Con đường Emau – từ thất bại tới hy vọng

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong lễ tại thánh địa Thánh Anna thành Beaupré

JUILLET 28, 2022 19:39 RÉDACTIONPAPE FRANÇOISVOYAGES APOSTOLIQUES

Thánh Lễ Hòa Giải tại thánh đường Thánh Anna thành Beaupré

Nguồn : Phòng Báo Chí Tòa Thánh

Chuyến đi của các môn đệ trên đường Emau, ở cuối Tin Mừng theo thánh Luca, là một hình ảnh con đường cá nhân của chúng ta và con đường của Hội Thánh. Trên con đường đời, và đời sống đức tin, trong lúc chúng ta theo đuổi những ước mơ, những dự án, những đợi chờ và những hy vọng trong lòng chúng ta, chúng ta cũng vấp phải những mỏng giòn, những yếu đuối của chúng ta, chúng ta trải nghiệm những thất bại và những thất vọng, và đôi khi chúng ta vẫn là những tù nhân của cảm tưởng thất bại đang khiến chúng ta bị tê liệt. Tin Mừng loan báo cho chúng ta rằng, chính vào cái lúc đó, chúng ta không cô đơn : Chúa đến gặp gỡ chúng ta, đến với chúng ta, bước đi trên cùng con đường với chúng ta với sự kín đáo của một khách bộ hành đáng yêu đang muốn mở lại đôi mắt của chúng ta và sưởi ấm lại trái tim chúng ta. Và khi sự thất bại nhường chỗ cho sự gặp gỡ với Chúa, cuộc sống tái sinh trong hy vọng và chúng ta có thể hòa giải : với chính chúng ta, với các anh em chúng ta, với Thiên Chúa.

Như thế, chúng ta hãy đi theo con đường mà chúng ta có thể gọi là : từ thất bại sang hy vọng. Trước hết, có cảm tưởng thất bại, nó ám ảnh trong lòng hai người môn đệ sau cái chết của Chúa Giêsu. Các ông đã theo đuổi một ước mơ với lòng nhiệt thành. Nơi Chúa Giêsu, các ông đã đặt trọn vẹn những hy vọng và mong muốn của các ông. Bây giờ, sau cái chết tai tiếng trên thập giá, các ông quay lưng lại với Giêrusalem để đi về nhà mình, đi về cuộc đời khi trước. Cuộc hành trình của các ông là cuộc hành trình trở về, như để muốn quên đi cuộc trải nghiệm này đã làm lòng mình tràn ngập cay đắng, Đấng Mêsia đó bị xử tử như một kẻ gian ác trên cây thập giá. Các ông trở về với tâm trạng chán nản ; « vẻ mặt buồn rầu » (Lc 24,17) : những chờ đợi mà các ông đã vun trồng, đã rơi vào hư không, những hy vọng mà các ông đã tin tưởng đã tan vỡ, những ước mơ mà các ông đã muốn thực hiện nhường chỗ cho sự tuyệt vọng và sự đắng cay.

Đó là một trải nghiệm cũng liên quan đến cuộc sống và hành trình thiêng liêng của chúng ta, trong mọi trường hợp mà chúng ta bị bắt buộc phải thay đổi kích thước lại cho những đợi chờ của chúng ta và đối mặt với những mơ hồ của thực tế, với những đen tối của cuộc đời, với sự yêu đuối của chúng ta. Điều đó xẩy ra với chúng ta mỗi khi những lý tưởng của chúng ta vấp phải những vỡ mộng của cuộc sống và khi những ý định của chúng ta bị bỏ qua vì sự mỏng manh của chúng ta ; khi chúng ta vun trồng những dự án của điều thiện nhưng mà chúng ta không có khả năng thực hiện chúng (x. Rm 7,18) ; khi trong những hoạt động mà chúng ta tiến hành hay trong những quan hệ của chúng ta, sớm muộn gì, chúng ta cũng trải nghiệm một sự thất bại, một sai lầm, một sự không thành công hay một sự vấp ngã, trong lúc mà chúng ta thấy sụp đổ điều mà chúng ta đã tin tưởng hay chúng ta đã dấn thân, trong lúc chúng ta cảm thấy bị đè bẹp bởi tội lỗi của chúng ta và mặc cảm tội lỗi nơi chúng ta.

