Lời ĐGH Phanxicô trước Kinh Truyền Tin
SEPTEMBRE 12, 2022 19:22 HÉLÈNE GINABAT – ANGÉLUS
Kinh Truyền Tin ngày 11 tháng 9 năm 2022
« Khi người ta yêu ; người ta lo lắng cho người thiếu vắng », Đức Giáo Hoàng đã lưu ý trong giờ Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật, ngài nhấn mạnh rằng « Chúa Cha yêu cầu chúng ta phải chú tâm đến các con cái mà Người nhớ nhung nhiều nhất ».
Trước Kinh Truyền Tin, ngày chúa nhật 11/9/2022, ĐGH Phanxicô đã bình giảng bài Phúc Âm của ngày này, trong đó Chúa Giêsu minh họa lòng thương xót của Thiên Chúa từ ba dụ ngôn nổi tiếng : dụ ngôn con chiên lạc, dụ ngôn đồng xu bị mất và dụ ngôn người con hoang đàng. Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh một điểm chung của ba nhân vật chính : « sự lo lắng vì thiếu vắng »
Thiên Chúa là như thế, ĐGH Phanxicô đã khẳng định : « Người có trái tim của người cha và của người mẹ, và Người đau buồn vì sự thiếu vắng các con cái thân yêu của Người », « Người không ‘‘yên lòng’’ nếu chúng ta xa cách Người » ; Người « đau khổ vì sự xa cách của chúng ta » và « Người luôn giang tay chờ đợi chúng ta ». Đức Giáo Hoàng đã hỏi : « Chúng ta có bắt chước Chúa trong điều này, chúng ta có cảm thấy sự lo âu bởi vì thiếu vắng không ? »
Đức Giáo Hoàng đã mời gọi hãy có « sự lo lắng nội tâm » này cho những người rời xa Thiên Chúa : « Người thiếu vắng trong các cộng đoàn của chúng ta ; chúng ta có thực sự nhớ họ không, hay chúng ta làm bộ và điều đó không hề làm động lòng chúng ta ? ». Và ngài kết luận rằng : « Chúng ta hãy nghĩ tới người nào đó mà chúng ta quen biết, gần gũi chúng ta và có lẽ chưa bao giờ nghe được có người nói với hắn rằng ‘‘Bạn biết không, bạn quan trọng đối với Thiên Chúa’’ ».
Lời ĐGH Phanxicô trước Kinh Truyền Tin
Thân chào quý anh chị em !
Bài Phúc Âm trong phụng vụ ngày hôm nay trình bầy cho chúng ta ba dụ ngôn về lòng thương xót (x. Lc 15,4-32); sở dĩ được gọi như thế bởi vì các dụ ngôn này cho thấy lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúa Giêsu kể các dụ ngôn này để đáp trả những lời xầm xì của bọn người pharisêu và các kinh sư, họ nói với nhau rằng : « Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng » (c.2). Họ đã phẫn nộ vì Chúa Giêsu ở giữa những người tội lỗi. Nếu đối với họ điều này là tai tiếng trên mặt tôn giáo, thì Chúa Giêsu, bằng cách đón tiếp những người tội lỗi và ăn uống với họ, biểu lộ cho chúng ta rằng Thiên Chúa đúng ra là như thế : Thiên Chúa không loại trừ bất cứ một ai, Người muốn tất cả mọi người trong bàn tiệc của Người, bởi vì Người thương yêu tất cả mọi người như con cái của Người : tất cả mọi người, không ai bị loại trừ, tất cả mọi người. Như vậy, ba dụ ngôn đó tóm tắt trọng tâm của Phúc Âm : Thiên Chúa là Cha và Người đến để tìm chúng ta trong lúc chúng ta lầm đường lạc lối.
Thật vậy, các nhân vật chính trong các dụ ngôn, đại diện cho Thiên Chúa, là người mục tử đi tìm con chiên lạc, là người phụ nữ tìm được đồng xu bị mất, và người cha của đứa con hoang đàng. Chúng ta hãy dừng ở một khía cạnh là cả ba nhân vật chính đều có chung một điểm. Cả ba người trong họ đều có cái gì chung, có thể được định nghĩa như sau : sự bồn chồn vì bị mất cái gì – cho dù là bạn mất một con cừu, hay mất một đồng xu, hay là mất một đứa con – sự khó chịu vì bị mất đi cái gì, cả ba nhân vật chính của các dụ ngôn này đều khó chịu vì họ mất đi cái gì. Rốt cuộc, cả ba người, nếu họ biết tính toán thì có thể an tâm : người chăn cừu mất một con, nhưng anh ta còn 99 con khác – « Cho nó mất luôn đi… »; người phụ nữ mất một đồng xu, nhưng bà ta còn chín đồng khác; và cả người cha cũng còn có người con khác, biết vâng lời, tận tụy với ông – tội gì phải nghĩ tới đứa đã ra đi để sống một cuộc sống phóng đãng ? Tuy nhiên, có một nỗi lo lắng trong lòng họ – trong người chăn cừu, trong người phụ nữ và trong người cha già – lo lắng về cái mà họ mất đi. Con cừu, đồng xu, người con trai đã bỏ nhà ra đi. Một người đã yêu thì quan tâm đến người bị mất đi, đợi chờ người vắng mặt, đi tìm người mất tích, chờ đợi người đã bỏ đi. Vì người đó không muốn mất một ai cả.
