sự hiện diện của Người để đưa chúng ta khỏi nó và để giải quyết nó.
Và giấc mộng tiên báo thứ nhì của thánh Giuse xẩy đến khi cuộc đời của Chúa Giêsu Hài Đồng bị nguy hiểm. Thông điệp rõ ràng « Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy » (Mt 2,13). Thánh Giuse tuân thủ không hề do dự : « Ông Giuse liền trỗi dậy – như lời Phúc Âm – và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập. Ông ở đó cho đến khi vua Hêrôđê băng hà » (c.14-15). Trong cuộc đời, tất cả chúng ta đều phải đối đầu với những nguy hiểm đe dọa sự sống chúng ta hay sự sống của những người mà chúng ta yêu mến. Trong những hoàn cảnh đó, cầu nguyện có nghĩa là lắng nghe tiếng nói có thể làm sinh ra trong chúng ta lòng can đảm cũng như thánh Giuse, để đối phó với những khó khăn mà không bị khuất phục.
Tại Ai Cập, thánh Giuse đợi chờ một dấu chỉ của Thiên Chúa để có thể trở về nhà, và đó là nội dung của giấc mộng thứ ba. Thiên sứ tiết lộ với ngài là những kẻ muốn giết hại Hài Nhi đã chết và truyền cho ngài đi với bà Maria và Chúa Giêsu trở về tổ quốc (x. Mt 2, 19-20). « Ông liền trỗi dậy – Phúc Âm nói -, đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Israel » (c.21). Nhưng trên hành trình hồi cư, « vì nghe biết Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hêrôđê, cai trị miền Giuđê, nên ông sợ không dám về đó » (c.22). Đây là sự mặc khải thứ tư : « Được báo mộng, ông lui về miền Galilê, và đến ở tại một thành kia gọi là Nazareth » (c. 22-23). Sự sợ hãi cũng là thành phần của đời sống và nó cũng cần sự cầu nguyện của chúng ta. Thiên Chúa không hứa rằng chúng ta sẽ không bao giờ phải sợ, nhưng, với sự phù giúp của Người, sự sợ hãi sẽ không là tiêu chuẩn sự quyết định của chúng ta. Thánh Giuse cảm thấy sợ hãi, nhưng Thiên Chúa cũng hướng dẫn ngài qua sự sợ hãi. Sức mạnh của cầu nguyện mang lại ánh sáng vào trong những tình huống tối tăm.
Giờ đây, tôi nghĩ đến bao người đang bị đè nén bởi sức nặng của cuộc sống và không còn có thể hy vọng cũng như cầu nfguyện. Cầu mong thánh Giuse phù giúp họ mở lòng họ ra cho sự đối thoại với Thiên Chúa, để tìm được nơi đó ánh sáng, sức mạnh và sự bình an. Và đồng thời, tôi cũng nghĩ đến những bậc cha mẹ trước các vấn đề của con cái họ. Những trẻ em bị nhiều bệnh tật, những trẻ em đau ốm, kể cả những bệnh kinh niên mãn tính. Có biết bao đau đớn ở đó. Các bậc cha mẹ nhìn thấy những khuynh hướng tình dục khác nhau nơi con cái họ ; làm sao quản được điều này và đồng hành với các con cái và không núp sau một thái độ lên án. Các bậc cha mẹ chứng kiến con cái mình ra đi vì bạo bệnh, và còn – thật buồn, người ta nói chuyện này mỗi ngày trên báo chí – chuyện con cái làm chuyện bậy và bỏ mạng trong một tai nạn xe cộ. Những bậc cha mẹ chứng kiến con cái mình không học hành tấn tới và không biết mình phải làm sao… Biết bao vấn đề của các bậc cha mẹ. Chúng ta hãy nghĩ đến họ : làm sao giúp đỡ họ. Và với các bậc cha mẹ đó, tôi nói : anh chị em đừng sợ. Phải, có sự đau khổ. Nhiều lắm. Nhưng xin hãy nghĩ đến Chúa, hãy nghĩ đến cách mà thánh Giuse đã giải quyết các vấn đề và xin thánh Giuse phù giúp cho anh chị em. Đừng bao giờ lên án một đứa con. Điều này thể hiện cho tôi thấy biết bao êm ái – đó là trường hợp ở Buenos Aires – khi tôi lên xe buýt và xe đi qua nhà tù. Có một đám đông người sắp hàng dài chờ vào thăm tù nhân. Và ở đó có những bà mẹ. Và tôi đã rất xúc động bởi bà mẹ đó, trước vấn đề của một người con đã phạm tội và đang bị ngồi tù, bà đã không bỏ anh ta một mình, đã lặn lội ngoài đời và đồng hành với con mình. Lòng can đảm đó ; lòng can đảm của một người cha và của một người mẹ luôn đồng hành với con cái họ, luôn luôn. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban sự can đảm này cho tất cả các người cha và người mẹ, như Người đã ban cho thánh Giuse. Và cầu nguyện, phải không ? Cầu nguyện để Chúa phù giúp chúng ta trong những lúc này.
Tuy nhiên, cầu nguyện không bao giờ là một cử chỉ trừu tượng hay thân mật chủ nghĩa như các phong trào duy linh mang tính ngộ đạo hơn là Kitô giáo mong muốn. Không, không phải như thế. Cầu nguyện luôn gắn liền không thể chia cách với lòng bác ái. Chỉ khi nào chúng ta hợp nhất cầu nguyện với tình yêu con cái như trong trường hợp tôi vừa nhắc tới hay tình yêu đối với người lân cận mà chúng ta có thể hiểu những thông điệp của Chúa. Thánh Giuse đã cầu nguyện, đã làm việc và đã yêu thương, – ba điều tốt đẹp đối với các bậc làm cha mẹ : cầu nguyện, làm việc và yêu thương – và để được điều này, ngài luôn nhận được điều ngài cần để đối phó với những thử thách của cuộc đời. Chúng ta hãy phó thác mình cho ngài và cho sự chuyển cầu của ngài.
Lạy thánh Giuse, ngài là người của những giấc mộng, xin chỉ dạy cho chúng con tìm lại được đời sống thiêng liêng như là nơi chốn nội tâm mà Thiên Chúa thể hiện và cứu độ chúng con.
Xin ngài giúp chúng con xua đuổi những ý tưởng cho rằng cầu nguyện là vô ích ; xin ngài phù giúp mỗi người chúng con để phù hợp với những gì Chúa chỉ cho chúng con.
Xin cho những lý luận của chúng con được chiếu rọi bởi ánh sáng của Chúa Thánh Thần, cho trái tim chúng con được khích lệ bởi sức mạnh của Người và những sợ hãi của chúng con được cứu vớt bởi lòng thương xót của Người.
Amen.
___________________________
[1] Xem St 20,3; 28,12; 31,11.24; 40,8; 41,1-32; Ds 12,6; 1Sm 3,3-10; Đn 2,4; G 33, 15
© Traduction – Librairie Editrice Vaticane
Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.
Apprendre à « reconnaître la voix de Dieu parmi d’autres voix » (texte complet) – ZENIT – Francais