« Tình yêu Thiên Chúa là dành cho tất cả mọi người »

Bài giáo lý bằng tiếng Ý (Bản dịch toàn văn) Niềm đam mê rao giảng Tin Mừng : lòng hăng hái tông đồ của người tín hữu – 6. Công Đồng Vatican II. Rao giảng Phúc Âm như là sự phục vụ của Hội Thánh.

MARS 08, 2023 18:47 HÉLÈNE GINABATAUDIENCE GÉNÉRALE

Triều kiến chung ngày 08 tháng 3 năm 2023

« Tình yêu của Chúa Cha dành cho người nhận là con người », ĐGH Phanxicô khẳng định trong bài giáo lý hàng tuần của ngài. « Tình yêu của Thiên Chúa không chỉ dành cho một nhóm nhỏ, không… dành cho tất cả mọi người ». Đây là một ân điển, Đức Giáo Hoàng nhấn  mạnh, vốn « không chỉ dành cho chúng ta », nhưng là « được làm ra để trao ban cho những người khác ».

Tiếp nối chuỗi bài giáo lý mang đề tài « Niềm đam mê rao giảng Tin Mừng : lòng hăng hái tông đồ của người tín hữu », hôm thứ tư 08 tháng 3 năm 2023, lúc 9 giờ sáng, trên Quảng Trường Thánh Phêrô, ĐGH Phanxicô đã mời gọi hãy coi Hội Thánh như là « Dân của Thiên Chúa lữ hành trong thời gian, và từ bản chất, là truyền giáo », theo sự diễn đạt được sử dụng bởi Công Đồng Vaticanô II, để hiểu được cái gì là « chiều kích giáo hội của việc rao giảng Tin Mừng ».

Đức Giáo Hoàng đã nhắc lại rằng, ngay từ những thời gian đầu của Hội Thánh, vấn đề rao giảng Tin Mừng đã là tâm điểm của những bận tâm của người Kitô hữu. Ngay cả ngày hôm nay nữa, ngài nhấn mạnh, chính là phận sự của họ để « tiếp nối sứ vụ của Đức Kitô,  vốn đã được ‘‘sai đi để rao giảng Tin Mừng cho những người nghèo’’ ». Một sự rao giảng, ngài nhấn mạnh, « với Giáo Hội », « không bao giờ đơn lẻ », « không bao giờ cá nhân ».   

Trước « nhiệm vụ » này, ĐGH Phanxicô đã khuyến nghị « chúng ta đừng để bị sơ cứng cũng đừng để bị hóa thạch chính mình ». Theo Đức Giáo Hoàng, lòng hăng hái truyền giáo của người tín hữu, được biểu lộ qua một « tìm kiếm sáng tạo » những phương cách mới để « rao truyền và làm chứng », để « gặp gỡ nhân loại bị tổn thương », Đức Giáo Hoàng tóm tắt : đây là chuyện « phục vụ Tin Mừng » và « nhân loại ». Bởi vì « rao giảng Tin Mừng là một việc phục vụ ».  

Bài giáo lý bằng tiếng Ý của ĐGH Phanxicô (Bản dịch toàn văn)

Thân chào quý anh chị em !

Trong bài giáo lý lần trước, chúng ta đã thấy rằng « công đồng » thứ nhất trong lịch sử của Hội Thánh – công đồng, giống như công đồng Vaticaô II – , công đồng đầu tiên được triệu tập tại Giêrusalem vì một vấn đề về rao giảng Tin Mừng, nghĩa là sự rao giảng Tin Mừng cho những người không phải là dân Do Thái – người ta nghĩ rằng chỉ mang đến sự rao giảng Tin Mừng cho người Do Thái mà thôi. Vào thế kỷ thứ XX, Công Đồng đại kết Vaticanô II đã trình bầy Hội Thánh như là Dân của Thiên Chúa lữ hành trong thời gian, và từ bản chất, Hội Thánh là Truyền Giáo (x. Sắc Lệnh Ad gentes,2). Điều này có nghĩa là gì ?

Có một cây cầu nối giữa Công Đồng đầu tiên và Công Đồng chót này, dưới dấu chỉ của việc rao giảng Tin Mừng, một cây cầu mà kiến trúc sư là Chúa Thánh Thần. Ngày hôm nay, chúng ta lắng nghe Công Đồng Vaticanô II, để khám phá ra rằng rao giảng Tin Mừng luôn là một sự phục vụ của toàn thể Hội Thánh, không bao giờ đơn độc, không bao giờ cô đơn, không bao giờ cá nhân. Rao giảng Tin Mừng luôn được thi hành với tư cách là Hội Thánh, nghĩa là tư cách cộng đoàn và không làm việc lôi kéo, bởi vì điều đó không phải là rao giảng Tin Mừng.

