Phụ nữ tại Vatican – bản tổng kết 10 năm triều đại Phanxicô

Họ ngày càng đông và được trao nhiều trách nhiệm hơn

MARS 08, 2023 19:33 RÉDACTIONPAPE FRANÇOISROME

Sơ Nathalie Becquart

Con số phụ nữ làm việc tại Vatican, và con số các bà giữ các chức vụ lãnh đạo đã gia tăng rõ rệt trong 10 năm đầu của triều đại ĐGH Phanxicô, theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Vatican News với những giới chức hữu quan của Vatican.

Hôm thứ tư 08 tháng 3 năm 2023, Ngày Quốc Tế Phụ Nữ, trang Vatican News đã cống hiến một bức tranh tổng thể về sự hiện diện của phục nữ làm việc tại Vatican, sau 10 năm của triều đại ĐGH Phanxicô. Ngày hôm nay, con số các phụ nữ hiện đang làm việc cho Đức Giáo Hoàng là 1165 bà, so với 846 bà vào năm 2013, một tỷ lệ phần trăm đã tăng từ 19,2% lên 23,4%.

Chỉ riêng trong Giáo Triều Rôma, hơn một nhân viên trên bốn là một phụ nữ – con số tuyệt đối là 814 người trên tổng số 3 110 người. 43% các bà trong Giáo Triều làm việc ở những vị trí thường đòi hỏi một bằng cấp đại học.

Các bà cũng đã vươn lên đến các vị trí lãnh đạo. Ngày hôm nay, tại Tòa Thánh có 5 phụ nữ đang giữ những chức vụ phó tổng thư ký và một bà giữ chức tổng thư ký. Được bổ nhiệm bởi Đức Giáo Hoàng, các bà là thành phần ban lãnh đạo cùng với tổng trưởng.

Chính trong Bộ phục vụ phát triển con người toàn diện mà năm 2021, lần đầu tiên, ĐGH Phanxicô đã bổ nhiệm một nữ tu làm tổng thư ký, nhiệm sở cao nhất chưa bao giờ được giao cho một phụ nữ tại Tòa Thánh.

Các phụ nữ phó tổng thư ký là các bà được bổ nhiệm đến các Bộ về tu sĩ, về giáo dân, gia đình và sự sống (hai bà phó tổng thư ký), về văn hóa và giáo dục, và sau cùng là tại Quốc Vụ Viện.

Tòa Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng Các Giám Mục cũng có một phụ nữ phó tổng thư ký, nữ tu người Pháp Nathalie Becquart.

Về lịch sử, chính ĐGH Phaolô VI đã bổ nhiệm một phụ nữ phó tổng thư ký của Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân. ĐGH Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm một phụ nữ mới làm phó tổng thư ký Bộ tu sĩ.

« Dưới thời ĐGH Phanxicô, việc bổ nhiệm phụ nữ vào các chức lãnh đạo đã gia tăng, tuy rằng chỉ dưới 5% tất cả các vị trí lãnh đạo hiện nay mới được giao cho phụ nữ và, ngay bây giờ, chưa có người phụ nữ nào làm đến Tổng Trưởng, là chức vụ « số một » của một bộ phận của Giáo Triều. Tuy nhiên, Vatican News phân tích, « con đường đã được vạch ra : với Tông Hiến Praedicate Evangelium năm 2022, ĐGH Phanxicô đã cho phép trong tương lai, giáo dân, và trong đó có các phụ nữ, cũng có thể điều khiển một thánh bộ, nghĩa là trở thành tổng trưởng, một chức vị trước đây chỉ dành cho các Hồng Y và Tổng Giám Mục ». Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 12 vừa qua, đã được xác định, « ĐGH Phanxicô đã loan báo ý định bổ nhiệm người phụ nữ đầu tiên làm tổng trưởng trong một tương lai gần ».

Trong Thành Quốc Vatican, ĐGH Phanxicô đã bổ nhiệm hai phụ nữ vào những chức vị trách nhiệm : năm 2016, Bà Barbara Jatta, giám đốc các Viện Bảo Tàng của Vatican, và năm 2022, một nữ tu làm tổng thư ký của Chính Quyền Thành Quốc, vai trò thường được giao cho một giám mục.

Đức Giáo Hoàng cũng đã bổ nhiệm những phụ nữ khác vào các chức vị mà họ có thể « ảnh hưởng tới Vatican trong lúc vẫn giữ được tính độc lập của họ », thí dụ các nữ thành viên của các bộ phận giáo triều, những địa vị cho đến nay vẫn dành cho các Hộng Y và cho một số giám mục, với quyền biểu quyết trong các hội nghị khoáng đại.

Như vậy, năm 2019, ĐGH Phanxicô đã bổ nhiệm bẩy bà bề trên vào Bộ tu sĩ. Kể từ năm 2020, tám vị Hồng Y và bẩy giáo dân, trong đó có sáu phụ nữ, được đại diện trong Hội Đồng về kinh tế, vốn có 15 thành viên.

Năm 2022, ĐGH Phanxicô đã bổ nhiệm hai nữ tu và một nữ giáo dân vào Bộ Giám Mục, tại đây các bà tham gia vào tiến trình lựa chọn các giám mục cho Hội Thánh Hoàn Vũ cùng với các Đức Hồng Y và Giám Mục, vốn cũng như các bà, là những thành viên của thánh bộ.

Nếu ĐGH Phanxicô đã « tăng cường sự hiện diện, sự hiển thị và tầm ảnh hưởng » của các phụ nữ tại Vatican, Vatican News kết luận, ngài tuy thế đã cảnh báo chống lại rủi to « coi nhiệm vụ của các phụ nữ trong Hội Thánh và tại Vatican từ một quan điểm thuần túy chức năng ». Trong cuốn sách của ngài nhan đề là Chúng Ta Hãy Mơ Lại, ĐGH Phanxicô tuyên bố cầu mong « tạo ra những không gian trong đó phụ nữ có thể đảm nhận quyền lãnh đạo một cách cho phép họ định hình văn hóa và bảo đảm là họ được đánh giá cao, được tôn trọng và được công nhận.

Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.

Femmes au Vatican : bilan de 10 années de pontificat de François – ZENIT – Francais

Posted in Chưa được phân loại | Chức năng bình luận bị tắt ở Phụ nữ tại Vatican – bản tổng kết 10 năm triều đại Phanxicô

« Tình yêu Thiên Chúa là dành cho tất cả mọi người »

Bài giáo lý bằng tiếng Ý (Bản dịch toàn văn) Niềm đam mê rao giảng Tin Mừng : lòng hăng hái tông đồ của người tín hữu – 6. Công Đồng Vatican II. Rao giảng Phúc Âm như là sự phục vụ của Hội Thánh.

MARS 08, 2023 18:47 HÉLÈNE GINABATAUDIENCE GÉNÉRALE

Triều kiến chung ngày 08 tháng 3 năm 2023

« Tình yêu của Chúa Cha dành cho người nhận là con người », ĐGH Phanxicô khẳng định trong bài giáo lý hàng tuần của ngài. « Tình yêu của Thiên Chúa không chỉ dành cho một nhóm nhỏ, không… dành cho tất cả mọi người ». Đây là một ân điển, Đức Giáo Hoàng nhấn  mạnh, vốn « không chỉ dành cho chúng ta », nhưng là « được làm ra để trao ban cho những người khác ».

