Triều kiến chung – Đức Giáo Hoàng nhắc lại những điểm nổi bật của chuyến tông du Hungary

Toàn văn

MAI 03, 2023 19:41 RÉDACTIONAUDIENCE GÉNÉRALEPAPE FRANÇOIS

« Đất nước (…) làm việc để xây dựng những cây cầu giữa các thế hệ »

Trở về từ chiều hôm chúa nhật sau chuyến tông du Hungary, ĐGH Phanxicô nhấn mạnh trong buổi triều kiến chung, các từ khóa của chuyến đi của ngài tại đó là gốc rễ cây cầu. Quý độc giả sẽ tìm thấy dưới đây toàn văn bài nói chuyện của ngài.

Thân chào quý anh chị em !

Ba ngày trước, tôi đã trở về sau chuyến đi Hungary. Tôi muốn cảm ơn tất cả những ai đã chuẩn bị và tháp tùng chuyến viếng thăm này bằng cầu nguyện, và nhắc lại lòng tri ân của tôi với các giới Chính Quyền, với Giáo Hội địa phương và với dân chúng Hungary, một dân tộc can đảm và giầu ký ức. Trong thời gian « ở Budapest, tôi đã có thể cảm nhận được tình thương mến của tất cả người dân Hungary. Ngày hôm nay, tôi muốn kể lại cùng quý anh chị em chuyến viếng thăm này qua hai hình ảnh : những gốc rễnhững cây cầu.

Những gốc rễ. Như một người khách hành hương, tôi đã đến với một dân tộc mà lịch sử – như thánh Gioan Phaolô II đã nói – được đánh dấu bởi « nhiều vị thánh và các vị anh hùng, được bao quanh bởi một đám đông những con người khiêm cung và cần mẫn » (Diễn văn trong buổi lễ nghêng đón, Budapest 06/9/1996). Thật vậy : tôi đã thấy nhiều người khiêm cung và cần mẫn, hiên ngang chăm sóc mối quan hệ với những nguồn gốc của họ. Và trong những nguồn gốc đó, như đã được cho thấy bởi các chứng từ thu lượm được trong các cuộc gặp gỡ với Giáo Hội địa phương và với các bạn trẻ, trước hết có các thánh, các vị thánh đã hy sinh mạng sống mình cho dân tộc, các vị thánh đã làm chứng cho Phúc Âm của tình yêu, các vị thánh đã là ánh sáng trong những thời kỳ tăm tối ; nhiều vị thánh của quá khứ mà ngày hôm nay đang khuyến khích chúng ta hãy vượt lên tính chủ bại và nỗi sợ hãi về ngày mai, bằng cách nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Kitô là tương lai của chúng ta.

Tuy nhiên, những gốc rễ Kitô giáo vững mạnh của dân tộc Hungary đã bị thử thách. Đức tin của họ, như chúng ta đã nghe trong Lời Thiên Chúa, đã bị thử thách bởi lửa. Quả vậy, trong sự bách hại vô thần của thế kỷ Hai Mươi, các Kitô hữu đã bị đánh đập dã man, các giám mục, các linh mục, các tu sĩ và các giáo dân đã bị giết hại hay bị tước mất tự do của họ. Nhưng trong lúc mà người ta tìm cách đốn hạ cây đức tin, thì gốc rễ vẫn còn nguyên vẹn : một Giáo Hội ẩn mình, vẫn sắt son không bị lay động, với nhiều thành viên của hàng giáo phẩm được bí mật thụ phong, đã làm chứng cho Phúc Âm bằng cách làm việc trong các nhà máy, trong khi những bà nội, bà ngoại đã ngầm rao giảng Phúc Âm. Tại Hungary, trước sự đàn áp của cộng sản đã có sự đàn áp của Đức quốc xã, với sự bắt giam đầy ải bi thảm đối với người Do Thái. Nhưng trong tội ác diệt chủng tàn khốc này, nhiều người đã nổi bật hơn người bởi sự đề kháng và khả năng của họ để bảo vệ các nạn nhân, và điều đó đã có thể xẩy ra bởi vì những gốc rễ của sự cùng nhau chung sống vẫn vững chắc. Như thế, những sợi dây chung của đức tin và của dân tộc đã tạo thuận lợi cho sự trở lại của tự do.

Nhưng ngay cả ngày hôm nay, như đã thấy trong các cuộc gặp gỡ với giới trẻ và giới văn hóa, sự tự do vẫn đang bị đe dọa. Như thế nào ? Nhất là với những bao tay trắng, bởi một chủ nghĩa tiêu thụ mang tính gây mê, trong đó người ta thỏa mãn với một chút thoải mái vật chất và quên đi quá khứ, người ta « trôi nổi » trong một hiện tại được tạo ra theo kích thước của cá nhân. Nhưng khi chuyện duy nhất đáng kể là chỉ nghĩ tới mình, là làm điều gì mình muốn, các gốc rễ bị nghẹt thở. Đó là một vấn đề được đặt ra trên toàn cõi Châu Âu, nơi sự tận tụy cho người khác, tính cộng đồng, vẻ đẹp để cùng nhau mơ mộng và sự tạo dựng những gia đình đông con đang bị khủng hoảng. Như thế, chúng ta hãy suy nghĩ về tầm quan trọng phải gìn giữ gốc rễ, bởi vì chỉ có đào sâu dưới đất thì cành lá mới có thể mọc lên cao và mang được hoa trái. Chúng ta hãy tự hỏi : đâu là gốc rễ quan trọng nhất của cuộc đời tôi ? Tôi có nhớ gốc rễ đó không ? Tôi có chăm sóc gốc rễ đó không ?

