Thánh Phanxicô Xaviê, nhà truyền giáo : « một kinh cầu kết hợp với Thiên Chúa, thần bí và chiêm niệm »

Bài giáo lý của ĐGH Phanxicô (toàn văn)

MAI 17, 2023 20:39 PAPE FRANCOISAUDIENCE GÉNÉRALE

Triều kiến chung, 17 tháng 5 năm 2023

Một Đức Giáo Hoàng Dòng Tên ban cho chúng ta một giáo huấn về một nhà truyền giáo Dòng Tên : thánh Phanxicô Xaviê

Thân chào quý anh chị em !

Tiếp tục hành trình bài giáo lý của chúng ta với những mẫu người gương mẫu về niềm đam mê rao giảng Tin Mừng… Nên nhớ rằng chúng ta đang nói về sự rao giảng Tin Mừng, lòng hăng say tông đồ, để làm cho người ta biết danh Chúa Kitô, và có nhiều người nam và nữ trong lịch sử đã làm chuyện này một cách gương mẫu. Ngày hôm nay chẳng hạn, chúng ta lựa chọn nói về Thánh Phanxicô Xaviê : có người nói, ngài được coi như nhà truyền giáo lớn nhất trong thời hiện đại này. Nhưng người ta không thể nói rằng ai là người lớn nhất, ai là người bé nhất, bởi vì có rất nhiền nhà truyền giáo ẩn danh, ngay trong ngày hôm nay, còn đang làm nhiều điều hơn cả thánh Phanxicô Xaviê nữa.  Và thánh Phanxicô Xaviê là vị thánh bổn mạng của các xứ truyền giáo, cũng như Thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Nhưng một nhà truyền giáo chỉ vĩ đại khi người đó ra đi. Và có rất nhiều, với tư cách linh mục, giáo dân, nữ tu đã đi tới các xứ truyền giáo, và đi từ nước Ý cũng có nhiều người trong quý anh chị em. Tôi thấy, chẳng hạn như, khi người ta trình tôi hành trình của một linh mục ứng viên vào chức vị giám mục : ngài đã có mười năm ở xứ truyền giáo ở chỗ nào đó… thật là tuyệt vời : rời bỏ quê hương mình để đi rao giảng Tin Mừng. Đó là lòng hăng say tông đồ. Và điều này, chúng ta phải vun trồng nhiều hơn. Và khi nhìn hình ảnh của những con người nam và nữ đó, chúng ta học hỏi được nhiều.

Và thánh Phanxicô Xaviê sinh ra năm 1506 trong một gia đình quý tộc nhưng nghèo khó của vùng Navarra, phía Bắc nước Tây Ban Nha. Ngài đi học tại Paris, Pháp – đây là một cậu thanh niên thích ăn chơi, thông minh và can đảm. Ở đây, cậu đã đã gặp người bạn cao niên và cùng quê là Inhaxiô thành Loyola. Vị này đã giúp cậu thực hiện linh thao và đã làm cho cậu thay đổi cuộc đời. Và cậu đã bỏ tất cả sự nghiệp trần tục để trở thành nhà truyền giáo. Cậu trở thành tu sĩ Dòng Tên, cậu tuyên khấn dòng. Rồi cậu trở thành linh mục và ra đi truyền giáo, cha được sai đi Phương Đông. Vào thời đại đó, các chuyến đi của các vị thừa sai tới Phương Đông đã là những vụ sai đi đến những thế giới xa lạ. Và cha đã đi, bởi vì ngài tràn đầy lòng hăng hái tông đồ.

Như thế đã bắt đầu sự khởi đầu của một loạt dài các nhà truyền giáo đam mê của thời hiện đại, sẵn sàng chịu đựng những khó khăn và nguy hiểm to lớn, để đi đến những vùng đất mới và gặp gỡ những dân tộc có những nền văn hóa và ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ, chỉ được thúc dục bởi ý định rất mạnh mẽ là làm cho mọi người biết được Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người.