Tiếp nối chuỗi bài giáo lý mang đề tài « Niềm đam mê rao giảng Tin Mừng : lòng hăng hái tông đồ của người tín hữu », hôm thứ tư 08 tháng 3 năm 2023, lúc 9 giờ sáng, trên Quảng Trường Thánh Phêrô, ĐGH Phanxicô đã mời gọi hãy coi Hội Thánh như là « Dân của Thiên Chúa lữ hành trong thời gian, và từ bản chất, là truyền giáo », theo sự diễn đạt được sử dụng bởi Công Đồng Vaticanô II, để hiểu được cái gì là « chiều kích giáo hội của việc rao giảng Tin Mừng ».

Đức Giáo Hoàng đã nhắc lại rằng, ngay từ những thời gian đầu của Hội Thánh, vấn đề rao giảng Tin Mừng đã là tâm điểm của những bận tâm của người Kitô hữu. Ngay cả ngày hôm nay nữa, ngài nhấn mạnh, chính là phận sự của họ để « tiếp nối sứ vụ của Đức Kitô,  vốn đã được ‘‘sai đi để rao giảng Tin Mừng cho những người nghèo’’ ». Một sự rao giảng, ngài nhấn mạnh, « với Giáo Hội », « không bao giờ đơn lẻ », « không bao giờ cá nhân ».   

Trước « nhiệm vụ » này, ĐGH Phanxicô đã khuyến nghị « chúng ta đừng để bị sơ cứng cũng đừng để bị hóa thạch chính mình ». Theo Đức Giáo Hoàng, lòng hăng hái truyền giáo của người tín hữu, được biểu lộ qua một « tìm kiếm sáng tạo » những phương cách mới để « rao truyền và làm chứng », để « gặp gỡ nhân loại bị tổn thương », Đức Giáo Hoàng tóm tắt : đây là chuyện « phục vụ Tin Mừng » và « nhân loại ». Bởi vì « rao giảng Tin Mừng là một việc phục vụ ».  

Bài giáo lý bằng tiếng Ý của ĐGH Phanxicô (Bản dịch toàn văn)

Thân chào quý anh chị em !

Trong bài giáo lý lần trước, chúng ta đã thấy rằng « công đồng » thứ nhất trong lịch sử của Hội Thánh – công đồng, giống như công đồng Vaticaô II – , công đồng đầu tiên được triệu tập tại Giêrusalem vì một vấn đề về rao giảng Tin Mừng, nghĩa là sự rao giảng Tin Mừng cho những người không phải là dân Do Thái – người ta nghĩ rằng chỉ mang đến sự rao giảng Tin Mừng cho người Do Thái mà thôi. Vào thế kỷ thứ XX, Công Đồng đại kết Vaticanô II đã trình bầy Hội Thánh như là Dân của Thiên Chúa lữ hành trong thời gian, và từ bản chất, Hội Thánh là Truyền Giáo (x. Sắc Lệnh Ad gentes,2). Điều này có nghĩa là gì ?

Có một cây cầu nối giữa Công Đồng đầu tiên và Công Đồng chót này, dưới dấu chỉ của việc rao giảng Tin Mừng, một cây cầu mà kiến trúc sư là Chúa Thánh Thần. Ngày hôm nay, chúng ta lắng nghe Công Đồng Vaticanô II, để khám phá ra rằng rao giảng Tin Mừng luôn là một sự phục vụ của toàn thể Hội Thánh, không bao giờ đơn độc, không bao giờ cô đơn, không bao giờ cá nhân. Rao giảng Tin Mừng luôn được thi hành với tư cách là Hội Thánh, nghĩa là tư cách cộng đoàn và không làm việc lôi kéo, bởi vì điều đó không phải là rao giảng Tin Mừng.

Quả thế, người rao giảng Tin Mừng luôn thông truyền điều mà chính người đó đã nhận được. Chính Thánh Phaolô là người đầu tiên đã viết điều đó : Tin Mừng mà ngài đã loan báo và các cộng đoàn đã lãnh nhận cùng đang nắm vững, cũng chính là điều mà ngài đã lãnh nhận (x. 1Cr 15, 1-3). Chúng ta nhận được đức tin và chúng ta thông truyền lại đức tin. Tính năng động của Hội Thánh để thông truyền Thông Điệp đòi hỏi nghiêm khắc và bảo đảm tính chân thực của việc rao giảng Kitô giáo. Chính cũng Thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu Galát : « Nhưng nếu có ai, kể cả chúng tôi, hoặc một thiên thần nào từ trời xuống loan báo cho anh em Tin Mừng khác với Tin Mừng chúng tôi đã loan báo cho anh em, thì xin Thiên Chúa loại trừ kẻ ấy đi » (Gl 1,8). Thật là đẹp và câu này đáp trả tất cả những cách nhìn đang thịnh hành này…

Do đó, chiều kích Hội Thánh của việc rao giảng Tin Mừng tạo thành một tiêu chuẩn để kiểm chứng lòng hăng hái tông đồ. Một sự kiểm chứng cần thiết, bởi vì cám dỗ hành động « một mình » luôn rình rập, nhất là khi con đường trở nên hiểm trở và khi chúng ta cảm thấy gánh nặng của sự dấn thân của mình. Cũng nguy hiểm như thế là cám dỗ đi theo những con đường giáo hội giả, dễ dàng hơn, cám dỗ chấp nhận cái lôgíc thế tục về con số và các cuộc thăm dò, cám dỗ dựa vào sức mạnh của ý tưởng của các chương trình của mình, những cấu trúc, những « quan hệ đáng kể ». Điều đó không được, điều đó có thể giúp đỡ đôi chút, nhưng điều căn bản là sức mạnh mà Chúa Thánh Thần ban cho anh để rao giảng chân lý của Chúa Giêsu Kitô, để rao giảng Tin Mừng. Những gì còn lại đều là thứ yếu.

Thưa quý anh chị em, bây giờ chúng ta trực tiếp đặt mình vào trường học của Công Đồng Vaticanô II, bằng cách đọc lại một vài số của sắc lệnh Ad Gentes (AG), tài liệu về hoạt động truyền giáo của Hội Thánh. Những văn bản đó của Công Đồng Vaticanô II giữ nguyên giá trị của chúng, kể cả trong bối cảnh phức tạp và đa dạng của chúng ta.