Điều này xẩy ra cho ông Ađam và bà Eva trong Bài Đọc Một : tội lỗi của ông bà không chỉ làm cho ông bà xa cách Thiên Chúa, nhưng đã khiến ông bà xa cách nhau : ông bà chỉ có thể đổ lỗi cho nhau. Và chúng ta cũng thấy điều này nơi các môn đệ trên đường Emau, mà sự khó chịu đã thấy sụp đổ dự án của Chúa Giêsu chỉ dành chỗ cho một cuộc tranh luận cằn cỗi. Và điều này cũng có thể xẩy ra trong đời sống của Hội Thánh, cộng đoàn các môn đệ của Chúa mà hai người trên đường Emau là đại diện. Dù cho là cộng đoàn của Đấng Phục Sinh, cộng đoàn này vẫn có thể bị mất mát và thất vọng trước sự tai tiếng của điều ác và bạo lực của Đồi Canve. Như thế, cộng đoàn không thể làm được gì ngoài việc nắm chặt trong tay cảm tưởng thất bại và tự hỏi : điều gì đã xẩy ra ? Tại sao điều đó lại xẩy ra ? Làm sao mà điều đó đã có thể xẩy ra được ?

Thưa anh chị em, đó là những câu hỏi mà mỗi người trong chúng ta tự đặt ra cho mình ; và đó cũng là những câu hỏi nóng bỏng mà Hội Thánh hành hương này ở Canada làm vang lên trong lòng về một con đường chữa lành và hòa giải đầy thử thách. Chúng ta cũng vậy,  trước sự tai tiếng của điều ác và trước Thánh Thể Đức Kitô bị thương tích trong da thịt của những người anh em dân bản địa của chúng ta, chúng ta bị dìm trong nỗi cay đắng và chúng ta cảm thấy sức nặng của thất bại. Xin mạn phép được hợp nhất cách thiêng liêng với nhiều khách hành hương đang đi ‘‘Bực thang thánh’’ tại đây, nó nhắc lại sự tiến bước của Chúa Giêsu lên pháp đình của Pilatô ; và được cùng đồng hành với anh chị em với tư cách là Hội Thánh trong những câu hỏi nẩy sinh từ trong lòng chứa chất sự đau buồn : tại sao tất cả những điều đó đã xẩy ra ? Làm thế nào mà nó có thể xẩy ra trong cộng đoàn những người đi theo Chúa Giêsu ?

Thánh Lễ hòa giải tại thánh đường Thánh Anna thành Beaupré

Tuy nhiên, ở đây, chúng ta phải chú ý đến cám dỗ bỏ trốn, hiện diện nơi hai môn đệ của Phúc Âm : lùi bước, chạy trốn cái nơi xẩy ra những sự kiện, tìm cách lấy chúng đi, tìm lấy một ‘‘nơi yên tĩnh’’ như làng Emau để không nghĩ đến chỗ đó nữa. Không có gì tệ hơn, là đối mặt với những thất bại của cuộc đời, mà bỏ chạy để không phải đương đầu với chúng. Đó là một cám dỗ của kẻ thù, nó đe dọa hành trình thiêng liêng của chúng ta và bước tiến của Hội Thánh : nó muốn làm cho chúng ta tin rằng sự thất bại này, từ nay là vĩnh viễn, nó muốn làm chúng ta tê liệt trong nỗi cay đắng và trong sự buồn khổ, thuyết phục chúng ta rằng không còn có thể làm gì được nữa và rằng chuyện đó không đáng để tìm cách khởi sự lại.