Quả thế, người rao giảng Tin Mừng luôn thông truyền điều mà chính người đó đã nhận được. Chính Thánh Phaolô là người đầu tiên đã viết điều đó : Tin Mừng mà ngài đã loan báo và các cộng đoàn đã lãnh nhận cùng đang nắm vững, cũng chính là điều mà ngài đã lãnh nhận (x. 1Cr 15, 1-3). Chúng ta nhận được đức tin và chúng ta thông truyền lại đức tin. Tính năng động của Hội Thánh để thông truyền Thông Điệp đòi hỏi nghiêm khắc và bảo đảm tính chân thực của việc rao giảng Kitô giáo. Chính cũng Thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu Galát : « Nhưng nếu có ai, kể cả chúng tôi, hoặc một thiên thần nào từ trời xuống loan báo cho anh em Tin Mừng khác với Tin Mừng chúng tôi đã loan báo cho anh em, thì xin Thiên Chúa loại trừ kẻ ấy đi » (Gl 1,8). Thật là đẹp và câu này đáp trả tất cả những cách nhìn đang thịnh hành này…

Do đó, chiều kích Hội Thánh của việc rao giảng Tin Mừng tạo thành một tiêu chuẩn để kiểm chứng lòng hăng hái tông đồ. Một sự kiểm chứng cần thiết, bởi vì cám dỗ hành động « một mình » luôn rình rập, nhất là khi con đường trở nên hiểm trở và khi chúng ta cảm thấy gánh nặng của sự dấn thân của mình. Cũng nguy hiểm như thế là cám dỗ đi theo những con đường giáo hội giả, dễ dàng hơn, cám dỗ chấp nhận cái lôgíc thế tục về con số và các cuộc thăm dò, cám dỗ dựa vào sức mạnh của ý tưởng của các chương trình của mình, những cấu trúc, những « quan hệ đáng kể ». Điều đó không được, điều đó có thể giúp đỡ đôi chút, nhưng điều căn bản là sức mạnh mà Chúa Thánh Thần ban cho anh để rao giảng chân lý của Chúa Giêsu Kitô, để rao giảng Tin Mừng. Những gì còn lại đều là thứ yếu.

Thưa quý anh chị em, bây giờ chúng ta trực tiếp đặt mình vào trường học của Công Đồng Vaticanô II, bằng cách đọc lại một vài số của sắc lệnh Ad Gentes (AG), tài liệu về hoạt động truyền giáo của Hội Thánh. Những văn bản đó của Công Đồng Vaticanô II giữ nguyên giá trị của chúng, kể cả trong bối cảnh phức tạp và đa dạng của chúng ta.

Trước hết, tài liệu này, AG, mời gọi hãy coi tình yêu của Thiên Chúa Cha như là một nguồn mạch, vốn « vì lòng nhân từ thương xót vô biên khi tạo dựng và hơn nữa khi ưu ái mời gọi chúng ta vào sự sống và vinh quang của Người, đã rộng rãi tuôn ban và còn không ngừng tuôn ban lòng nhân từ, đến độ Đấng tác tạo muôn loài, cuối cùng trở nên ‘‘tất cả trong mọi loài’’ (1Cr 15,28), để Người được vinh hiển và đồng thời chúng ta được hạnh phúc » (s.2). Đoạn này là căn bản, bởi vì nó nói rằng tình yêu của Chúa Cha có người nhận là toàn thể con người. Tình yêu của Thiên Chúa không chỉ là cho một nhóm nhỏ, không… cho tất cả mọi người. Quý anh chị em hãy nhớ kỹ những lời này và ghi tạc trong lòng : tất cả mọi người, tất cả mọi người, không ai bị loại trừ, đó là lời Chúa phán. Và tình yêu này đối với mọi người là một tình yêu đến với tất cả mọi người nam, nữ thông qua sứ vụ của Chúa Giêsu, Đấng trung gian sự cứu độ và Đấng cứu chuộc của chúng ta (x. AG,3), và thông qua sứ vụ của Chúa Thánh Thần (x. AG, 4) Đấng – Chúa Thánh Thần – tác động nơi mỗi người, trong những người đã chịu phép Rửa cũng như trong những người không được chịu phép Rửa. Chúa Thánh Thần tác động

Ngoài ra, Công Đồng nhắc rằng Hội Thánh có nhiệm vụ tiếp tục sứ vụ của Chúa Kitô, Đấng đã « được sai đến rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó ; vì thế – tại liệu Ad gentes viết tiếp – được Thánh Thần Chúa Kitô  thúc đẩy, Giáo Hội cũng phải tiến bước trên chính con đường Chúa Kitô đã đi, con đường của nghèo khó, vâng lời, phục vụ và tự hiến thân mình đến độ sẵn lòng chịu chết, để rồi toàn thắng nhờ sự sống lại của Người » (AG, 5). Nếu Hội Thánh trung thành với « con đường » ấy, sứ mệnh của Hội Thánh là « sự biểu lộ, hay nói cách khác là sự hiển linh ý định của Thiên Chúa và hoàn tất ý định đó nơi trần gian và trong lịch sử » (AG, 9).