Trước hết, tài liệu này, AG, mời gọi hãy coi tình yêu của Thiên Chúa Cha như là một nguồn mạch, vốn « vì lòng nhân từ thương xót vô biên khi tạo dựng và hơn nữa khi ưu ái mời gọi chúng ta vào sự sống và vinh quang của Người, đã rộng rãi tuôn ban và còn không ngừng tuôn ban lòng nhân từ, đến độ Đấng tác tạo muôn loài, cuối cùng trở nên ‘‘tất cả trong mọi loài’’ (1Cr 15,28), để Người được vinh hiển và đồng thời chúng ta được hạnh phúc » (s.2). Đoạn này là căn bản, bởi vì nó nói rằng tình yêu của Chúa Cha có người nhận là toàn thể con người. Tình yêu của Thiên Chúa không chỉ là cho một nhóm nhỏ, không… cho tất cả mọi người. Quý anh chị em hãy nhớ kỹ những lời này và ghi tạc trong lòng : tất cả mọi người, tất cả mọi người, không ai bị loại trừ, đó là lời Chúa phán. Và tình yêu này đối với mọi người là một tình yêu đến với tất cả mọi người nam, nữ thông qua sứ vụ của Chúa Giêsu, Đấng trung gian sự cứu độ và Đấng cứu chuộc của chúng ta (x. AG,3), và thông qua sứ vụ của Chúa Thánh Thần (x. AG, 4) Đấng – Chúa Thánh Thần – tác động nơi mỗi người, trong những người đã chịu phép Rửa cũng như trong những người không được chịu phép Rửa. Chúa Thánh Thần tác động

Ngoài ra, Công Đồng nhắc rằng Hội Thánh có nhiệm vụ tiếp tục sứ vụ của Chúa Kitô, Đấng đã « được sai đến rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó ; vì thế – tại liệu Ad gentes viết tiếp – được Thánh Thần Chúa Kitô  thúc đẩy, Giáo Hội cũng phải tiến bước trên chính con đường Chúa Kitô đã đi, con đường của nghèo khó, vâng lời, phục vụ và tự hiến thân mình đến độ sẵn lòng chịu chết, để rồi toàn thắng nhờ sự sống lại của Người » (AG, 5). Nếu Hội Thánh trung thành với « con đường » ấy, sứ mệnh của Hội Thánh là « sự biểu lộ, hay nói cách khác là sự hiển linh ý định của Thiên Chúa và hoàn tất ý định đó nơi trần gian và trong lịch sử » (AG, 9).

Thưa quý anh chị em, một số những nhận xét này cũng giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của lòng hăng hái tông đồ của một môn đệ truyền giáo. Lòng hăng hái tông đồ không phải là một sự nhiệt tình, đó là chuyện gì khác, đó là một ân điển của Thiên Chúa mà chúng ta phải gìn giữ. Chúng ta phải hiểu ý nghĩa của nó bởi vì, trong dân lữ hành và rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa, không có những người tích cực và những người tiêu cực. Không có những người thuyết giảng, những người loan báo Tin Mừng cách này hay cách khác, và những người giữ im lặng. Không. « Mỗi người đã chịu phép Rửa, sứ điệp Evangelii gaudium nói, bất kể chức vị của người đó trong Hội Thánh và mức độ học hỏi đức tin của người đó, đều là một người tích cực của việc rao giảng Tin Mừng (Tông huấn Evangelii gaudium, 120). « Anh là người Kitô hữu ? – Phải, tôi đã chịu phép Rửa… – Và anh có rao giảng Tin Mừng không ? – Nhưng đó là ý nghĩa gì … ? ». Nếu anh không rao giảng Tin Mừng, nếu anh không làm chứng, nếu anh không làm chứng cho phép Rửa mà anh đã lãnh nhận và cho đức tin mà Chúa đã ban cho anh, anh không phải là một người Kitô hữu tốt. Nhờ phép Rửa đã lãnh nhận và sự gia nhập vào Hội Thánh vốn là kết quả của phép Rửa, tất cả những người đã chịu phép Rửa tham gia vào sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh, và qua Hội Thánh, tham gia vào sứ vụ của Chúa Kitô Vua, Tư Tế và Tiên Tri.

Thưa quý anh chị em, sứ vụ này « là duy nhất và không thay đổi, tại bất cứ nơi đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù có thể không được thực hiện theo cùng một cách thức như nhau » (AG, 6). Đây là một lời mời gọi đừng để bị sơ cứng cũng đừng để bị hóa thạch ; điều đó giải thoát chúng ta ra khỏi cái lo âu vốn không đến từ Thiên Chúa. Lòng hăng hái truyền giáo của người tín hữu cũng thể hiện qua một sự tìm kiếm sáng tạo những cách thức mới để loan truyền và làm chứng, những phương cách mới để phục vụ Tin Mừng và phục vụ nhân loại. Rao giảng Tin Mừng là môt sự phục vụ. Nếu ai đó nói mình là người đi truyền giảng Tin Mừng mà không có thái độ đó, có tâm làm tôi tớ, và nếu người đó coi mình như bậc thầy, thì người đó không phải là người đi rao giảng Tin Mừng, không… chỉ là một kẻ đáng thương.

Trở về với tình yêu nguyên thủy của Chúa Cha và với những sứ vụ của Chúa Con và của Chúa Thánh Thần không giam hãm chúng ta trong những không gian của tĩnh lặng cá nhân tĩnh tại. Trái lại, điều đó thúc đẩy chúng ta công nhận sự nhưng không của ơn sự sống viên mãn mà chúng ta được kêu gọi, chúng ta cảm tạ Thiên Chúa vì hồng ơn này. Hồng ơn này không chỉ dành cho chúng ta, mà đó đã được tạo ra để trao tặng người khác, với tinh thần trách nhiệm và cùng nhau bước đi, trên những con đường thường hay quanh co và khó khăn của lịch sử, trong sự chờ đợi thận trọng và tích cực sự thực hiện của nó. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ơn này, để nắm bắt được ơn gọi Kitô giáo này và tạ ơn Chúa vì những gì Người đã ban cho chúng ta, vì kho báu này. Và tìm cách để thông truyền nó cho người khác.

© Traduction de Zenit

Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.

« L’amour de Dieu est pour tous » – ZENIT – Francais

Posted in Chưa được phân loại | Chức năng bình luận bị tắt ở « Tình yêu Thiên Chúa là dành cho tất cả mọi người »

Ngày Phụ Nữ : Đức Giáo Hoàng chào mừng « sự dấn thân của họ để xây dựng một xã hội nhân bản hơn »

Triều kiến chung

MARS 08, 2023 18:42 MARINA DROUJININAAUDIENCE GÉNÉRALE

Triều kiến chung ngày 08 tháng 3 năm 2023

Trong Ngày Quốc Tế Phụ Nữ, 08 tháng 3 năm 2023, ĐGH Phanxicô « nghĩ tới tất cả các phụ nữ » và « cảm ơn họ vì sự dấn thân của họ để xây dựng một xã hội mang tính nhân bản hơn, nhờ vào khả năng của họ để hiểu được thực tế với một cách nhìn sáng tạo và một tấm lòng dịu dàng ».

« Đó là một đặc quyền dành cho phụ nữ ! » ngài khẳng định vào cuối buổi triều kiến chung ngày thứ tư 08 tháng 3 năm 2023, trên Quảng Trường Thánh Phêrô.

Đức Giáo Hoàng đã ban phép lành cho các phụ nữ hiện diện « ngay tại chỗ » : « Một phép lành đặc biệt cho tất cả các phụ nữ có mặt trên Quảng Trường, ngài nói. Và một tràng pháo tay cho các phụ nữ ! Họ xứng đáng với điều đó ! »

Phiên bản ngày Quốc Tế Phụ Nữ năm 2023 – vốn đã được chính thức hóa bởi Liên Hiệp Quốc năm 1977 – diễn ra dưới chủ đề Canh tân và công nghệ vì bình đẳng giới : cho một thế giới kỹ thuật số bao gồm, người ta có thể đọc trên trang nhà của LHQ. Chủ đề được chọn « cho phép chào mừng và tôn vinh phụ nữ và các thiếu nữ đang bảo vệ sự tiến bộ của công nghệ chuyển đổi và giáo dục kỹ thuật số ».

Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.

Journée des femmes : le pape salue « leur engagement à construire une société plus humaine » – ZENIT – Francais

Posted in Chưa được phân loại | Chức năng bình luận bị tắt ở Ngày Phụ Nữ : Đức Giáo Hoàng chào mừng « sự dấn thân của họ để xây dựng một xã hội nhân bản hơn »

Nga : « Những đau khổ gây ra bởi chiến tranh, bạo lực và những thiên tai »

Một bản thông cáo của Hội Đồng Giám Mục công giáo Nga

MARS 07, 2023 19:44 MARINA DROUJININA EGLISES LOCALES

Sibirskaja Katoličeskaja Gazeta – Www.Fides.Org

Theo nguồn tin của hãng thông tấn Fides của Vatican ngày 06 tháng ba, thì các giám mục công giáo của nước Nga « đã một lần nữa thu hút sự chú ý của các tín hữu về thực trạng của thế giới chúng ta, về những đau khổ gây ra bởi chiến tranh, bạo lực và những thiên tai » : đó là những điều các vị nói lên trong một bản thông cáo báo chí kết thúc vào lúc bế mạc hội nghị khoáng đại lần thứ 57 của HĐGM Nga, đã diễn ra gần thị trấn Novossibirsk, từ ngày 28 tháng 2 đến ngày 02 tháng 3 năm 2023.

Đức Khâm Sứ Tòa Thánh tại Nga và Ouzbekistan, Đức Cha Giovanni d’Aniello, và vị cố vấn của tòa khâm sứ, cha Piotr Tarnawski, đã tham dự hội nghị.

Trong bản thông cáo, các đức giám mục nói lên sự đau khổ của những người dân Ukraina cũng như nhân dân của vùng Caucase, của Syria và của Thổ Nhĩ Kỳ.

HĐGM kêu gọi chính phủ và tất cả các tín hữu hãy « cởi mở đón nhận những giá trị Phúc Âm mà Hội Thánh công giáo cưu mang, vốn là một phần nhỏ, nhưng không thể thiếu được trong xã hội Nga ». Người công giáo của Liên Bang Nga đại diện cho chưa đầy 1% của tổng dân số cả nước.

Hội nghị khoáng đại của HĐGM công giáo Nga kỳ tới sẽ được tổ chức tai thị trấn Togliatti của Nga từ ngày 22 đến ngày 24 tháng 11.

Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.

Russie : « Les souffrances causées par la guerre, la violence et les catastrophes naturelles » – ZENIT – Francais

Posted in Chưa được phân loại | Chức năng bình luận bị tắt ở Nga : « Những đau khổ gây ra bởi chiến tranh, bạo lực và những thiên tai »

Mùa Chay : Đức Giáo Hoàng sẽ cử hành « 24 giờ cho Chúa » trong một giáo xứ tại Rôma

Sáng kiến cầu nguyện và hòa giải lần thứ 10

MARS 07, 2023 19:19 MARINA DROUJININAROME

© Www.Evangelizatio.Va

Sáng kiến cầu nguyện và hòa giải lần thứ Mười « 24 giờ cho Chúa » sẽ được cử hành trong các giáo phận trên toàn thế giới hôm trước ngày chúa nhật thứ tư Tuần Thánh, từ ngày thứ sáu 17 tới ngày thứ bẩy 18 tháng 3 năm 2023, theo một bản thông cáo của Hội Đồng Giáo Hoàng về Tái Truyền Giảng Phúc Âm, người chủ xướng sự kiện này.

ĐGH Phanxicô sẽ chủ sự « 24 giờ cho Chúa » ngày 17 tháng 3, vào lúc 16giờ30, trong giáo xứ Santa Maria delle Grazie (Piazza Santa Maria Delle Grazie, 5). Trong buổi cử hành, mọi tín hữu nếu muốn, đều sẽ có thể nhận được bí tích hòa giải. Vé tham dự để tham dự buổi lễ được giới hạn vào sức chứa của nhà thờ giáo xứ và có thể được yêu cầu bằng cách điền vào mẫu trên trang này.

Trong sự kiện này, “các nhà thờ sẽ mở cửa suốt ngày » : « cánh cửa mở của các nhà thờ, như ghi trên bản thông cáo, là biểu tượng của tình yêu đầy lòng thương xót của Thiên Chúa ».  

Trên trang nhà của Hội Đồng Giáo Hoàng về Tái Truyền Giảng Phúc Âm có sẵn tài liệu mục vụ để cử hành « 24 giờ cho Chúa » bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Tập tiếng Pháp cho thấy rằng « trong buổi chiều ngày thứ sáu 17 tháng 3 và suốt chiều dài của ngày thứ bẩy 18 tháng 3 », « sẽ mang nhiều ý nghĩa là phải dự kiến một sự trọng thể mở rộng thánh đường, để cống hiến khả năng tiếp cận với bí tích hòa giải, tốt nhất là trong bối cảnh chầu Mình Thánh sống động ». Sự kiện « sẽ có thể bắt đầu chiều thứ sáu bởi phụng vụ Lời Chúa để chuẩn bị các tín hữu dọn mình xưng tội và kết thúc bằng việc cử hành Thánh Lễ vào chiều thứ bẩy ».

Phần đầu của bản hướng dẫn cống hiến « một số những suy nghĩ » để « giúp đỡ » các tín hữu « suy nghĩ về vẻ đẹp của bí tích Hòa Giải ». Các bài viết chuẩn bị để sống một cách ý thức cuộc gặp gỡ với linh mục vào lúc xưng tội cá nhân »   

Phần thứ nhì của tập hướng dẫn « có thể được sử dụng trong thời gian mở cửa nhà thờ, để những người sẽ đi vào để xưng tội có thể được trợ giúp trong cầu nguyện và suy ngẫm thông qua một hành trình trên nền tảng trên Lời của Thiên Chúa ».

Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.

Carême : le pape célébrera « 24 heures pour le Seigneur » dans une paroisse de Rome – ZENIT – Francais

Posted in Chưa được phân loại | Chức năng bình luận bị tắt ở Mùa Chay : Đức Giáo Hoàng sẽ cử hành « 24 giờ cho Chúa » trong một giáo xứ tại Rôma

« Hội Thánh cần sự nhiệt tình của anh em »

Diễn văn trước cộng đoàn Chủng Viện St-Mary của Cleveland

MARS 07, 2023 19:11 HÉLÈNE GINABATEGLISES LOCALESPAPE FRANÇOISROME

Diễn văn trước Cộng Đoàn Chủng Viện Thánh Maria ngày 06.03.2023

« Hội Thánh cần sự nhiệt tình, sự đại lượng và lòng hăng hái của anh em để cho mọi người thấy được rằng Thiên Chúa luôn ở với chúng ta, trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời », ĐGH Phanxicô đã tuyên bố với cộng đoàn Chủng Viện Thánh Maria của giáo phận Cleveland, tại Hoa Kỳ.