Trái lại, Phúc Âm cho chúng ta thấy rằng chính trong những tình huống vỡ mộng và đau khổ, chính khi chúng ta trải nghiệm với sự ngạc nhiên bạo lực của điều ác và sự hổ thẹn của lỗi lầm, khi mà dòng sông cuộc đời chúng ta khô cạn trong tội lỗi và trong thất bại, khi bị lột trần đi mọi thứ, dường như chúng ta không còn gì nữa, chính lúc đó, Chúa đến gặp gỡ chúng ta và bước đi với chúng ta. Trên con đường Emau, Người đến với chúng ta một cách kín đáo để chia sẻ những bước đi cam chịu của các môn đệ đau buồn này. Và Người làm gì ? Người không cống hiến những lời khuyến khích chung chung, những lời lẽ mang tính hợp tình huống hay những lời an ủi dễ dãi, mà bằng cách tỏ rõ qua Thánh Kinh mầu nhiệm của sự chết và sự sống lại của Người, Người soi sáng câu chuyện của các ông và những biến cố mà các ông đã trải nghiệm.

Như thế, Người mở mắt các ông ra với mọi sự. Chúng ta cũng vậy, chúng ta chia sẻ Thánh Thể trong Vương Cung Thánh Đường này, chúng ta có thể đọc lại nhiều biến cố của lịch sử. Cũng trên cùng mảnh đất này, trước đây có ba đền thánh ; và có những người đã không chạy trốn trước những khó khăn, đã mơ trở lại mặc dù những sai lầm của họ và những sai lầm của những người khác ; họ đã không để bị đánh bại bởi trận hỏa hoạn đáng sợ cách đây một trăm năm, và với lòng can đảm và sự sáng tạo, họ đã xây dựng nên thánh đường này. Và những người chia sẻ bí tích Thánh Thể từ những Đồng Bằng Ápraham lân cận, cũng có thể cảm thấy linh hồn của những người không để mình bị bắt làm con tin bởi hận thù của chiến tranh, bởi sự phá hoại và bởi đau khổ, nhưng đã biết thiết kế lại một thành phố và một đất nước.

Sau cùng, trước các môn đệ trên đường Emau, Chúa Giêsu đã bẻ bánh, mở mắt lại cho các ông và tỏ ra một lần nữa như là Thiên Chúa của tình yêu, Đấng đã ban mạng sống Người cho các bằng hữu của Người. Bằng cách đó, Người giúp các ông tiếp tục lên đường với niềm vui mừng, để bắt đầu lại, để đi từ thất bại qua niềm hy vọng. Thưa quý anh chị em, Chúa muốn làm như thế với mỗi người trong chúng ta và với Hội Thánh của Người. Làm thế nào đôi mắt của chúng ta có thể được mở ra, làm thế nào trái tim chúng ta có thể cháy lên vì Phúc Âm ? Làm gì khi chúng ta bị đau khổ bởi những thử thách tinh thần và vật chất, khi chúng ta tìm kiếm con đường tới một xã hội công bằng hơn và có tình huynh đệ hơn, khi chúng ta mong muốn phục hồi sau những thất vọng và mệt mỏi của chúng ta, khi chúng ta hy vọng chữa lành các vết thương của quá khứ và chúng ta hòa giải với Thiên Chúa và giữa chúng ta với nhau ?