Thưa quý anh chị em, một số những nhận xét này cũng giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của lòng hăng hái tông đồ của một môn đệ truyền giáo. Lòng hăng hái tông đồ không phải là một sự nhiệt tình, đó là chuyện gì khác, đó là một ân điển của Thiên Chúa mà chúng ta phải gìn giữ. Chúng ta phải hiểu ý nghĩa của nó bởi vì, trong dân lữ hành và rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa, không có những người tích cực và những người tiêu cực. Không có những người thuyết giảng, những người loan báo Tin Mừng cách này hay cách khác, và những người giữ im lặng. Không. « Mỗi người đã chịu phép Rửa, sứ điệp Evangelii gaudium nói, bất kể chức vị của người đó trong Hội Thánh và mức độ học hỏi đức tin của người đó, đều là một người tích cực của việc rao giảng Tin Mừng (Tông huấn Evangelii gaudium, 120). « Anh là người Kitô hữu ? – Phải, tôi đã chịu phép Rửa… – Và anh có rao giảng Tin Mừng không ? – Nhưng đó là ý nghĩa gì … ? ». Nếu anh không rao giảng Tin Mừng, nếu anh không làm chứng, nếu anh không làm chứng cho phép Rửa mà anh đã lãnh nhận và cho đức tin mà Chúa đã ban cho anh, anh không phải là một người Kitô hữu tốt. Nhờ phép Rửa đã lãnh nhận và sự gia nhập vào Hội Thánh vốn là kết quả của phép Rửa, tất cả những người đã chịu phép Rửa tham gia vào sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh, và qua Hội Thánh, tham gia vào sứ vụ của Chúa Kitô Vua, Tư Tế và Tiên Tri.

Thưa quý anh chị em, sứ vụ này « là duy nhất và không thay đổi, tại bất cứ nơi đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù có thể không được thực hiện theo cùng một cách thức như nhau » (AG, 6). Đây là một lời mời gọi đừng để bị sơ cứng cũng đừng để bị hóa thạch ; điều đó giải thoát chúng ta ra khỏi cái lo âu vốn không đến từ Thiên Chúa. Lòng hăng hái truyền giáo của người tín hữu cũng thể hiện qua một sự tìm kiếm sáng tạo những cách thức mới để loan truyền và làm chứng, những phương cách mới để phục vụ Tin Mừng và phục vụ nhân loại. Rao giảng Tin Mừng là môt sự phục vụ. Nếu ai đó nói mình là người đi truyền giảng Tin Mừng mà không có thái độ đó, có tâm làm tôi tớ, và nếu người đó coi mình như bậc thầy, thì người đó không phải là người đi rao giảng Tin Mừng, không… chỉ là một kẻ đáng thương.

Trở về với tình yêu nguyên thủy của Chúa Cha và với những sứ vụ của Chúa Con và của Chúa Thánh Thần không giam hãm chúng ta trong những không gian của tĩnh lặng cá nhân tĩnh tại. Trái lại, điều đó thúc đẩy chúng ta công nhận sự nhưng không của ơn sự sống viên mãn mà chúng ta được kêu gọi, chúng ta cảm tạ Thiên Chúa vì hồng ơn này. Hồng ơn này không chỉ dành cho chúng ta, mà đó đã được tạo ra để trao tặng người khác, với tinh thần trách nhiệm và cùng nhau bước đi, trên những con đường thường hay quanh co và khó khăn của lịch sử, trong sự chờ đợi thận trọng và tích cực sự thực hiện của nó. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ơn này, để nắm bắt được ơn gọi Kitô giáo này và tạ ơn Chúa vì những gì Người đã ban cho chúng ta, vì kho báu này. Và tìm cách để thông truyền nó cho người khác.

© Traduction de Zenit

Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.

« L’amour de Dieu est pour tous » – ZENIT – Francais

 18 khách đã đọc bài này
This entry was posted in Chưa được phân loại. Bookmark the permalink.