Sau gốc rễ, đây là hình ảnh thứ nhì : những cây cầu. Budapest, đã ra đời cách đây 150 năm, là sự hiệp nhất của ba thành phố, đã nổi tiếng vì những cây cầu bắc qua và kết hợp các thành phần của nó. Điều đó đã được thể hiện, đặc biệt trong các cuộc gặp gỡ với các giới cầm quyền, sự quan trọng của việc xây dựng những cây cầu của hòa bình giữa các dân tộc khác nhau. Đặc biệt, đó là ơn gọi của Châu Âu, vốn được kêu gọi, với tư cách là « cây cầu hòa bình », để hòa nhập những khác biệt và đón tiếp những người gõ cửa nhà mình. Trên ý nghĩa này, cây cầu nhân đạo được tạo ra cho nhiều người tỵ nạn đến từ Ukraina láng giềng, mà tôi đã có thể gặp được, là tuyệt vời, cũng như một mạng lưới lớn của lòng bác ái của Giáo Hội Hungary.

Đất nước này cũng rất dấn thân trong việc xây dựng những « cây cầu cho ngày mai » : rất quan tâm đến việc bảo vệ môi trường và một tương lai « bền vững », và nỗ lực trong việc xây dựng những cây cầu nối liền các thế hệ, nối liền những người già với những người trẻ, một thách đố mà ngày hôm nay không ai có thể từ chối. Cũng có những cây cầu mà Hội Thánh, như đã xuất hiện trong cuộc hội họp đặc biệt được kêu gọi hãy bắc những nhịp cầu tới những người của ngày hôm nay, bởi vì việc rao giảng Đức Kitô không chỉ là lập lại quá khứ, mà phải luôn được cập nhật, để giúp cho những con người nam và nữ của thời đại chúng ta khám phá Chúa Giêsu. Sau cùng, khi nhớ lại với lòng biết ơn những thời điểm phụng vụ tốt đẹp, lúc cầu nguyện với cộng đoàn công giáo-hy lạp và lúc cử hành trọng thể thánh lễ đã rất được nhiều người theo dõi, tôi nghĩ tới sự tốt đẹp của sự xây dựng những cây cầu nối liền các tín hữu : hôm chúa nhật, trong thánh lễ, đã có những Kitô hữu thuộc các hệ phái và các quốc gia khác nhau, và thuộc những cách gọi khác nhau, đang cùng nhau hoạt động tại Hungary. Xây dựng những cây cầu. Chúng ta hãy tự hỏi : tôi, trong gia đình tôi, trong giáo xứ của tôi, trong cộng đoàn của tôi, trong đất nước tôi, tôi có là người đi xây các cây cầu, của sự hài hòa, của sự hiệp nhất không ?

Trong chuyến viếng thăm này, tôi rất có ấn tượng bởi sự quan trọng của âm nhạc, vốn là nét đặc trưng của nền văn hóa Hungary. Khắp nơi đều có âm nhạc : đại phong cầm, piano, vĩ cầm, nhiều nhạc cụ và nhiều bài hát. Những người trẻ bị khuyết tật đã hát « hoan hô âm nhạc ! », có nghĩa là : hoan hô hài hòa, hoan hô tình huynh đệ, vốn mang lại hy vọng và niềm vui cho cuộc đời.

Sau cùng, trong đầu Tháng Năm này, tôi muốn nhắc nhớ rằng người dân Hungary rất gắn bó với Đức Mẹ Thiên Chúa. Họ đã được vị vua đầu tiên, thánh Têphanô, dâng hiến cho Đức Mẹ, vì lòng tôn kính, họ thưa lên Mẹ mà không nhắc tên Mẹ, mà chỉ nêu chức vị của Mẹ là Nữ Vương. Chúng ta hãy phó thác đất nước thân yêu này cho Nữ Vương của Hungary, chúng ta hãy ký thác cho Nữ Vương Hòa Bình sự xây dựng những cây cầu trên thế giới, chúng ta hãy dâng lên Nữ Vương Thiên Đàng, mà chúng ta tung hô trong mùa Phục Sinh này, trái tim của chúng ta để nó được bám rễ trong tình yêu của Thiên Chúa.

Traduction du Saint-Siège

Bản dịch tiếng Pháp của Tòa Thánh

Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp trên trang Zenit.

Audience générale. Le pape rappelle les points marquants de son voyage en Hongrie – ZENIT – Francais

 7 khách đã đọc bài này
This entry was posted in Chưa được phân loại. Bookmark the permalink.