Trong hơn 11 năm, ngài đã thi hành một nhiệm vụ phi thường. Ngài đã là người truyền giáo trên dưới 11 năm. Vào thời đó, các hành trình bằng tầu biển rất là khó khăn và nguy hiểm. Nhiều vị đã bỏ mình trong chuyến đi, nạn nhân của những vụ đắm tầu hay bệnh hoạn. Ngày hôm nay, khốn nỗi, họ bỏ mình bởi vì chúng ta để họ chết trên Địa Trung Hải… Thánh Phanxicô Xaviê sẽ bỏ ra thời gian 3 năm sống trên tầu, nghĩa là một phần ba thời gian truyền giáo của ngài. Ngài đã trải qua hơn ba năm trời trên các chuyến tầu biển để đi tới Ấn Độ, rồi để đi từ Ấn Độ đến Nhật Bản.

Tới Goa, Ấn Độ, thủ phủ Miền Đông của Bồ Đào Nha, thủ đô văn hóa và thương mại, thánh Phanxicô Xaviê thiết lập cơ sở của mình tại đây, nhưng không ngừng hẳn tại đây. Ngài đi rao giảng Tin Mừng cho các ngư dân nghèo khổ trên bờ biển miền nam của Ấn Độ, ngài dạy giáo lý và cầu nguyện cho các trẻ em, ban phép Rửa Tội và săn sóc người bệnh. Rồi, trong một buổi tối cầu nguyện trước mộ của thánh tông đồ Barthôlômêô, ngài cảm thấy mình phải đi xa hơn là Ấn Độ. Ngài đã để lại sự nghiệp mà ngài đã bắt đầu trong tay người đáng tin cậy và hăng hái lên tàu hướng tới quần đảo Malaku, các hải đảo xa nhất của quần đảo Nam Dương. Đối với những người này, không có chân trời, họ còn đi xa hơn nữa… Một lòng can đảm như thế từ các vị thánh truyền giáo ! Ngay cả những vị của ngày hôm nay, ngay cả nếu họ không cần phải đi tàu lâu đến ba tháng, họ đi bằng máy bay trong 24 giờ, và sau đó, thì cũng là cùng một chuyện. Phải đi tới tận nơi, vượt nhiều cây số, đi vào rừng sâu. Và thánh Phanxicô Xaviê, trong quần đảo Malaku, soạn giáo lý thành thơ bằng tiếng địa phương và dạy họ hát các bài giáo lý, bởi vì khi hát, người ta học tốt hơn. Các bức thư của ngài làm cho chúng ta hiểu được cảm tưởng của ngài đã như thế nào. Ngài đã viết : « Những nguy hiểm và những đau khổ, được tự nguyện chấp nhận và chỉ vì tình yêu và sự phụng sự Thiên Chúa, Chúa chúng ta là những kho tàng phong phú những niềm an ủi thiêng liêng lớn lao. Ở đây, trong ít năm, người ta có thể mù mắt vì đã đổ nhiều nước mắt vui mừng » (20/01/1548). Ngài đã khóc vì vui mừng khi nhìn thấy kỳ công của Chúa.

Một ngày kia, tại Ấn Độ, ngài đã gặp một người Nhật Bản, người này đã nói với ngài về đất nước xa xôi của mình, nơi đó chưa có người truyền giáo Âu Châu nào đặt chân tới cả. Và thánh Phanxicô Xaviê đã có mối lo của người tông đồ, đó là đi xa hơn, và ngài quyết định ra đi càng sớm càng tốt, và ngài đã tới sau một chuyến đi táo bạo trên chiếc thuyền buồm của một người Tàu. Ba năm lưu lại đất Nhật rất là khó khăn, vì lý do thời tiết, sự chống đối và sự không biết ngôn ngữ, nhưng mặc dù như thế, những hạt giống được gieo trồng sẽ mang nhiều hoa trái.

