Bài Huấn Đức của Đức Thánh Cha
Bahreïn Vận Động Trường Quốc Gia (Awali) Thứ bẩy 05/11/2022
Về Đấng Mêsia mà Thiên Chúa sẽ lập nên, ngôn sứ Isaia nói : « Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập hòa bình vô tận » (Is 9,6). Điều này có vẻ là một điều mâu thuẫn. Trên sân khấu thế giới, chúng ta thường hay thấy người ta càng đi tìm quyền bính, thì hòa bình càng bị đe dọa. Trái lại, ngôn sứ đã tiên báo một sự mới mẻ phi thường : Đấng Mêsia ngự đến sẽ thực sự quyền năng, nhưng không phải như cách của một người thủ lãnh gây ra chiến tranh và thống trị những người khác, mà như « Thủ Lãnh Hòa Bình » (c.5), như Đấng hòa giải con người với Thiên Chúa, và giữa con người với nhau. Đó là quyền bính của Chúa Kitô : tình yêu. Và đối với chúng ta cũng vậy, Người ban cho chúng ta quyền năng đó, quyền năng yêu thương, yêu thương nhân danh Người, yêu thương như Người đã yêu thương. Bằng cách nào ? Bằng cách vô điều kiện : không chỉ khi mọi sự tốt đẹp và khi chúng ta có cảm tưởng yêu thương, nhưng luôn luôn ; không chỉ đối với những bằng hữu và người lân cận, mà đối với tất cả mọi người, kể cả những kẻ thù của chúng ta. Mọi người và mọi lúc.
Luôn luôn yêu thương và yêu thương mọi người : Chúng ta hãy suy ngẫm đôi chút về hai điều này.
Trước hết, ngày hôm nay, những lời của Chúa Giêsu (x. Mt 5,38-48) mời gọi chúng ta hãy luôn yêu thương, nghĩa là luôn ở lại trong tình yêu của Người, hãy vun trồng nó và thực hành nó, bất kể chúng ta ở trong tình trạng nào. Nhưng phải thận trọng : cái nhìn của Chúa Giêsu là cụ thể. Người không phán rằng điều này sẽ dễ dàng, Người không đề nghị một thứ tình yêu tình cảm lãng mạn, như thể trong những quan hệ con người của chúng ta không có những lúc tranh chấp, cũng không có những nguyên nhân thù nghịch giữa các dân tộc. Chúa Giêsu không chủ trương cực đoan hòa giải, nhưng thực tế : Người phán rõ ràng về những « kẻ gian » và những « kẻ thù » (c. 38.43). Người biết rằng trong những quan hệ của chúng ta, có một cuộc đối chọi thường nhật giữa yêu thương và thù hận ; và rằng trong chúng ta cũng vậy, mỗi ngày, đều có một cuộc đụng độ giữa ánh sáng và bóng tối, giữa nhiều các ý tốt, các mong muốn, và cái mỏng manh tội lỗi thường hay thắng thế và lôi kéo chúng ta vào những việc xấu. Người cũng biết rằng, mặc dù nhiều nỗ lực quảng đại, chúng ta đã trải nghiệm sự kiện không phải lúc nào cũng nhận được sự tốt lành mà chúng ta mong đợi, và trái lại, phải chịu sự xấu xa, đôi khi một cách không thể hiểu được. Và một lần nữa, Người nhìn thấy và đau lòng khi nhận thấy trong thời đại chúng ta, ở nhiều vùng trên thế giới, những vụ sử dụng quyền lực được nuôi dưỡng bởi sự đàn áp và bạo lực, vẫn tìm cách mở rộng không gian của chúng bằng cách hạn chế không gian của những người khác, bằng cách thống trị họ, bằng cách giới hạn những quyền tự do căn bản và đàn áp những người yếu đuối. Như vậy – Chúa Giêsu phán – có những cuộc tranh chấp, những vụ đàn áp và những sự thù nghịch.