Tiếp đón, trong một buổi triều kiến tại sảnh đường Clementine của Dinh Tông Tòa, các chủng sinh của giáo phận Cleveland và những người trách nhiệm của họ, hôm thứ hai 06/3/2023, Đức Giáo Hoàng đã ban cho họ ba khuyến nghị « cốt yếu cho việc đào tạo của họ », vốn được lấy cảm hứng từ tiến trình hiệp hành mà Hội Thánh đang sống trong hiện tại : « lắng nghe, cùng nhau bước đi và làm chứng ».

Đức Giáo Hoàng đã khuyến khích họ hãy « tận hiến » cho Thiên Chúa và cho dân thánh của Người, « trong sự yêu thương đời sống độc thân và với một trái tim không san sẻ », để trở thành « một dấu chỉ Hội Thánh đi ra » bằng cách làm chứng « tình yêu đầy lòng thương xót của Chúa Giêsu » cho tất cả mọi người, đặc biệt là cho những người bé mọn nhất.   

ĐGH Phanxicô đã mời gọi các chủng sinh hãy « vun trồng một thói quen cầu nguyện », hãy « lắng nghe Chúa » « trong sự yên lặng, trước nhà tạm », để « phân định thánh ý Người ». Ngài đã khuyến khích họ hãy triển khai một « tinh thần hiệp thông huynh đệ » với Giáo Hội địa phương cũng như Giáo Hội Hoàn Vũ.

Bài diễn văn của ĐGH Phanxicô

Thưa Đức Cha,
Thân chào quý anh chị em !

Tôi nồng nhiệt hoan nghênh quý anh chị em, các linh mục, các phó tế, các chủng sinh, các giáo sư và các nhân viên của Chủng Viện Thánh Maria, và tôi cảm ơn Đức Cha Malesic vi những lời chào mừng của ngài đại diện cho tất cả mọi người.

Các bạn thân mến, cuộc viếng thăm Rôma của anh chị em, ở trung tâm của Hội Thánh, xẩy ra trong lúc các bạn cử hành ngày kỷ niệm 175 năm thành lập Chủng Viện của các bạn. Đây là dịp thuận lợi để tạ ơn Thiên Chúa vì một số lớn các linh mục đã được đào tạo bởi viện của các bạn trong những năm đó. Tôi cũng rất sung sướng khi biết rằng Chủng Viện tiếp tục đáp ứng những nhu cầu hiện nay của Hội Thánh, bằng cách huấn luyện và đào tạo các phó tế và các thừa tác viên giáo dân để giúp đỡ các thành viên của Dân Thánh của Thiên Chúa để sống ơn gọi của họ được là những môn đệ thừa sai. Ơn gọi này thậm chí còn có tầm quan trọng còn lớn lao hơn nữa dưới ánh sáng của hành trình hiệp hành trong đó toàn thể Hội Thánh đã bước vào.

Trong lúc mà anh em đang trên hành trình đi tới sự thụ phong và phục vụ mục vụ, tôi muốn chia sẻ với anh em một vài suy nghĩ ngắn gọn về ba đặc tính của tiến trình hiệp thành vốn cũng là cốt lõi cho việc đào tạo của anh em với tư cách là các linh mục và thừa tác viên của Phúc Âm tương lai.

Đặc tính thứ nhất là sự lắng nghe, nhất là lắng nghe Chúa. Chúng ta biết rằng, một mình chúng ta, chúng ta không thể làm gì cả, bởi vì « ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công » (Tv 127,1). Ý thức này kêu gọi chúng ta hãy dọn một chỗ cho Chúa mỗi ngày trong cuộc đời của chúng ta, hãy suy ngẫm Lời của Người, hãy tìm kiếm ánh sáng cho con đường của chúng ta nhờ vào một sự đồng hành thiêng liêng, và nhất là hãy bỏ thời gian ra với Người trong cầu nguyện, bằng cách lắng nghe Người trong thinh lặng trước nhà tạm. Anh em đừng bao giờ quên, quan trọng là anh em đến trước mặt Chúa để lắng nghe điều Người muốn nói với anh em. Thực vậy, lắng nghe lời của Thiên Chúa tự trong đáy lòng của chúng ta và phân định thánh ý của Người là điều tối cần thiết cho sự trưởng thành nội tâm của chúng ta, nhất là khi chúng ta đối mặt với những nhiệm vụ khẩn cấp và khó khăn. Ở điểm này, cuộc sống tại chủng viện đã cống hiến cho anh em cơ hội để tu luyện một thói quen cầu nguyện vốn sẽ giúp anh em trong thừa tác vụ tương lai của anh em. Đồng thời, sự lắng nghe Chúa cũng bao hàm sự đáp lại trong đức tin tất cả những gì Người đã mặc khải và Hội Thánh đã thông truyền, để chúng ta có thể giảng dạy và rao truyền cho những người khác sự thật và vẻ đẹp của Tin Mừng một cách đích thực và vui mừng.

Đặc tính thứ hai của con đường hiệp hành mà tôi muốn đề nghị với anh em là cùng nhau bước đi. Thời gian đào tạo tại chủng viện của anh em là một cơ hội đào sâu tinh thần hiệp thông huynh đệ, không chỉ giữa anh em với nhau, mà còn với giám mục của anh em, với linh mục đoàn của Giáo Hội địa phương, với các tín hữu thánh hiến và với các giáo dân, cũng như với Hội Thánh hoàn vũ. Chúng ta phải nhận ra mình như là thành phần của một dân tộc to lớn đã nhận được những lời hứa của Thiên Chúa như một ân sủng chứ không phải một đặc quyền. Cũng như vậy, ơn gọi của anh em là một ân sủng để phục vụ việc xây dựng thân thể Đức Kitô (x. Ep 4,12). Quả vậy, người mục tử nhân lành bước đi với đàn chiên : đôi khi phía trước, để chỉ đường ; đôi khi ở giữa, để khuyến khích, và đôi khi phía sau, để đồng hành với những kẻ khó khăn nhất. Anh em hãy luôn nhớ rằng, quan trọng là đi với đàn, không bao giờ rời xa đàn.

Sau cùng, đặc tính thứ ba : làm chứng. Sự lắng nghe Thiên Chúa và bước đi với người khác mang hoa trái khi chúng ta trở thành dấu hiệu sống động của Chúa Giêsu hiện diện trên thế gian. Mong rằng những năm tháng tại chủng viện chuẩn bị cho anh em để anh em tận hiến cho Thiên Chúa và cho dân thánh của Người, trong sự yêu thương đời sống độc thân và với một trái tim không san sẻ. Hội Thánh cần sự nhiệt tình của anh em, cần lòng quảng đại và sự hăng hái của anh em để chứng tỏ với mọi người rằng Thiên Chúa luôn ở với chúng ta, trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Sau cùng , tôi cầu nguyện để, trong các hình thức tông đồ về giáo dục và bác ái mà anh em đã tham gia, anh em luôn là dấu hiệu của một Hội Thánh đi ra (x. Evangelii gaudium, 20), làm chứng và chia sẻ tình yêu đầy lòng thương xót của Chúa Giêsu với tất cả các thành viên của gia đình nhân loại, đặc biệt là với người nghèo và những người trần trụi nhất.