Thưa quý anh chị em, Thiên Chúa cũng giống vậy : Người không « an tâm » nếu chúng ta đi lạc xa Người, Người đau buồn, Người rung động trong tận đáy lòng; và Người lên đường tìm kiếm chúng ta, cho tới khi nào Người ôm lại được chúng ta trong vòng tay của Người. Thiên Chúa không tính toán thua thiệt và rủi ro; người có tấm lòng của một người cha và một người mẹ, và Người đau khổ vì thiếu vắng các đứa con thân yêu của Người. « Nhưng tại sao Người đau khổ nếu người con này là một kẻ khốn nạn, và đã bỏ đi ? » Người đau khổ, Người đau khổ, Thiên Chúa đau khổ vì sự xa cách của chúng ta, và khi chúng ta lầm đường lạc lối, Người đợi chúng ta trở lại. Chùng ta hãy nhớ : Thiên Chúa luôn chờ đợi chúng ta với đôi tay mở rộng, dù bất cứ trong tình huống nào của cuộc đời trong đó chúng ta bị đi lạc. Như Thánh Vịnh đã nói, Người không say ngủ, Người luôn canh giữ chúng ta (x. Tv 121, 4-5).
Bây giờ, chúng ta hãy coi và tự hỏi : chúng ta có bắt chước Chúa trong chuyện này không ? chúng ta có cảm thấy sự lo lắng vì thiếu vắng không ? Liệu chúng ta có u sầu vì những người vắng mặt, vì những người xa rời đời sống Kitô giáo hay không ? Liệu chúng ta có mang trong lòng sự lo lắng nội tâm, hay chúng ta có được thanh thản và không thể lay chuyển giữa chúng ta không ? Và nói cách khác, người vắng đi trong các cộng đoàn của chúng ta, chúng ta có thực sự nhớ đến người đó không ? hay chúng ta đã chỉ làm bộ và điều đó không hề đụng chạm đến trái tim chúng ta ? Ai là người thực sự thiếu vắng trong cuộc đời của tôi ? Hay là, chúng ta có thoải mái giữa chúng ta, bình tĩnh hay hạnh phúc trong những nhóm của chúng ta – « Tôi đi vào trong một nhóm tông đồ rất tốt… » -, không có sự cảm thương đối với những người ở xa sao ? Đây không chỉ là « mở lòng ra cho người khác », đó là Phúc Âm ! Người chăn cừu của chuyện dụ ngôn đã không nói : « Tôi còn chín mươi chín con cừu, ai bắt tôi mất thời giờ của tôi để đi tìm con chiên bị lạc không ? ». Trái lại, anh ta đã đi. Ở đây, chúng ta hãy suy nghĩ về những mối quan hệ của chúng ta : tôi có cầu nguyện cho những người không tin không ? cho những người rời xa không ? cho những ai thất vọng không ? Chúa Cha yêu cầu chúng ta hãy quan tâm đến con cái của Người, những kẻ rời xa nhiều nhất. Chúng ta hãy nghĩ tới một người mà chúng ta quen biết, người gần gũi với chúng ta và có lẽ người đó chưa bao giờ nghe được có ai đó nói với mình rằng « Bạn biết không, bạn rất quan trọng đối với Thiên Chúa. – Nhưng tôi đang ở trong một tình cảnh không bình thường, tôi đã làm nhiều điều xấu, nhiều điều… – Bạn quan trọng đối với Thiên Chúa ». Nói điều này đối với người đó : « bạn không tìm Người, nhưng Người thì Người đi tìm bạn ».
Chúng ta hãy lo lắng – chúng hãy là những con người nam và nữ với tấm lòng lo âu – chúng ta hãy lo lắng bởi những vấn đề này và chúng ta hãy cầu nguyện Đức Trinh Nữ, người Mẹ không hề mệt mỏi để đi tìm chúng ta và săn sóc chúng ta, các con cái của Mẹ.
© Traduction de Zenit, Hélène Ginabat
Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.
Le pape François invite à avoir « un cœur inquiet » – ZENIT – Francais