Sảnh Đường Clemntine ngày thứ năm 16 tháng 3 năm 2023
Bài diễn văn của ĐGH Phanxicô.
Kính thưa Hòa Thượng, quý anh chị em thân mến !
Tôi rất hân hạnh đón tiếp quý vị, quý vị đại diện cho Phật Giáo nhân văn tại Đài Loan, và vị đại diện cho Giáo Hội công giáo. Sự hiện diện của quý vị chứng minh tinh thần bằng hữu và hợp tác mà quý vị nuôi dưỡng với tư cách là những người có niềm tin, bám rễ chặt chẽ trong những hành trình tôn giáo của quý vị. Cuộc gặp gỡ của chúng ta diễn ra ít ngày sau sự viên tịch của Đại Lão Hòa Thượng Tinh Vân, Tổ sư khai lập Phật Quang Sơn. Ngài được toàn thế giới biết đến vì sự đóng góp của ngài cho Phật Giáo nhân văn ; ngài cũng là một đại sư của sự hiếu khách liên tôn.
Cuộc viếng thăm của quy vị, mà quý vị đã mệnh danh là chuyến hành hương giáo dục, tượng trưng cho một cơ hội để làm thăng tiến nền văn hóa gặp gỡ, trong đó chúng ta mạo hiểm mở lòng ra cho những người khác, tin tưởng rằng chúng ta sẽ khám phá nơi họ những người bằng hữu, những người anh em và chị em, và như thế chúng ta học được và khám phá nhiều hơn về chính chúng ta. Thực chất, bằng cách trải nghiệm về những người khác trong sự đa dạng của họ, chúng ta được khuyến khích hãy bước ra khỏi chính chúng ta và chấp nhận và ôm lấy những khác biệt của chúng ta.
Một cuộc hành hương giáo dục liên tôn có thể là một nguồn phong phú lớn, cống hiến nhiều cơ hội gặp gỡ, học hỏi lẫn nhau và đánh giá những kinh nghiệm khác nhau của chúng ta. Nền văn hóa gặp gỡ xây những nhịp cầu và mở ra những cánh cửa trên các giá trị và những nguyên tắc thánh thiêng gây cảm hứng cho những người khác. Nó giật sập những bức tường ngăn chia con người là giam hãm con người trong những định kiến, những thành kiến hay sự vô cảm.
Một cuộc hành hương đến những nơi thánh địa của một tôn giáo – như cuộc hành hương mà quý vị đang thực hiện – cũng có thể làm phong phú sự nhận xét của chúng ta về tính độc đáo của sự tiếp cận thần thánh của tôn giáo đó. Các tác phẩm nghệ thuật tôn giáo chung quanh chúng ta tại Vatican và trong tất cả thành phố Rôma phản ánh sự xác tín rằng, nơi Chúa Giêsu Kitô, đích thân Thiên Chúa đã trở thành « khách hành hương » trên thế giới này vì tình thương yêu đối với gia đình nhân loại của chúng ta. Đối với những người Kitô hữu, Thiên Chúa, đấng đã hạ mình làm một người của chúng ta trong nhân tính của Chúa Giêsu, tiếp tục dẫn dắt chúng ta trong một cuộc hành hương nên thánh, nhờ đó chúng ta tìm lại được nhau và như thế, chúng ta lớn lên giống như Người, như lời thánh Phêrô đã nói, « được thông phần bản tính Thiên Chúa » (2Pr 1,2).
Suốt trên chiều dài lịch sử, các tín đồ đã tạo ra những thời gian và không gian linh thiêng như những ốc đảo của sự gặp gỡ, nơi mà con người nam và nữ có thể đong múc cảm hứng cần thiết để sống khôn ngoan và tốt đẹp. Bằng cách đó, họ đóng góp vào một nền giáo dục toàn diện của con người, bao gồm « khối óc, đôi tay, trái tim và linh hồn » và như thế dẫn đưa con người đến sự trải nghiệm « sự hài hòa và toàn vẹn của con người, nghĩa là tất cả vẻ đẹp của sự hài hòa đó » (Cuộc họp về Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu “Tôn giáo và Giáo dục”, ngày 5 tháng 10 năm 2021).
Những ốc đảo gặp gỡ như thế càng cần thiết hơn trong thời đại của chúng ta, « trong đó sự tăng tốc liên tục của những thay đổi trong nhân loại và trên hành tinh ngày nay đang kết hợp với sự gia tăng nhịp sống và việc làm » (Sứ điệp Laudato si’, 18). Thực tế này cũng có những hệ lụy trên đời sống tôn giáo và nền văn hóa và đòi hỏi một sự đào tạo và một nền giáo dục thích nghi của những người trẻ về những chân lý phi vật chất và về những phương pháp đã được thử nghiệm về cầu nguyện và về củng cố hòa bình. Ở đây, quan trọng là phải ghi nhận thêm một lần nữa là « tôn giáo luôn có một mối quan hệ chặt chẽ với giáo dục, các hoạt động tôn giáo đi kèm với các hoạt động giáo dục, học đường và kinh viện. Như trong quá khứ, và cả ngày hôm nay, với sự khôn ngoan và tính nhân vản của các tôn giáo, chúng ta muốn là một kích thích tố cho một hành động giáo dục được canh tân vốn có thể làm lớn lên tình huynh đệ phổ quát trên thế giới » (Cuộc họp “Tôn giáo và Giáo dục”, ngày 5 tháng 10 năm 2021).
Thưa các bạn thân mên, tôi cầu chúc rằng chuyến hành hương giáo dục này dẫn đưa quý vị, được hướng dẫn bởi trí tuệ của Đức Phật là bậc Thầy linh thiêng của quý vị, đến một sự gặp gỡ sâu đậm hơn với bản thân quý vị và với những người khác, với truyền thống Kitô giáo và với vẻ đẹp của trái đất, vốn là ngôi nhà chung của chúng ta. Mong rằng chuyến viếng thăm Rôma của quý vị được phong phú bởi những thời khắc gặp gỡ đích thực, có thể trở nên những cơ hội quý giá để phát triển sự nhận thức, sự khôn ngoan, sự đối thoại và sự thông hiểu.
Tôi cảm ơn quý vị vì chuyến viếng thăm này và tôi cầu nguyện sự chúc lành từ trời xuống trên quý vị. Cảm ơn.
Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của vatican.va