Các bạn thân mến, lắng nghe, cùng nhau bước đi và làm chứng in dấu con đường hiệp hành của Hội Thánh và cũng là hành trình của các bạn hướng tới sự thụ phong linh mục. Tôi chắc chắn rằng, trên con đường này, sự học tập và đào tạo của các bạn tại Chủng Viện Thánh Maria sẽ cho phép các bạn lớn lên trong sự trung thành với tình yêu của Thiên Chúa và trong sự khiêm nhường phục vụ các anh chị em của chúng ta. Tôi phó thác các bạn cho sự chuyển cầu mẫu từ của Đức Trinh Nữ Maria, bổn mạng chủng viện của các bạn ; và với tất cả nhiệt tâm, tôi ban phép lành cho mỗi người trong các bạn, cho gia đinh các bạn và cho các Giáo Hội địa phương của các bạn. Và tôi xin các bạn hãy cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn.

© Traduction de Zenit

Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.

« L’Église a besoin de votre enthousiasme » – ZENIT – Francais

Posted in Chưa được phân loại | Chức năng bình luận bị tắt ở « Hội Thánh cần sự nhiệt tình của anh em »

Ứng dụng công giáo đánh bại Netflix, Instagram và TikTok trong các ứng dụng Google

Cho đến nay đã có 100 triệu kinh nguyện

MARS 07, 2023 17:23 RÉDACTIONEGLISES LOCALES

Ứng dụng Hallow

Xuất hiện tại viện đại học Notre Dame năm 2018, ứng dụng Hallow đã lan rộng trong 150 quốc gia, thực hiện 100 triệu kinh nguyện cho đến hiện nay, được hỗ trợ bởi ứng dụng này.

Rafael Llanes

Traduction de l’espagnol Dịch từ tiếng Tây Ban Nha

(Zenit News/Mexicô, 05.3.2023) – Ứng dụng cho điện thoại di động mang tên Hallow, với những gợi ý cầu nguyện, đã được sử dụng hôm Lễ Tro vừa qua, đã đánh bại Netflix, Spotify, Instagram và TikTok. Điều gì ẩn dấu đàng sau phản ứng này của quần chúng, không được cổ vũ bởi những lợi ích thương mại ?

Xuất hiện tại viện đại học Notre Dame năm 2018, cho đến bây giờ, ứng dụng Hallow đã lan rộng trong 150 quốc gia, thực hiện 100 triệu kinh nguyện được tải đi bởi ứng dụng này.

Người sáng lập, Alex Jones đã tuyên bố với trang mạng Daily Wire rằng họ không chờ đợi một phản ứng như thế. Trong một thế giới mà sự hiện diện của cầu nguyện và của văn hóa thiêng liêng là thiểu số trong truyền thông công cộng và các mạng lưới truyền hình ngoài đời, đã có hàng triệu người tìm cách cầu nguyện và đến gần với gương mẫu của Chúa Giêsu, như là chay tịnh và đối thoại với Thiên Chúa. Phải chăng đây là xu hướng của lòng người muốn đến gần Thiên Chúa đang lớn mạnh lên hơn những gì mà văn hóa vô thần toàn diện thường tự phụ không ?

Biến cố kỹ thuật số này nhắc chúng ta rằng mỗi linh mục và mỗi người trách nhệm mục vụ đều được mời gọi đáp ứng những nhu cầu cầu thiêng liêng hiện nay của mọi người, thường hay dấu mình và im lặng.

Phát huy sự cầu nguyện, việc đền tội và lòng bác ái rộng rãi trong thời phụng vụ Mùa Chay này trở thành một sự cần thiết được đòi hỏi bởi một đại đa số những con người thinh lặng và mở ra với mầu nhiệm.

Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.

L’application catholique qui bat Netflix, Instagram et TikTok dans les applications Google – ZENIT – Francais

Posted in Chưa được phân loại | Chức năng bình luận bị tắt ở Ứng dụng công giáo đánh bại Netflix, Instagram và TikTok trong các ứng dụng Google

Kinh Truyền Tin : nhận ra « vẻ đẹp của tình yêu ban tặng »

Lời ĐGH Phanxicô trước Kinh Truyền Tin

MARS 06, 2023 19:37HÉLÈNE GINABATANGÉLUS

Kinh Truyền Tin ngày 02 tháng 3 năm 2023

Quan trọng là phải biết « ở lại với Chúa Giêsu », ngay cả khi chúng ta không hiểu được « tất cả những gì Người phán và tất cả những gì Người làm cho chúng ta », ĐGH Phanxicô khẳng định. « Chính là khi ở lại với Người, ngài giải thích, mà chúng ta học được cách nhận biết trên dung nhan của Người, vẻ đẹp sáng láng của tình yêu được ban tặng, kể cả khi Người mang những dấu ấn của thập giá ».

ĐGH Phanxicô đã bình giảng bài Phúc Âm của ngày chúa nhật 05 tháng 3 năm 2023, trước Kinh Truyền Tin, được đọc vào buổi trưa trước khoảng 25 000 người, theo sự ước lượng của cảnh sát Vatican. Khi Chúa Giêsu biến hình trên núi, trước mặt các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan, « các môn đệ của Người đã nhìn thấy tận mắt vẻ đẹp và sự huy hoàng của Tình Yêu Thiên Chúa nhập thể nơi Đức Kitô », Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh.

Qua kinh nghiệm này, Chúa Giêsu « huấn luyện » và « chuẩn bị » cho các môn đệ của Người để « bước một bước » nữa : quả thế, ĐGH Phanxicô lưu ý, các ông sẽ sớm « phải có khả năng nhận biết nơi Người cũng vẻ đẹp đó, khi Người sẽ lên cây thập giá và dung nhan của Người sẽ bị biến dạng », vẻ đẹp vốn « không tách xa các môn đệ khỏi thực tế của cuộc đời », mà sẽ ban cho các ông « sức mạnh để đi theo Người đến tận Giêrusalem, đến tận thập giá ».

Đức Giáo Hoàng đã kết luận bằng cách mời gọi hãy nhận biết « ánh sáng của tình yêu Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta », trong những người bên cạnh chúng ta hàng ngày, và hãy chọn lựa giữa ánh sáng đó của Chúa và cái ánh sáng, « giả dối và giả tạo » của « lửa rơm của những ngẫu tượng ». Sự chiêm ngắm « những điều kỳ diệu của Thiên Chúa » và « dung nhan » của Người, Đức Giáo Hoàng kết luận, phải « thúc đẩy chúng ta phục vụ người khác ».

Lời ĐGH Phanxicô trước Kinh Truyền Tin

Thân chào quý anh chị em !

Nhân ngày chúa nhật thứ hai Mùa Chay này, bài Phúc Âm về sự Hiển Dung đã được tuyên bố. Chúa Giêsu dẫn các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi với Người lên ngọn núi và Người đã tỏ mình ra cho các ông trong tất cả vẻ đẹp của Người như Con của Thiên Chúa (x. Mt 17, 1-9).