Thánh Lễ hòa giải tại thánh đường Thánh Anna thành Beaupré

Chỉ có một con đường, một con đường duy nhất : đó là con đường của Chúa Giêsu, con đường đó chính là Chúa giêsu (x. Ga 14,6). Chúng ta hãy tin rằng Chúa Giêsu gia nhập vào hành trình của chúng ta và chúng ta hãy để Người gặp gỡ chúng ta ; chúng ta hãy để Lời Người diễn giảng lịch sử mà chúng ta đang sống như những con người và như cộng đồng và chỉ cho chúng ta con đường để chữa lành và để chúng ta hòa giải ; chúng ta hãy cùng nhau bẻ Bánh Thánh Thể với đức tin, để cho, chung quanh bàn tiệc này, chúng ta có thể khám phá ra chúng ta là những con cái được Chúa Cha thương yêu, được kêu gọi tất cả mọi người đều là anh em. Chúa Giêsu, khi Người bẻ bánh, Người xác nhận điều mà các môn đệ đã nhận được như là chứng ngôn của các bà mà các ông đã không muốn tin : rằng Người đã trỗi dậy ! Trong Vương Cung Thánh Đường này, nơi chúng ta nhớ lại người mẹ của Đức trinh Nữ Maria, và nơi còn có nhà thờ hầm thánh hiến cho Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, chúng ta chỉ có thể nhấn mạnh vai trò mà Thiên Chúa đã muốn ban cho người phụ nữ trong chương trình cứu độ của Người. Thánh Anna, Rất Thánh Trinh Nữ Maria, các phụ nữ của sáng hôm Phục Sinh cho chúng ta thấy một con đường mới của sự hòa giải : Lòng nhân từ hiền mẫu của nhiều phụ nữ có thể đồng hành với chúng ta – như Hội Thánh – đến những thời đại sung mãn lại, nơi chúng ta sẽ bỏ lại đàng sau chúng ta nhiều sự khô cằn và nhiều sự chết chóc, và chúng ta sẽ đặt Chúa Giêsu vào giữa, Đấng Chịu Đóng Đinh Đã Sống Lại.

Quả vậy, ở giữa những vấn đề, những nỗi buồn mà chúng ta mang nặng trong lòng, kể cả đời sống mục vụ, chúng ta không thể đặt chúng ta và sự thất bại của chúng ta vào đó ; chúng ta phải đặt Người, chính Người, Chúa Giêsu vào đó. Ở trung tâm của mọi sự, chúng ta hãy đặt Lời của Người, Đấng soi sáng các biến cố và trả lại cho chúng ta nhãn quan để phát hiện ra sự hiện diện mang tính tác động của tình yêu Thiên Chúa và khả năng của điều thiện, kể cả trong những tình huống có vẻ như tuyệt vọng ; chúng ta hãy đặt tấm Bánh Thánh Thể, mà Chúa Giêsu còn bẻ ra ngày hôm nay cho chúng ta, để chia sẻ sự sống của Người với sự sống của chúng ta, ôm lấy những yếu hèn của chúng ta, nâng đỡ những bước chân mỏi mệt của chúng ta và ban cho chúng ta sự chữa lành trong lòng. Và một khi hòa giải với Thiên Chúa, với những người khác và với chính chúng ta, chúng ta có thể, cả chúng ta nữa, trở thành những khí cụ của sự hòa giải và hòa bình trong xã hội mà chúng ta đang sống.

Lạy Chúa Giêsu là con đường của chúng con, là sức mạnh và niềm an ủi của chúng con, chúng con thưa lên cùng Chúa như các môn đệ trên đường Emau : “Xin Chúa ở lại với chúng con, vì trời đã xế chiều” (x. Lc 24,29). Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con, khi hy vọng đã lặn xuống và khi màn đêm của sự tuyệt vọng buông dần. Xin Chúa ở lại với chúng con bởi vì với Chúa, lạy Chúa Giêsu, tiến trình các biến cố thay đổi và sự ngạc nhiên vui mừng tái sinh từ ngõ cụt của sự nản lòng. Lạy Chúa, xin Chúa ở lại cùng chúng con, bởi vì với Chúa màn đêm của đau đớn biến thành một bình minh rạng ngời của cuộc sống. Chúng con chỉ xin đơn sơ thưa lên rằng : Lạy Chúa, xin Chúa ở lại với chúng con, bởi vì nếu Chúa đồng hành bên cạnh chúng con, thất bại mở ra cho hy vọng của một sự sống mới. Amen.

Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.

Chemin d’Emmaüs : de l’échec à l’espérance – ZENIT – Francais

 49 khách đã đọc bài này
This entry was posted in Chưa được phân loại. Bookmark the permalink.