Bài giáo lý của ĐGH Phanxicô (Toàn văn)
MAI 24, 2023 16:59 RÉDACTION – AUDIENCE GÉNÉRALE
Triều kiến chung ngày 24 tháng 5 năm 2023
Thân chào quý anh chị em !
Trong loạt bài giáo lý này, chúng ta học tập một số thánh nhân nam nữ, là những chứng nhân gương mẫu, các ngài dạy cho chúng ta lòng hăng hái tông đồ.
Hôm nay, một tấm gương vĩ đại của niềm đam mê truyền giáo được tìm thấy trên một vùng đất ở rất xa nơi đây, đó là Giáo Hội Triều Tiên. Chúng ta hãy trông lên thánh tử đạo và cũng là linh mục người Triều Tiên đầu tiên, thánh Anrê Kim Tae-gon. Cuộc đời của ngài đã và vẫn luôn là một chứng tá hùng hồn của lòng hăng hái rao giảng Tin Mừng.
Cách đây khoảng 200 năm, trên đất Triều Tiên đã diễn ra một cuộc bách hại rất trầm trọng đối với đức tin Kitô giáo. Tin theo Chúa Giêsu Kitô, trong nước Triều Tiên hồi đó, có nghĩa là sẵn sàng làm chứng cho đến chết. Chúng ta có thể nhận thấy điều này từ hai khía cạnh của cuộc đời Thánh Anrê Kim.
Khía cạnh thứ nhất là thủ tục ngài phải làm để gặp được các tín hữu. Với bối cảnh nhiều đe dọa, thánh nhân đã bắt buộc phải tiếp cận với các Kitô hữu dưới một hình thức không mấy công khai, và luôn có sự hiện diện của những người lạ. Để xác định căn tính Kitô giáo của người đối thoại, thánh Anrê Kim đã phải dùng những mưu mẹo sau đây : trước hết phải có một dấu hiệu nhận bạn đã được thỏa thuận trước ; sau đó, ngài kín đáo đặt câu hỏi : « Bạn có phải là môn đệ Chúa Giêsu không ? ». Vì có nhiều người khác có mặt trong khi nói chuyện, thánh nhân đã phải nói thầm, ngài chỉ nói ít câu, những câu căn bản nhất. Như thế, đối với thánh Anrê Kim, thành ngữ tóm tắt toàn bộ căn tính của người Kitô hữu là « môn đệ của Chúa Giêsu ».
Quả vậy, là môn đệ của Chúa, có nghĩa là đi theo Người, đi theo con đường của Người, có nghĩa là kéo theo sự hiến cả mạng sống mình cho Tin Mừng. Như thế, người Kitô hữu, tự bản chất là nhà truyền giáo và là chứng nhân, như Chúa Giêsu đã là Đấng Thiên Sai và là Đấng làm chứng cho Chúa Cha. Mỗi cộng đoàn Kitô giáo nhận được căn tính đó từ Chúa Thánh thần, cũng như toàn thể Hội Thánh, từ ngày Lễ Ngũ tuần (x. Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Ad gentes, 2). Khi Phúc Âm được sống một cách viên mãn, con người không thu mình lại, mà làm chứng cho đức tin, làm cho đức tin có tính truyền nhiễm. Chính ở đó nẩy sinh ra niềm đam mê rao giảng Tin Mừng. Và dù cho bối cảnh xung quanh có bất thuận lợi đi chăng nữa, niềm đam mê đó cũng không thay đổi, trái lại, nó còn có thêm giá trị. Thánh Anrê Kim và các tín hữu người Triều Tiên đã cho thấy rằng sự làm chứng cho Tin Mừng được đưa ra trong thời kỳ bách hại có thể mang nhiều hoa trái cho đức tin.
Bây giờ, chúng ta hãy xem xét tới một gương sáng cụ thể. Khi ngài còn là chủng sinh, thánh Anrê Kim đã phải tìm cách bí mật đón tiếp các linh mục thừa sai đến từ nước ngoài. Đây không phải là một việc dễ, bởi vì chế độ lúc đó nghiêm cấm mọi người nước ngoài nhập cảnh trên đất nước Triều Tiên. Một lần kia, ngài đã bước đi trên tuyết, không ăn uống gì, trong thời gian dài đến độ ngài ngã quỵ vì kiệt sức, với nguy cơ ngất xỉu và chết cóng trên tuyết. Chính lúc đó, ngài bỗng nghe một tiếng nói : « Đứng dậy đi con, bước tới đi con ! ». Khi nghe tiếng nói đó, thánh Anrê Kim đã đứng dậy, và nhận ra có bóng ai đó đang dẫn ngài đi.
Kinh nghiệm này của vị chứng nhân vĩ đại người Triều Tiên làm cho chúng ta hiểu được một khía cạnh rất quan trọng của lòng hăng hái tông đồ. Đó là sự can đảm đứng dậy khi ngã quỵ. Ngay cả các bậc thánh nhân cũng có thể vấp ngã. Ngay từ những buổi sơ khai, chúng ta hãy nghĩ tới Thánh Phêrô, một tội đồ trầm trọng, ngài đã phạm một tội tầy đình. Nhưng ngài đã có sức mạnh, có niềm tin cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa và đã đứng dậy. Chúng ta cũng thấy điều đó nơi thánh Anrê Kim. Ngài đã ngã quỵ về thể chất, nhưng ngài đã có sức mạnh để đi tiếp để mang theo thông điệp này về phía trước.
Dù cho hoàn cảnh có khó khăn đến đâu đi chăng nữa, cơ hồ không để lại một vị trí nào cho thông điệp của Tin Mừng, thì chúng ta cũng không được buông tay và chúng ta không được từ bỏ đi theo những gì là căn bản trong đời sống Kitô giáo của chúng ta, đó là rao giảng Tin Mừng. Đó là con đường phải đi. Mỗi người trong chúng ta có thể nghĩ rằng : « Nhưng, tôi, thì tôi biết rao giảng Tin Mừng như thế nào ? ». Bạn hãy nghĩ về sự nhỏ bé của bạn, bạn hãy nghĩ về cái vòng nhỏ bé xung quanh bạn, bạn bè mình, gia đình mình, bạn hãy nói với họ về Chúa Giêsu, bạn hãy rao truyền Tin Mừng với một trái tim tràn đầy niềm vui, tràn đầy sức mạnh và chính Chúa Thánh Thần là Đấng ban cho chúng ta tất cả những thứ đó. Chúng ta hãy dọn mình để nhận lãnh Chúa Thánh thần trong ngày Lễ Ngũ Tuần và chúng ta hãy cầu xin Người ân sủng này, ân sủng của lòng can đảm tông đồ, ân sủng rao giảng Tin Mừng, ân sủng để luôn mang thông điệp của Chúa Giêsu đi về phía trước. Cảm ơn !
Traduction par Zenit
Bản dịch tiếng Pháp của Zenit
Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.
« Lorsque l’Évangile est vécu en plénitude, » la foi est « contagieuse » – ZENIT – Francais