Chúng ta hãy dừng lại một chút trên cảnh này và hãy tự hỏi : vẻ đẹp này là gì ? Các môn đệ nhìn thấy gì ? Một hiệu ứng ly kỳ ? Không, không phải thế. Các ông nhìn thấy ánh sáng sự thánh thiêng của Thiên Chúa chiếu tỏa trên dung nhan và y phục của Chúa Giêsu, hình ảnh tuyệt hảo của Chúa Cha. Sự uy nghi của Thiên Chúa, vẻ đẹp của Thiên Chúa đã được bầy tỏ. Nhưng Thiên Chúa là Tình Yêu, và vì thế các môn đệ đã tận mắt chứng kiến vẻ đẹp và sự huy hoàng của Tình Yêu Thiên Chúa nhập thể trong Đức Kitô. Các ông đã được nếm trước hương vị của thiên đàng ! Thật là biết bao ngạc nhiên cho các môn đệ ! Từ quá lâu các ông đã có trước mắt dung nhan của Tình Yêu, nhưng các ông đã không bao giờ nhận ra được vẻ đẹp đến độ nào ! Chỉ đến bây giờ các ông mới nhận ra được điều này với niềm vui lớn, với một niềm vui vô biên.

Thực chất, với trải nghiệm này Chúa Giêsu huấn luyện các ông, chuẩn bị các ông cho một chặng đường còn quan trọng hơn nữa. Quả vậy, ít lâu sau, các ông sẽ phải có khả năng nhận biết nơi Người cũng vẻ đẹp đó khi người sẽ lên cây thập giá và dung nhan Người sẽ bị biến dạng. Ông Phêrô khó mà hiểu được : ông những muốn chặn đứng thời gian, để màn kịch phải « ngưng nghỉ », ở lại và kéo dài cái trải nghiệm tuyệt vời này ; nhưng Chúa Giêsu không cho phép. Thực ra, ánh sáng của Người không thể bị thu gọn lại thành một « khoảnh khắc thần diệu » ! Như thế, điều đó có lẽ sẽ trở thành một chuyện giả tạo, tan loãng trong sương mù của những tình cảm thoáng qua. Trái lại, Đức Kitô là ánh sáng hướng dẫn đường đi, cũng như cột lửa đối với những người trong sa mạc (x. Xh 13,21). Vẻ đẹp của Chúa Giêsu không tha hóa các môn đệ đối với thực tế của cuộc đời, nhưng Người đã ban cho các ông sức mạnh đi theo Người lên thành Giêrusalem, đến cây thập giá. Vẻ đẹp của Đức Kitô không tha hóa, nó luôn đem quý anh chị em lên phía trước, nó không làm cho quý anh chị em lẩn trốn : quý anh chị em hãy tiến tới phía trước !

Thưa quý anh chị em, bài Phúc Âm này cũng vạch ra con đường cho chúng ta : nó dạy cho chúng ta ở với Chúa Giêsu là quan trọng đến mức nào, ngay cả khi không dễ gì để hiểu tất cả những gì Người phán dạy và Người làm cho chúng ta. Thực vậy, chính là khi ở với Người, chúng ta mới học được cách nhận biết trên nét mặt của Người vẻ đẹp sáng láng của tình yêu được trao ban, kể cả khi Người mang những dấu ấn của Thập Giá. Và chính là ở trường học của Người mà chúng ta học được cách nắm bắt cũng cùng một vẻ đẹp trên khuôn mặt của những người đang bước đi bên cạnh chúng ta mỗi ngày : những thành viên của gia đình, những bè bạn, những đồng nghiệp, những người đang săn sóc chúng ta bằng đủ mọi cách khác nhau. Biết bao khuôn mặt sáng ngời, biết bao nụ cuời, biết bao vết nhăn, biết bao giọt lệ và vết sẹo, đều nói về tình yêu chung quanh chúng ta ! Chúng ta học được cách nhận biết họ và lấp đầy trái tim của họ. Và rồi chúng ta hãy lên đường, để mang lại cho những người khác ánh sáng mà chúng ta đã nhận được, với những công trình cụ thể của tình yêu (x. 1Ga 3,18), bằng cách dấn thân một cách quảng đại vào những công việc hàng ngày, bằng cách yêu thương, phục vụ và tha thứ với lòng nhiệt thành và sẵn sàng hơn. Sự chiêm ngắm những kỳ công của Thiên Chúa, sự chiêm ngắm dung nhan của Thiên Chúa, dung nhan của Chúa, phải thúc đẩy chúng ta phục vụ những người khác.

Chúng ta có thể tự hỏi : chúng ta có biết nhận ra ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc đời của chúng ta không ? Chúng ta có nhận biết Người với niềm vui và lòng biết ơn về khuôn mặt của những người yêu thương chúng ta không ? Chúng ta có tìm chung quanh chúng ta những dấu hiện của ánh sáng đó đang lấp đầy trái tim chúng ta và mở ra cho tình yêu và sự phục vụ không ? Hay là chúng ta lại muốn những ngọn lửa rơm của các ngẫu tượng, làm chúng ta bị tha hóa và giam cầm chúng ta trong chính mình ? Ánh sáng vĩ đại của Chúa và ánh sáng giả tạo của các ngẫu tượng. Tôi muốn cái gì ?

Cầu xin Đức Mẹ Maria, Mẹ đã giữ trong lòng ánh sáng của Con của Mẹ, kể cả trong bóng  tối núi Calavêrô, luôn đồng hành với chúng ta trên con đường của tình yêu.

Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.

Angelus : reconnaître « la beauté de l’amour qui se donne » – ZENIT – Francais

Posted in Chưa được phân loại | Chức năng bình luận bị tắt ở Kinh Truyền Tin : nhận ra « vẻ đẹp của tình yêu ban tặng »

Hungari : Tiết lộ lôgô và khẩu hiệu chuyến tông du

Cầu Xích gợi lên ý tưởng xây dựng những cây cầu giữa những con người với nhau

MARS 01, 2023 17:30 HÉLÈNE GINABATVOYAGES APOSTOLIQUES

Huy hiệu và khẩu hiệu của chuyến tông du thứ 41 của ĐGH Phanxicô, sẽ diễn ra từ ngày 28 đến ngày 30 tháng 4 năm 2023, tại Budapest, đã được tiết lộ hôm nay bởi phòng báo chí Tòa Thánh.

 Yếu tố trung tâm của huy hiệu trình bầy Cây Cầu Xích của Budapest, cây cầu cổ nhất của Hungari, bắc qua sông Danube. Biểu tượng của thủ đô và của đất nước, nó đã được xây lúc đầu để nối hai thành phố Buda và Pest. Nó muốn nhắc nhở tầm quan trọng phải xây những cây cầu giữa những con người với nhau, ý niệm nhiều lần được biểu lộ bởi Đức Giáo Hoàng người Argentina này.

 Trên hai đỉnh cầu là nơi gặp gỡ những mấu sắc của Tòa Thánh (vàng và trắng) và mầu sắc của Hungari (đỏ, trắng và xanh lá cây). Lôgô được giới hạn bởi một vòng tròn tượng trưng cho Thánh Thể, nhưng cũng là hình thế giới được Chúa Kitô cứu chuộc.