Tại Nhật Bản, thánh Phanxicô Xaviê, người mơ mộng lớn, hiểu rằng xứ sở mang tính quyết định cho việc truyền giáo tại Châu Á là một nước khác : nước Tàu. Với nền văn hóa, với lịch sử, với sự rộng lớn của nó, nó áp đặt một sự thống trị đương nhiên trên phần đất này của thế giới. Ngày hôm nay nữa, nước Tàu là một cực văn hóa, với một lịch sử lớn lao và đẹp đẽ. Như thế, ngài trở lại Goa, và chỉ sau đó ít lâu, ngài lại lên tàu, hy vọng đến được nước Tàu. Nhưng kế hoạch của ngài bị thất bại : ngài mất ngay tại cửa ngõ của nước Tàu, trên một hòn đảo, trên hòn đảo nhỏ Thượng Xuyên (Sancian), ngoài khơi nước Tàu, không đợi được thuyền để vào đất liền gần tỉnh Quảng Đông. Ngày 06 tháng 12 năm 1552, ngài từ trần trong sự buông bỏ toàn diện, chỉ có một người Tàu bên cạnh để săn sóc cho ngài. Như thế đã chấm dứt hành trình trần thế của thánh Phanxicô Xaviê. Ngài đã già, lúc đó ngài bao nhiêu tuổi ? 80 tuổi chăng ? Không… Ngài mất lúc mới 46 tuổi, ngài đã sống suốt cuộc đời trong sứ vụ truyền giáo, với lòng hăng hái. Ngài rời bỏ nước Tây Ban Nha có văn hóa và tới một đất nước văn hóa nhất thế giới vào thời đó, nước Tàu, và ngài mất ngay trước nước Tàu vĩ đại, được tháp tùng bởi một người Tàu. Đây quả là cả một biểu tượng.

Hoạt động tích cực của ngài đã luôn kết hợp với cầu nguyện, kết hợp với Thiên Chúa, thần bí và chiêm niệm. Ngài đã không bao giờ bỏ cầu nguyện, bởi vì ngài biết rằng chỉ nơi đó có sức mạnh. Ở mọi nơi ngài tới, ngài đã có sự quan tâm nhiều tới những người bệnh, những người nghèo và những trẻ em. Ngài không phải là một nhà truyền giáo « quý tộc » : ngài luôn đi với những người nghèo khó nhất, những trẻ em đang cần được giáo dục, được học giáo lý, những người nghèo, những người bệnh : ngài đi ra đến tận những ranh giới của sự trạnh lòng nơi mà tầm vóc của ngài ngày càng lớn. Tình yêu Chúa Kitô đã là sức mạnh thúc đẩy ngài đến tận những biên giới xa xôi nhất, với cái giá là sự mệt mỏi và sự nguy hiểm liên miên, vượt lên những thất bại, những thất vọng và nản lòng, và cho ngài sự an ủi và niềm vui để đi theo Người và phụng sự Người đến cùng.

Cầu xin Thánh Phanxicô Xaviê, người đã hoàn thành sứ mạng to lớn, trong một sự nghèo khó như thế với một lòng can đảm đến thế, ban cho chúng ta một chút hăng hái đó, một chút hăng hái để sống Phúc Âm và để rao giảng Tin Mừng. Với nhiều bạn trẻ ngày nay đang lo lắng và không biết làm gì với sự lo lắng đó, tôi nói : các bạn hãy nhìn lên thánh Phanxicô Xaviê, hãy nhìn về chân trời của thế giới, hãy nhìn các dân tộc đang có nhiều nhu cầu, nhìn đến nhiều người đang đau khổ, nhiều người đang cần Chúa Giêsu. Và các bạn hãy tiến lên, hãy can đảm lên. Ngày hôm nay nữa, có những bạn trẻ can đảm. Tôi nghĩ đến nhiều nhà truyền giáo, chẳng hạn tại Papouasie-Tân Ghinê tôi nghĩ tới các bạn tôi, các bạn trẻ của giáo phận Vanimô, và tới tất cả những người đã đi rao giảng Phúc Âm theo vết chân của thánh Phanxicô Xaviê. Cầu xin Chúa ban cho tất cả chúng ta niềm vui rao giảng Phúc Âm, niềm vui mang đến thông điệp tốt đẹp này vốn làm cho chúng ta hạnh phúc và hạnh phúc của tất cả mọi người.

Copyright © Dicastero per la Comunicazione – Libreria Editrice Vaticana

Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.

Saint François Xavier, missionnaire : une prière d’« union avec Dieu, mystique et contemplative » – ZENIT – Francais

 

 10 khách đã đọc bài này
This entry was posted in Chưa được phân loại. Bookmark the permalink.