Đối mặt với điều này, câu hỏi quan trọng được đặt ra là như sau : làm gì khi chúng ta đứng trước những tình trạng như thế ? Đề nghị của Chúa Giêsu đáng kinh ngạc, nó rất mạnh dạn, nó rất táo bạo. Người yêu cầu những người của Người phải có can đảm chấp nhận rủi ro trong một tình thế bề ngoài có vẻ như thua thiệt. Người yêu cầu họ luôn trung thành trong tình yêu thương, bất chấp mọi thứ, kể cả khi đối mặt với cái ác và với kẻ thù. Phản ứng con người bình thường luôn là « mắt đền mắt, răng đền răng » (ăn miếng trả miếng) ; nhưng đây là thực hiện công lý với cùng những vũ khí điều ác mà mình đã phải chịu. Chúa Giêsu dám đề nghị chúng ta chuyện gì đó mới mẻ, khác lạ, khôn lường, cái gì đó thuộc riêng về Người : « Còn Thầy, Thầy bảo anh em : đừng chống cự người ác : trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa » (c. 39). Đó là điều mà Chúa yêu cầu chúng ta : đừng ngây thơ mơ mộng đến một thế giới được làm sinh động bởi tình huynh đệ, mà hãy xung phong dấn thân, bằng cách bắt đầu sống một cách cụ thể và can đảm tình huynh đệ phổ quát, bằng cách kiên trì trong điều thiện dù cho khi chúng ta chịu đựng cái ác, bằng cách bẻ gẫy vòng xoáy trả thù, bằng cách giải trừ khí giới của bạo lực, bằng cách phi quân sự hóa trái tim. Thánh Phaolô Tông Đồ đã phản ánh điều đó khi ngài viết : « Đừng để sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác » (Rm 12,21).
Do đó, lời mời gọi của Chúa Giêsu không chủ yếu liên quan đến những vấn đề lớn của nhân loại, mà đến những tình huống cụ thể của cuộc sống chúng ta : những quan hệ trong gia đình, những quan hệ trong cộng đoàn Kitô giáo, những mối dây liên hệ mà chúng ta vun trồng trong thực tế nghề nghiệp và xã hội nơi chúng ta ở. Có những cọ sát, những lúc căng thẳng, có những tranh chấp, những khác biệt quan điểm, nhưng những ai đi theo Thủ Lãnh Hòa Bình luôn phải hướng tới hòa bình. Và hòa bình không thể được tái lập nếu ta trả lời một lời xấu xa bằng một câu còn xấu xa hơn nữa, nếu một cái tát tai được tiếp nối bởi một cái bạt tai khác. Không, phải ‘‘gỡ ngòi nổ’’, phải bẻ gẫy vòng xích của cái ác, bẻ gẫy vòng xoáy của bạo lực, chấm dứt nuôi dưỡng hận thù, ngừng lại than vãn và thương thân trách phận. Phải luôn luôn ở trong tình yêu thương : đó là con đường của Chúa Giêsu để vinh danh Thiên Chúa trên trời và xây dựng hòa bình dưới đất. Luôn luôn, Yêu thương.
Bây giờ chúng ta sẽ đi đến khía cạnh thứ hai : yêu thương mọi người. Chúng ta có thể dấn thân vào tình yêu thương, nhưng điều này không đủ, nếu chúng ta chỉ trụ trong vòng giới hạn những người mà chúng ta nhận được tương ứng : bạn bè, thân thuộc, thân quyến. Ở đây cũng vậy, lời mời gọi của Chúa Giêsu là đáng ngạc nhiên bởi vì nó đẩy lùi những giới hạn của luật pháp và lương tri : yêu người bên cạnh, người thân cận đã là khó rồi, cho dù là hợp lý. Nói chung, đó là điều mà một cộng đồng hay một dân tộc tìm cách thực hiện để giữ hòa bình trong nội bộ mình : nếu chúng ta thuộc vào cùng một gia đình hay cùng một quốc gia, nếu chúng ta có cùng suy nghĩ và cùng khẩu vị, nếu chúng ta tuyên xưng cùng tín ngưỡng, thì bình thường là tìm cách giúp đỡ lẫn nhau và yêu thương lẫn nhau. Nhưng điều gì sẽ xẩy ra nếu có người từ xa đến gần chúng ta, nếu người đó còn là người ngoại quốc, khác biệt với chúng ta hay có một tín ngưởng khác với chúng ta trở thành người lân cận chúng ta ? Trái đất này, quả thật là hình ảnh sống động của sự sống hòa đồng của những sự khác biêt, một hình ảnh của thế giới chúng ta ngày càng được ghi dấu bởi những cuộc di dân thường trực của những dân tộc và tính đa nguyên của các tư tưởng, của các tập quán và các truyền thống. Như thế, quan trọng là đón nhận lời khiêu khích của Chúa Giêsu : « Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi ? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao ? » (Mt 5,46). Thử thách đích thực, để làm con cái của Chúa Cha và để xây dựng một thế giới của các người anh em, đó là học cách yêu thương mọi người, kể cả kẻ thù của mình : « Anh em đã nghe Luật dạy rằng : ‘‘Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù’’. Còn Thầy, Thầy bảo anh em : hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em » (c.43-44). Trên thực tế, điều này có nghĩa phải chọn cách làm sao để không có kẻ thù, để không phải nhìn người khác như là một chướng ngại vật phải vượt qua, nhưng là một người anh em và một người chị em để yêu thương. Yêu thương kẻ thù, chính là mang đến trái đất sự phản ánh của trên Trời, chính là làm hạ xuống thế gian ánh mắt và lòng thương của Chúa Cha, Đấng vốn không hề có sự phân biệt, không có sự kỳ thị, mà « Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống người công chính cũng như kẻ bất chính » (c.45).