 Trong phần bên trái của vòng tròn, một cây thập giá nhắc nhở bài diễn từ của Đức Giáo Hoàng hôm 12 tháng 9 năm 2021 tại Budapest, trong đó ngài cầu chúc rằng cây thập giá trở thành một cây cầu giữa quá khứ và tương lai. Trong phần bên trái vòng tròn đã được viết lên khẩu hiệu : « Chúa Kitô là tương lai của chúng ta, ĐGH Phanxicô tới Hungari ngày 28-30 tháng 4 năm 2023 ».

 Cầu Xích, cũng được biết đến như là Cầu Szécheyi, tên của người tạo ra nó, hoàng thân Istvan Széchenyi, đã được khánh thành ngày 20 tháng 11 năm 1849, sau 10 năm xây cất, để đối phó với những thay đổi khí hậu gây khó khăn cho việc qua lại trên sông Danube.

Bị đánh thuốc nổ năm 1945 bởi quân đội Đức Quốc Xã, như tất cả các cây cầu khác của Budapest, cây cầu treo này đã được tái thiết y nguyên như cũ và cây cầu mới này được khánh thành vào đúng ngày kỷ niêm 100 năm tuổi của cây cầu, ngày 20 tháng 11 năm 1949.

Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.

Hongrie : le logo et la devise du voyage apostolique dévoilés – ZENIT – Francais

Posted in Chưa được phân loại | Chức năng bình luận bị tắt ở Hungari : Tiết lộ lôgô và khẩu hiệu chuyến tông du

ĐGH Phanxicô sẽ đến Hungari từ ngày 28 đến ngày 30 tháng 4 năm 2023

Chuyến tông du thứ 41. Ngài sẽ gặp ông thủ tướng Viktor Orban

FÉVRIER 28, 2023 19:15 HÉLÈNE GINABATVOYAGES APOSTOLIQUES

Đức Giáo Hoàng gặp các Giám Mục của Hungari

ĐGH Phanxicô sẽ đến Budapest, thủ đô nước Hungari từ ngày 28 đến ngày 30 tháng tư tới đây, ở đây ngài sẽ gặp ngoài những người khác, ông thủ tướng Viktor Orban. Đây sẽ là chuyến tông du thứ 41 của ngài và là chuyến đi thứ nhì tới Hungari.

« Đón nhận lời mời của các giới chính quyền dân sự và giáo hội, ĐGH Phanxicô sẽ thực hiện một chuyến tông du tới Hungari từ ngày 28 đến ngày 30 tháng 4 năm 2023 ; ngài sẽ đi đến thành phố Budapest », ông Matteo Bruni, giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh đã thông báo hôm thứ hai 27/02/2023, ông cũng đã tiết lộ chương trình của chuyến tông du này.

ĐGH Phanxicô đã viếng thăm thủ đô nước Hungari rồi, nơi đó ngài đã chủ sự thánh lễ bế mạc Đại Hội Thánh Thể ngày 12/9/2021, sau khi gặp gỡ ông thủ tướng Viktor Orban, với sự tháp tùng của Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin và Đức Cha Richard Gallagher, thứ trưởng bộ Ngoại Giáo.

Gần đây, đảng Fidesz của ông thủ tướng Hungari đã thắng lần thứ tư trong cuộc bầu cử Quốc Hội ngày 03 tháng 4 năm ngoái, ông cũng đã gặp Đức Giáo Hoàng trong một buổi tiếp kiến riêng tại Rôma hôm thứ năm 21/4/2022, chuyến thăm viếng ở nước ngoài sau cuộc bầu cử. Vào dịp này, Đức Giáo Hoàng đã cảm ơn ông vì sự tiếp nhận những người Ukraina tỵ nạn tại Hungari.

Bà tổng thống của nước cộng hòa, Katalin Novak, cũng đã được tiếp kiến bởi Đức Giáo Hoàng tại Vatican hôm thứ năm 25 tháng 8 năm 2022, ít tháng sau khi bà đắc cử. Bà đã đích thân đưa lời mời ngài đến Hungari, trước khi trao đổi với Quốc Vụ Khanh và Đức Cha Paul Richard Gallagher.

Sau đây là chương trình chuyến tông du Hungari :

Thứ sái 28 tháng 4, máy bay của Đức Giáo Hoàng sẽ cất cánh từ phi trường quốc tế Rôma Fiumicino lúc 08giờ10 để tới phi trường quốc tế Budapest lúc 10 giờ. Tại đây, ngài sẽ được đón chào chính thức trước khi tới Dinh Sandor cho lễ nghi nghênh đón, tiếp đó là cuộc viếng thăm xã giao bà Tổng Thống. Sau đó, ngài sẽ gặp ông thủ tướng vào khoảng trước trưa.

Đức Giáo Hoàng sẽ đọc bài diễn văn đầu tiên trước các giới chức xã hội dân sự và Ngoại Giao đoàn, trong tu viện dòng Cát Minh cũ, trong một cuộc gặp gỡ được dự trù vào lúc 12giờ20.

Ngày 17 giờ, ngài sẽ gặp các giám mục, các linh mục, các phó tế, những người nam nữ tận hiến, các chủng sinh và các tác nhân của mục vụ, trong nhà thờ chung Thánh Têphanô và ngài sẽ đọc bài diễn văn thứ nhì.

Thứ bẩy 29 tháng 4, buổi sáng của Đức Giáo Hoàng sẽ được dành cho một cuộc viếng thăm riêng các em nhỏ của Viện « Chân Phước Batthyany-Strattmann », vào lúc 8giờ45. Tiếp theo đó sẽ là cuộc gặp gỡ với người nghèo và những người tỵ nạn trong nhà thờ Thánh Elisabeth của Hungari nơi ngài sẽ đọc bài diễn văn thứ ba của ngài.

Trong buổi chiều, lúc 16giờ30, Đức Giáo Hoàng sẽ gặp giới trẻ, tại « Papp Laszio Budapest Sportaréna » và ngài sẽ đọc bài diễn văn thứ tư. Vào khoảng 18 giờ, từ nay sẽ có cuộc gặp gỡ riêng với các thành viên của Dòng Tên tại Tòa Khâm Sứ.

Chúa nhật 30 tháng 4, trên Quảng Trường Kossuth Lajos, ĐGH Phanxicô sẽ chủ sự thánh lễ lúc 9giờ30, tiếp đó là Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng. Ngài cũng sẽ ban bài huấn đức.

Ngài sẽ có một cuộc gặp mặt cuối vào lúc 16 giờ, trong đó ngài sẽ đọc bài diễn văn thứ năm của ngài, với giới đại học và văn hóa, tại Khoa tin học và khoa học sinh học của Đại Học công giáo « Peter Pazmany ».

Sau lễ nghi tiễn biệt tại phi trường quốc tế của Budapest, máy bay của Đức Giáo Hoàng sẽ cất cánh lúc 18giờ. Tới phi trường quốc tế Rôma-Fiumicino được dự trù khoảng 20 giờ.

Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.

Le pape François se rendra en Hongrie du 28 au 30 avril – ZENIT – Francais

Posted in Chưa được phân loại | Chức năng bình luận bị tắt ở ĐGH Phanxicô sẽ đến Hungari từ ngày 28 đến ngày 30 tháng 4 năm 2023