Thưa quý anh chị em, quyền phép của Chúa Giêsu là tình yêu ; và Chúa Giêssu ban cho chúng ta quyền phép tình yêu như thế, một cách dường như siêu nhân đối với chúng ta. Nhưng một khả năng như thế không thể chỉ là kết quả của những nỗ lực, trước hết nó là một ân sủng. Một ân sủng cần phải tha thiết cầu xin : ‘‘Lạy Chúa Giêsu, Chúa thương yêu con, xin Chúa dạy cho con biết yêu thương như Chúa. Lạy Chúa Giêsu, Chúa tha thứ cho con, xin Chúa dạy con tha thứ như Chúa. Xin Chúa sai Thần Khí của Chúa, Thần Khí của tình yêu, xuống trên con’’. Chúng ta hãy cầu xin Người. Vì thường khi, chúng ta dâng lên Chúa nhiều lời cầu xin, nhưng điều cốt yếu cho người Kitô hữu là biết yêu mến như Chúa Kitô. Yêu thương là ân sủng lớn lao nhất, và chúng ta nhận được ơn này khi chúng ta dành chỗ cho Chúa trong khi cầu nguyện, khi chúng ta đón nhận sự hiện diện của Người trong Lời của Người vốn làm cho chúng ta thay đổi và trong sự khiêm cung cách mạng của tấm Bánh được bẻ ra của Người. Như vậy, dần dần, những bức tường của sự chai đá tâm hồn sụp đổ và chúng ta tìm được niềm vui hoàn thành các công trình lòng thương xót đối với mọi người. Lúc đó, chúng ta hiểu rằng một cuộc sống được trải qua nhờ các mối phúc, và nhằm để trở thành những người thợ đi xây hòa bình (x. mt 5,9).
Các bạn thân mến, hôm nay tôi muốn cảm ơn các bạn vì sự làm chứng dịu dàng và vui vẻ của tình huynh đệ, để làm hạt giống của tình yêu và hòa bình trên vùng đất này. Đó là sự thách đố mà Phúc Âm đưa ra mỗi ngày cho các cộng đoàn Kitô giáo, cho mỗi người trong chúng ta. Và đối với các bạn, với tất cả các bạn đã đến đây tham dự cuộc cử hành này từ bốn xứ sở của Vùng Giám Quản Tông Tòa Bắc Ả Rập, – Bahreïn, Koweit, Qatar và Ả Rập Xê-út – cũng như từ các quốc gia khác của vùng Vịnh, và còn của nhiều lãnh thổ khác nữa, tôi mang đến hôm nay lòng yêu thương và sự gần gũi của Hội Thánh Hoàn vũ đang nhìn các bạn và bao bọc các bạn trong lòng quý mến, Hội Thánh yêu mến các bạn và khuyến khích các bạn. Cầu xin Đức Trinh Nữ, Đức Mẹ Ả Rập, đồng hành với các bạn trên con đường các bạn đi và luôn luôn gìn giữ các bạn trong tình yêu đối với tất cả mọi người.
Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của varican.va